Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Sự chết - Một điểm hẹn của tình yêu

[caption id="attachment_3585" align="aligncenter" width="450" caption="Khi bạn sinh ra đời, bạn khóc còn mọi người xung quanh cười. Hãy sống sao cho khi bạn qua đời, mọi người khóc còn bạn, bạn cười."][/caption]

Người ta sinh ra trong đời bằng một tiếng khóc do chính người được sinh ra cất lên. Tiếng khóc chào đời báo hiệu một niềm vui vì một sự sống mới đi vào trần thế. Nhưng khi người ta giã từ trần gian, lúc mà không tự mình khóc được thì bao nhiêu người khác sẽ khóc thay cho họ. Người ta khóc thay cho một tình yêu đã không còn hiện hữu trên trần gian này nữa. Có lẽ đây là tiếng khóc da diết, thảm sầu nhất. Thế nhưng, dường như chính sự chết đã quy tụ người ta lại trong tiếng khóc, và chính tiếng khóc này là điểm gặp gỡ của tình yêu tha nhân.

Ngẫu nhiên, sự chết tạo nên một tình cảm sâu lắng trong lòng người để diễn tả thành một thứ tình yêu nào đó. Tình yêu của sự nhớ thương. Tình yêu của sự tiếc nuối. Tình yêu của sự chia ly. Tình yêu của sự liên đới… Như một quy luật vang dội trong lòng người nơi một điểm hẹn là giây phút cuối đời tạo nên một cảm giác rất đặc biệt. Chính sự chết của người thân yêu chúng ta muốn bộc lộ ra một mạc khải về tình yêu của trời cao mà chỉ có Thiên Chúa mới ban phát được điều này. Không cảm nghiệm được khía cạnh này của tình yêu bao nhiêu là do người ta không biết vượt lên trên, vượt ra ngoài thực tại của sự chết; hoặc coi nhẹ những lời an ủi, khích lệ.

Con người luôn cần một nhu cầu là chia sẻ. Thực chất của vấn đề này là tình yêu. Khi người ta chết thì nhu cầu tự chia sẻ không còn nữa nhưng người chết lại trở thành nguyên nhân của tình yêu, trở thành điểm gặp gỡ của tình yêu con người và Thiên Chúa. Thông thường lúc chết, người ta được mọi người quan tâm và yêu thương hơn lúc nào hết. Đối với Thiên Chúa, một tình yêu tuyệt đối sẽ muốn gặp gỡ người đã chết như một sự đón nhận tất cả trong vòng tay yêu thương của Ngài, bởi vì đứa con ấy nay đã trở về với tất cả con người thực của mình làm Thiên Chúa phải reo lên:  “Con Ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Chính sự mong manh của phận người cộng với sự bất ngờ của giây phút tắt thở là lý do để Thiên Chúa bộc lộ tình thương của Ngài. Nếu như người ta còn biết thông cảm cho những thiếu sót, những lỡ hẹn của nhau thì Thiên Chúa là Đấng nhân từ sao lại có thể chấp nhất chúng ta điều ấy được. Chúa đã chẳng dạy Phêrô rằng phải tha bảy mươi lần bảy đó sao?

Tính đột ngột của cái chết sẽ gây nên một sự “chấn động” kinh khủng cho Thiên Chúa khi biết đứa con mình đã không còn nữa, sẽ làm Ngài xúc động mãnh liệt nên bắt buộc phải yêu thương. Giống như khi chúng ta được tin người thân qua đời bất ngờ sẽ ra sao? Hẳn đây là sự suy diễn theo kiểu con người trần thế nhưng nó vẫn hàm chứa một mạc khải về tình thương của Thiên Chúa có tính cách “như nhân”. Dĩ nhiên đối với Thiên Chúa thì không có điều gì là bất ngờ, không có điều gì khiến cho Ngài phải hoang mang. Sự sống và sự chết của con người nằm ở trong tay Ngài. Vận mạng chúng ta do Ngài nắm giữ. Vậy thì chính những biến cố và sự kiện sẽ nảy sinh ra tình yêu cũng là do Thiên Chúa điều khiển. Tính bất ngờ của sự chết nơi người thân yêu của chúng ta do Thiên Chúa an bài để từ đó tạo ra những xúc cảm, những bác ái, yêu thương ở nhiều mức độ khác nhau tuỳ theo sự liên đới giữa người sống và kẻ chết. Như vậy, cái chết là một thực tại có dáng vẻ buồn nhưng lại rất cần thiết làm cho các mối tương giao về tình thương yêu được thể hiện rõ ràng hơn.

Hàm chứa trong nỗi đau thương mất mát qua sự chết có rất nhiều điều mà người ta cứ tưởng rằng đó là sự qua đi vĩnh viễn nhưng chỉ có con mắt đức tin mới nhận ra được sức sống đang hình thành nơi hạt lúa mì vừa được gieo vào lòng đất. Tình yêu thương cũng có lúc ẩn lúc hiện như thế. Đôi khi không cần qua những dấu hiệu, thế mà lại diễn tả được một nội dung thật đầy đủ. Đôi khi không cần sự ồn ào náo nhiệt bên ngoài nhưng lại có sức lay động nơi những gì là sâu thẳm thiêng liêng nhất trong con người ta. Chỉ cần nhìn vào biến cố phục sinh của Đức Giêsu Kitô thì hiểu rõ điều này. Giây phút Ngài phục sinh nào ai biết, cũng không ai nghe thấy âm thanh rung chuyển nơi khu vực quanh mộ Ngài, nhưng lại có một sức mạnh ghê gớm làm lay động và biến đổi tất cả thế giới và con người.

Có lẽ phần nào mỗi người chúng ta cũng đang cảm nghiệm được một chút lay động nơi con người mình khi đến bên người chết. Chỉ có tình yêu mới giải thích giúp ta. Chỉ có nội tâm mới giúp ta gặp gỡ được người chết. Chỉ có niềm tin mới đưa  ta vào mối hiệp thông thiêng liêng, chứ không phải là tiếng than van, nghẹn ngào rên rỉ hay những nghi thức bề ngoài. Nó chỉ diễn tả được phần nào của chiều kích hiệp thông giữa con người với nhau mà thôi.

Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét