Ngày 25/6/1867, Don Bosco kể cho trẻ em giấc mơ sau đây:
“Chiều kia, trước khi đi ngủ, cha đang suy nghĩ về việc sau khi chết các Linh Hồn sẽ tồn tại thế nào, cha ngủ thiếp đi. Bỗng nhiên một người xuất hiện trên đường, đứng lại gọi: “Xin cha đến coi linh hồn hữu thể thế nào sau khi chết”.
Nhanh như chớp, người đó và cha đến trước một lâu đài lớn. Qua các hành lang và cầu thang, cha đi từ phòng này sang phòng khác cho đến khi tới một phòng khách rộng lớn. Cha thấy một Giám Mục ngồi trên ghế bành, đang tiếp khách. Cha tiến lại gần để chào và nhận ra ngài: đó là Đức Cha… (Don Bosco nêu tên ngài) đã chết hai năm trước. Diện mạo ngài rạng rỡ và xinh đẹp.
Cuộc nói chuyện bắt đầu. Đức Giám Mục cho cha biết là ngài đã được cứu rỗi, nhưng chưa được xem thấy Chúa, do đó ngài cần được người ta cầu nguyện cho. Cha hỏi ngài:
- Kính thưa Đức Cha, Đức Cha còn phải chờ bao lâu mới được lên Thiên Đàng?
Ngài không trả lời, nhưng đưa cho cha một tờ giấy được trang hoàng bằng những bông hoa xanh, đỏ, tím. Cha không đọc thấy một chữ nào trên đó. Cha ngạc nhiên nhìn vị Giám Mục. Ngài bảo:
- Con hãy lật ngược tờ giấy lại.
Cha lật ngược tờ giấy và đọc thấy ở đó con số 2. Đức Giám Mục tiếp:
- Con thấy chứ, sự phán xét của Thiên Chúa hoàn toàn khác với sự phán xét của thế gian.
Khi ấy cha xin ngài vài lời khuyên để nói lại với các trẻ em của cha. Đức Giám Mục trả lời:
- Con hãy bảo chúng cứu lấy Linh Hồn, cái còn lại thì không đáng kể. Và để cứu Linh Hồn, cần phải sống tốt, vâng phục và trong sạch; phải xưng tội nên và năng rước lễ. Hãy khuyên chúng đừng để mình bị lầm lạc vì những quyến rũ giả trá của thế gian: tất cả là phù vân và cay đắng. Hãy bảo chúng vun trồng đức trong sạch, nhân đức sáng chói trên Thiên Đàng. Để vun trồng nhân đức này, phải cầu nguyện, vâng phục, tránh nhàn rỗi và biết xa lánh dịp tội.
Cha chào và vội vã trở về nhà để không quên mất một điều nào trong những lời khuyên tốt lành ấy. Nhưng rồi nhớ là còn phải hỏi vị Giám Mục những soi sáng khác, cha quay trở lại. Cha vẫn nhìn thấy ngài, nhưng trong một tình trạng đáng thương: ngài chịu đau khổ và hấp hối. Cha hỏi ngài:
- Thưa Đức Cha, con có thể làm gì để thoa dịu nỗi đau của Đức Cha?
- Xin con cầu nguyện và xin người khác cầu nguyện cho cha.
Nói xong, ngài liền biến mất. Đang khi mọi người vẫn giữ im lặng, Don Bosco thêm: “Khi ấy cha hiểu rất nhiều về Luyện Ngục mà trước đây cha chưa bao giờ hiểu: đó là cần phải cầu nguyện cho những người quá cố khốn khổ”.
***
Cầu nguyện cho các người quá cố là một hành vi bác ái kỳ diệu. Cần phải dạy trẻ em nhớ tới người quá cố.
“Họ có ở gần con không?” – Một em bé đã hỏi bà mẹ đang nói về những người thân quá cố.
Bà mẹ trả lời:
- Có, dù họ không nói với chúng ta, dù ta không cảm thấy cách cụ thể lòng họ yêu mến ta, họ vẫn âm thầm ở bên cạnh ta.
Hãy dạy trẻ em đọc câu: “Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ cho các Linh Hồn được lên chốn nghỉ ngơi” khi đi qua nghĩa địa hay gặp đám tang. Khi một người cầu nguyện: “Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ cho các Linh Hồn được lên chốn nghỉ ngơi”, thì trong sự nghỉ ngơi vĩnh cửu ở bên cạnh Thiên Chúa, các Linh Hồn sẽ đáp lại: “Lạy Chúa, xin ban cho người chúng con yêu mến trong Chúa được nghỉ ngơi đời đời sau những trận chiến của cuộc sống, và xin toả chiếu trên họ ánh sáng vĩnh cửu, luồng sáng đã chiếu toả trên chúng con”.
Hãy dạy cho trẻ hiểu rằng lửa Luyện Ngục là lửa đi trước niềm vui, đang khi đó lửa Hoả ngục là lửa hình phạt. Tình yêu Thiên Chúa luôn bao bọc chúng ta; còn chúng ta, qua thái độ của mình đối với Thiên Chúa, chúng ta sẽ biến nó thành lửa hay ánh sáng. Thiên Chúa là Sự Sáng, còn các Linh Hồn là màu sắc xuất phát từ Quang Phổ rực rỡ ấy.
Việc dự lễ, xin lễ và rước lễ cầu nguyện cho các người quá cố sẽ giúp họ rất nhiều. Chỉ có tình yêu mới có thể vừa lấp đầy được khoảng trống trong lòng người ở trần gian nhớ thương người quá cố, vừa xoa dịu được nỗi đau đớn và thu ngắn được thời gian phải thanh luyện của các Linh Hồn nơi Luyện Ngục. Do đó, chúng ta phải gia tăng lòng yêu mến đối với người quá cố và các Linh Hồn trong Luyện Ngục. Khi dạy trẻ em cầu nguyện cho người quá cố là dạy chúng một hình thức tuyệt diệu của đức ái.
Theo “Giáo dục theo gương Don Bosco”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét