Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Niềm vui của lừa con


Người ta ca ngợi sức mạnh của con hổ và gọi “ông” là chúa sơn lâm. Bất kỳ nghệ sỹ múa nào cũng phải ngưỡng mộ trước dáng điệu thanh tú của con công. Không ca sĩ nào mà không ganh tỵ trước giọng ca của chim hoàng yến. Tuy vậy, không con vật nào lại hạnh phúc như con lừa. Đơn giản vì lừa con được chở Vua Nước Trời vào thủ đô trần thế thiết lập vương quốc mới.



Lời Chúa ngày Chủ nhật Lễ Lá, hai tâm trạng, hai dung nhan khác nhau của Đức Vua khiêm hạ và yêu thương. Vua khiêm hạ cưỡi trên lưng lừa con tiến vào thành thiết lập vương quốc tình yêu. Chính vì lẽ đó mà niềm vui rạng rỡ chiếu toả trên dung nhan chú lừa.

Lừa con luôn biết mình chập chạp, yếu đuối, lười biếng và còn rất ương bướng thế mà lại được Vua Giêsu dùng làm phương tiện. Lừa con hiểu rằng niềm vui mình không do mình mà bởi Đức Vua đang ngồi trên lưng mình. Vì thế, lừa con hết sức cẩn trọng không ngó ngang trông dọc, không liếc mắt ngắm nàng lừa cái kẻo chân vấp vào đá làm xóc đau lưng Đức Vua.

Còn nhớ cũng là chú lừa con hôm nào đã mang trên mình Người Nữ diễm phúc, vượt đường xa, thăm viếng chị họ, mang niềm vui cho bà ngay khi Vua Nhỏ cư ngụ trong cung lòng Trinh Nữ. Lại chính chú lừa đã cõng Hài Nhi và Mẹ Người di cư ngoại quốc khi vua mình sợ không tiếp đón. Lừa con thật diễm phúc. Chú được hiện diện trong những thời điểm quan trọng của Vua Cả: Khi Tin Mừng được loan báo (Lc 1, 38 - 46); Khi Đức Vua ra đời (Lc 2, 1-20); Khi Tin Mừng gặp chống đối (Mt 2, 13-18) và khi Lời được tung hô (Mc 11,3 và Mt 21,1-10). Hẳn lừa ta cũng đã thầm nghĩ sao Vua Giêsu không dùng anh ngựa, bác hổ hay ít ra cũng là ông trâu. Vì dùng ngựa Ngài sẽ đi nhanh hơn, ngồi trên lưng hổ Ngài sẽ oai phong hơn nhiều… thế mà Ngài lại dùng mình, chú lừa chập chạm. Lừa con cần phải biết vương quốc tình yêu phải được xây dựng trên sự khiêm nhường. Và vì chính Đức Vua muốn phục vụ và dạy mọi người trong vương quốc  khiêm tốn phục vụ. Cũng chính vì điều đó mà lừa con được chọn, nên nó hẳn phải hãnh diện và vui sướng.

Niềm vui của chú lừa tuy bé nhỏ nhưng lại tròn đầy. Lừa con được phục vụ Vua muôn vua. Có người ước mong được niềm vui của chú lừa. Niềm vui được phục vụ Đức Vua đích thực, dù Ngài chỉ dùng có một lần thì cũng làm cho cuộc đời trở nên có ý nghĩa. Đức Vua cứ dùng thần dân theo ý Ngài muốn, dù chỉ một lần như chú lừa con. Dùng xong việc Ngài có thể bỏ đi, hay thậm chí khi cần Ngài có thể làm thịt lừa con để chung vui với bạn bè hay mời khách… thì lừa con cũng mãn nguyện. Vì lừa con là của Đức Vua, Ngài muốn làm gì cũng được.

Niềm vui của lừa con không ai lấy đi được, vì nó được chính Đức Vua ban tặng. Khi nhận biết điều này lừa con sẽ chăm chỉ hơn, nhanh hơn và nhất là ngoan hơn.

Lừa Con của Đức Vua

Pr.Mr. GtyltcM



Hiệp thông cầu nguyện cho linh hồn Phanxicô

"Ai tin vào Thầy thì được sống muôn đời" (Ga 3,15)




 Trong niềm tín thác vào Đức Kitô Phục Sinh,


Hội Cứu Giúp Các Linh Hồn và gia đình trân trọng báo tin:





Ông Phanxicô Tạ Văn Lưu


Sinh năm: 1935


Đã an nghỉ trong Chúa lúc 5g 30′ ngày 28 tháng 3 năm 2012


Hưởng thọ: 77 tuổi


Thánh Lễ an táng được cử hành tại Nhà thờ Giáo xứ Phú Đa


lúc 14g 00' ngày 29 tháng 3 năm 2012


Mai táng cùng ngày tại nghĩa trang Giáo xứ Phú Đa.


Kính xin quý Cha, quý nam nữ tu sĩ và quý cộng đoàn cầu nguyện cho linh hồn Phanxicô.



"Giêsu Maria Giuse con mến yêu, xin cứu rỗi Linh Hồn Phanxicô"


Người gửi: BBT

Vác Đỡ Thánh Giá Chúa

[caption id="attachment_3823" align="aligncenter" width="480" caption="“Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”"][/caption]

Vào Tuần Thánh với Lễ Lá, Bài Thương Khó đã kể lại cho chúng ta nghe về Con Một Thiên Chúa mang thân phận con người với tên Giêsu. Ngài đã cô đơn đổ mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu như bị bỏ rơi, chấp nhận hoá thân mình nên thần lương cho nhân loại, bị chính môn đệ phản bội nộp thầy cho quân dữ, bị đứng trước vành móng ngựa, nghe bản cáo trạng hàm oan, rồi lại nghe tuyên án tử hình, chịu vác thập giá, đánh đòn, đội mão gai, té ngã trên đường lên Núi Sọ, và cuối cùng, chịu đóng đinh và chết thật.

Đó là cái giá phải trả để chuộc lại tội bội phản của tổ tông loài người. Cụ thể hơn, chỉ có hy tế thập giá của Chúa Giêsu mới là lễ dâng đẹp ý Thiên Chúa Cha, để nhờ án tử hình của Chúa Giêsu mà Thiên Chúa Cha xóa đi bản án tử hình đời đời cho con người.

Tham dự vào cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu với lòng biết ơn Người đã mang lại cho chúng ta niềm hy vọng được tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu của Thiên Chúa, nhờ lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa Cha.

Có người đặt vấn đề khá thời sự rằng: Chúa Giêsu đã chịu thương khó, đã chết và sống lại 2.000 năm rồi. Chúng ta đang nghe việc thuật lại như một chuyện kể, một cổ tích. Làm sao chúng ta có thể lại bước đi trên Đường Thương Khó với Chúa Giêsu nữa?!? Thật mơ hồ.

Tôi đồng ý với bạn rằng: chúng ta không tận mắt thấy Chúa Giêsu đổ mồ hôi máu trong đêm Vườn Dầu. Nhưng thiết tưởng, chúng ta có thể thấy rất cụ thể từng nếp nhăn cằn cỗi trên khuôn mặt của những Chủ Chiên ngày qua ngày phải đối phó với bầy quân dữ của Satan đang rình mò cắn xé Giáo Hội là Thân Thể Chúa Giêsu Kitô. Xin đừng nghĩ là các Chủ Chiên đang vô tư, vô tình, vô cảm trước những bức bách mang tính chủ trương và toàn diện đang xảy ra trong và cho Giáo Hội địa phương của mình. Nhưng nên nghĩ là các ngài đang đổ mồ hôi máu mà thưa với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha nếu có thể được, thì xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha mà thôi”. 

Những chủ chiên ấy, không chỉ là những giám mục, linh mục, mà cụ thể hơn là bạn, là tôi, là tất cả những người làm ông bà, cha mẹ, anh chị đang mang trong mình trọng trách bảo vệ Đức Tin cho những thành viên non trẻ của mình trước những trận cuồng phong duy vật, vô thần, vô cảm, vô nhân đạo, vô lương tâm, vô luân lý.

Một người bạn tôi, đã từng là đại chủng sinh Giáo hoàng Học viện Đà Lạt, từng Giáo lý viên dự tòng và hôn nhân nhiều năm liền tại giáo xứ của mình, hôm nay, thầy lại đành bó tay, đành cắn răng chờ xem người con rể tương lai vốn con nhà cộng sản kia định liệu thế nào cho số phận con gái mình khi đã trót “ăn cơm trước kẻng”: có thể là nó chịu theo Đạo để cưới vợ, cũng có thể là nó bảo Đạo ai nấy giữ, rồi cũng có thể là nó xúi dại con gái mình phá cái thai ấy đi. Thật là đau khổ! Thế rồi, đúng là nhà ông sui của thầy đã ép thằng nhỏ phải bắt con gái thầy phá thai. Hai vợ chồng thầy đau khổ lắm. Đêm đêm bên ngọn đèn dầu thầm thĩ kêu van xin Chúa sáng soi cho con gái mình biết đường mà tuân giữ lề luật của Chúa.

Tôi vẫn nghĩ là sự chọn lựa để bảo vệ Đức Tin, để trung thành với lề luật Chúa, để tuân hành thánh ý Chúa cũng làm cho người yêu mến Chúa đến phải đổ mồ hôi máu như Chúa vậy. 

Một cha giải tội cho một hối nhân thường xuyên, lần nào xưng tội cũng bấy nhiêu tội tày trời ấy, có khi còn nặng nề hơn. Cha vừa nghe tội vừa khẩn khoản tha thiết kêu xin lòng thương xót Chúa đến độ vã cả mồ hôi, lạnh ớn người ngay trong toà giải tội.

Những người đau đầu nhất, đang đổ mồ hôi máu nhất hiện nay có phải là những giám mục, linh mục, những chủ chiên đang “lựa chiều bẻ lái” cho con chiên của mình một cách ứng xử Công giáo nhất trước tình trạng thế quyền quá lộng quyền đối với Sự Sống con người hiện nay. Nếu con người thời bây giờ biết rằng: vài chục năm trước đã có chủ trương phá thai cách toàn diện, cấp quốc gia như thế, thì hẳn đã không thể còn có chính họ hiện diện trên đời ngày hôm nay để chủ trương phá thai nữa. Là những người bảo vệ Đức Tin Công giáo, làm chứng cho Chân Lý của Thiên Chúa, nối tiếp công cuộc Sáng Tạo và Cứu Rỗi của Thiên Chúa, không đổ mồ hôi máu được sao? 

Cũng vậy, chúng ta không thấy cảnh Chúa Giêsu bị bắt bớ, không tham dự phiên toà xét xử Chúa Giêsu, không thấy những vết bầm tím trên thân mình Chúa Giêsu khi bị quân dữ đánh đòn, không thấy Chúa Giêsu vác thập giá, ngã lên ngã xuống trên đường lên đồi cao chịu chết, hoặc nếu có thấy, thì thiết tưởng, cũng chỉ là thấy qua những bản vẽ do các hoạ sĩ. 

Thế nhưng chúng ta có thể thấy được tận mắt các tín hữu của Chúa đang bị bắt bớ giam cầm tra tấn khắp nơi nơi đấy chứ? Nhất là, trong thời đại truyền thông này, thì tin tức về những chuyện bắt oan các tín hữu, bỏ tù gian, ném đá giấu tay, hay mượn tay người gây thương tích cho các linh mục trên đường mục vụ đều có thể truyền đi nhanh như chớp, làm sao mà lấy “thúng úp voi được”? Ấy vậy, những chuyện “quả tang”, “công khai” tra tấn những người theo Chúa Kitô trong Giáo hội Chúa Kitô đang diễn ra hằng ngày khắp nơi và cả trên đất nước chúng ta, mà chúng ta nói rằng chúng ta không tham dự được với Thập Giá Chúa Kitô sao?

Tại nơi chúng ta đang sống, Chúa Giêsu vẫn đang bị bán đứng với giá 30 đồng bạc, có khi ít hơn chỉ vài đồng, hoặc chỉ cần là sự đổi chác một chỗ ngồi, chỗ đứng cho vinh thân phì gia. Chúa Giêsu vẫn đang chịu bao lời phỉ báng, bôi nhọ, hạ nhục. Chúa Giêsu vẫn đang bị bắt bớ giam cầm, đánh đập tra tấn, đổ máu và cả mất mạng nữa. Vâng cuộc Thương Khó Chúa Giêsu đang hiển hiện nơi các tín hữu Chúa.

Như vậy, tín hữu Công giáo Việt Nam vào cuộc Thương Khó với Chúa Giêsu không chỉ là những giờ ngắm rằng, ngắm đứng, ngắm quỳ sốt sắng đến rơi lệ, không chỉ là những vành khăn tang trắng xoá quấn trên đầu suốt Tuần Thánh, không chỉ là những cử hành Phụng vụ long trọng trong thánh đường, không chỉ là những việc chay tịnh sám hối chỉ với Chúa, mà thiết tưởng còn phải cụ thể hơn là: khẩn cấp nhận ra và tham dự vào nỗi lo, niềm đau của các chủ chiên, của các tín hữu khắp nơi trên đất nước. 

Là con cái trong nhà, xin dâng những hy sinh và vác đỡ Thánh Giá cho cha mẹ mình trong việc lo cái ăn, cái mặc, cái học và nhất là trong việc bảo vệ đời sống Đức Tin trước những nguy cơ. Là con chiên trong một đoàn chiên Giáo Hội, xin dâng những hy sinh và vác đỡ Thánh Giá cho những Chủ Chiên, những tín hữu đang gặp bức bách, giam cầm, tra tấn. Là tín hữu Công giáo trong xã hội, xin dâng những hy sinh và chia sẻ niềm đau thương của mọi người, niềm đau do gian ác, bất công, đàn áp, niềm đau của bệnh hoạn tật nguyền, niềm đau của những mảnh đời nghiệt ngã không ai giống ai…

Đang viết bài này, tôi nhận được cú điện thoại của chị H., có người chồng 15 năm bại liệt, mọi sinh hoạt tại chỗ, con trai lớn cột sống dính khớp 9 năm nay cũng nằm luôn một chỗ cho chị H. lo lắng, con trai thứ có vợ tận Cà Mau, con gái út vừa đi học đi làm ở Sài Gòn, nhà mái tôn rách nát. Mùa mưa tới rồi, chẳng biết tính sao? Tôi có thể trả lời rằng trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu đâu thấy có cảnh bại liệt hay dính khớp cột sống để từ chối một cảm thông được không?

Tôi bỗng nghe tiếng lòng nhắc bảo: xin đừng vừa sốt sắng tham dự Phụng vụ cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu lại vừa dửng dưng vô tâm trước cảnh thương khó của biết bao người.

Lạy Chúa, Thánh Phanxicô đã thưa: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”. Xin cho chúng con cũng nhận ra Chúa Giêsu đang đau buồn, thương tích, bị nhục mạ, bắt bớ, giam cầm, đánh đập nơi những anh chị em chúng con, và cho chúng con nhiệt tình vác đỡ Thánh Giá của anh em, như vác đỡ Thánh Giá Chúa Giêsu vậy. Amen.

PM. Cao Huy Hoàng

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Hãy chặn đứng cái lưỡi! Nó thường tha lửa châm mồi Hoả Ngục và Luyện Ngục

[caption id="attachment_3811" align="aligncenter" width="540" caption=""Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi""][/caption]

Césaire kể cho ta nghe một thánh tích, dạy không nên chuyện trò ở nơi tôn nghiêm, vì làm mất lòng Chúa.

Trong một dòng Xita, gọi là dòng Đấng Cứu Thế, có hai cô gái đến tu. Người ta để họ ngồi gần nhau trong cung thánh. Tên hai dì là Giêtruđê và Mácgarita. Giêtruđê, tuy rất nhân đức, có một thói xấu là hay nói, thường phá sự im lặng.

Một cơn bệnh đã chấm dứt đời xuân xanh của dì. Dòng chôn dì ở cuối nhà thờ.

Một tối kia, các nữ tu tập trung tại nhà thờ đó, dì hiện về trước bàn thờ, bái quỳ như thường lệ, và đến ngồi bên Mácgarita, không một dì nào thấy cả; trừ Mácgarita là bạn nhập tu và đồng phạm, sợ quá, xanh như tàu lá chuối, run lập cập và sắp ngã.

Cả dòng xúm lại săn sóc và hỏi cớ sự.

Bấy giờ dì kể lại đầu đuôi và thêm: người quá cố, sau khi hát kinh chiều, đứng dậy bái lạy sát đất và biến mất. Mẹ bề trên, sợ đó chỉ là sản phẩm của tưởng tượng lộn xộn hay là ảo tưởng của ma quỷ.

Bà chỉ thị: “Nếu Giêtruđê còn hiện về nữa, con hãy nói: Benedicite, chắc dì sẽ đáp như thông lệ trong dòng: Dominus (hai tiếng Latinh nghĩa là Hãy Ngợi Khen Chúa) rồi con sẽ hỏi dì ở đâu đến và muốn gì?”.

Ngày hôm sau cũng giờ ấy, hồn về nữa. Mácgarita chào:

- Benedicite!

- Dominus! hồn đáp và Mácgarita hỏi:

- Dì Giêtruđê quý mến, dì ở đâu đến và muốn gì?

- Em đến thoả mãn sự công lý của Chúa tại chính nơi em phạm tội với chị, khi em đã nhiều lần phá sự thinh lặng và làm cho chị phải phá sự thinh lặng theo, vì những điều vô ích trong khi cử hành các nghi lễ phụng vụ. Đấng Thẩm Phán Tối Cao muốn em trả hết nợ tội ngay ở nơi và trong những hoàn cảnh em đã phạm đến Chúa.

“Ôi! nếu chị biết được em đau khổ biết chừng nào! Em bị lửa thiêu đốt tứ bề: nhất là lưỡi em bị nung đốt, không được giảm nhẹ một chút nào. Chị nên lấy gương em mà giữ mình, nên hãm dẹp lời ăn tiếng nói; hãy quên gương xấu em đã làm và đừng lôi cuốn ai theo nó, vì một khổ hình tương tự ắt sẽ dành cho chị đó”.

Nói đoạn, Giêtruđê biến mất. Hồn còn về nhiều lần nữa để xin các dì phước cầu nguyện, cho đến khi được siêu thoát. Nàng thân ái vĩnh biệt bạn và đi đến mồ đã chôn nàng. Nàng dở mồ lên và nằm xuống đó, không còn hiện về nữa.

Bị xúc động nhiều phen và quá mãnh liệt, Mácgarita lâm trọng bệnh đến dứt điểm cuộc đời.

Ai cũng tưởng dì đi luôn. Nhưng đó chỉ là một trạng thái xuất thần nhập hoá, trong đó nhiều điều lạ lùng bên kia đời được tiết lộ cho dì. Dì kể lại cho các chị em đồng tu kinh ngạc và khuyên họ can trường mỗi ngày mỗi tiến trên đường hãm dẹp ngũ quan. Phần dì, dì trung thành đến thận trọng giữ luật làm thinh. Hình phạt kinh khủng Giêtruđê chịu luôn luôn lởn vởn trong trí dì.


"Giêsu Maria Giuse con mến yêu, xin cứu rỗi các Linh Hồn"



Trích sách tháng các Linh Hồn

Người nghèo trên thập giá

[caption id="attachment_3802" align="aligncenter" width="480" caption="“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46)"][/caption]

Đức Giêsu đã mở đầu bài giảng trên núi bằng lời kêu gọi khó nghèo: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Đối với khá nhiều người của thời đại hôm nay, lời chúc phúc nghèo khó xem ra là một cung đàn lạc điệu. Trong bối cảnh xã hội mà vật chất được coi như tiêu chuẩn để lượng giá mọi sự, thì lời hứa “Nước Trời” chẳng có chi hấp dẫn. Có nhiều người lập luận: Nước Trời tính sau, lo hiện tại trước đã.

Chắc chắn có nhiều người trong đám đông dân chúng được Thánh sử Mátthêu nhắc tới đã mở lòng đón nhận lời mời gọi khó nghèo của vị ngôn sứ thành Nazareth. Dưới ngòi bút của tác giả, Đức Giêsu như một vị Môisen mới, ngồi trên núi, thuyết giảng những bài huấn từ dài, với nội dung giáo huấn thâm sâu. Dân chúng lắng nghe, chẳng cần giấy bút ghi lại, nhưng họ đã nuốt từng lời và ghi vào trái tim, sau đó được thực hiện bằng chính cuộc đời. Không chỉ những người có mặt hôm đó, mà đã hơn 2.000 năm qua, biết bao người, nam cũng như nữ, đã sống sứ điệp sống nghèo vì Nước Trời. Họ là những vị thánh đã được Giáo Hội tôn vinh như mẫu mực của các tín hữu. Họ cũng còn là những người sống rất âm thầm như những “vị thánh không hào quang”, đã tình nguyện chọn lý tưởng sống nghèo một cách tự nguyện, thảnh thơi và an bình.

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Đức Giêsu đã thực hiện lời chúc phúc này nơi cuộc sống cũng như cái chết của chính mình. Đọc Tin Mừng, chúng ta không thấy Đức Giêsu có chốn định cư, trong khi “con cáo có hang, chim trời có tổ”. Ngay cả một vật dụng đơn giản như chiếc gối để có một giấc ngủ ngon Người cũng không có. Khi cần tiền đóng thuế, Người bảo ông Phêrô đi câu một con cá, có đồng tiền ngậm nơi miệng, đủ suất thuế cho Thầy và trò (x. Mt 17,24-27). Những người hoạt động chính trị và kinh doanh thương mại thì thường khoe khoang một cuộc sống khá giả về vật chất để lôi kéo người ta ủng hộ mình. Nhiều khi họ tung tiền để mua những người hâm mộ. Đức Giêsu thì không như thế. Người hoàn toàn sống nghèo. Các môn đệ cũng chấp nhận cái nghèo của Người. Các ông từ bỏ mọi sự, lập tức lên đường theo Chúa vừa khi nghe tiếng Người kêu gọi (x. Mc 1,16-20).

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Đức Giêsu nghèo khó để đến với người nghèo. Đối tượng quan tâm của Người trước hết là những người nghèo về vật chất như những người ăn xin, những người bệnh tật. Đó cũng là những người nghèo vì nỗi khổ đau đang cắn rứt lương tâm, như các tội nhân, những cô gái điếm và người thu thuế. Họ còn là người nghèo vì đang oằn lưng đau đớn trước gánh nặng cuộc đời, như người mù bẩm sinh hay người đàn bà góa có con trai duy nhất vừa chết. Sau cùng, họ là những người nghèo do đời sống ích kỷ, khô cằn, khép kín lòng từ tâm đối với anh chị em mình như những người biệt phái, luật sĩ. Đức Giêsu gặp gỡ mọi người để nói với họ về triết lý sống nghèo.

Trên thập giá, Đức Giêsu được giới thiệu như một người nghèo đúng nghĩa: Người không mảnh vải che thân, người thân kẻ nghĩa xa lánh và chạy trốn. Phêrô, người được đặt làm tông đồ trưởng cũng chối Thầy vì sợ hãi. Người-Nghèo-Giêsu trên thập giá còn mất hết cả danh dự, bị sỉ nhục phỉ báng chê bai, chết như phường trộm cắp. “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn. Dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích” (Is 53,2).Tình trạng nghèo trên thập giá bi đát đến nỗi dường như Thiên Chúa cũng vắng bóng vào giờ phút đau thương. “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Lời kêu than xé lòng cho thấy Đức Giêsu mang thân phận của con người bị nhục mạ, bỏ rơi đến mức tột cùng. Trên cây thập giá, Đức Giêsu đã đọc lời cầu nguyện của người đau khổ được ghi trong Thánh vịnh 22, diễn tả tâm trạng của một người bất hạnh, cảm thấy ngay cả Thiên Chúa cũng bỏ rơi mình trong lúc cô đơn. Tuy vậy, lời kinh trên đây cũng cho thấy người cầu nguyện không vô vọng hoàn toàn, vì vẫn tin vào Chúa, vẫn than thở với Ngài. Đây là lời than vãn thở dài của một người bị ngược đãi, đang bên bờ vực thẳm, nhưng đã tìm lại được lòng tự tin và niềm xác tín.

Cái nghèo nơi Đức Giêsu còn được thể hiện qua tâm tình phó thác của Người nơi Chúa Cha. Thánh sử Luca là người duy nhất ghi lại lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Đây là một lời cầu nguyện cảm động đầy tình nghĩa. Thánh Gioan còn diễn tả cái chết của Đức Giêsu trên thập giá như một cử chỉ hiếu thảo với Chúa Cha: “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19,30). Vâng Đức Giêsu hấp hối không đơn côi. Người không ở một mình. Có Chúa Cha ở với Người. Đây là một hiến tế đau thương, nhưng qua đó, tình thương của Thiên Chúa được thể hiện cách mạnh mẽ và hào hùng. Khởi nguồn từ cái chết của Người, Thần Khí được ban tràn đầy cho thế gian.

“Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta vốn giàu sang phú quý, nhưng đã trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cr 8,9). Người Nghèo có tên là Giêsu trên thập giá đã thực hiện sự hoán đổi diệu kỳ: cũng như nhờ việc Con Thiên Chúa làm người mà chúng ta được trở nên con Thiên Chúa, nay nhờ sự nghèo khó của Người mà chúng ta được giàu có cao sang. Đức Giêsu đã mang lấy phận nghèo của con người, làm cho người nghèo từ nay không còn tủi phận nữa, nhưng tìm thấy niềm vui trong sự khốn cực, tìm thấy hy vọng trong đau thương, tìm thấy hướng đi cho tương lai của đời mình.

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Lời chúc phúc ấy sẽ không còn là một cung đàn lạc điệu nếu tôi biết lắng nghe bằng “tần số” của trái tim. Ơn gọi của người tín hữu là ơn gọi sống nghèo. Thánh Mátthêu nói rõ: tâm hồn nghèo khó. Một người có tiền bạc mà vẫn có thể mang tâm hồn nghèo khó. Một người ăn bữa nay lo bữa mai mà có thể tâm hồn lại không nghèo. Như thế, khái niệm giàu-nghèo, theo lời chúc phúc của Chúa Giêsu không giống như khái niệm của đời thường. Chỉ khi nào làm cho tâm hồn mình nghèo thật sự mới có thể đón nhận được giáo huấn có vẻ nghịch lý này. Một tâm hồn chứa đầy những tham vọng vật chất không còn chỗ chứa phúc lành của Thiên Chúa. Một cuộc đời quá bận tâm về những điều thế tục, chẳng còn khả năng đón nhận những hồng ân Ngài thông ban.

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Với ơn gọi của người tín hữu, chính tôi cũng được mời gọi lên đường để đem lời chúc phúc ấy cho anh chị em tôi. Việc chiêm ngưỡng Người-Nghèo-Giêsu trên thập giá phải dẫn tôi đến việc nhìn đến biết bao người nghèo trên chặng đường thập giá cuộc đời. Biết bao mảnh đời “vỡ vụn” vì bị bỏ rơi, lay lắt trong cảnh khốn cùng. Biết bao người đang hẫng hụt trước sự ra đi đột ngột của người thân. Sống lời chúc phúc nghèo khó của Chúa Giêsu còn là tình liên đới với những người đang bị “đóng đinh” trên cây thập giá cuộc đời, nghiệt ngã và đau thương, bi quan và cùng khốn.

Thập giá đời tôi còn đó. Tôi có thể vẫy vùng, hằn học kéo lê thập giá mỗi ngày. Tôi cũng có thể gắng gượng bước đi với ơn phù trợ của Chúa. Dù chọn lựa cách nào, thì thập giá vẫn gắn liền với đời tôi, như hơi thở, như nhịp sống hằng ngày. Có hai cây thập giá được dựng lên trên đồi Canvê cùng lúc với cây thập giá của Chúa Giêsu. Trên đó, hai người trộm bị đóng đinh. Một người trộm sám hối, người kia không. Người sám hối cũng như người không sám hối, chẳng ai được tha hình phạt thập giá; nhưng người sám hối được nghe những lời ngọt ngào của Chúa hứa cho anh hạnh phúc thiên đàng (x. Lc 23,43), còn người kia thì ôm mối hận ngàn thu. Cả hai người đều nghèo đến mức không còn mảnh vải che thân, nhưng một người đón nhận cái nghèo trong phó thác, khiêm nhường; người kia đón nhận cái nghèo trong kiêu căng, hằn học và tìm cách lên án người khác.

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”. Chiêm ngưỡng Đức Giêsu trên thập giá cũng giúp tôi sống tinh thần phó thác. Trong bất kỳ biến cố đau thương nào, Chúa cũng luôn hiện diện bên tôi. Noi gương Chúa Giêsu trong lời kinh trên thập giá, tôi cần xác tín mình được Chúa yêu thương săn sóc, bởi lẽ, tôi còn giá trị hơn con chim sẻ và đáng quý hơn đóa hoa huệ mọc hoang giữa đồng. Là con người được Chúa tạo dựng, tôi mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa tối cao (x. St 1,27).

Nhìn lên thập giá Đức Giêsu, người tín hữu tìm thấy sức mạnh để tiếp tục vác thập giá đời mình. Đức Giêsu không hủy bỏ thập giá nơi cuộc đời con người, nhưng Người đang cùng với con người vác thập giá bước đi. Con Thiên Chúa không xóa bỏ đau khổ đang gậm nhấm con người, nhưng Người lại ban cho họ sức mạnh để vượt lên những đau khổ ấy. Như thế, tôi hiểu ý nghĩa của điều Chúa dạy: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thờ lạy và tôn vinh Chúa, vì Chúa đã dùng thập giá mà cứu chuộc chúng con. Amen! 
 Nguồn: WHĐ

Bệnh “hùa theo đám đông”

[caption id="attachment_3797" align="aligncenter" width="450" caption="“Người ta làm sao, tôi làm vậy. Người ta làm bậy, tôi làm theo”"][/caption]

Khi làm sai một điều gì đó, người ta thường biện minh: “Người ta làm sao, tôi làm vậy. Người ta làm bậy, tôi làm theo”. Câu nói này không hẳn là lời nói cho vui mà dường như là căn bệnh của xã hội qua mọi thời đại. Một cách đơn giản, mỗi khi dừng trước đèn đỏ mà có một người vượt lên trước, thì y như rằng sẽ có rất nhiều người vượt lên theo. Lúc này người ta không để ý đến đèn chỉ dẫn mà chạy theo đám đông. Đám đông làm bậy, tôi làm theo.

Người ta kể rằng: có một cậu bé đang đi trên lề đường bỗng dừng lại, ngửa mặt lên trời. Có vị giáo sư đi tới, thấy thế cũng ngạc nhiên dừng lại, ngước mắt nhìn theo. Rồi một bà đứng tuổi đi ngang qua cũng làm y như vậy; một người, rồi một người nữa… Lúc cậu bé cúi xuống, quay qua quay lại, ngạc nhiên khi thấy cả chục người đứng chung quanh mình đều ngửa mặt nhìn trời. Cậu thành thực hỏi: “Ủa! Các ông các bà cũng bị chảy máu cam như cháu sao?”.

Đây là căn bệnh “hùa theo đám đông”. Đám đông làm mình cũng làm. Sự làm theo đám đông đôi khi bất chấp lề luật, bất chấp tội lỗi. Dường như người ta nghĩ rằng nhờ đám đông mà dảm bớt tội, hay giảm bớt trách nhiệm. Những bệnh “hùa theo đám đông này”, ta có thể thấy nhan nhản qua các tội: nam nữ  sống “góp gạo thổi cơm chung” nơi khá đông tầng lớp công nhân và sinh viên xa nhà; chuyện phá thai nơi những bà mẹ mang con ngoài ý muốn; chuyện buôn gian bán lận để có đồng lời trong thời buổi cạnh tranh mà nhiều người nói rằng “không gian làm sao có lời”; chuyện hối lộ và tham nhũng để được việc và giữ được ghế lâu dài...; lợi dụng đám đông để người ta phạm tội mà không e ngại, không xấu hổ và nhất là không còn ý thức đâu là tội. Đám đông làm bậy đã khiến cho tội trở thành điều bình thường như: nói  tục, chửi bậy, nói dối, nói sai sự thật của người Việt Nam hôm nay. Đám đông làm bậy đã làm cho nhiều trẻ nhỏ và những người kém hiểu biết mất ý thức về sự việc là tội hay không tội. Họ đã làm theo đám đông mà không còn ý thức về căn tính sự việc.

Lần giở lại lịch sử cách đây hơn 2.000 năm, Chúa Giêsu được hoan nghênh và kết án, được tôn vinh, và tẩy chảy cũng chỉ một đám đông. Đó chính là đám đông dân thành Giêrusalem. Họ đã từng tung hô Chúa Giêsu. Họ đã từng lấy áo lót đường cho Chúa Giêsu đi qua. Họ cầm ngành lá vạn tuế để cùng nhau tung hô Chúa là Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến. Thế nhưng, cũng đám đông đó, chỉ nghe nhóm biệt phái và thượng tế định tội Chúa Giêsu, họ đã mau chóng quay lưng lại với người mà họ đã từng tung hô. Những bàn tay cầm cành lá vạn tuế lại được giơ lên trong tư thế nắm đấm đòi triệt hạ Chúa Giêsu. Những lời tung hô đầy niềm vui được thay bằng những lời hằn học đầy căm phẫn. Có lẽ có rất nhiều người trong đám đông đó không hề thù ghét Chúa Giêsu. Có lẽ trong đám đông đó còn có rất nhiều người đã từng nhận ân nghĩa của Chúa Giêsu. Thế nhưng, họ đã bị đám đông lôi cuốn vào chuyện gian ác để đòi đóng đinh người vô tội trên thập tự giá.

Dòng đời hôm nay vẫn còn đó những người công chính bị hạ bệ, bị lấy mất thanh danh bởi đám đông đang rỉ tai nhau bỏ vạ, cáo gian, nói hành, nói xâu...

Dòng đòi hôm nay vẫn còn đó những người bị tước mất tất cả danh dự, lẫn vật chất vì đám đông hãm hại mà không biết thanh minh từ đâu.

Dòng đời hôm nay vẫn còn đó những bất công khi đám đông cuồng tín bất chấp lề luật toa rập với nhau hãm hại người công chính.

Dòng đời hôm nay vẫn còn đó những người công chính dám bảo vệ chân lý lại bị đám đông tẩy chay theo chủ nghĩa đồng cảm chứ không đồng thuận.

Dòng đời hôm nay tội lỗi vẫn lan tràn, khi mà đám đông đã không đủ tỉnh thức để hồi tâm, để dừng lại. Nhưng lại hùa theo nhau để làm bậy đến mức độ mất ý thức về tội.

Đám đông dân thành Giêrusalem đã toa rập với nhau giết hại người công chính. Có lẽ, họ đã hối hận sau cái chết của Chúa Giêsu. Có lẽ, họ đã hoảng sợ khi nghe tin Ngài đã từ cõi chết sống lại. Nhưng đã muộn. Giuđa đã tự vẫn. Phêrô xấu hổ. Viên đội trưởng chỉ thở não nề mà nói: “Người này thật là Con Thiên Chúa”. Đám đông xôn xao lo lắng. Tất cả đã muộn khi sự ác chiến thắng. Người công chính đã bị kết án tử hình.

Là người Kitô hữu, chúng ta phải sống yêu thương. Tình yêu thương đòi buộc chúng ta đừng làm điều gì có lỗi với lương tâm. Tình yêu đòi buộc chúng ta vượt trên đám đông, trên dư luận để đừng hùa theo đám đông mà phải can đảm bảo vệ chân lý, bảo vệ lẽ phải. Tình yêu đòi buộc chúng ta phải sống trung thực với chính mình, biết tôn trọng sự thật và can đảm bảo vệ sự thật. Đừng vì sợ hãi mà im lặng để bất công lan tràn, sự dữ ngự trị.

Xin cho mỗi người chúng ta luôn tỉnh thức trước sự dữ, luôn có lập trường vững chắc trong cuộc sống. Xin đừng vì nhát đảm mà làm ngơ trước bất công nhưng luôn can trường bảo vệ chân lý và sự thật. Amen.

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền


Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Ý nghĩa cái chết của Chúa

[caption id="attachment_3789" align="aligncenter" width="504" caption="“Tôi thấy bình minh của thế giới đang bắt đầu ló dạng qua Thập giá Đức Kitô”"][/caption]

Có một làng nọ hay xảy ra nạn ăn cắp, vị quan ra chỉ thị: nếu ai ăn cắp sẽ bị đánh 10 roi. Luật được phổ biến nhưng vẫn bị ăn cắp. Quan tăng 20 roi. Lại vẫn không hết nạn ăn cắp trong làng. Quan mới tăng 30 roi. Bất ngờ người ta khám phá ra mẹ của quan chính là thủ phạm. Thương mẹ lắm, nhưng vì luật phải thi hành, nên quan cho lính bắt trói mẹ lại và cho đánh 30 roi. Tuy nhiên, khi bắt đầu đánh, quan cởi đồ áo ra và nằm trên người mẹ để chịu đòn thay cho mẹ.

Tác giả câu chuyện kết luận: đó là giây phút đẹp nhất, giây phút vĩnh cữu, giây phút giữa tình yêu và công lý gặp nhau!

Câu chuyện trên đây giúp chúng ta hiểu phần nào ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Thập giá là chữ T nói tới 3 ý nghĩa qua ba chữ T khác: Tội, Tình và Tha Thứ.

1. Chúa chết là vì tội ta

Cũng như vị quan đã chịu đòn thay cho mẹ mình, Chúa Giêsu chịu khổ nạn và chết trên thập giá vì tội của ta.

Nhìn lên Thập giá Chúa, chúng ta ý thức về tội của ta và tội của cả nhân loại. Như dân Do Thái nhìn lên con rắn đồng treo trong sa mạc, họ nhớ lại tội đã xúc phạm đến Thiên Chúa (x. Ds 21,4b-9).

Đức Giêsu chịu treo trên thập giá là vì tội lỗi nhân loại. Thánh Phêrô viết những lời thật ý nghĩa: “Tất cả tội lỗi của chúng ta, Đức Giêsu đã mang vào thân thể mà đưa lên cây Thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (2 Pr 2,24a). Đức Giêsu đã gánh lấy tất cả tội lỗi của con người. Người chịu chết để con người được sống. “Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành” (2 Pr 2,24b). Nhìn ngắm Đức Giêsu trên thập giá, chúng ta ý thức về thân phận yếu đuối mỏng giòn và tội lỗi của mình. Như lời sách ngắm dạy: “Ơ tội Adong cùng tội tôi độc dữ hơn mọi giống thuốc độc, vì làm cho Chúa chẳng hay chịu sự gì khó, mà rày chịu trăm nghìn sự khốn khó, Chúa chẳng hay chết, bởi gánh tội tôi cho nên chịu chết làm vậy”.

Cái chết của Chúa là cái chết thay, chết vì tội lỗi của chúng ta. Chính vì thế, hy tế trên thập giá được tái diễn trong Thánh lễ khi linh mục đọc lời truyền phép: “Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con... Này là Máu Thầy sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội”.

2. Chúa chết vì tình thương ta

Con người phạm tội đáng phải chết. Nhưng Thiên Chúa yêu thương và không bỏ rơi con người. Ngài tìm mọi cách cứu sống. Thập giá là lời chứng hùng hồn về tình yêu lớn lao đó: Thánh Gioan quả quyết: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,17). Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại chính Con Một dấu yêu của Ngài. Đức Giêsu đã tự nguyện chết cho con người được sống: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống cho bạn hữu” (Ga 15,13). Đây là tình yêu ở dạng thức cao cả nhất, tuyệt vời nhất - agape: một tình yêu dám hy sinh mạng sống vì người khác. Giờ Chúa chết là giờ đẹp nhất, giờ của công lý và tình yêu gặp gỡ nhau! Nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên thập giá, chúng ta cảm nhận tình thương của Chúa thật bao la.

3. Chúa chết để tha thứ cho ta

Thập giá không có Đức Kitô trở thành khổ giá, nhưng thập giá có Đức Kitô trở thành Thánh giá, là nguồn ơn cứu độ, là công cụ hoà giải giữa Thiên Chúa với loài người và giữa loài người với nhau. Qua Thánh giá, Đức Kitô chứng tỏ rằng tình yêu chiến thắng tất cả - amor vincit omnes. Lòng tha thứ lớn lao hơn sự hận thù và khoả lấp mọi tội lỗi. Nhờ Thánh giá mà chúng ta được tha thứ, được cứu độ và được làm con cái của Thiên Chúa. Per crucem et passionem tuam, libera nos, Domine: nhờ Thánh giá và cuộc khổ nạn của Ngài, xin giải thoát chúng con, lạy Chúa!

Trong đêm tối lao tù của Đức quốc xã, Thánh Edit Stein suy ngắm Thập giá Chúa và thốt lên rằng: “Tôi thấy bình minh của thế giới đang bắt đầu ló dạng qua Thập giá Đức Kitô”. Bình minh đó là bình minh cứu độ, bình minh hoà giải và tha thứ mà Thập giá Đức Kitô mang lại cho loài người.

Kết luận

Như thế, thập giá là chữ T nói với chúng ta 3 chữ T khác: Tội, Tình Yêu và Tha Thứ.

Nếu tội lỗi dẫn ta tới cái chết và huỷ diệt, thì tình yêu làm cho ta sống và hy vọng.

Nếu ai đó thấy mình quá tội lỗi, quá bất xứng, thì hãy tin rằng: Tình yêu Thiên Chúa bao giờ cũng lớn hơn tội lỗi con người.

Nếu ai đó đã hơn một lần thất vọng và quỵ ngã vì những lầm lỡ cuộc đời, thì hãy ngước nhìn lên Thập giá Chúa vì Thập giá là chìa khoá thiên đàng cho các tội nhân.

Per crucem et passionem tuam, libera nos, Domine! Nhờ Thánh giá và cuộc khổ nạn của Ngài, lạy Chúa, xin giải thoát chúng con!

Lm. Nguyễn Văn Hương

Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Tử Nạn

[caption id="attachment_3778" align="aligncenter" width="450" caption="“Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả, cho đi tất cả” (1 Cr 13,7)."][/caption]

Câu chuyện bắt đầu từ một câu hỏi của cô bé tuổi mười lăm: Cha ơi, sao Chúa không chọn cách khác để cứu độ nhân loại, có nhiều cách mà phải không cha?

Đúng là có nhiều cách Chúa cứu độ nhân loại, tại sao Chúa lại chọn cách nhập thể làm người rồi đón nhận cái chết trên thập giá. Chúng ta có thể hỏi nhiều câu hỏi tại sao, tại sao như thế, nhưng chúng ta có thể tự hỏi lại mình, tại sao Chúa lại chọn cách thức như thế cho chính chúng ta? Một tình yêu điên rồ và cũng là một tình yêu tinh tuyền.

Điên rồ vì tình yêu

Nếu như một người cha mẹ biết được rằng con mình bị bọn tống tiền bắt cóc, điều cha mẹ của bé ấy sẽ làm gì? Trả bất cứ giá nào cho bọn tống tiền để chuộc con? Dĩ nhiên, nhưng bọn tống tiền đòi giá đắt hơn, đòi chính mạng sống của người cha mẹ phải chết để đứa con tự do, người cha mẹ nếu yêu con hơn mạng sống mình sẽ làm gì? Dĩ nhiên, vì mạng sống con mình cũng chấp nhận, chấp nhận tất cả để chuộc lại tự do cho con cái.

Tình yêu có phải sự điên rồ? Phải, có khi tình yêu thôi thúc đến không còn lý trí, nhưng Tình Yêu Thiên chúa không là mất trí mà là “hết linh hồn hết trí khôn, hết sức”. Một tình yêu tuyệt đối là một tình yêu cho đi tất cả. Chính vì trao đi tất cả nên: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Một tình yêu điên rồ có thể thấy ở đâu đó trong cuộc đời này, một phần nào diễn tả: khi người mẹ chỉ mong chết thay cho con, một người cha hy sinh mạng sống mình để cứu con, khi người anh, chị em sẵn sàng trao tặng cho nhau một phần thân thể.

Cái điên rồ vì tình yêu Thiên Chúa thật khó diễn tả hơn, làm sao có thể yêu thương, đến nỗi chấp nhận mọi sỉ nhục, roi đòn, trong khi chính Người có đủ sức mạnh hay quyền phép để cứu Con ra khỏi. Như người cha, mẹ bán cả gia tài để chữa trị cho con, dùng mọi sự quen biết để cứu con, tại sao không? Chúa Cha thinh lặng nhìn Con chịu roi đòn, sỉ nhục, chịu chết dưới tay người đời? Vậy mới thấy tình yêu đích thực là một tình yêu: “Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả, cho đi tất cả” (1 Cr 13,7).

Một tình yêu tinh tuyền


Tình yêu tinh tuyền diễn tả bằng sự nhẫn nại. Trong văn hoá “fast food”, cái gì người ta cũng muốn giải quyết nhanh chóng, nhanh chóng giải quyết vấn đề xung đột bằng chiến tranh, bạo lực, bắt bớ...; những căn bệnh lâu dài người ta chỉ mong giải quyết nhanh bằng cách “an tử”; những đau khổ tâm hồn đến cùng cực người ta giải quyết bằng “tự tử”; không chấp nhận hôn nhân bế tắc và chọn giải quyết nhanh, ly dị... Văn hoá “fast food” cũng đi vào hành vi thường nhật, nó cho thấy cái trẻ con trong con người trưởng thành, khi người ta hờn giận, ghen ghét... Một tình yêu tinh tuyền bao giờ cũng đòi nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ.

Tình yêu tinh tuyền diễn tả bằng hành động tích cực. Chúa Giêsu, trên thập giá đón nhận bao sự khinh miệt, roi đòn, xúc phạm, và kể cả chịu đóng đinh, vẫn một lời: “Xin tha cho chúng”. Tình yêu tinh tuyền là tình yêu chiến thắng các xúc cảm: giận, oán, ghét, thù hận... Kiên vững trong yêu thương, nghĩ tích cực về kẻ đang làm hại mình, Chúa Giêsu đã cho rằng những người đang giết chết Người họ hành động vì họ đã không biết. Chính trong suy nghĩ tích cực này mà lòng khoan dung được bồi thêm và tình yêu tha thứ được tỏ bày.

Tình yêu tinh tuyền là tình yêu cả kẻ thù. Trong 8 câu kệ luyện tâm của Langri Thangpa, người Tây Tạng vào thế kỷ 11 viết:

Mỗi khi tôi hợp tác với ai, ước gì tôi nghĩ về mình như kẻ thấp kém nhất và coi người khác tôn quý tự đáy lòng tôi.

Khi tôi thấy người ta ác tâm, bị dồn ép bởi tội lỗi, bạo lực và hoạn nạn. Ước gì tôi được ôm lấy những con người đáng quý ấy như gặp được một kho báu.

Khi người khác do ghen tỵ, ngược đãi tôi bằng nhục hình, phỉ báng và những điều tương tự. Ước gì tôi chấp nhận thua thiệt để dâng chiến thắng cho những họ.

Khi có người mà tôi giúp đỡ lại làm tôi tổn thương đau đớn. Ước gì tôi xem người ấy như vị thầy của mình”.

Những lời ước nguyện trong câu kệ này cũng cho thấy hoạ lại đều răn mới của Chúa: “Yêu thương nhau như chính Thầy yêu thương anh em” (Ga 15,12). Một tình yêu tinh tuyền là ôm lấy hết tội nhân, gánh hết tội đời, để chuộc tội và để tha thứ: “Để cứu chúng ta thoát khỏi cõi đời xấu xa hiện tại, Đức Giêsu Kitô đã tự hiến vì tội lỗi chúng ta” (Gl 1,4).

Tình yêu điên rồ là kết quả của một tình yêu tinh tuyền không tỳ vết. Thiên Chúa yêu thế nhân đến tận cùng vì một điều đơn giản: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8) và tình yêu đó được bày tỏ: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17).

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Phía Sau Cây Thập Giá

[caption id="attachment_3771" align="aligncenter" width="400" caption="Ai muốn theo Thầy, hãy bỏ mình đi, vác lấy thập giá của mình hằng ngày mà đi đằng sau Thầy”"][/caption]

Bạn có biết tại sao khi nghe hai chữ “thập giá” chúng ta không thấy sởn gai ốc, và có khi còn dửng dưng nữa, trong khi các môn đệ nghe nói đến thập giá thì nổi da gà, sởn gai gốc, và ông Phêrô run rẩy can ngăn Chúa đừng đi tới đó? Có lẽ vì chúng ta chỉ thấy những cây thánh giá bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng gỗ quý nhẵn bóng hay bằng xi măng tô đá rửa, đá mài, nên hình ảnh mà hai chữ thập giá gợi lên trong ta không có gì đáng sợ. Còn các môn đệ thì trái lại chưa bao giờ thấy những cây thập giá bằng vàng, bằng bạc... và hai chữ này không chỉ gợi lên một cây khổ giá trần trụi, mà gợi lên hình ảnh một con người quằn quại, tuyệt vọng trong đau đớn và nhục nhã ê chề, lơ lửng giữa trời và đất, giữa sống và chết, trước những cái nhìn thù ghét và khinh bỉ, trước những con mắt tò mò và dửng dưng.

Chính vì thế mà các tông đồ rùng mình sợ hãi khi Chúa Giêsu nói đến thập giá.

Nhưng Chúa Giêsu không phải là ông thầy dễ dãi hay nhu nhược. Chúa vẫn nói thẳng và Chúa đòi ai muốn theo Chúa phải nhìn thẳng vào thập giá và chấp nhận nó: “Ai muốn theo Thầy, hãy bỏ mình đi, vác lấy thập giá của mình hằng ngày mà đi đằng sau Thầy”.

Ông Phêrô vừa thay mặt anh em tuyên xưng Ngài là Ðức Kitô Con Thiên Chúa thì Ngài lại bắt đầu nói đến thập giá. Thập giá xuất hiện ở đây như “mặt sau của tấm huân chương”. Nhưng sau đó Chúa lại đưa ba môn đệ thân tín lên núi, và cho các ông thấy vinh quang chói loà của Ngài và sự có mặt làm chứng của Môsê và Êlia: một vị đã được Chúa dùng để công bố giao ước Sinai, vị kia thì được Chúa trao nhiệm vụ tái lập giao ước Sinai.

Theo Thánh Luca thì Chúa Giêsu đàm đạo với hai vị này về cuộc xuất hành Ngài phải hoàn thành tại Giêrusalem. Như vậy thì ta có thể đảo lại: sau khi chỉ cho các môn đệ thấy cây thập giá làm các ông run sợ, Chúa Giêsu lật cho các ông thấy đằng sau cây thập giá có gì. Sau này trên đường Emmaus, Chúa sẽ quở trách hai người môn đệ thất vọng bỏ đi, vì các ông chỉ thấy mặt trước mà không thấy mặt sau của cây thập giá: “Chẳng phải là Ðức Kitô phải chịu đau khổ để vào trong vinh quang của Ngài sao?

Nếu ôm lấy cây thập giá và thoả mãn với nó thì đúng là một kẻ điên khùng hoặc bệnh hoạn. Không, Chúa Giêsu không kêu gọi chúng ta trở nên điên khùng, bệnh hoạn. Chúa đã nhận lấy thập giá như đường tới vinh quang. Ðàng sau thập giá là vinh quang mà chỉ có đức tin mới cho ta thấy được. Chúa không gọi chúng ta vác thập giá đi một mình, nhưng là đi theo sau Chúa, vì chỉ có đi theo Chúa ta mới tới được vinh quang ở sau cây thập giá.

Trong cuộc sống, có những lúc êm đềm thanh thản, có những ngày tưng bừng hoa lá, nhưng cũng lắm khi bạn cảm thấy tất cả nỗi ê chề của cây thập giá sù sì và những lời độc địa chua chát của khách qua đường; bạn cảm thấy nỗi cô đơn của kẻ bị treo lơ lửng giữa trời và đất; bạn khát khô cổ muốn có một lời an ủi, một chút cảm thông, nhưng quanh bạn chỉ có thờ ơ và thinh lặng, hoặc tệ hơn nữa chỉ có phỉ báng và xua đuổi. Những lúc ấy bạn mới cảm thấy tất cả sự rùng rợn của cây thập giá. Có khi bạn cảm thấy chán nản muốn buông xuôi tất cả. Bạn cảm thấy như Chúa Giêsu đã cảm thấy và phải kêu lên: “Lạy Chúa, tại sao Chúa bỏ con...”.

Những lúc ấy bạn phải vận dụng hết sức mạnh của lòng tin, hết ánh sáng đức tin, để thấy được đàng sau cây thập giá. Bạn hãy nhìn thẳng vào Ðấng đang vác thập giá đi đàng trước bạn, chớ rời mắt xa Ngài.

Nhưng bạn đừng chờ tới lúc đó mới nhìn vào Ngài. Bạn phải giữ tầm nhìn luôn hướng về Ngài trong mọi nơi mọi lúc, mọi việc. Bạn hãy làm tất cả với Ngài, vì Ngài, và trong Ngài.

Nếu bạn biết sống với Ngài trong niềm vui,
bạn cũng biết sống với Ngài trong nỗi buồn.


Nếu bạn biết sống trong Ngài khi hạnh phúc,
bạn cũng biết sống trong Ngài lúc khổ đau.

Nếu bạn biết sống với Ngài trong ngày hội,
bạn cũng biết sống với Ngài giữa cô đơn.

Ðiều tôi muốn nhắc bạn ngàn lần là bạn đừng mang thập giá một mình. Bạn sẽ không bước nổi đâu, và nếu bạn có đem tất cả sự kiêu hãnh của con cái Ađam mà lê lết đi được thì cũng chẳng được ích lợi gì, cây thập giá của bạn chỉ là cây gỗ chết thôi. Bởi vì cây thập giá chỉ trở nên xanh tươi và đầy hoa trái khi nó mang Con Thiên Chúa, nguồn mạch sự sống mà thôi: “Nếu ta cùng chết với Ngài, ta sẽ sống với Ngài...” (2 Tm 2,11).

Nhưng tôi cũng nhắc bạn rằng thường khi thập giá đè nặng lên vai thì chúng ta cũng tối tăm mắt mũi, hầu như chẳng còn nhớ ra điều gì, chẳng nhớ đến ai nữa. Cái khó nhất là ở đó. Chính lúc ta cần nhớ đến Chúa nhất thì hầu như ta không nhớ nổi. Chính lúc ta cần cảm nhận sự hiện diện của Chúa nhất, thì lại là lúc Chúa như ở xa xăm ngàn trùng và lẩn trốn trong bóng đêm dày đặc. Ðó là khi mà cuộc đời bạn trở nên phong phú nhất, như hạt giống khi được vùi xuống đất. Lúc ấy bạn hãy giữ lòng mình hướng về ánh sáng của thảo mộc, và khi mầm lách được vỏ hạt giống thì nó xé qua màn đêm của lòng đất để vươn lên ánh sáng, hứng lấy màu xanh và sức sống. (Còn hạt giống nào nằm khơi khơi trên mặt đất thì có nẩy mầm cũng héo khô)

Lm. Nguyễn Công Ðoan

Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Tình Yêu Thập Giá

[caption id="attachment_3760" align="aligncenter" width="500" caption="“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10, 38-39)"][/caption]

Thập giá của Đức Kitô là một sự điên rồ khó hiểu nhất trong các sự điên rồ: “Phải,trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” (1Cor 1, 22).

Khi chết trên Thập giá, Đức Giêsu cho thấy hai sự kiện tâm lý: một đàng kinh nghiệm bản thân về cái độc ác và sự yếu đuối của con người; đàng khác chấp nhận không chút phản loạn gánh nặng sự dữ, bởi vì Ngài biết mình đang thi hành một sứ mạng. Ngài muốn tùy thuộc vào những điều kiện sinh sống của con người, và như thế Ngài tùng phục thánh ý Chúa Cha trong mọi sự, để hoàn thành kế hoạch cứu rỗi trong đau khổ. Không phải đau khổ cứu rỗi, nhưng tình yêu cứu rỗi. Đau khổ tự nó không là gì hết, chỉ có tình yêu mới có thể phát sinh sự sống từ đau khổ.

Thập giá gắn liền với Đức Ki-tô, vì ngay cả khi Ngài sống lại vinh quang thì các dấu vết thương tích từ cuộc khổ nạn vẫn còn đó, không bị xóa mờ, đó là dấu chứng vĩnh cửu của một tình yêu Thiên Chúa không phai nhòa qua muôn thế hệ. Vì thế, “…Thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta…thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.” (1Cr 1, 18).

1. Linh đạo Thập giá

“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.”(Lc 14, 27). Việc đào luyện tu đức nào cũng phải cắm rễ sâu vào Thập giá. Chỉ có một con đường theo Đức Ki-tô là con đường Thập giá mà thôi (x. Mt 16, 24). Vì thế, mọi tránh né cũng như tìm cách che chắn cho bản thân mình khỏi việc đón nhận Thập giá đều là muốn phủ nhận Đức Kitô trong cuộc đời mình. Tất cả những gì gọi là con đường tắt, cuối cùng chỉ là ngụy biện, trống rỗng và tự lừa dối mình. Bởi vì đích điểm của cuộc đời theo Chúa là đỉnh núi Can-vê, nơi Chúa Cha đang chờ đợi ta như đã chờ đợi chính Con yêu dấu của Ngài.

Thập giá đồng nghĩa với bỏ mình và trần trụi. Bởi vậy không lạ gì, người đón nhận thập giá cảm thấy bơ vơ trơ trọi, như bị tước đoạt tất cả những gì mình từng có, từng cậy dựa vào để làm nên cuộc đời mình. Thập giá được đón nhận làm rơi xuống cái ảo tưởng và cho thấy sự thật về chính mình; cho thấy mình là ai giữa những tạm bợ của cuộc đời này và đồng thời nhận ra lẽ sống chân thật.

Thập giá gắn liền với hy sinh và giũ bỏ ý riêng để ý Chúa được hình thành và tác tạo nên cuộc sống mới cho mình, không còn quay quắt với nỗi đau thương và toan tính phàm tục của một cuộc sống dày đặc vô minh và lầm lạc.

Thập giá đòi phải sẵn sàng uống cạn chén đắng đến giọt cuối cùng, nghĩa là vâng phục đến chết, một sự vâng phục đưa đến tự do chân thật để hoàn thành cách cao đẹp nhất cuộc đời mình trong Đức Ki-tô.

2. Cám dỗ khỏi Thập giá

Văn minh hưởng thụ và chủ nghĩa thực dụng của xã hội hôm nay khiến con người đặt nặng tính chất hiệu năng. Điều này tạo mối nguy cơ cho đời sống tâm linh là ham thích “dễ dãi”, “thoải mái”, chẳng phải hy sinh gì mà kết quả thì rộng lớn trong mọi hoạt động và trong chính lối sống cá nhân mình. Đó là thứ “tinh thần hảo ngọt”, dẫn đến kết quả là con người tìm kiếm chính mình nơi Thiên Chúa, chứ không phải tìm kiếm Thiên Chúa nơi chính mình.

Đó chính là mục tiêu chủ yếu của ma quỉ trong việc cám dỗ Đức Giêsu (x. Mc 1:12-13; Lc 4:1-13). Nó không ngăn chặn công cuộc cứu độ nhân loại của Ngài, nhưng nó cho Ngài thấy không cần phải chịu đau khổ, không cần phải vác Thập giá và chết cách ô nhục nặng nề. Thế rồi, bằng một loạt những toan tính sâu độc, nó hướng Ngài đến những phương cách cứu độ “dễ dãi”, “thoải mái” bằng việc thể hiện quyền năng và sức mạnh mà Ngài sẵn có, với thái độ thỏa hiệp để đôi bên cùng có lợi.

Xem ra phương sách cứu độ kiểu này có tác dụng hữu hiệu và thực tiễn, nhưng rất tiếc đó lại là đường lối của ma quỉ, chứ không phải đường lối của Thiên Chúa (x. Mt 16, 21-23). Đừng quên rằng, việc cứu độ không nhằm vào sự toan tính cách thế hay hiệu năng nhất thời, nhưng nhắm đến việc mạc khải tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa, trước tình trạng vong thân cực độ của con người do tội lỗi gây ra, và nhắm đến tính cách toàn diện qua muôn thế hệ, như một chân lý sống duy nhất cho nhân loại.

Cơn cám dỗ thường xuyên của con người thời nay, là tìm kiếm một Đức Giêsu không Thập giá, là muốn một Ki-tô giáo dễ dãi và hợp thời hơn, là khát khao một Tin Mừng không nhuốm nước mắt. Cũng giống như Phêrô ngày xưa, người ta muốn kéo Chúa Giêsu ra ngoài để can ngăn Ngài đừng tuyên bố quá rõ ràng về Thập giá. Nhưng như chúng ta đã biết, Tin Mừng của Chúa Giêsu là một “Tin Mừng khổ lụy”, nghĩa là không chỉ có rao giảng, mà chủ yếu là thực thi, làm chứng (tử đạo) cho điều mình rao giảng, nghĩa là chết đi chính mình để Chân lý và Tình yêu được tỏ hiện. Nếu không sống như thế, thì Tin Mừng trở nên mơ hồ, Thập giá trở thành đồ trang sức, và đạo lý cứu độ biến thành mớ lý thuyết suông, cốt để che chắn và làm bình phong cho một số hạng người nào đó được yên thân an vị.

Nếu cố tìm một Đức Giêsu không Thập giá, ta sẽ gặp Thập giá mà không có Đức Giêsu. Sự khôn ngoan và sức mạnh của Thập giá chỉ được hiểu khi người ta đảm nhận và trực tiếp kinh nghiệm nó một cách sâu xa, để từ đó không còn nhìn Thập giá như một chướng ngại, nhưng là một cơ hội và cách thức thể hiện chính mình một cách cao độ nhất trong Đức Kitô, tạo nên sự say mê và niềm thâm tín như thánh Phaolô:

.“Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá.”(1Cor 2,2).

. “Tôi mang trong thân mình tôi cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi.” (2Cor 4, 10).

. “Tôi thông phần vào các sự thống khổ của Chúa Giêsu, để được đồng hình đồng dạng với sự chết của Ngài, để làm sao đạt tới ơn Phục sinh từ cõi chết.” (Pl 3, 10-11).

3. Sống Hy lễ Thập giá

Thập giá không phải là kết điểm của một con đường, mà là cổng dẫn vào sự sống siêu vượt: thất bại chuyển hóa thành chiến thắng. Chính chỗ mà sự sống bị tước đoạt lại trở thành nơi mà sự sống được phục hồi. Đời sống Kitô hữu chỉ được sắc nét khi tựa vào Thập giá. Đời sống tu sĩ, linh mục càng trổ hoa sinh trái khi càng cắm rễ sâu vào Thập giá, bởi cuộc đời họ là của lễ hy tế, phát xuất từ Đức Kitô, Đấng “đã tự thể hiện mình là tư tế, là bàn thờ, và là con chiên bị sát tế”.

Bằng cách nhận trở nên của lễ hy tế mà Đức Kitô đã chiến thắng khải hoàn. Chiến thắng này được trao ban cho tất cả những ai đồng chịu cùng một số phận như Ngài. Bởi vậy mọi ân sủng lãnh nhận trong Giáo hội đều ẩn chứa một năng lực “Kitô hóa”. Thánh Phaolô đã giải thích điểm này qua việc dùng các động từ cùng-đau-khổ, cùng-vinh-hiển (Rm 8, 17), cùng-sống, cùng-chết, cùng-chịu-đóng-đinh (Gl 2, 19), cùng-được-mai-táng (Rm 6, 4), cùng ngự trị (Ep 2, 6), cùng-hiển-trị (2Tm 2, 11-12). Công đồng Vat. II cũng đã xác định:

Mọi chi thể phải nên giống Chúa Kitô cho đến khi Ngài hình thành trong họ (x. Gl 4, 19). Vì thế, chúng ta được kết nạp vào mầu nhiệm sự sống của Ngài, trở nên giống Ngài, cùng chết và cùng sống lại với Ngài, cho đến khi cùng cai trị với Ngài. Đang khi còn là lữ hành trên mặt đất, bước theo vết chân Ngài trong đau thương và bách hại, chúng ta cùng thông hiệp với những đau khổ của Ngài như thân thể kết hiệp với đầu, hiệp với sự thương khó của Ngài để được cùng vinh hiển với Ngài” (LG 7c).

Như thế có nghĩa là bao giờ Giáo hội cũng sẽ phải sống và hoạt động trong những điều kiện khó khăn, phải đương đầu với nhiều thử thách và đòi hỏi sự thanh luyện, bởi vì công cuộc cứu độ bao giờ cũng tiến hành dưới dấu chỉ của khó nghèo và bách hại. Đó là con đường mà Giáo hội phải dấn thân để dõi bước theo Đức Giêsu, vị Thầy chí thánh. (x. LG 8c).

Đó là giáo thuyết soi sáng và là nền tảng cho sự khổ hạnh Kitô giáo (x. Mt 16, 24). Mang trên mình cuộc khổ nạn của Đức Kitô (x. 2Cor 4, 10) không phải là chuyện đi tìm khoái lạc trong đau khổ, nhưng là kết quả của sự khôn ngoan (mà thế gian coi là điên dại) của Thiên Chúa: phải chết cho chính mình thì mới có thể sống lại với Đức Kitô: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10, 38-39).

         Con đường tám mối phúc thật không gì khác hơn là con đường Thập giá. Đức Kitô không ngừng hấp hối ở trong Giáo hội, mãi cho tới ngày cánh chung. Chính vì vậy mà Giáo hội không ngừng cộng tác vào việc cứu độ thế gian bằng cách “hoàn tất những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu...” (Cl 1, 24).

Quả thật, chúng ta có một khoa học tuyệt diệu, hơn mọi thứ khoa học, đó là khoa học Thánh giá. Thánh giá là tiêu chuẩn để chọn lựa và quyết định trong mọi trường hợp. Chính sự xác tín này khiến tâm hồn ta luôn được bình an và thanh thoát, cả trong những nỗi ngặt nghèo. Nhưng trong thực tế, cuộc sống cũng lắm nhiêu khê, làm ta bị giằng co và nhức nhối không nguôi, do những nổi loạn từ chính tâm hồn mình, giữa cái muốn mà không muốn, giữa cái làm mà không làm, giữa cái cho đi và khước từ, giữa cái dấn thân và đòi hỏi, giữa cái sống và cái chết... Bởi vậy, Thomas Kempis trong sách “Gương Chúa Giêsu” có viết như sau :

-         Có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng rất ít kẻ muốn vác Thánh giá với Người.

-         Nhiều kẻ ước ao được ơn an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thử thách với Người.

-         Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thiếu thốn với Người.

-         Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng chịu sự gì khó với Người.

-         Nhiều kẻ muốn theo Chúa Giêsu đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng ít kẻ dám cạn chén đắng với Người.

-         Nhiều kẻ tôn sùng các phép lạ của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu xỉ nhục với Người.

Chẳng ai vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa. Hãy đi với Chúa Giêsu qua từng chặng đường Thập giá của cuộc đời mình. Đừng theo Chúa với thái độ bàng quan, bởi lẽ Ngài gánh chịu mọi sự khổ đau vì ta và cho ta. Sau khi đã thấm nhuần cuộc Khổ Nạn, ta sẽ thấy mình yêu thánh giá của Chúa hơn, mến thánh giá của mình hơn, và kính trọng thánh giá của người khác hơn.

Lạy Chúa, phải được ơn sâu nhiệm biết bao để có thể hiểu thấu, cảm mến và đón nhận trọn vẹn Thập giá Chúa trong cuộc đời con, để con có thể tự hào như một ân ban mà không xót xa cắn đắng như một số phận.

            Nhìn ngắm Thập giá Chúa, con hiểu được một cách thâm thúy những nỗi khổ nhục và đau đớn trong cuộc đời con:

-         Thập giá cần thiết biết bao để thanh tẩy tâm hồn con khỏi mọi vết nhơ.

-         Thập giá cao cả biết mấy để kéo con lên khỏi những thấp hèn.

-         Thập giá yêu thương và khiêm hạ dường nào để giải thoát con khỏi những oán ghét và kiêu căng ích kỷ.

-         Thập giá tín trung và nhân hiền vô lượng để con biết  xa rời những đam mê và ảo tưởng.

-         Thập giá rạng ngời và nhân ái vô song để con vượt thoát những tối tăm cạm bẫy và gian trá chia lìa.

-         Thập giá Phục sinh và vinh hiển vô biên để con hy vọng, tin tưởng và được yêu mến Chúa đến vô cùng.

      Xin cho con và mọi người được hưởng ơn cứu độ nhờ Thập giá của Chúa, đã chuyển hóa thành Thập giá của cuộc đời mình. Amen.

 Lm. Thái Nguyên

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Từ Trên Thập Giá

[caption id="attachment_3744" align="aligncenter" width="540" caption="“Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc, 23, 46)"][/caption]

Bảy lời sau cùng của Chúa Giêsu trên Thập tự


 1. “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ” (Lc 23, 34).

Câu nói đầu tiên của Chúa Giêsu trên thập giá là lời tha thứ, lời của một trái tim chan chứa yêu thương. Chúa chịu chết để mong xóa đi mọi tội lỗi của ta, để ta được nên tinh tuyền và thánh thiện nhờ tình thương của Ngài (Ep 1, 4). Dù tội lỗi của chúng ta có lớn lao đến mức độ nào chăng nữa thì cũng nằm trong tình yêu thương tha thứ của Ngài.

Trái tim biết tha thứ là trái tim của TC : một trái tim kết nối và hiệp thông, một trái tim của nhân nghĩa và chính trực, một trái tim của an vui và hòa bình

Chúa tha thứ cho chúng ta cũng là mong chúng ta hãy biết tha thứ cho nhau (Lc 6, 37; Mt 6, 14-15). Không có gì là không thể tha thứ được với một tâm hồn muốn sống trong hạnh phúc yêu thương, như Chúa đã yêu thương ta.

2. Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng (Lc 23, 43).

Chúa chết đi là để trao ban Thiên đàng cho người tội lỗi biết thật lòng ăn năn sám hối. Chúa mong muốn cứu rỗi ta còn hơn chính ta mong muốn. Hãy nói lên tiếng nói đón nhận Ngài từ chính con tim mình, để Ngài có thể trao ban cho ta tất cả.

Dù đang phải khốn khổ, nhưng người trộm lành vẫn biết hướng đến nỗi khốn khổ của người bên cạnh. Tấm lòng nhân ái đó đã giúp ông nhận ra Chúa Giêsu, Đấng biến nỗi đau thương của ông thành vinh phúc ngàn đời.

Một cách nào đó Chúa cũng đang chịu đau thương cùng với chúng ta, bên cạnh chúng ta. Đừng quay gót với những nỗi đau của mình, nhưng hãy bước ra khỏi chính mình để nhìn xuống với tâm tình cảm thông với anh em, và nhìn lên với tấm lòng cậy trông vào Chúa.

Điều quan trọng không phải là những lỗi lầm, nhưng sự nhận thức và thái độ phía sau những lỗi lầm mới là đáng kể. Mọi sự đều tùy thuộc vào tấm lòng. Giữa những đau thương ta cần có được tấm lòng chân thật và khiêm tốn như người trộm lành.

 3. “Thưa Bà, đây là con của Bà”.(Ga 19, 26).

Qua Thánh Gioan, Chúa trối phú ta làm con Đức Maria, một người nữ tuyệt vời có một không hai trong nhân loại. Mẹ là kho tàng thiêng liêng vô giá mà TC đã làm nên cho con người, là tình yêu thẳm sâu và cao quí nhất của Chúa Giêsu mà Ngài trao lại cho ta. Hãy đón nhận ân ban bao la này với lòng cảm mến chan chứa suốt cuộc đời ta.

Qua Chúa Giêsu tử nạn, Mẹ sinh ra ta bằng máu lệ trong đau đớn nhục nhằn, trong trái tim bị đâm thâu tan vỡ, để cho ta một đời sống mới trong vòng tay yêu thương của Mẹ. Hãy phó thác tất cả cuộc sống cho Mẹ với lòng tin tưởng và tha thiết mến yêu.

Từ nay, trên con đường bước đi theo Chúa với những vui buồn có Mẹ có con, sướng khổ Mẹ con chia sớt. Có Mẹ là có tất cả những gì con mơ ước. Với Mẹ mọi sự đều có thể. Nơi Mẹ mọi cái nơi con sẽ được tinh luyện trong sáng. Vì Mẹ con vui bước dấn thân sống cho mọi người.Trong Mẹ con tiến vào cõi hạnh phúc ngàn thu cùng với Chúa Giêsu.

4“Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46).

“Eli! Eli! Lamma sabacthani?”. Tiếng kêu than này trong ngôn ngữ Do Thái phô diễn một mầu nhiệm kinh khủng về sự kiện : Thiên Chúa từ bỏ Thiên Chúa. Thiên Chúa dường như đã không còn là TC nữa khi Ngài bị tước đoạt trần trụi vì tội lỗi chúng ta. Kinh nghiệm bỏ rơi cho thấy Chúa Giêsu đang ở mức độ tột cùng của mọi nỗi cô đơn : bị loài người từ bỏ không nói chi, nhưng dường như bị TC từ bỏ. Thiên Chúa vẫn có đó như mặt trời vẫn soi sáng ở không trung, nhưng áng mây đen dầy đặc của tội lỗi nhân loại đã che kín sự hiện diện của Ngài. Dù còn những người thân yêu đứng bên cạnh, nhưng sự hiện diện của họ chẳng thể bù lấp phần nào sự cảm nhận trống vắng TC trong tâm hồn. Điều đó cho hiểu rằng, khi con người đánh mất TC là niềm ủi an duy nhất của đời mình thì tình trạng sẽ ra kinh khủng như thế nào.

Trong nỗi đớn đau và cô đơn khủng khiếp Chúa Giêsu đã đền tội cho 3 hạng người : hạng người từ chối TC; hạng người nghi ngờ sự hiện diện của TC; hạng người lãnh đạm với TC. Cả 3 hạng người này đều hiển hiện một cách nào đó trong lối sống của mỗi người, và hậu quả bi thảm của nó mang tính cách nền tảng nhân sinh :

- Khi từ chối TC, đời sống của con người trở thành hư vô, và mọi sự trong đó chỉ còn phi lý và vô nghĩa, “cuộc đời đáng nôn mửa” (Jean Paul Sartre).

- Khi nghi ngờ sự hiện diện của TC, con người trở nên nghi ngờ chính mình; không thể thiết lập tương quan với TC thì tương quan với tha nhân chỉ còn là vá víu; ý nghĩa và giá trị cuộc sống bị lung lay; bản thân con người dễ trở thành miếng mồi ngon cho sự dữ hoành hành.

- Khi đã lãnh đạm với TC thì cuộc sống và mọi cái trong đó đều trở nên trơ trọi. Trong sự lãnh đạm đó, tình yêu không thể phát sinh, nên hạnh phúc cũng không thể thành hình. Trong tâm trạng đó mọi cái đều trở nên vô hồn, hoang vu và trống rỗng, và cuối cùng, con người là sự bế tắc cho chính mình. Chính vì thế mà tiếng kêu than của Chúa Giêsu đã vang lên từ trong cô đơn sâu thẳm của lòng người, cho con người và vì con người.

5Tôi khát (Ga 19, 28)

Trong đau đớn và tủi nhục, trong sầu thương và cô đơn tận cùng, Chúa Giêsu khao khát tình yêu. Chúa muốn nhận chịu tất cả vì tình yêu. Dù biết rằng yêu là chấp nhận tang thương, đổ máu, Chúa cũng vẫn tha thiết yêu cho tới cùng, vì con người là chóp đỉnh công trình tình yêu của Ngài : “Vì Ngài mà muôn vật được tạo thành”.

Mỗi người chúng ta nằm trong cơn khát của Chúa Giêsu. Tình yêu Ngài đã trút cạn cho ta, nên Ngài khao khát chính ta. Ngài đang chờ trái tim ta mở rộng cho nỗi khao khát của tình yêu Ngài. Lạ lùng thay ! một Thiên Chúa lại khát khao con người. Đó là điều không thể tưởng, nhưng có thật, cũng giống như mầu nhiệm Chúa làm người.

Thiên Chúa là Tình Yêu, mà Tình Yêu là cơn khát khôn nguôi, là dòng chảy khôn xiết, là sức mạnh khôn lường, là sự da diết khôn tả. Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô là như thế trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Có điều trớ trêu thay, nhiều khi chúng ta không dám tin là như vậy, nhưng thực sự mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa là như thế. Hãy tin ! hãy cảm thụ cơn khát của Chúa Giêsu trên thập giá từ chính trái tim mình, để ta không còn sống bâng quơ và hững hờ trước ngọn lửa tình yêu đang bốc cao như thiêu đốt chính Ngài trong cơn khát vô cùng.

6. “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30)

Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi sự theo ý muốn của Chúa Cha trong kế hoạch cứu chuộc nhân loại. Ngài đã làm tất cả những gì cần phải làm của một trái tim yêu thương đến tận cùng. Ngài đã hoàn tất để chúng ta bước vào sự khởi đầu của một đời sống mới. Tuy nhiên một cách thiêng liêng vô hình, mỗi linh hồn xa lạc vẫn còn là một đồi Canvê hành hình, mỗi tội phạm vẫn là một Thập Giá mới treo thân Chúa não nề.

Con người và thập giá là hai hình ảnh không thể tách rời trong cuộc sống nhân loại. Ngày nào con người còn là thập giá còn. Con người không thể coi thập giá như sự đối chọi nghiệt ngã của đời sống mình, nhưng phải coi như một sự tương tác để tồn tại và hình thành chính mình trong một sự sống mới mà Chúa Giêsu đã làm nên. Con người và thập giá, tuy không tương đồng tương ứng, nhưng tương khắc tương sinh theo cách thức của TC.

Chúa Giêsu đã rời khỏi thập giá để cho ta bước lên, không phải thập giá của hận thù nhưng là thập giá của tình yêu, không phải thập giá của người tử tội bị ruồng bỏ trong cô đơn nhưng là thập giá của người công chính được ôm ấp vào lòng của TC. Đó là thập giá của niềm vui và ân phúc, thập giá của chiến thắng và vinh quang, vì được hiến thân cho người mình yêu. Theo ý nghĩa đó trong cuộc đời ta, nếu không có ngày thứ sáu thụ nạn, sẽ chẳng bao giờ có Chúa nhật phục sinh; không có tủi nhục thì không có vinh quang; không có chiến đấu thì không có chiến thắng; không có khao khát thì không có no thỏa; không dám chết thì không thể sống lại. Chúa sẽ thực hiện và bảo toàn mọi diễn biến đó trong cuộc đời ta, chẳng có gì phải lo sợ. Có ai lại lo sợ khi mình đang được yêu.

7. “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc, 23, 46)

Chúa Giêsu đã qui hướng mọi sự về Cha, đã trao phó tất cả cho cha, và cuối cùng dâng trong tay Cha chính sự sống của mình. Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí (Ga 19, 30).

Tâm tình hiếu thảo của Chúa Giêsu đã đạt đến mức độ tối hảo trong việc làm vinh danh Cha. Tình thâm nghĩa thiết thật cao dày khôn sánh, đẹp quá tình nghĩa Cha Con thật thắm thiết đậm đà. Cha được rạng rỡ nơi Con, Con được tôn vinh nơi Cha, và Thánh Thần là Tình Yêu kết nối trong sự hiệp thông duy nhất. Nhiệm cục cứu độ là công trình tình yêu của TC Ba Ngôi muốn kết hiệp mọi người nên một trong sự sống Thần Linh  Thiên Chúa bây giờ và mãi mãi.

Nhờ Chúa Giêsu, con xin phó thác cuộc đời con vào lòng thương xót của Thiên Chúa, với tất cả lòng tin yêu, thờ lạy và cảm tạ đến muôn đời. Amen.

Lm. Thái Nguyên

Thông điệp Đức Mẹ ngày 25/3/2012







 

Thông điệp Mẹ Mễ Du ngày 25/3/2012 qua thị nhân Marija


 

"Các con yêu dấu,

Hôm nay nữa, với niềm vui mừng, Mẹ mong muốn ban cho các con Chúc Lành Từ Mẫu và kêu gọi các con cầu nguyện.  Nguyện xin lời cầu nguyện trở thành một sự cần thiết cho các con lớn mạnh hơn trong sự thánh đức mỗi ngày. Các con hãy thực thi nhiều hơn trong sự hoán cải của mình bởi vì các con còn quá xa vời, các con nhỏ ạ. Cám ơn các con đã đáp lại lời mời gọi của Mẹ".

Message to Marija on March 25, 2012

“Dear children!

Also today, with joy, I desire to give you my motherly blessing and to call you to prayer. May prayer become a need for you to grow more in holiness every day. Work more on your conversion because you are far away, little children. Thank you for having responded to my call”.

Kính Mừng MARIA

Mỗi người có một ơn gọi

[caption id="attachment_3735" align="aligncenter" width="420" caption="Chúc các bạn mọi sự tốt lành!"][/caption]

Hãy hạnh phúc vì bạn có một công việc”, đó là câu mà chúng ta thường nghe người khác nói, đặc biệt khi trong những lúc khó khăn. Nhưng sẽ thế nào nếu công việc ấy quá khó khăn đối với chúng ta, bởi vì công việc ấy không thật sự phù hợp với năng lực của chúng ta? Chúng ta làm nó, và cố gắng hết sức khi thực hiện, nhưng chúng ta biết nó không phải điều chúng ta được để làm trong cuộc sống của chúng ta.

Nhưng chúng ta vẫn đeo bám nó vì rất nhiều lý do.

Có thể chính sự sợ hãi giữ chúng ta gắn chặt với nó, bởi vì nếu rời bỏ và làm điều gì đó đồng nghĩa với việc mạo hiểm thất bại. Có thể chúng ta không chắc phải làm gì tiếp theo. Có thể chúng ta quá quen thuộc với một cách sống, và chúng ta cần thu nhập để trang trải cho cuộc sống ấy. Có thể chúng ta làm việc để có đủ tiền vui chơi.

Hoặc cũng có thể những lý do của chúng ta không phải vì bản thân nhưng vì người khác nhiều hơn. Có thể chúng ta làm việc để nuôi gia đình. Có thể chúng ta làm việc để làm điều tốt, để đóng góp ngay cả trong lĩnh vực không phải là ơn gọi của chúng ta. Cũng có thể chúng ta làm việc để kiếm đủ tiền nhằm phục vụ cho những mục đích chính đáng có ý nghĩ đối với chúng ta.

Có lẽ tất cả chúng ta đều nhận ra một hoặc nhiều hơn những nguyên nhân được liệt kê ở trên nhằm giải thích cho việc bản thân chúng ta làm, “một công việc” hoặc “một nghề nghiệp” nào đó. Nhưng sẽ thế nào nếu chúng ta tìm thấy điều gì đó tốt hơn? Sẽ thế nào nếu chúng ta có thể làm điều gì đó phù hợp với những năng lực của chúng ta? Sẽ thế nào nếu chúng ta làm những việc mang lại cho chúng ta nguồn cảm hứng, thắp lên ngọn lửa trong ta và tiếp cho ta nghị lực? Hoặc sẽ thế nào nếu chúng ta cũng nhận được thù lao từ công việc ấy, có thể không phải lúc nào cũng sung túc, nhưng ít ra chúng ta có thể sống thoải mái và hạnh phúc?

Chẳng phải điều ấy thật tuyệt vời sao? Chẳng phải chúng ta sẽ muốn làm công việc ấy mỗi ngày, thay vì sợ hãi mỗi khi đến sở làm việc và chán nản mỗi khi ngày thứ hai đầu tuần lại đến? Tôi nghĩ tất cả chúng ta điều cảm thấy như thế. Và tôi nghĩ rất ít người trong chúng ta may mắn được như thế.

Nhưng tôi tin rằng chúng ta không chỉ xứng đáng có được một công việc như thế, ơn gọi như thế, mà chúng ta còn nhất định có được. Hãy suy ngẫm đoạn Kinh Thánh sau:

Chúng ta có những đặc sủng khác nhau, tuỳ theo ân sủng Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được ơn làm ngôn sứ, thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Được ơn phục vụ, thì phải phục vụ. Ai dạy bảo, thì cứ dạy bảo. Ai khuyên răn, thì cứ khuyên răn. Ai phân phát, thì phải chân thành. Ai chủ toại, thì phải có nhiệt tâm. Ai làm việc bác ái thì vui vẻ mà làm” (Rm 12,6-8).

Tôi nghĩ câu đoạn Kinh Thánh nói cho chúng ta biết chúng ta được định để làm điều gì đó, chúng ta được Chúa ban ơn để làm, và chúng ta phục vụ Ngài tốt nhất khi chúng ta nhận ra ơn gọi ấy và dấn thân. Và tôi nghĩ khi chúng ta thực hiện, chính Thánh Thần Chúa sẽ ban cho chúng ta nghị lực, nhiệt huyết và cảm hứng để làm tốt công việc.

Nhưng làm thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể làm được khi chúng ta phải chịu đựng mỗi ngày khi làm việc, biết ơn về khoản thù lao nhận được; hay rời bỏ và làm việc khác chính là ơn gọi thật sự của chúng ta, một ơn gọi thực sự đến từ Chúa?

Dưới đây là 4 bước có thể có ích:

1. Tìm kiếm ơn gọi của bạn. Một số các bạn có thể đã biết được ơn gọi của mình, chỉ đang chờ đợi để bắt đầu. Những người khác có thể cần thêm sự chỉ dẫn. Có thể bạn nên thử đọc 48 ngày làm công việc bạn yêu thích của Dan Miller hoặc Chiếc dù của bạn màu gì? Hoặc bạn có thể hỏi bạn bè, đồng nghiệp, vợ/chồng của bạn, những người linh hướng của bạn. Hãy hỏi Chúa và cầu nguyện. “Nếu bạn cần đức khôn ngoan, hãy cầu xin Chúa, Người sẽ ban cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không quở trách” (Gc 1,5).

2. Vạch ra một kế hoạch để có thêm sức mạnh thực hiện ơn gọi ấy và loại bỏ những điều kéo bạn rời xa nó. Hãy hỏi Chúa: “Làm thế nào con có thể kết hợp chặt chẽ định hướng đó với cuộc sống làm việc hằng ngày của con?. “Tâm trí con người nghĩ ra đường lối, còn Đức Chúa hướng dẫn từng bước đi” (Cn 16,9).

3. Hành động. Thư Rôma 12 ghi lại vô số những hành động: nói ra ý kiến của mình, phục vụ, dạy dỗ, động viên, hướng dẫn... Mỗi ngày hãy thực hiện một hành động mang bạn đi theo hướng ơn gọi của bạn. Những bước nhỏ sẽ cộng dồn lại!

4. Hãy kiên nhẫn. Đôi khi, sự thay đổi cần đến thời gian; đừng chán nản nếu nó không diễn ra ngay lập tức. Và trong khi chờ đợi, hãy suy nghĩ xem bạn có thể làm gì để công việc hiện tại tốt hơn: bằng cách nỗ lực hết sức mỗi ngày.

Trên đây chỉ là một vài gợi ý để bạn biết làm thế nào có thể nhận ra công việc Chúa muốn bạn làm.

Nguyện xin Thiên Chúa là tình yêu chỉ dẫn cho bạn và cho tôi!

Thiên Ân

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Mọi người hãy dâng mình cho Mẹ


Các con hãy chiêm ngắm giây phút khôn tả khi Tổng Lãnh Gabriel được Chúa sai xuống để truyền tin cho Mẹ. Tổng Lãnh Thiên Thần nhận lời Xin Vâng của Mẹ để chu toàn chương trình Cứu Chuộc đời đời của Chúa và chấp nhận mầu nhiệm Nhập Thể vĩ đại trong lòng đồng trinh Mẹ. Lúc đó các con sẽ hiểu tại sao Mẹ xin các con phải dâng mình cho Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ.

Phải, chính Mẹ đã tỏ ý Mẹ khi hiện ra ở Fatima năm 1917; Mẹ đã nhắc đi nhắc lại việc dâng mình đó với Lucia.

Mẹ xin tất cả các Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ và Giáo dân hãy dâng mình cho Mẹ. Đây là lúc Giáo Hội phải tập trung vào Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ là nơi trú ẩn vững chắc!



Tại sao Mẹ đòi các con phải làm việc dâng mình này?

Khi một đồ vật đã được cung hiến thì nó không được dùng vào việc nào khác ngoài những việc thờ phượng mà thôi như các đồ lễ chẳng hạn.

Đối với một người cũng thế, khi người đó được Chúa kêu gọi để phục vụ Người một cách hoàn hảo. Bởi thế các con mới hiểu Bí Tích Rửa Tội thực là một hành động dâng hiến.

Nhờ Bí Tích Rửa Tội Chúa Giêsu đã lập, các con được thông ban ơn thánh, được nâng lên đời sống cao hơn, đó là đời sống siêu nhiên. Như vậy các con được tham dự vào bản tính Thiên Chúa, thông hiệp tình yêu với Thiên Chúa, và nhờ vậy việc làm của các con có một giá trị mới vượt trên giá trị tự nhiên, vì khi ấy chúng thực sự mặc giá trị siêu nhiên. Vì thế, sau khi chịu Phép Rửa Tội, các con được dành riêng ra để hoàn toàn làm vinh quang Chúa Cả Ba Ngôi, được tận hiến để sống trong tình yêu Chúa Cha, noi gương Chúa Con, trong sự hiệp thông tròn đầy với Chúa Thánh Thần.

Đặc điểm của việc tận hiến là tính cách toàn diện của nó : khi các con tận hiến là các con tận hiến toàn diện và mãi mãi!

Khi Mẹ xin các con tận hiến cho Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ, Mẹ muốn các con hiểu rằng các con phải phó mình cho Mẹ hoàn toàn, toàn diện và mãi mãi, để Mẹ tùy ý xử dụng các con theo Thánh Ý Chúa.

Các con phải phó mình cho Mẹ một cách hoàn toàn, bởi đó phải trao tất cả mọi sự cho Mẹ. Các con không được dâng một điều và giữ lại một điều; các con phải thực sự thuộc về Mẹ hoàn toàn, tất cả.

Lại nữa, các con không được tận hiến cho Mẹ một ngày rồi ngày khác lại thôi, hay trong một thời gian các con muốn, mà phải tận hiến mãi mãi.

Chính tính cách quan trọng : thuộc về Mẹ toàn diện và mãi mãi này mà Mẹ đòi các con phải tận hiến cho Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ.

Các con phải sống đời tận hiến thế nào?

Nếu chiêm ngắm mầu nhiệm khôn tả mà Giáo Hội mừng kính hôm nay, các con sẽ hiểu phải sống đời tận hiến này ra sao. Bằng tình yêu, Ngôi Lời của Cha đã phó mình cho Mẹ hoàn toàn. Sau lời Xin Vâng của Mẹ, Người đã ngự xuống lòng đồng trinh Mẹ. Người tín thác cả thần tính của Người cho Mẹ. Sau khi Nhập Thể, Ngôi Lời vĩnh cửu, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống ẩn náu và trú ngụ trong lòng bé nhỏ của Mẹ đã được Chúa Thánh Linh chuẩn bị một cách lạ lùng. Người tín thác cả nhân tính Người cho Mẹ một cách thâm sâu như bất cứ người con nào đối với mẹ mình. Người nhận lãnh mọi sự nơi Mẹ : máu, thịt, hơi thở, của ăn, tình yêu, để mỗi ngày lớn lên trong lòng Mẹ, và rồi - sau khi sinh ra - Người luôn luôn ở bên cạnh Mẹ, phó thác mọi sự cho Mẹ. Bởi thế, cũng như Mẹ là Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể thì Mẹ cũng là Mẹ của Ngôi Lời Cứu Chuộc, - là mầu nhiệm đã bắt đầu ngày Truyền tin một cách tuyệt diệu.

Đó, Mẹ đã liên kết mật thiết với Chúa Giêsu Con Mẹ như thế; Mẹ đã cộng tác vào Công Cuộc Cứu Chuộc của Người, trong thời thơ ấu, lúc niên thiếu, 30 năm ẩn dật tại Nazaret, đời sống công khai, hồi thương khó, cho đến khi Người chết trên Thập Giá. Dưới chân Thập Giá, Mẹ đã dâng mình chịu đau khổ với Người, lãnh nhận những lời trối yêu thương và đau khổ của Người, những lời đặt Mẹ làm Mẹ thật của nhân loại.

(Trích sách To The Priests Our Lady’s Beloved Sons)


Chuyện Sống – Chết

[caption id="attachment_3718" align="aligncenter" width="454" caption="“Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12,28a)"][/caption]

(Chúa Nhật V Mùa Chay, năm B)


Tục ngữ Việt Nam nói: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Có nhiều cách chết, có cái chết đáng khâm phục và có cái chết “lãng nhách”, do đó cái “tiếng” cũng có thể tốt hoặc xấu. Người Công giáo gọi là chết lành hoặc chết dữ. Phàm cái gì có khởi đầu thì có kết thúc. Cũng vậy, có sinh ắt có tử.


Thánh Phaolô là người đã từng hăng hái và quyết ra tay triệt tiêu Ông Giêsu, nhưng rồi cuối cùng ông đã hoàn toàn biến đổi và phải thú nhận: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21), và ông nói về “Người Ấy”: “Đức Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến chết trên cây thập tự” (Pl 2,8).

Sống là yêu

Sống là yêu, và yêu là sống. Sấm ngôn của Chúa nói qua miệng ngôn sứ Giêrêmia: “Này sẽ đến những ngày Ta lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai Cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng” (Gr 31,31-32). Giao-ước-mới này khác giao ước đã ký kết với cha ông. Giao ước đó là gì? Là giao ước Thiên Chúa lập với nhà Israel, chính Ngài ghi vào lòng dạ dân chúng, khắc vào tâm khảm dân chúng Lề Luật của Ngài. Ngài là Thiên Chúa của họ, còn họ là dân của Chúa. Họ sẽ không còn phải dạy bảo nhau, và họ truyền miệng nhau: “Hãy học cho biết Đức Chúa” (Gr 31,34a). Học cho biết Đức Chúa về nhiều thứ, trong đó có việc học yêu. Do đó mà mọi người từ nhỏ đến lớn đều nhận biết Chúa. Điều tuyệt vời nhất là “Thiên Chúa sẽ tha thứ tội ác cho họ và không còn nhớ đến lỗi lầm của họ nữa” (Gr 31,34b). Là tử tội mà được tha bổng, được trắng án, có ai lại không hạnh phúc? Được sống thì phải biết yêu!

Giao-ước-mới đó gọi là Tân ước, là Luật Yêu Thương - không chỉ yêu người yêu mình mà phải yêu cả kẻ thù (x. Mt 5,44; Lc 6,27.35). Khó quá! Vâng, không dễ chút nào. Nhưng yêu thương và tha thứ có hệ lụy lẫn nhau, không thể có cái này mà thiếu cái kia. Chúa Giêsu đã nói: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Môsê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7,12). Ai có lỗi cũng muốn được bỏ qua, nhưng muốn được tha thì phải biết tha cho tha nhân, và thành tâm xin Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51,3-4). Thành tâm cầu xin như thế thì Chúa không thể không tha, vì Ngài chỉ chờ mong giây phút được tha thứ cho tội nhân biết sám hối.

Được tha rồi, nhưng “vết chàm” chưa sạch, thế nên chúng ta phải xin Chúa “đại tu” tâm hồn mình, và xin Ngài không ngừng nâng đỡ, nếu không thì chúng ta lại sa ngã ngay: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con Thần Khí Thánh của Ngài” (Tv 51,12-13). Phần riêng Chúa ban cho chúng ta nhưng chúng ta đã “phung phí” hết, cho nên chúng ta lại phải tiếp tục kêu cầu: “Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con; đường lối Ngài, con sẽ dạy cho người tội lỗi, ai lạc bước sẽ trở lại cùng Ngài” (Tv 51,14-15).

Chết là yêu

Sống là yêu, sống để yêu, sống vì yêu, đó là chuyện dễ hiểu. Chết cũng là yêu, để yêu và vì yêu lại là điều khó hiểu, thậm chí nghe chừng nghịch lý. Nhưng đó là sự thật hiển nhiên.

Muốn gì thì phải nói, chứ ai biết “ngứa” chỗ nào mà “gãi”? Chính Đức Giêsu, khi còn sống kiếp phàm nhân, đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết. Ngài đã được nhậm lời, vì Ngài có lòng tôn kính. Ngài “được nhậm lời” không có nghĩa là không phải đau khổ và không phải chết. Nhưng Ngài “được nhậm lời” để “thoát chết” là được Chúa Cha cho sống lại vinh quang. Hành-trình-sống-chết của Đức Kitô là để củng cố đức tin cho chúng ta.

Thánh Phaolô xác định: “Dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Vậy đó, cái gì cũng phải khổ luyện, không thể cứ “khơi khơi” mà có thể uyên thâm, hiểu sâu và biết rộng. Học thì phải hành, không thực hành thì chỉ là mớ lý thuyết suông, không thực tế, vô ích. Học đàn phải luyện ngày đêm thì mới nhuần nhuyễn, văn thơ thi phú cũng phải làm nhiều thì mới “lên tay”, làm bếp cũng phải nấu hằng ngày mới có thể nấu ăn ngon,… Và mọi thứ đều cần kinh nghiệm. Lười biếng thì chỉ có nước “bó tay”. Ngay cả Chúa Giêsu cũng đã theo đúng “quy trình” đó: “Khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Ngài” (Dt 5,9).

Trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy Lạp. Họ đến gặp ông Philípphê, người Bếtxaiđa, miền Galilê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu” (Ga 12:21). Một ước muốn tuyệt vời. Người Pháp nói: “Vouloir, c’est pouvoir” (muốn là có thể được). Ông Philípphê nói với ông Anrê, ông Anrê cùng với ông Philípphê đến thưa với Đức Giêsu. Và Ngài trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” (Ga 12,23).

Rồi Ngài trầm giọng: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Một hình tượng giản dị và rất thực tế. Có lẽ Ngài biết có người không kịp hiểu nên Ngài giải thích luôn: “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25). Ngài biết “giờ G” sắp đến, lòng Ngài cũng bồn chồn lo lắng vì thấy thương các đệ tử còn “non nớt”, nên Ngài nói như trút lòng ra: “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy” (Ga 12,26).

Theo nhân tính, Chúa Giêsu cũng cảm thấy xao xuyến nên tâm sự với các đệ tử: “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây?” (Ga 12,27). Rồi Ngài thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12,28a). Ngài cảm thấy sợ, nhưng Ngài biết trọng trách của mình và muốn Chúa Cha được tôn vinh mà thôi. Và rồi có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (Ga 12,28b).

Nghe tiếng vọng từ trời, dân chúng đứng ở đó nghe vậy có người cứ tưởng là “tiếng sấm”, người khác lại cho là “tiếng một thiên thần” nói với Ngài. Đức Giêsu biết họ xì xầm nên nói: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người” (Ga 12,30). Giờ của Ngài sắp đến, “giờ” mà Ngài gọi là “giờ của kẻ ác”, là “thời của quyền lực tối tăm” (x. Lc 22,53). Thế nhưng chính “giờ” ấy lại là lúc “diễn ra cuộc phán xét thế gian này, lúc thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!” (Ga 12,31). Một sự hoán vị ngoạn mục, chiến bại mà chiến thắng!

Chúa Giêsu bình tĩnh và hứa: “Phần Tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi” (Ga 12,32). Đức Giêsu nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào, nhưng đầu óc phàm nhân của các đệ tử - dù thân tín nhất - cũng không đủ hiểu ý Ngài muốn nói. Và đó chính là lời-hứa-kỳ-diệu!

Có lẽ chưa bao giờ Ngài nói nhiều như lần này. Nói để chia tay. Nói để từ giã. Nói để trăng trối. Nói như không còn dịp để nói. Nhưng Ngài muốn nói nhiều để mọi người biết yêu thương nhau, yêu cả lúc sống và khi chết.

Lạy Chúa Giêsu, xin tái tạo trái tim chúng con nên giống Ngài hơn, để chúng con có thể kính mến Chúa và yêu thương tha nhân trong từng hơi thở của cuộc sống. Xin giúp chúng con dám chết với Ngài để xứng đáng cùng Ngài phục sinh. Ngài hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.

Trầm Thiên Thu

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Chiến dịch Cầu Nguyện (23): Cầu cho sự an toàn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô


Lạy Cha Hằng Hữu, nhân Danh Con Yêu Dấu Cha là Chúa Giêsu Kitô và sự đau đớn Ngài chịu đựng để cứu thế gian khỏi tội lỗi. Con cầu xin Cha hãy bảo vệ Giáo Chức Thánh của Ngài, Đức Bênêđíctô XVI, đầu của Giáo Hội Chúa trên trái đất để Ngài cũng sẽ giúp cứu các linh hồn con cái Ngài và tất cả các tôi tớ thánh thiện của Chúa khỏi sự quấy nhiễu của Satan, và đội quân các thiên thần sa ngã đang rảo quanh thế giới cướp phá các linh hồn. Lạy Cha xin bảo vệ Đức Giáo Hoàng của Cha để con cái Ngài có thể được hướng dẫn trên con đường thật hướng về Thiên Đàng Mới trên trái đất. Amen.


Cảnh Cáo về Hỏa Ngục và Lời Hứa về Thiên Đàng

[caption id="attachment_3704" align="aligncenter" width="518" caption="Thiên Đàng Hoả Ngục 2 quê
Người khôn thì về, kẻ dại thì sa."][/caption]

Thứ Bảy Ngày 13 tháng 11 năm 2010


Con gái yêu dấu con đã trải qua một cuộc bách hại khủng khiếp mà Ta cho phép để giải thoát con khỏi nỗi đau dày vò của Hỏa Ngục. Bây giờ con được tự do và tinh thần của con sẽ cho con khả năng truyền bá lời của Ta nhờ thế nhân loại có thể được giải thoát khỏi những đau thương đang chờ đợi họ, họ thật khờ dại khi không chống cự nổi ma quỷ.  

Con, con gái được sai đi ngay từ khi bắt đầu. Ta làm cho con mạnh mẽ hơn luôn luôn nhưng chỉ một vài ngày. Con nghĩ rằng con sẽ trở nên như thế nào trong một tuần, một năm hay hai năm? Một kẻ chiến đấu, can trường đến cùng. Con sẽ làm việc với Ta để làm sạch linh hồn của những người con yêu dấu của ta, với họ Ta giữ một tình cảm sâu đậm và hoàn toàn thông cảm. Tình yêu chạy trong huyết quản Ta như một dòng sông. Sự cảm thông của Ta sẽ không bao giờ thu hẹp lại cho dù họ quay sang một hướng đi khác.  

Ta sẽ cứu chúng khỏi nỗi đau Hỏa Ngục.  

Hãy nói với họ, con gái của Ta, rằng Ta sẽ cứu họ khỏi nỗi đau Hỏa Ngục. Ta cần họ quay lại với Ta trong tình trạng không vui và rối loạn. Chỉ có một con đường đi đến tình yêu và bình an. Đó là được ở trong Thiên Đàng mới khi Trời và Đất nên một. Họ không biết điều này sao? Họ đã chưa từng nghe lời hứa Ta khi xưa ư? Lời hứa ban sự sống đời đời, nơi mà - tất cả nhân loại - những người quay về với Ta sẽ được nâng xác, hồn và tâm trí lên Trời Mới Đất Mới khi họ kết hiệp một lần nữa như ở trên Thiên Đàng vì lời hứa của Chúa Cha cho con cái Ngài đã được ban cho từ rất xưa.

Hãy tin. Ta nài xin con. Hãy suy nghĩ. Nếu con chưa bao giờ hướng về Kinh Thánh thì hãy tự hỏi mình câu hỏi đơn giản này. Nếu con cảm nhận tình yêu trong lòng thì con nghĩ nó từ ở đâu ra? Có phải tình yêu làm cho con cảm thấy dịu dàng, khiêm nhường, nhường nhịn và được giải thoát khỏi cái tôi không? Nếu như thế thì đó chính là tình yêu mà Ta hứa cho tất cả con cái Ta những kẻ quay về với Ta.  

Tham vọng thế gian làm cho các con trở nên trống rỗng.  



Thật là khó, Ta biết, hỡi các con, để tin vào một thế giới khác với nơi mình đang sống. Hãy nhớ rằng thế giới được Chúa dựng nên, Chúa Cha Hằng Hữu. Rồi thì nó bị làm cho vẩn đục bởi việc làm của quân Lừa Dối. Hắn, Satan, rất là xảo quyệt. Con, con cái của Ta phải biết chắc chắn rằng tham vọng thế gian mà các con tìm kiếm vô chừng vô độ không làm thỏa mãn các con chứ? Các con cảm thấy một sự trống rỗng mà các con không thể giải thích và hiểu nó như thế nào? Và rồi các con cố gắng thêm và thêm nữa. Nhưng, cũng vậy, các con vẫn không thỏa mãn khi các con nghĩ rằng các con phải được thỏa mãn. Tại sao như vậy? Các con có bao giờ nhìn vào tâm hồn và hỏi tại sao? Tại sao? Câu trả lời thật là đơn giản.  

Thiên Chúa dựng nên loài người. Loài người bị Satan cám dỗ. Satan tồn tại trong thế giới tuyệt đẹp mà Chúa Cha Hằng Hữu sáng tạo từ tình yêu tinh tuyền. Thật đáng buồn, Satan, sẽ tồn tại cho đến khi Ta Đến Lần Thứ Hai. Khi đó hắn sẽ hiện ra với toàn bộ sự dối trá và lừa dối rằng hắn đã biểu hiện trong con cái Ta. Lúc đó thì quá trễ cho con cái Ta kể cả những người không bảo đảm hay lưỡng lự trong việc tin vào sự sáng tạo cao siêu và thiêng liêng của Vương Quốc Cha.  

Đừng từ chối Ta.  

Hãy lắng nghe! Ta, Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế được sai đi để cho các con một cơ hội thứ hai để được vào Vương Quốc của Cha, giờ đây hãy nghe lời hứa của Ta. Hãy lắng nghe tiếng Ta, ban cho nhờ ơn sủng qua các thị nhân và tiên tri trong thế giới hôm nay và hiểu rằng tất cả con cái Ta đều bằng nhau trước mặt Chúa Cha.  

Những ai theo Ngài sẽ được chúc phúc nhưng những linh hồn không tin sẽ bị đau khổ dày vò và từ chối không nghe. Chúa dựng nên thế giới. Nó không tự nhiên hiện hữu. Con người không, và không thể, tạo ra một phép lạ mà khoa học không bao giờ giải thích được. Sự việc thiêng liêng siêu nhiên không bao giờ hiểu được thật sự cho đến khi mọi con cái Chúa quy phục tâm trí, thân xác và linh hồn cho tình yêu tinh tuyền mà Ta ban cho.  

Ta nài xin tất cả các con vui lòng đừng từ chối Đấng Tạo Hóa của các con. Xin vui lòng đừng nghe theo sự lừa lọc của của lời nói dối mà các con được nghe nói bởi tên Lừa Dối, qua các phe nhóm Tam Điểm (Free Masons), Khải Thị (Illiminati), các tiên tri giả, những quái nhân (the bizarre) và tất cả những người thờ cúng ma quỷ đã và đang tiến triển qua sự ngu xuẩn của loài người.  

Satan có thật.  

Con người thì yếu đuối. Ngay cả người thánh thiện nhất cũng sa ngã làm mồi cho sự cám dỗ liên tục của Ma Quỷ. Vấn đề là ở chỗ họ, những người đi tìm lạc thú, không tin rằng hắn có thật. Những người khác tin rằng hắn có thật và hiện hữu. Họ là những người khiến cho Trái Tim Ta tan nát nhiều nhất.  

Những vết thương mở ra một lần nữa và mưng mủ.  

Ta đau khổ vì sự kéo dài với những vết thương mà Ta phải chịu đựng trong sự đóng đinh khủng khiếp, trong đó cái chết của Ta mở ra một lần nữa và cay độc để Ta trong sự thống khổ đau thương tột cùng trong thân xác, linh hồn và thiên tính của Ta. Ta vẫn không bao giờ hết yêu thương tất cả các con.  

Từ Thiên Đàng Ta mời gọi các con và nhân danh Chúa Cha Hằng Hữu Đấng tạo dựng nên từng người và mỗi người trong các con từ tình yêu tinh tuyền để đứng vững. Từ khước Satan. Tin rằng hắn hiện hữu. Chấp nhận rằng hắn hiện hữu. Mở mắt ra. Các con có thể nhìn thấy sự tàn phá mà hắn gây nên trong đời sống của các con không? Các con có mù quáng không?  

Một thông điệp cho người giàu có.  

Đối với người giàu có ta nói hãy dừng lại. Suy nghĩ và hỏi Chúa trong một lúc. Vai trò của các con trong việc sống các giới răn có làm cho các con hài lòng không? Các con có cảm thấy đúng không? Các con có từ chối Ta khi tiêu xài những của cải thế gian dư thừa đó không? Sự thừa mứa này và thú vui sẽ làm cho con tim các con trống rỗng. Các con sẽ biết, trong trái tim các con không cảm thấy đúng đắn. Các con vẫn còn khát khao hơn nữa sự trống không, và vẫn thích thú với lời hứa hẹn của quân Lừa Dối rằng các con đã nhận được từ hắn để đổi lấy linh hồn các con.

Một thông điệp cho những người theo phái Khải Thị.  

Ta nài xin tất cả các con, đặc biệt là các con đang hấp thụ thuyết Khải Thụ và những thực thể ma quỷ khác. Các con sẽ tức khắc chịu án phạt đời đời. Các con không hiểu rằng những gì các con được hứa hẹn để đổi lấy linh hồn của các con là một sự lừa dối sao? Sự gian dối lừa đảo và kinh sợ. Các con sẽ không bao giờ nhận được những món quà được hứa hẹn từ những sứ giả tội lỗi nơi hố sâu Hỏa Ngục. Như Đấng Cứu Thế bị treo trên Thánh Giá, khi từ bỏ mạng sống để cứu các con, xin đừng để Ta mất các con trong lúc này. Ta yêu thương con, con của Ta. Ta ứa nước mắt van xin các con một lần cuối đừng từ khước Ta vì những ơn huệ của quân Lừa Dối.  

Ta sẽ tha thứ cho tất cả những ai đi xưng tội.  

Ta không thể xâm phạm quyền tự do của các con vì đó là một trong những món quà được ban cho khi các con được sinh ra trong ánh sáng của Chúa. Ta sẽ đến, như Kinh Thánh đã báo trước rất sớm - sớm hơn bất cứ một ai có thể hiểu được. Thế giới sẽ chìm trong bóng tối và thất vọng. Ta vẫn sẽ tha thứ cho tất cả và từng người trong các con của Ta, những ai mà khi tội lỗi được tỏ bày cho họ, bất kể họ đã xúc phạm đến đâu - ngay tức khắc khi đi xưng tội, họ sẽ được vào Thiên Đàng cả hồn lẫn xác khi Trời và Đất giao hòa, nơi tất cả các con sẽ sống đời đời với Gia Đình của các con luôn mãi.  

Những lời hứa về Thiên Đàng phải được ban cho.  

Không bệnh tật, thân xác không bị hủy hoại, không tội lỗi - chỉ có tình yêu. Đó là lời hứa về Thiên Đàng của Ta. Không ai còn ước muốn gì nữa. Mọi người sẽ sống hài hòa vui vẻ và yêu mến.  

Sự thật về Hỏa ngục.  

Đừng từ chối đời sống này để sống cuộc đời Satan đã hứa! Các con đã bị lừa. Nếu các con đi theo con đường mà Chúa, hay Ta Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế không góp phần trong đó thì các con đang đi trên con đường khốn nạn đời đời. Các con sẽ kêu la với sự kinh hoàng khi các con nhận ra sự sai lầm đó. Và rồi các con sẽ nài xin Lòng Thương Xót. Các con sẽ khóc than. Giựt tóc. Nhưng, vì các con có ý chí tự do, một món quà của Chúa Cha, không thể lấy đi khỏi các con được. Khi các con chọn con đường sai lầm này, các con sẽ đau khổ khốn nạn và chịu thiêu đốt trong Hỏa Ngục đời đời. Đó là một điều rất thật. Một án phạt lớn lao nhất khi cuối cùng họ nhận ra rằng có một Thiên Chúa. Đó là Ta, Đấng Cứu Thế Chúa Giêsu Kitô của các con thật sự hiện hữu. Và sẽ không còn con đường nào khác, ở trạng thái đó, để cứu lấy các con.  

Sự khốn nạn lớn nhất là khi các con biết rằng các con sẽ không bao giờ được hưởng Nhan Chúa.  

Gia đình của các con có thể nhìn thấy các con từ phía bên kia. Khi điều đó xảy ra và các con nhận ra sự thật khủng khiếp thì đã quá muộn. Hãy nhớ lấy những lời này. Sự khốn nạn khủng khiếp là khi các con biết rằng các con sẽ không bao giờ được hưởng Nhan Chúa. Đó là sự đau đớn lớn lao nhất và là một điều sẽ kéo dài mãi mãi trong lửa Hỏa Ngục với nỗi đau triền miên khôn nguôi. Các con sẽ, thay vì được tận hưởng Thiên Đàng đã hứa cho các con, thì qua sự gian dối của quân Lừa Dối, chấm dứt trong hành lang khủng khiếp của Hỏa Ngục. Điều này rất thật và đau khổ diễn ra vĩnh viễn.  

Xin hãy vui lòng hỡi tất cả các con là những người không tin, Ta đang đối thoại với loài người, Ta xin các con hãy cầu nguyện với Thánh Tâm Ta. Hãy cầu nguyện chuỗi Kinh Lòng Thương Xót vào lúc3:00mỗi ngày. Ta sẽ đáp lại lời cầu xin với tình yêu mà các con sẽ cảm nhận ngay tức khắc. Hãy nắm tay Ta. Đừng để nó đi qua. Ta yêu tất cả các con rất nhiều đến nỗi đã thí mạng sống mình cho từng người và mỗi người trong các con để các con có thể được cứu.

Lần này Ta đến để phán xét. Vì yêu thương các con nhiều Ta không thể xâm phạm vào món quà ý chí tự do do Chúa Cha Yêu Dấu đã ban tặng cho các con. Ta hy vọng, rằng trong thời hiện đại cuối cùng các con sẽ lắng nghe những thị nhân và tiên tri. Sự thật là con đường nhớ đến sự cứu rỗi đời đời và là một khởi đầu mới khi Thiên Đàng trở về Trái Đất.

Sự gian dối của Satan.

Sự gian dối, bất kể xảo quyệt đến đâu, cũng chỉ có thế. Gian dối - được tạo ra để cướp đi những linh hồn thân yêu không thể được giải thoát bởi Cha Ta, Đấng Tạo Hóa và Dựng Nên Trái Đất.

Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế của các con.