Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Luyện Ngục khắc nghiệt nhất là không được chiêm ngưỡng Thiên Chúa

Các tiến sĩ lừng danh Giáo Hội tin rằng có một số Linh Hồn trong Luyện Ngục chỉ chịu một thứ cực hình là không được xem thấy Chúa.

Hẳn thật, thánh Brigita nói có một Luyện Ngục, trong đó các Linh Hồn mòn mỏi đi vì đã không yêu Chúa nhiều. Thứ Luyện Ngục này kinh khủng hơn cả, kinh khủng hơn thứ Luyện Ngục có lửa thiêu đốt nhiều.



Chuyện lạ sau đây, xảy ra tại nước Luxembourg, được cha Tổng đại diện Đức Giám Mục Treves minh xét và tuyên bố chính xác.

Ngày lễ chư thánh, cô Noailles là một thiếu nữ đạo đức bỗng thấy hiện về linh hồn một bà mới chết trước đây. Bà cho biết là thứ Luyện Ngục khắc nghiệt hơn cả của bà là không được thấy Chúa.

Bà bận đồ trắng, tay cầm tràng chuỗi Mân Côi, chỉ dấu lòng sùng kính cao độ của bà đối với Đức Nữ Thiên Vương.

Bà hiện về nhiều lần, nhất là ở trong nhà thờ. Bà quỳ một bên thiếu nữ, cùng nàng cầu nguyện, cùng theo nàng lên bàn Thánh. Bà dự thánh lễ và khi dâng Mình Thánh, mặt bà sáng rực khiến thiếu nữ chưa bao giờ thấy ai đẹp như vậy. Thường hiện về trong nhà thờ, bởi vì không được xem thấy Chúa nhãn tiền, thì ít nữa bà có thể chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa, và hơn nữa, tiện xin thiếu nữ cầu nguyện cho bà.

Nàng luôn luôn cầu nguyện cho bà, và thường xin lễ cho bà, cử hành nơi bàn thờ Đức Mẹ. Ngày kia Noailles hôn kính chân tượng Đức Trinh Nữ để cầu cho bà. Khi nàng trở lui, thấy bà đon đả chạy đon đả chạy đến cám ơn nàng. Bấy giờ bà nói lúc sinh thời, bà có khấn xin ba lễ tại nhà thờ Đức Mẹ và đã thất khấn. Bà khẩn khoản xin nàng, nhân danh bà, trả món nợ thiêng liêng đó, nợ làm cho cực hình bà chịu càng thêm cay nghiệt.

Nàng vội vã xin lễ. Đến lễ thứ ba, linh hồn khốn khổ đó vồn vã đến cùng nàng, đầy hân hoan, đầy hiển thắng, vì việc đền tội vừa được rút lại rất ngắn.

Thấy vậy, thiếu nữ quỳ xuống, tay dang thẳng vai và đọc 5 Kinh Lạy Cha, 5 Kinh Kính Mừng cho bà. Bà đỡ tay nàng. Bà tỏ lòng biết ơn nàng, nhất là khuyên bảo nàng nhiều điều rất bổ ích, trong đó có việc tôn sùng Đức Trinh Nữ. Bà khuyên: “Mỗi khi con thấy tượng Mẹ, con nên đọc 3 câu lạy: Lạy Mẹ đáng ngợi khen, lạy Mẹ là đấng an ủi kẻ âu lo, lạy Mẹ là Nữ Vương các thánh. Con càng yêu mến và phục vụ người Mẹ cao cả ấy bao nhiêu, con càng được Ngài tận tình với con bấy nhiêu trong cuộc phán xét kinh khủng, định đoạt số mạng muôn đời của ta”. Bà còn khuyên nàng dùng tất cả việc lành phúc đức để giúp đỡ các đẳng Linh Hồn.

Tình nghĩa đôi bên càng thắm thiết đậm đà nhân các lần hiện về liên tiếp đó. Thiếu nữ mời bà đến dự thánh lễ với nàng ngày 3-12. Bà về quỳ bên nàng, khắn khít nhất là lúc nàng rước lễ cầu nguyện cho bà. Sau khi cám ơn nàng, bà cho biết 5 ngày sau, đến lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội sẽ đến thăm trước khi lên trời. Bà còn khuyên đi khuyên lại phải hết lòng tôn kính Đức Trinh Nữ. Câu chuyện cảm động này chứng minh mạnh mẽ lời của thánh Gioan Kim Khẩu: “Vậy chúng ta đừng sống mà không yêu Chúa, để sau khi chết, khỏi phải án phạt xa cách Ngài lâu dài như bà này”.

Lời nguyện:

Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức rằng: Nếu con muốn khỏi quằn quại, ray rức, dằn vặt và rên xiết trong đau thương khủng khiếp Luyện Ngục, con phải hăng say yêu mến Chúa, chăm lo phần rỗi và cứu với Các Đẳng Linh Hồn trong đó.


Bí quyết cầu nguyện với Thiên Chúa!

Hằng ngày, bạn hãy dành ra vài phút và đừng nói gì cả. Bạn hãy thực tập việc nghĩ về Chúa. Và để việc thực hành này giúp bạn dễ dàng thấm nhuần ơn thiêng liêng. Hãy cất lời cầu nguyện.



Bạn chỉ dùng những lời nói đơn giản như, kể cho Chúa biết về tất cả những gì đang có trong tâm tư của bạn. Nhưng bạn cũng đừng dùng những kinh nghiệm đã được soạn sẵn trong sách vở. Bạn hãy dùng lời nói của chính bạn. Tất nhiên, Thiên Chúa của bạn sẽ nghe và hiểu rõ bạn hơn ai hết.




Hãy cầu nguyện khi bạn đang trên đường đi làm, trên đường đi, hay trên bàn giấy… Cầu nguyện ở khắp nơi. Hãy cầu nguyện trong chốc lát, gạt bỏ những sự vật xung quanh, tập trung tinh thần vào việc Chúa đang hiện diện trước mặt bạn. Nếu thực hành như vậy nhiều lần trong ngày, bạn sẽ cảm thấy Chúa luôn hiện diện thực sự trong cuộc đời bạn.

Khi cầu nguyện, không phải lúc nào cũng cần xin ơn, nhưng hãy luôn ca ngợi hồng ân của Thiên Chúa đã và đang ban cho bạn. Nhớ dâng lời tạ ơn nhiều hơn là nài xin.

Cầu nguyện và tin rằng những lời nguyện chân thành ấy sẽ lan rộng và bao trùm trên những người bạn yêu thương, bằng sự yêu thương che chở của Thiên Chúa. Bạn cũng đừng bao giờ dùng những tư tưởng tiêu cực trong lời cầu nguyện. Chỉ có tư tưởng tích cực mới đạt hiệu quả để dẫn bạn tới thành công. Bạn hãy luôn tỏ ra thuận theo thánh ý Chúa. Và hãy xin Chúa điều bạn muốn xin, nhưng hoàn toàn theo ý Chúa, vì những gì Chúa muốn bao giờ cũng tốt đẹp hơn những điều bạn muốn.



Hãy phó thác mọi sự trong tay Chúa. Xin Chúa ban cho bạn sự thông minh, khéo léo để thi hành công việc, song kết quả để cho Chúa định liệu. Hãy cố gắng cầu nguyện cho cả những người bạn không ưa, hoặc những người đã làm hại bạn. Sự thù hằn chính là trở ngại lớn lao cho việc tiến bộ về tâm linh và sự an bình cho tâm hồn. Bạn hãy lên một danh sách những người bạn muốn cầu nguyện cho. Bạn càng cầu nguyện cho tha nhân, nhất là cầu nguyện cho những người không có liên hệ gì với bạn, thì kết quả của lời cầu nguyện ấy càng mau chóng đổ dồn về cho bạn.


Để minh chứng cho điều này, các bạn cùng nghe những lời tâm sự mà LinhHon.org xin trích dẫn các mẩu chuyện có thật để chúng ta cùng chiêm nghiệm:

Ngày kia, có một tập sinh đến hỏi Đức viện phụ cao niên của đan viện:
- Thưa Cha, xin Cha giúp con vài lời khuyên để con thực sự trở thành người của Chúa.
Vị viện phụ già trả lời: - Con hãy vào phòng, đóng kín cửa lại và cầu nguyện. Lời cầu nguyện sẽ dạy con mọi sự.

Thầy tập sinh lại hỏi: - Thưa cha, đâu là điều kiện chính giúp cầu nguyện đích thực?

- Ô, dĩ nhiên, đó là bầu khí yêu thương. Ai cầu nguyện với tội lỗi và tâm tình thù hận trong lòng thì cũng giống như một người dọn thức ăn thịnh soạn trên một cái đĩa bẩn, hay như một người nói hay, nhưng có hơi thở hôi thối.

Thầy tập sinh lại hỏi tiếp: - Thưa cha, con rất hay chia trí khi cầu nguyện. Làm sao để khỏi chia trí đây?
Đức viện phụ đáp: - Các chia trí cũng giống như con chim sẻ bay ngang trên trời. Con không thể ngăn cản chúng bay qua mái nhà con ở. Nhưng con có thể ngăn cản không cho nó làm tổ trên mái nhà của con chứ? Riêng đối với những tư tưởng xấu xa thì chúng giống như bọn ong bầu. Nếu con ngồi yên, chúng sẽ bay đi nơi khác. Nhưng nếu con càng động đậy, chúng sẽ cáng bổ nhào đến hành hạ con.

Thầy tập sinh lại hỏi thêm: - Tại sao khi cầu nguyện con lại hay bị chán nản ngã lòng, thưa cha?

- Bởi vì con chưa thấy đích điểm đời mình là gương mặt tuyệt vời của Thiên Chúa.

Thưa cha cho con hỏi câu cuối cùng: - Lời cầu nguyện có quan trọng thật không? Nó có quan trọng hơn hành động không?

- Quan trọng lắm chứ. Bằng chứng là ma quỷ hằng tìm mọi cách để quấy phá và khiến cho lời cầu nguyện trở nên nặng nề. Nó tìm đủ mọi phương thế khiến cho chúng ta ươn lười không muốn cầu nguyện và làm cho chúng ta tin rằng cầu nguyện là vô ích…


Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Tôn vinh Đức Mẹ Maria




Mẹ ơi, thật vinh dự và hạnh phúc cho con khi được làm con của Mẹ!




Đức Mẹ phải được đưa vào đời sống hằng ngày, và với Mẹ Maria, bạn sẽ có thể hướng dẫn những người sai lạc trở về với Thiên Chúa. Qua Mẹ Maria để đến với Chúa Giêsu, đó là con đường chắc chắn nhất để đến với Chúa. Rồi thì nhiều linh mục sẽ lại học cách khiêm nhường quỳ trước Chúa, khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa và trọng Thánh Lễ.



Thật là chính đáng khi quỳ trong lúc đọc kinh Cáo Mình, trong lời cầu nguyện cho mọi nhu cầu, trong khi đọc lời Thánh Thánh Thánh, trong khi truyền phép, trong kinh Lạy Chiên Thiên Chúa và trong lúc linh mục ban phép lành.

Hằng ngày, bạn hãy thân thưa với mẹ: “Mẹ ơi, con yêu Mẹ”, và xin Mẹ hướng dẫn, trợ giúp bạn thực thi Thánh Ý Chúa trong cuộc đời mình!


Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Hình Khổ Luyện Ngục Như Thế Nào?



Các linh hồn trong luyện ngục khao khát được thấy dung nhan Chúa




Trong Luyện ngục, các linh hồn phải chịu 2 thứ khổ: Khổ vì Lửa khao khát Chúa (pain of loss) và khổ vì Lửa thiêu đốt cùng các hình khổ khác (pain of sense).



1. Khổ vì tâm hồn khao khát được thấy Chúa, được kết hợp cùng Chúa trên Thiên đàng, đó là nỗi khổ lớn lao nhất, ví như lửa thiêu đốt linh hồn. Lý do vì khi ra trước tòa Chúa phán xét, linh hồn đã thấy Chúa đẹp đẽ, tốt lành, nhân từ đáng mến vô cùng, bây giờ phải xa cách, nên nóng lòng mong ước được thấy lại Chúa đáng mến vô cùng, sự mong mỏi quá sức, làm linh hồn héo hon chờ đợi.

* Thánh Tôma Aquinô xác quyết: "Hình khổ nhỏ mọn nhất trong Luyện ngục cũng vượt quá mọi đau khổ trên trần gian" (Purgatory p. 34).

* Thánh nữ Catarina thành Genova quả quyết: "Lòng ước muốn về gặp Chúa của linh hồn, chính là ngọn lửa cực nóng nảy làm héo hắt và gây đau thương cho các ngài hơn bất cứ thứ lửa thật nào khác".

* Thánh nữ Têrêsa Mẹ viết trong sách Lâu đài Tâm hồn rằng: "Hình khổ mong thấy Chúa vượt quá mọi hình khổ có thể tưởng tượng, vì linh hồn khao khát thấy Chúa mà còn bị phép Công bằng Chúa giữ lại. Giống như một thủy thủ sau bao chiến đấu với sóng dữ để được vào bờ nhưng lại bị bàn tay vô hình đẩy ra xa bờ bến. Các linh hồn Luyện ngục còn đau khổ gấp ngàn lần người thủy thủ trên" (Purgatory p. 38).

* Năm 1880, một linh hồn kể lại với bà Thánh Mechtilđê rằng, "Tôi không cảm thấy khổ, nhưng tôi không được thấy Chúa, Ðấng mà tôi nhiệt liệt khát khao , mọi sự mong ước của loài người trên trái đất hợp lại cũng không sánh được với sự khát khao của tôi."


Luyện Ngục cuộc thanh tẩy cuối cùng




2. Khổ thứ hai bị lửa thiêu đốt, để thanh tẩy linh hồn nên thanh sạch, để đền bù các hình phạt tạm chưa đền đầy đủ khi còn sống.

* Thánh Tôma Aquinô viết rằng: "Lửa thiêu đốt các linh hồn trong Hỏa ngục cũng là lửa thiêu các linh hồn trong Luyện ngục. Sự đau đớn nhỏ nhất trong Luyện ngục, cũng là sự đau đớn lớn nhất ở trần gian".

* Thánh nữ Catarina thành Genoa viết rằng:" Linh hồn Luyện ngục phải chịu cực hình quá sức không lời diễn tả, không ý niệm nào giúp cho hiểu dễ dàng một chút, nếu Chúa không giúp cho cách riêng. Không miệng lưỡi nào có thể nói lên, không tâm trí nào có thể tạo nên một ý tưởng đúng về Luyện ngục. Về các đau khổ ở đó, đúng là như trong Hỏa ngục" (Purgatory p. 37).

3. Ngoài hình khổ về lửa thiêu, lại còn có những hình khổ khác:

* Thánh nữ Brigitta thấy có những linh hồn chịu lạnh lẽo giá buốt. Bà Thánh Hedvigê thấy kẻ kiêu ngạo bị ném vào vũng bùn và nơi nhơ nhớp, kẻ không chịu vâng lời phải cúi gò lưng xuống như đang mang đồ nặng, kẻ khác bị thuốc độc như bất tỉnh, kẻ tham ăn bị cơn đói khát cồn cào ruột gan, kẻ phạm tội lỗi trong sạch bị lửa thiêu đốt cháy khét.

* Thánh nữ Mađalena de Pazzi có người anh sống rất đạo hạnh. Sau khi anh chết, bà thánh được thấy anh ở trong Luyện ngục để đền một số tội nhẹ. Bà thấy rất nhiều linh hồn trong Luyện ngục đang chịu các hình khổ, nhưng các ngài vui vẻ chịu đựng. Xúc động bởi đã thấy cảnh tượng rợn rùng, bà vội chạy đến cùng Mẹ Bề trên, qùi gối xuống chân bà, kêu lên: "Lạy Mẹ, cảnh Luyện ngục kinh sợ chừng nào, con không thể tin được, nếu Chúa đã không tỏ cho con...tuy nhiên con không thể gọi là nơi tàn bạo, bởi từ nơi đó các linh hồn được đưa tới Thiên đàng (Purgatory p. 59).

* Thánh nữ Christina sinh tại nước Bỉ vào thế kỷ 12, xác ngài hiện còn giữ tại nhà thờ thành Tronđô do các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế cai quản. Thánh nữ qua đời lúc 32 tuổi, xác được đặt trong nhà thờ, quan tài mở nắp theo phong tục thời ấy, khi sắp đưa đi chôn, thánh nữ đột ngột chỗi dậy trước mặt mọi người hiện diện, kể lại rằng:

"Khi linh hồn tôi vừa ra khỏi xác, thiên thần dẫn tôi tới một nơi u ám đầy dãy các linh hồn. Họ phải chịu các cực hình khốn khổ quá sức, tôi không thể dùng lời nào diễn tả các hình khổ ấy được. Tôi thấy trong số đó có nhiều người tôi đã quen. Tôi rất cảm xúc trước tình trạng buồn khổ của họ. Tôi hỏi thiên thần đây là nơi nào, bởi tôi nghĩ rằng đây là Hỏa ngục, nhưng thiên thần bảo: đây chính là Luyện ngục, nơi các tội nhân bị phạt, bởi trước khi chết họ đã thống hối tội lỗi, nhưng chưa đền tội đủ trước mặt Chúa.

Từ nơi đó tôi được dẫn tới Hỏa ngục, ở đó tôi cũng nhận ra một số người tôi đã quen biết.

Thiên thần lại dẫn tôi vào Thiên đàng, trước tòa Thiên Chúa. Chúa nhìn tôi với mặt nhân từ, tôi rất vui mừng bởi nghĩ rằng mình sẽ được ở lại với Chúa đời đời. Nhưng Cha trên trời thấu suốt lòng tôi, Ngài phán: "Hỡi con cưng của Cha, con sẽ được ở với Cha, nhưng Cha cho con chọn: hoặc ở lại với Cha, hoặc trở về thế gian tiếp tục sứ mạng cứu độ của con qua những hành động bác ái và đau khổ. Ðể cứu các linh hồn Luyện ngục đang đau khổ, con sẽ phải chịu nhiều cực hình, con sẽ đền tội cho họ, và con còn nêu gương lôi kéo nhiều tội nhân sám hối. Khi mãn đời, con sẽ lên đây hưởng phúc đời đời". Sau khi nghe những lời đó, tôi đáp lời ngay không do dự, tôi muốn trở về thế gian, và tôi đã chỗi dậy.

Thánh nữ Christina lập tức bắt đầu chương trình đền tội khắc nghiệt: Từ bỏ tất cả những tiện nghi của cuộc sống, bà sống không nhà, không lửa nấu, như chim trời không tổ. Chưa hài lòng, bà còn tìm ra mọi thứ gây đau khổ. Bà lao mình vào đám lửa cháy, ở trong đó nhiều giờ chịu thiêu đốt, nhưng khi ra khỏi đó không ai thấy dấu vết bị thương. Vào mùa đông, tại sông Meuse băng giá, bà lao mình xuống sông không những hàng giờ, hàng ngày mà còn cả nhiều tuần lễ để cầu xin ơn thương xót của Chúa. Bà thánh còn để cho bánh xe đè, cho chó cắn, cho gai đâm đến chảy máu...Sau 42 năm hành xác, Chúa đã đưa thánh nữ về hưởng phúc đời đời. Truyện này đã được Tổng Giám mục Cambray, ông Bellarmine, Hồng y Giacôbê de Vitry xác nhận (Purgatory p. 45-49).






* Thánh Bêđa thuật truyện sau cũng khá rùng rợn. Truyện xảy ra bên Nước Anh (miền Northumberland): Một người tên là Drythelm, ông và gia đình sống đời đạo hạnh theo tinh thần Công giáo. Ông mắc bệnh và bệnh tình ngày càng gia tăng. Kiệt lực, ông đã chết. Vợ con khóc lóc thương tiếc vô vàn. Con cái ngồi bên xác ông khóc lóc cả đêm. Nhưng hôm sau, trước khi đóng nắp quan tài, ông đột nhiên chỗi dậy. Thấy chuyện lạ, mọi người hoảng hốt trốn chạy. Chỉ còn lại vợ ông, run run sợ hãi ngồi lì đấy. Ông trấn an: "Ðừng sợ, chính Chúa cho phép tôi sống lại từ cõi chết. Tôi sẽ sống một đời sống mới". Nói rồi ông đứng thẳng lên, đi tới nhà thờ, ở lại đó ông cầu nguyện lâu giờ. Ông trở về nhà gặp bà con bạn hữu, nói lên cuộc sống của ông từ nay sẽ chỉ là để dọn mình chết lại. Ông còn khuyên mọi người noi gương ông. Rồi ông chia tài sản thành ba phần: cho con cái, cho vợ và cho người nghèo khó. Xong xuôi, ông đến gõ cửa Tu viện, nài xin cha Bề trên cho ông ở đó như một tu sĩ đền tội, làm tôi tớ mọi người. Cha Bề trên cho ông một phòng nhỏ. Ông chia thời giờ làm ba khoảng: cầu nguyện, làm việc cực nhọc và hãm mình khác thường. Ăn chay nhiệm nhặt nhất, ông cho là không có gì đáng kể. Mùa đông, ông lao mình xuống hồ nước băng giá, ở đó nhiều giờ cầu nguyện, đọc đủ 150 Thánh vịnh vua Ðavit.

Ðời sống hãm mình của ông, thái độ luôn cúi mặt xuống đất, và cử chỉ của ông tỏ cho thấy nỗi sợ Thiên Chúa phán xét chừng nào. Ông giữ im lặng tuyệt đối, nhưng để cho người khác hiểu những gì đã xẩy ra cho ông sau khi chết, ông diễn tả:

"Khi linh hồn tôi lìa khỏi thân xác, có một thanh niên tốt lành bảo tôi đi theo. Mặt anh sáng láng, mình cũng có ánh sáng bao bọc. Anh dẫn tôi tới một thung lũng rộng bát ngát, tôi rất kinh sợ, run rẩy hãi hùng. Nơi này chia thành hai phía: môt bên tràn ngập lửa thiêu, gió nóng hừng hực, bên kia tràn đầy băng tuyết, gió thổi tái tê. Trong thung lũng lạ lùng này có rất nhiều linh hồn, tôi không thể đếm được, họ đang bị nhào lộn từ vực nóng qua vực lạnh và từ vực lạnh qua vực nóng, cứ liên hồi như vậy mà không được nghỉ. Tôi tưởng như tôi đang thấy Hỏa ngục bởi ở đây ghê gớm kinh hoàng quá, nhưng người thanh niên bảo tôi rằng, đó chỉ là Luyện ngục. Các linh hồn bị phạt như vậy bởi đã không chịu ăn năn sám hối khi còn khỏe mạnh, mà chỉ kịp ăn năn trong phút chót trên giường bệnh nhờ lòng thương xót Chúa. Nhiều linh hồn phải chịu phạt ở đây đến ngày Phán xét chung, một số sẽ được ra khỏi đó trước, nhờ lời cầu nguyện của các giáo dân, sự làm phúc bố thí, ăn chay đền tội, và nhất là công phúc Thánh lễ Misa dâng lên cầu cho họ" (Purgatory p. 41-43).

Khi được hỏi, tại sao ông lại hãm mình quá như vậy, tại sao lại lao mình xuống hồ nước lạnh, ông mạnh mẽ trả lời: Sự khổ hạnh tôi chịu bây giờ chưa thấm vào đâu với hình khổ Luyện ngục tôi đã được thấy. Về sau ông qua đời như một vị thánh. Gương lành của ông đã lôi kéo một số tội nhân ăn ăn sám hối trở về đường lành.

* Thánh nữ Frances, sáng lập dòng Oblates, qua đời tại Rôma năm 1440, được Chúa soi sáng cho biết tình trạng các linh hồn Luyện ngục rất rõ ràng. Bà thấy Hỏa ngục và những hình khổ cực dữ trong đó. Bà cũng được thấy Luyện ngục nữa. Vâng lời các Bề trên, bà đã ghi lại những gì bà đã thấy theo lệnh cha linh hồn là cha đáng kính Canon Matteotti. Bà thánh viết: "Sau khi thấy những hãi hùng trong Hỏa ngục, tôi được thoát ra khỏi nơi đó và thiên thần dẫn tôi vào Luyện ngục. Luyện ngục không có cảnh hãi hùng và vô trật tự, cũng không có thất vọng và tối tăm đời đời, Luyện ngục có sự hy vọng thần linh ngời sáng, nơi thanh tẩy này coi như cuộc hành trình hy vọng. Các linh hồn Luyện ngục chịu đau đớn dữ dằn, nhưng các thiên thần thăm viếng, an ủi họ. Luyện ngục được chia làm ba phần, như ba địa hạt rộng lớn trong vương quốc đau khổ. Nơi nọ ở trên nơi kia với những loại linh hồn khác nhau. Những linh hồn ở tầng sâu hơn bởi có nhiều điều phải thanh tẩy hơn và phải ở đó lâu hơn. Tầng sâu nhất đầy lửa nóng hãi hùng nhưng không đen kịt như Hỏa ngục, đó là một biển lửa mênh mông, với những ngọn lửa bừng bừng. Vô số linh hồn phải lao mình vào đó. Họ là những linh hồn mắc tội trọng, đã thành thực xưng thú, nhưng chưa đền tội đủ khi còn sống. Với tất cả những tội trọng đã được tha, họ phải chịu đau đớn trong bảy năm. Thời gian này không thể đo lường cách rõ ràng, bởi tội trọng có ác tính khác nhau, đó chỉ là hình phạt trung bình. Và dù các linh hồn bị lửa vây quanh, hình khổ của họ cũng không giống nhau, nó khác nhau tùy theo số lượng và bản chất mọi tội.

Trong tầng sâu Luyện ngục này, có những giáo dân và tu sĩ. Giáo dân tuy đã phạm tội, nhưng sống hạnh phúc sau khi ăn năn chân thành. Tu sĩ đã hiến mình cho Thiên Chúa không sống thánh thiện theo bậc mình. Bà thánh cũng thấy linh hồn một linh mục bà đã quen biết, nhưng bà không nói tên, vị này che mặt bằng một tấm vải, tuy linh mục này có đời sống tốt lành, nhưng không luôn giữ điều độ mà còn quá tìm thỏa thích nơi bàn ăn.

Bà thánh lại được dẫn vào tầng giữa Luyện ngục, nơi dành cho những linh hồn không phải chịu hình khổ dữ dằn. Nơi này được chia thành 3 ngăn: Ngăn nhất giống như một khu ngục băng giá, buốt giá không thể tả, ngăn hai lại là một vạc dầu sôi vĩ đại, ngăn thứ ba giống như cái hồ chứa vàng bạc lỏng" (Purgatory p. 15-17).

* Theo thánh nữ Mađalena de Pazzi, nữ tu dòng Kín Florence, do cha linh hồn ghi lại trong truyện đời thánh nữ thì: Vào năm 1607, ít lâu trước khi thánh nữ qua đời, một chiều kia, khi thánh nữ đang ngồi với mấy chị em đồng tu trong khu vườn tu viện, thánh nữ được ơn xuất thần, được thấy Luyện ngục và được mời đi thăm viếng. Thánh nữ cho biết: ngài đã đi trong khu vườn rộng lớn 2 giờ đồng hồ, đôi khi ngừng lại. Chị em thấy mặt ngài tái nhợt và đôi lúc la lên: Lạy Chúa hay thương, xin xuống, giải thoát, lạy Máu Thánh Chúa. Ôi các linh hồn khốn khó, họ chịu đau khổ dữ dằn nhưng bằng lòng và vui vẻ".

Thánh nữ còn được dẫn xuống tầng sâu hơn nữa, ngài do dự, nhưng rồi cũng xuống, đột nhiên ngài dừng lại, rồi thở dài, kêu lên: Lạy Chúa tôi, những linh hồn tu trì phải hành hình khổ sở chừng nào! Bà thánh không tả nỗi khổ, nhưng coi thái độ kinh hoàng của bà, người ta đoán được hình khổ hãi hùng. Bà còn được dẫn vào ngục tù của những linh hồn đơn thành, các trẻ em và những người phạm lỗi bởi thiếu hiểu biết, hình khổ của họ dễ chịu hơn. Nơi đó có giá lạnh và lửa nóng. Có các thiên thần Bản mạnh ở bên các linh hồn này, giúp họ can đảm chịu khổ. Bà cũng thấy quỉ dữ mặc những hình thù ghê gớm gia tăng nỗi khổ cho các linh hồn này.

Ði xa hơn, bà thánh thấy các linh hồn bất hạnh, bà kêu lên: Ôi nơi này khốn nạn chừng nào! Ðầy những quỉ xấu xa ghê gớm và những hình khổ không thể tả, họ bị đâm chém và xẻ ra từng mảnh". Bà thánh cho biết, họ là những kẻ giả đạo đức.

Xa hơn chút nữa, bà thánh thấy rất đông những linh hồn bị thương tích, bị đè dưới máy ép, bà thánh hiểu họ là những kẻ nghiện ngập, bất nhẫn, bất vâng phục khi còn sống. Một lúc sau, bà thánh lại kêu lên ghê sợ: Những kẻ dối trá bị giam phạt gần Hỏa ngục, hình khổ của họ là bị đổ chì lỏng vào miệng và đồng thời bị run rẩy bởi băng giá.

Bà cũng được dẫn đến ngục những linh hồn phạm tội bởi yếu đuối, nhưng họ cũng phải bị thiêu bằng thứ lửa gay gắt.

Bà lại được đi nữa, tới nơi phạt những linh hồn quá gắn bó với những của cải đời này, họ phạm tội hà tiện, keo kiết. Bà thánh kêu lên: Ôi, mù tối chừng nào! mong muốn tìm những của mau qua, họ đã được giầu có mà vẫn không thỏa lòng, bây giờ ở đây chịu khổ hình lên tới cổ họng, họ bị tan chảy như nến sáp trong lò lửa.

Bà lại tới chỗ những linh hồn phạm tội thiếu trong sạch. Bà thấy họ bị giam ở nơi dơ bẩn và dịch tả làm nôn mửa. Bà vội quay mặt khỏi nơi ghê tởm đó. Bà thấy những kẻ tham lam và kiêu căng, bà nói: Ðây là những kẻ muốn sáng chói trước mặt người đời, bây giờ họ bị án sống nơi tối tăm ghê rợn. Bà còn được thấy những kẻ sống vô ơn Thiên Chúa, họ bị những hình khổ không thể tả, bị ngâm trong hồ chì lỏng để đền bù những tội vô ơn.

Cuối cùng, bà được dẫn tới nơi phạt những tội nhân không có nết xấu nào đáng kể, nhưng bởi thiếu lòng nhiệt thành, họ phạm đủ thứ tội lặt vặt, đôi khi họ phạm tội này tội nọ chứ không phạm theo thói quen.

Sau khi được chứng kiến Luyện ngục hãi hùng, thánh nữ nài xin Chúa đừng bao giờ để ngài phải chứng kiến lần nữa, những hãi hùng ngài nghĩ là không đủ sức chịu đựng. Ngài thưa cùng Chúa Giêsu: Lạy Chúa, Chúa có ý gì khi tỏ cho con những hình khổ ghê sợ trong Luyện ngục như vậy, dù con chưa thấy hết và chưa hiểu tỏ, ôi lạy Chúa, Chúa muốn con hiểu là Chúa thánh thiện vô cùng, và muốn con chê ghét tội lỗi dù là tội rất nhẹ, nó cũng rất đáng ghê tởm trước mặt Chúa (Purgatory p. 17-21).






* Thánh nữ Lidwina thành Schiedam qua đời ngày 11 tháng Tư năm 1433. Trong tiểu sử bà do một linh mục đồng thời có thế giá viết lại rằng: Bà thánh này thật là một tấm gương kiên trì và là một miếng mồi ngon cho mọi bệnh tật đau đớn tàn phá trong suốt 38 năm dài. Nỗi đau da diết làm cho bà không thể ngủ được. Bà đã qua đi những đêm dài thức trắng trong nguyện cầu. Bà được thiên thần Bản mạnh dẫn vào Luyện ngục, nơi đó bà thấy những ngục tù, những tội nhân, những hình khổ, và gặp cả những người bà đã quen biết.

Bà thánh nhớ rõ ràng những nơi được dẫn đi qua. Bà tả lại rằng: Bà gặp một tội nhân mắc đủ thứ tội xấu xa ở đời, nhưng sau cùng ông ta đã sám hối, đã xưng thú thành thực và được lãnh ơn xá giải, nhưng ông ta không có đủ giờ sống để đền tội, ông ta chết một thời gian sau bởi bệnh dịch. Bà thánh đã dâng lời cầu và các đau khổ chỉ cho linh hồn ông. Bà thánh muốn biết linh hồn ông còn ở Luyện ngục hay không, và tình trạng hiện nay thế nào? Thiên thần dẫn bà tới nơi và chỉ cho bà: Ông ta đang ở đó và rất đau đớn, Thiên thần hỏi bà có muốn chịu thêm đau khổ để cứu ông ta không? Bà thánh thưa : Có. Bà kinh hãi khi nhìn thấy những hình khổ và bà kêu lên: Ðây là Hỏa ngục sao? Thiên thần trả lời rằng: Không, đây là Luyện ngục nhưng ở phía trên Hỏa ngục. Nhìn quanh, bà thấy như một nhà tù rộng rãi, bao bọc bằng những bức tường rất cao, rất đen, xây bằng những viên đá khổng lồ. Bà nghe thấy những tiếng kêu la, gào thét hỗn độn, tiếng xích sắt va chạm, tiếng đập đánh, tát vả. Tiếng kêu la này còn lớn hơn những tiếng ồn ào trên thế giới, hơn tiếng reo hò xông vào trận địa, không gì có thể so sánh được. Bà thánh xin thiên thần đừng cho mình thấy cảnh tượng này: "Xin đừng để tôi thấy cảnh kinh hãi quá sức này, tôi không thể chịu được".

Ði tiếp, bà thấy một thiên thần ngồi buồn bã bên bờ giếng. Hỏi ra, bà được biết đó là thiên thần Bản mạnh của tội nhân trên. Linh hồn tội nhân đang ở dưới giếng, đó là một Luyện ngục biệt giam. Bà thánh muốn coi, và thiên thần đã mở nắp giếng lên, tức thì một đám lửa phực cháy và tiếng la kinh hãi vang lên rùng rợn. Thiên thần hỏi: Bà có nhận ra tiếng ai không? Bà có muốn thấy ông ta không? Thiên thần gọi tên ông, và kìa trong linh thiêng, ông ta ở trong khối lửa giống như kim loại đỏ rực trong lò. Ông ta kêu rên: Ôi bà Lidwina, tôi tớ Thiên Chúa, ai sẽ cho tôi được chiêm ngắm Nhan thánh Chúa tối cao? Tiếng thở dài của linh hồn này làm bà thánh không sao quên được, bà kinh hãi đến nỗi giây thắt lưng bung ra và bà chợt tỉnh giấc ngất trí. Bà hứa sẽ cầu nguyện và dâng đau khổ cho linh hồn này. Ít ngày sau, thiên thần cho bà biết, người bà cầu nguyện đã được chuyển qua Luyện ngục thông thường. Như thế cũng chưa đủ. Bà thánh tiếp tục cầu nguyện cho linh hồn đáng thương ấy cho tới khi thấy linh hồn ông bay về Thiên đàng (Purgatory p. 21-25).

* Thánh nữ Brigitta kể lại trong cuốn thứ sáu về những mạc khải như sau: Tôi được đưa xuống Luyện ngục, và tôi thấy một thiếu nữ ở giữa những linh hồn khác. Thiếu nữ này trước kia là con nhà giầu, và thường ăn diện rất xa hoa theo thói đời. Thiếu nữ này đã kể lại tình trạng đời sống của mình cho thánh nữ Brigita nghe, và thêm rằng: "Phúc cho tôi, bởi trước khi chết, tôi đã được xưng tội dọn mình chết, tôi không phải rơi vào Hỏa ngục, nhưng tôi phải chịu cực hình trong Luyện ngục bởi cuộc sống trần tục mà Mẹ tôi đã không chỉ cho tôi tránh, không chỉ dẫn cho tôi sống đạo hạnh" (Purgatory p. 117-118).

* Thánh Lui Bertrand dòng thánh Ðaminh kể rằng: Khi ngài ở tại Tu viện Valencia, có một tu sĩ trẻ trong tu viện này miệt mài với những khoa học trần thế. Tưởng mình thông thái, một hôm, không rõ bởi chuyện gì, tu sĩ này nói nặng cha Bertrand: "Thưa cha, ai cũng thấy rằng cha rất kém học thức". Cha Bertrand trả lời cách khiêm tốn nhưng quả quyết: "Luciphe rất thông thái, nhưng hắn đã bị phạt". Lời nói thiếu khiêm tốn và bác ái kính trọng của tu sĩ trẻ người non dạ đã phải đền bù. Dù là tu sĩ rất đạo đức, thầy không nghĩ tới việc sám hối lời nói đó. Một thời gian sau, thầy bị bệnh rất nặng, thầy được lãnh các Bí tích cuối cùng, và qua đời bình an.

Ít lâu sau, cha Bertrand được bầu làm Bề trên tu viện. Một hôm, khi ngài đang đọc kinh Sáng với cộng đoàn, tu sĩ trẻ hiện về mình đầy lửa quấn quanh, sấp mình trước mặt cha Bề trên Bertrand: "Lạy cha, xin tha thứ cho lời con đã nói thiếu lịch sự với cha ngày trước, Chúa không cho phép con được thấy mặt Chúa trước khi được cha tha thứ và dâng lễ cầu cho con". Cha Bề trên vui lòng tha thứ, và sáng hôm sau đã dâng lễ cầu cho thầy. Ðêm kế tiếp, khi đang cầu nguyện, ngài được thấy linh hồn thầy dòng trẻ tuổi rực sáng lên hưởng phúc Thiên đàng (Purgatory p. 153-154).

L.m. Mark, CMC


Thứ Năm, 26 tháng 5, 2011

LUYỆN NGỤC Ở ÐÂU?





* Kinh Thánh không nói rõ Luyện ngục ở đâu, nhưng chắc chắn phải có một nơi nào đó để giam giữ các linh hồn cần thanh tẩy trước khi vào Thiên đàng.

* Giáo hội dạy: "Luyện ngục là một nơi và là một tình trạng thanh tẩy tạm thời mà nhiều linh hồn phải chịu phạt ở đó" (FCD p.482).


- Luyện ngục ở trong lòng đất:

* Theo ý kiến chung các nhà thần học như Thánh Augustinô, thánh Bêđa, Bellarminô... thì Luyện ngục ở trong lòng trái đất.

* Theo thánh Tôma Aquinô thì "Ý kiến có thể nhận được, và thấy hợp với những lời các thánh được mạc khải tư là Luyện ngục có hai nơi: một nơi dành chung cho các linh hồn, nơi này gần hoả ngục hơn; một nơi dành riêng cho một số trường hợp không thông thường, từ nơi này nhiều linh hồn được phép hiện về" (Purgatory p. 9).

* Thánh nữ Têrêsa Avila thương các linh hồn Luyện ngục cách đặc biệt. Bà hay giúp các linh hồn bằng lời cầu nguyện, hi sinh và việc từ thiện. Ðể thưởng công, Thiên Chúa thường cho bà được thấy các linh hồn lúc ra khỏi Luyện ngục về Thiên đàng. Các linh hồn này từ lòng đất đi ra. Bà thánh viết: " Tôi được tin một Bề trên Tỉnh dòng mà tôi quen biết đã qua đời. Khi còn sống ngài đã giúp tôi nhiều. Dù vị tu sĩ này được coi là có nhiều nhân đức, nhưng tôi thấy cần cầu nguyện cho linh hồn ngài, bởi ngài làm Bề trên trong thời gian 20 năm, nên tôi e ngại nhiều về việc săn sóc các linh hồn đã được trao phó cho ngài. Phiền muộn, tôi đi tới nhà Nguyện dâng lên Chúa chút việc lành đã làm, và van nài công nghiệp vô cùng của Chúa, xin giải thoát linh hồn vị Bề trên này khỏi Luyện ngục. Trong khi tôi đang sốt sắng khẩn nài như vậy, tôi thấy vị Bề trên này từ lòng đất đi lên phía bên phải tôi, rồi lên thẳng Thiên đàng cách vui vẻ. Vị Bề trên này đã cao tuổi, nhưng tôi thấy dáng người như ở tuổi ba mươi, vẻ mặt rạng ngời ánh sáng. Thị kiến này xảy ra rất ngắn, nhưng tôi không nghi ngờ chút nào về sự thật tôi đã được thấy. Dù ở xa chô ngài qua đời, đôi khi tôi cũng cảm thấy cái chết của ngài, nước mắt ngài chảy ra và khiêm tốn phó mình cho Thiên Chúa.

"Một nữ tu dòng tôi, qua đời chưa được hai ngày, khi chúng tôi đang đọc kinh nguyện cho chị, tôi thấy linh hồn chị đi từ lòng đất lên thẳng Thiên đàng.

"Cũng trong tu viện này, một nữ tu khác quãng 18 đến 20 tuổi mới qua đời. Chị thật là một mẫu gương sốt sắng, kỉ luật và nhân đức. Ðời chị đã chịu nhiều đau khổ, bệnh nạn cách rất kiên trì. Tôi không nghi ngờ gở khi thấy cuộc sống như vậy, nghĩ rằng chắc sẽ khỏi phải vào Luyện ngục. Tuy nhiên, sau khi chị qua đời mười lăm phút, lúc chúng tôi đang cầu cho chị trong nhà Nguyện, tôi thấy linh hồn chị từ lòng đất bay thẳng về trời" (Purgatory p. 11-13).

* Theo hạnh tích thánh Lui Bertrand dòng thánh Ðaminh do cha Antist cùng dòng và sống cùng thời với thánh nhân viết trong cuốn Acta Sanctorum kể rằng: ngày 10 tháng Mười năm 1557, khi thánh Bertrand trông coi tu viện tại Valenti, cả thành phố bị ôn dịch. Cơn dịch khủng khiếp lan nhanh như vũ bão đe dọa sinh mạng mọi người. Trong tu viện của ngài có cha Clement ước ao được chết cách thật thánh thiện, đã xưng tội chung với thánh nhân, cha còn nói: Thưa cha, nếu con chết bây giờ, con sẽ hiện về cho cha biết tình trạng của con ở đời sau". Cha Clement đã chết thật. Ðêm hôm sau ngài hiện về với thánh nhân. Cha nói rằng cha đang ở trong Luyện ngục để đền một số tội nhẹ, và nhờ thánh nhân xin cộng đồng tu viện cầu cho mình. Thánh Bertrand lập tức đi xin anh em cầu nguyện và dâng thánh lễ cho cha Clement. Sáu ngày sau, một người dân trong thành, không hay biết gì về cha Clement đã qua đời, đã tới xưng tội với cha Betrand, cho biết là linh hồn cha Clement mới qua đời đã hiện về với mình. Ông thấy đất mở ra, và linh hồn cha Clement bay thẳng về trời giống như một ngôi sao rực sáng" (Purgatory p. 13-14).

* Trong hạnh tích bà thánh Madalena de Pazzi, cha linh hồn bà là Cepari dòng Tên có ghi lại rằng: Bà thánh đã được chứng kiến một nữ tu trong dòng chết ít lâu trước. Một hôm, khi thánh nữ đang qùi chầu Mình Thánh, ngài thấy linh hồn nữ tu đã qua đời từ Luyện ngục trong lòng đất đi lên. Nữ tu khoác chiếc áo choàng lửa, bên trong là chiếc áo choàng sáng láng che chở cho nữ tu khỏi nóng rát. Nữ tu qùi hàng giờ tại chân bàn thờ, thờ lạy Chúa ẩn mình trong hình bánh. Ðây là giờ đền tội cuối cùng trước khi nữ tu được bay thẳng về trời".

- Ðền tội tại nơi phạm lỗi:

Ngoài nơi nhất định là trong lòng đất như trên, một vài Chân phước còn cho biết thêm: Không những bị phạt trong Luyện ngục, mà có khi còn bị phạt tại một nơi nào đó, có khi gần mồ mả, gần bàn thờ Mình Thánh Chúa, có khi trong căn phòng nơi có người cầu nguyện cho mình, có khi ngay tại nơi linh hồn đã phí phạm thời giờ khi còn sống.

* Chân phước Frances Thánh Thể đã thấy linh hồn các nữ tu chịu cực hình ngay tại phòng ngủ, tại nơi hát kinh của Tu viện, nơi các nữ tu đã phạm lỗi ngày trước.

* Chân phước Benađô Colagno dòng Tên thấy một linh hồn bị phạt 43 năm tại một đường phố thành Rôma.




Bàn tay linh hồn hiện về in vào tường trước khi trở lại Luyện ngục. Hình trên hiện còn giữ tại Nhà thờ Luyện ngục tại Rôma

L.m. Mark, CMC


Luyện Ngục





LỜI ÐẦU


Con người sinh ra đời không phải để sống luôn mãi, nhưng sau một thời gian vắn dài, con người phải chết. Ðó là lối đi một chiều không có đường trì lại.

Giáo Lý Công Giáo dạy rằng: Linh hồn người công chính khi chết nếu sạch mọi tội và hình phạt vì tội, thì được vào Thiên đàng hưởng phúc đời đời. Ðó là điều thuộc đức tin. Ngược lại, kẻ chết khi linh hồn mắc tội trọng, sẽ phải vào Hỏa ngục chịu hình phạt đời đời. Ðiều này cũng thuộc đức tin. Còn người chết khi linh hồn mắc tội nhẹ, hoặc còn vướng hình phạt tạm vì tội chưa đền bù hết, sẽ phải vào Luyện ngục để chịu đền bù. Ðó cũng là điều thuộc đức tin. ( Dr. Ludwig Ott, Fundamentals of Catholic Dogma, Tan Books...Inc.).

Nhưng mấy ai không "mắc tội nhẹ, và mấy ai không vướng hình phạt tạm thời vì tội chưa đền bù hết" để được vào Thiên đàng ngay sau khi chết?

Những trang vắn vỏi sau đây sẽ trình bày về Luyện ngục qua các đề tài: Có Luyện ngục không? Luyện ngục ở đâu? Hình khổ Luyện ngục thế nào? Các linh hồn trong Luyện ngục chịu thanh tẩy thời gian bao lâu? Những phương thế cứu các linh hồn Luyện ngục? Các linh hồn Luyện ngục trả ơn các ân nhân đã cứu mình thế nào? Những cách tránh bị giam phạt trong Luyện ngục lâu dài.

Sách này viết theo những chỉ dẫn của Giáo lý Giáo hội Công giáo qua chứng lý Kinh Thánh, Thánh Truyền, Công đồng, và chứng cớ do các thánh thuật lại theo tài liệu từ 2 cuốn sách được phổ biến tại Mỹ: Charity for The Sufferings Souls của linh mục Gioan Nageleisen, và Purgatory của linh mục Schouppe dòng Tên. Phần ân xá trình bày theo Tông huấn Ân xá của Ðức Giáo Hoàng Phaolô 6 ban hành ngày 1 tháng 1 năm 1967.

Ngoài ra, cũng in thêm vài hình ảnh về dấu vết các linh hồn hiện về, hiện nay còn giữ tại nhà thờ Luyện ngục tại Roma, nước Ý (số 12 đường Lungotevere cạnh bờ sông Tiber, gần pháp đình).

Ước mong những trang sách này giúp các độc giả cũng như thính giả hiểu hơn về Luyện ngục, nơi thanh tẩy cuối cùng, để gắng vâng Ý Chúa, vui chịu những đau khổ đời này để lập công đền tội tránh Luyện ngục lâu dài sau này, và tìm cách cứu các linh hồn, nhất là các linh hồn thân yêu của chúng ta mau ra khỏi Luyện ngục đau đớn nóng nảy, về hưởng sự Sống hạnh phúc trong nhà Cha quê ta đời đời.





CÓ LUYỆN NGỤC KHÔNG?

Thiên Chúa đã dựng nên loài người, ban Sự Sống thể xác và thần linh cho ông bà Nguyên tổ. Nhưng ông bà đã làm mất Sự Sống thần linh ấy khi không vâng lệnh Chúa cấm mà quyết tâm ăn trái cây biết lành biết dữ. Kết quả là ông bà đã làm mất Sự Sống, con cháu ông bà cũng bị vạ lây.

Phải chờ một thời gian lâu dài, Con Thiên Chúa xuống trần lập các Bí tích ban lại Sự Sống thần linh cho những ai Ngài nhận làm con qua Bí tích Rửa tội. Khi chết, người ta sẽ về nhập hiệp với Sự Sống (hưởng phúc Thiên đàng), hoặc mất Sự Sống (bị luận phạt trong Hỏa ngục).

Sau khi chết và chịu phán xét, linh hồn được lên Thiên đàng hoặc xuống Hỏa ngục là điều chắc chắn Kinh Thánh đã dạy rõ ràng (coi Mt 25,46). Nhưng có những linh hồn sau khi chết không đáng được lên Thiên đàng cũng không đến nỗi phải xuống Hỏa ngục, họ sẽ đi đâu?

Thiên Chúa công bằng vô cùng, nhưng cũng thương xót vô cùng đã lập ra một nơi đền tội và thanh tẩy, nơi đó Giáo hội Công giáo gọi là LUYỆN NGỤC, nơi thanh tẩy cuối cùng.

* Kinh Thánh Cựu ước nói tới Luyện ngục cách gián tiếp như sau:

1. Tiên tri Mikha viết:" Nếu tôi phải ngồi trong tối tăm, thì Yavê là ánh sáng cho tôi. Tôi xin mang lấy phần nộ của Yavê, vì tôi đã có lỗi với Người, Người sẽ đem tôi ra ánh sáng và tôi sẽ được thấy đức độ của Người" (Mk 7,8-9).

2. Sách thứ 2 Macabê kể rằng: "Yuđa thu quân và đi đến thành Ôđôlam, và vì ngày thứ Bảy đến nơi rồi, họ đã thanh tẩy mình theo lệ và qua ngày Hưu lễ ở đó. Hôm sau người ta đến gặp Yuđa, xin để đi thu lượm xác những người đã thiệt mạng, mà đem về chôn cất họ với thân thuộc nơi mộ tổ. Nhưng dưới áo lót của mọi người chết, người ta đã tìm thấy những đồ cúng cho tượng thần Yamnia, điều lề luật cấm chỉ người Do thái, nên mọi người đều rõ vì duyên do nào mà các người ấy đã bị thiệt mạng. Bấy giờ mọi người đều chúc tụng cách xử sự của Chúa, Ðấng phán xét chí công và tỏ bày ra những điều giấu kín. Và họ đã quay đầu khẩn nguyện, xin cho tội phạm được hoàn toàn tẩy xóa. Còn vị anh hùng Giuđa thì ra lời khuyên nhủ đạo quân giữ mình sạch tội, một khi họ đã thấy nhãn tiền sự xảy ra vì tội những người đã thiệt mạng.

Ðoạn ông quyên tiền nơi mọi người và gửi về Giêrusalem lối hai ngàn quan, để dâng lễ tế đền tội: Ông đã làm một điều rất tốt lành và cao quí, vì nghĩ đến sự sống lại, vì nếu ông không trông rằng những người bị thiệt mạng ấy sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết là việc dư thừa và ngớ ngẩn, còn nếu ông nhìn đến phần thưởng tuyệt hảo dành cho những người đã an nghỉ cách đạo đức, thì quả là ý nghĩ lành thánh và đạo hạnh; do đó ông đã xin dâng lễ tế xá tội cho những người đã chết để họ được tha thứ tội lỗi"(2 Mcb 12,38-45- Bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, CSsR).

* Kinh Thánh Tân Ước cũng nói tới Luyện ngục cách gián tiếp như sau:

1. Phúc âm theo thánh Matthêu Chương 5 câu 25-26 Chúa Giêsu phán: "Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại trao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi nơi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng".

Theo lý luận của các nhà giải nghĩa Kinh Thánh: "Ra khỏi nơi đó" không thể hiểu là ra khỏi Thiên đàng, vì Thiên đàng không phải là nơi ngục tù. Ai đã được vào Thiên đàng thì không bao giờ phải loại ra. "Ra khỏi đó" cũng không thể hiểu là ra khỏi Hỏa ngục, vì đã vào Hỏa ngục thì đời đời không được ra nữa. Vậy "ra khỏi nơi đó" chỉ có thể hiểu là ra khỏi Luyện ngục, nơi linh hồn đã đền tội xong.

2. Cũng Phúc âm theo thánh Matthêu chương 12 câu 32 Chúa Giêsu phán: "Bất cứ ai nói phạm đến Con Người sẽ được tha thứ, nhưng bất cứ ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ không được tha, dù đời này dù đời sau".

Các Thánh Tiến sĩ như Augustinô, Gregoriô Cả, Benađô, Bêđa, đều cắt nghĩa rằng lời Chúa phán "không được tha dù đời sau" không thể hiểu về Thiên đàng, nơi đó không cần sự tha thứ; cũng không thể hiểu về Hỏa ngục, nơi đó không có sự tha thứ. Vậy "được tha thứ đời sau" chỉ có thể hiểu về Luyện ngục.

3. Thư Thánh Phaolô gửi dân thành Corinhtô đoạn sau đây cũng thường được cắt nghĩa về Luyện ngục: "Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Ðức Giêsu Kitô. Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quí, gỗ cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mọi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng.

Thật thế, ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì ngày ấy tỏ rạng trong lửa, chính lửa này sẽ thử nghiệm các giá trị công việc của mọi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ bị thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa" (1 Cr 3,11-15).

Các Thánh Giáo phụ giải nghĩa "vàng, bạc, đá quí" là những việc lành. "gỗ, cỏ, rơm" là những tội nhẹ, những khuyết điểm.



* Thánh Truyền Giáo hội minh chứng Luyện ngục:

1. Năm 205, Giáo phụ Clêmentê thành Alexandria dạy rằng:"Những người hối cải trên giường chết mà không có giờ làm việc đền tội, thì họ sẽ được lửa thanh luyện trong đời sống mai sau".

2. Trong Hang Toại đạo, nơi ẩn trốn của giáo dân Rôma thời bắt đạo, người ta đọc được trên tường một hầm mộ viết: "Con yêu dấu, nơi đây đời con chấm dứt, nhưng lạy Cha trên trời, chúng con nài xin lòng Cha thương xót, thương cứu con chúng con đang phải chịu những nỗi đớn đau. Nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con".

3. Theo thánh Grêgôriô Cả: "Ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy một số lỗi lầm nhẹ trước ngày Phán xét chung, căn cứ vào những gì mà Ðấng là Chân lý đã dạy, khi Ngài nói rằng, bất cứ ai nói lời phạm thượng chống lại Thánh Thần, sẽ không được tha thứ cả đời này lẫn đời sau (Mt 12,31). Theo lời quyết đoán này, chúng ta có thể hiểu rằng: một số tội lỗi có thể được tha ở đời này, nhưng một số tội khác có thể tha ở đời sau".

4. Thánh Gioan Kim khẩu khuyên: "Chúng ta hãy cứu giúp và tưởng nhớ tới các linh hồn. Nếu các con ông Gióp đã được thanh tẩy nhờ lễ hi sinh của cha họ (G 1, 5), tại sao chúng ta lại có thể hoài nghi rằng những của lễ của chúng ta dâng cầu cho người chết sẽ không đem lại an ủi cho họ? Vậy chúng ta đừng ngần ngại cứu giúp những người đã ra đi, và dâng những kinh nguyện cầu cho họ".

5. Trong sách Tự thuật của thánh Augustinô kể về bà thánh Monica Mẹ Ngài như sau: Trước khi qua đời, bà Thánh đã nói với con mình là thánh Augustinô rằng: "Khi Mẹ chết rồi, con chôn xác Mẹ ở đâu cũng được, đừng bận tâm về việc chôn táng, Mẹ chỉ xin các con một điều là, bất cứ các con ở đâu, hãy nhớ tới Mẹ nơi bàn thờ Chúa".

* Các Công đồng Giáo hội tuyên ngôn:


Công Đồng VaticanoII




1. Công đồng Lyon (1245 và 1247), Công đồng Florence (1438-1445), và nhất là Công đồng Trentô (1545-1563) trong khóa 6, số 22 và 25 dạy rằng: "Ai dám quả quyết sau khi được ơn thánh sủng, tội lỗi được tha và hình phạt đời đời được xóa bỏ cho các hối nhân, và không có hình phạt tạm bởi tội ở đời này cũng như trong Luyện ngục trước khi cửa Thiên đàng được mở, thì kẻ ấy phải vạ tuyệt thông".


2. Công đồng Trentô khóa 25, ngày 4 tháng 12 năm 1563 tuyên ngôn thêm: "Giáo hội Công Giáo được Chúa Thánh Thần dạy do?, theo các văn kiện và truyền thống xa xưa của các Giáo phụ, và mới đây trong Công đồng này dạy rằng: Có Luyện ngục, và các linh hồn bị thanh tẩy tại đó, được giúp đỡ nhờ những lời cầu nguyện của các tín hữu, và nhất là bởi công nghiệp Thánh lễ Misa".


3. Công đồng Vaticanô 2 (năm 1962-65) trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội đã tuyên ngôn: "Cho tới khi Chúa ngự đến trong uy nghi, có tất cả các thiên thần theo Người, và khi sự chết bị hủy diệt, mọi vật đều qui phục Người, thì trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi dương thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này và đang được tinh luyện, và có những kẻ được hiển vinh đang chiêm ngưỡng rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba ngôi như Ngài hằng có" (GH 49)


4. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo được Ðức Giáo hòang Gioan Phaolô 2 ban hành năm 1992 tuyên bố trong khoản 1030 như sau: "Những ai chết trong ân sủng và tình nghĩa Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh tẩy cách trọn vẹn, thì tuy được bảo đảm về ơn cứu độ muôn đời của mình, vẫn phải chịu một sự thanh luyện sau khi chết, hầu đạt được sự thánh thiện cần thiết để bước vào niềm vui Thiên đàng".


5. Cũng sách Giáo lý Giáo hội Công giáo trên khoản 1031 viết thêm: "Giáo hội gọi Luyện ngục là cuộc thanh tẩy cuối cùng này của những người được chọn, hoàn toàn khác với hình phạt của những kẻ bị kết án trầm luân. Giáo hội đã trình bày giáo lý đức tin về Luyện ngục, nhất là tại Công đồng Florentia năm 1439 và Công đồng Trentô năm 1563. Dựa vào một số bản văn Kinh Thánh, Truyền thống Giáo hội nói đến thứ lửa thanh luyện (1 Cr 3, 15; 1 Pr 1,7).


6. Khoản 1032 sách Giáo lý viết tiếp: "Giáo huấn này cũng dựa vào cách cầu nguyện cho kẻ đã chết, như được nói đến trong Kinh Thánh: "Ðó là lý do tại sao ông Giuđa Macabê đã truyền phải dâng hi lễ đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát tội lỗi mình" (2 Mcb 12, 46). Ngay từ những thời gian đầu, Giáo hội đã tôn trọng việc tưởng nhớ những người đã qua đời, và dâng lời cầu khẩn cho họ, nhất là dâng thánh Lễ, để họ được thanh tẩy và tiến vào phúc chiêm ngưỡng Thiên Chúa (Công đồng Lyon 2 năm 1274). Giáo hội cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và làm các việc đền tội để giúp những người đã qua đời.


* Tâm lý con người muốn có nơi đền tội hơn là bị đọa phạt muôn đời:


Nhiều người dân các nước trên hoàn cầu vẫn tin có nơi đền tội trước khi linh hồn được siêu thoát về nơi cực lạc.


Theo tâm lý chung, khi cha Mẹ, vợ chồng, anh chị em, họ hàng, bạn hữu ta qua đời, ai trong chúng ta lại không muốn các ngài được siêu thoát, được sống trong nơi hạnh phúc, mát mẻ, an nhàn. Nhưng nếu các ngài chưa đáng được vào nơi hạnh phúc Thiên đàng ấy, nếu các ngài chưa thanh sạch để vào gặp Chúa thanh sạch vô cùng, nếu các ngài chưa thánh thiện để vào gặp Chúa thánh thiện vô cùng, tự các ngài sẽ muốn có một thời gian, một nơi để tẩy luyện, để chuẩn bị gặp Chúa. Ðàng khác, bởi con người yếu đuối lầm lỗi, ta không dám nghĩ rằng, người thân yêu của ta sẽ được lên Thiên đàng ngay, ta cũng không muốn nghĩ rằng người thân yêu của ta đã làm điều gian ác đến nỗi phải xuống Hỏa ngục, nếu suốt đời đã cố gắng giữ đạo Chúa. Vậy chắc các ngài còn phải đền bù tội lỗi ở một nơi nào đó, nơi đó gọi là Luyện ngục.


Bằng chứng từ người quá cố: Trong sách Mạc khải của thánh nữ Gêtruđê in năm 1875 tại Poitiers bên Pháp kể rằng: "Trong tu viện thánh nữ có một nữ tu trẻ rất đạo đức nên được thánh nữ yêu mến cách riêng, nữ tu này qua đời trong hương thơm thánh thiện. Khi thánh nữ đang phó dâng linh hồn nữ tu này cho Chúa, thánh nữ được ngất trí đi. Bà thấy nữ tu mới qua đời đang đứng trước tòa Chúa, quanh mình nữ tu có hào quang sáng láng và được mặc y phục diễm lệ. Tuy nhiên nữ tu tỏ vẻ buồn và luống cuống, mặt cúi xuống đất, xấu hổ, không dám nhìn tôn nhan Chúa. Hình như nữ tu muốn chạy trốn đi ẩn mình. Thánh nữ Gêtruđê rất ngạc nhiên, bà thưa cùng Bạn Các Trinh nữ: "Lạy Chúa êm dịu tốt lành vô cùng, sao Chúa không gọi bạn Chúa đến cùng Chúa, cho bạn Chúa vào Nước Thiên đàng mà để bạn Chúa đứng xấu hổ, e thẹn trước Nhan Chúa như vậy?". Chúa Giêsu mỉm cười, vời nữ tu lại gần, nhưng nữ tu run rẩy, kinh hãi định chạy trốn. Thánh nữ liền nói với nữ tu: "Sao Chúa gọi con mà con không đến, con lại chạy đi?" Nữ tu trả lời:" Thưa Mẹ yêu dấu, con thấy mình không đáng đến trước mặt Con Chiên trong sạch vô cùng. Con vẫn còn vài lầm lỗi. Ðể được đứng trước Con Chiên, con phải trong sáng như ánh mặt trời. Con chưa được trong sạch như vậy, dù cửa Thiên đàng mở sẵn cho con, con cũng không dám vào, trừ khi con được thanh tẩy hoàn toàn mọi vết nhơ. Nếu con vào bây giờ, ca đoàn trinh nữ theo sau Con Chiên sẽ kinh hãi đẩy con lại". Thánh nữ lại nói:" Mẹ thấy quanh con đã có ánh sáng bao bọc rồi mà?" Nữ tu trả lời:"Thưa MẸ, đó chỉ là phần ngoài của ánh vinh quang, để mặc chiếc áo vinh quang này, người ta phải sạch hết mọi vết nhơ tội lỗi" (Purgatory p. 70-72).


Chúng ta cùng tin như Giáo hội dạy rằng: Sau khi chết và chịu phán xét, có một nơi để thanh tẩy, để đền bù phần phạt bởi tội lỗi chưa được đền bù, hoặc đền bù chưa đủ khi còn sống, nơi đó là Luyện ngục. Luyện ngục, nơi Thiên Chúa tỏ ra công bằng nhưng cũng tỏ ra thương xót con người yếu đuối, ham điều hữu hình hơn điều vô hình.


Giáo hội luôn khuyến khích con cái mình khi còn sống, cứu giúp các linh hồn Luyện ngục, bởi khi đã phải vào nơi đó, các ngài không thể tự cứu mình được nữa, thời gian lập công đã chấm dứt.


Phúc cho người Công Giáo tin vào mầu nhiệm các Thánh Thông công: Các Thánh trên Thiên đàng, các linh hồn trong Luyện ngục, các tín hữu còn sống trên trần gian cùng thông hiệp giúp đỡ nhau. Ðiều đó an ủi người còn sống cũng như người đã ra đi trước chúng ta.

Lm. Mark, CMC.



Tìm Hiểu Phụng Vụ: LỊCH SỬ PHỤNG VỤ

Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

Phụng vụ của Hội Thánh như chúng ta thấy hiện nay đã không hình thành một sớm một chiều, nhưng đã tiến triển từng bước theo thời gian. Một mặt vì phụng vụ là tác động thần linh nên có những yếu tố nền tảng không thể thay đổi; mặt khác vì tính nhân trần nên phụng vụ không phải là một thực tại bất động, khô cứng, nhưng cần phải thích nghi theo từng môi trường và văn hóa địa phương. Đó chính là lý do tạo nên những truyền thống phụng vụ, hay còn gọi là gia đình phụng vụ trong dòng lịch sử.


I. PHỤNG VỤ VÀ TRUYỀN THỐNG

Truyền thống là cách thức bảo tồn và chuyển tải di sản tinh thần của thế hệ đi truớc sang cho các thế hệ sau. Hiểu như vậy, Truyền thống Kitô giáo vừa bảo đảm nội dung đức tin, vừa là cách thức truyền tải đức tin một cách chắc chắn từ các tông đồ đến chúng ta ngày nay. Chính đức tin chi phối việc cử hành phụng vụ, như câu châm ngôn ngàn đời của Giáo Hội: “Luật cầu nguyện là luật đức tin” (Lex orandi lex credendi). Ngay từ đầu, Giáo Hội đã cử hành phụng vụ đồng thời với việc rao giảng Tin Mừng về mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô (Cv 2,1-47) . Tuy nhiên, việc cử hành phụng vụ có trước và tạo nên Truyền Thống, còn bản văn phụng vụ đến sau dựa vào Ký Ức cộng đòan.

Bận tâm của Hội Thánh ban đầu không phải là những bản văn thần học hay phụng vụ, nhưng là công cuộc rao giảng Tin Mừng dựa vào uy thế của các tông đồ và những người kế vị. Vì thế không thể quan niệm một cử hành phụng vụ không có Hội Thánh hay tách rời khỏi các tông đồ và những người kế vị. Chính trong sự liên tục của Truyền thống này mà đức tin Kitô giáo được gìn giữ vẹn tuyền và trở nên sống động qua mọi thời nhờ các cử hành Phụng vụ.

II. BẢN VĂN PHỤNG VỤ

Ngoài những dấu tích khảo cổ về các bức bích họa trên tường, các di tích thánh còn để lại những dấu vết sinh hoạt phụng vụ của Hội Thánh thời tiên khởi, chúng ta còn thấy xuất hiện các nguồn tài liệu viết.

Trước hết phải kể đến cuốn sách Kinh Thánh.Hội Thánh kế thừa nhiều dấu chỉ và nghi lễ mà sách Cựu Ước còn ghi lại; và sách Tân Ước là những bản tường trình chính xác và trung thực về đời sống phụng vụ của Hội Thánh ban đầu. Thứ đến là các nguồn tài liệu khác mang giá trị lịch sử phụng vụ, quy định các thể thức phải giữ khi cử hành phụng vụ như sách Didaché, sách hộ giáo của thánh Justinô, sách truyền thống tông đồ của thánh Hypôlytô; hoặc trình bày và giải thích các cử hành phụng vụ như các bài giảng và giáo lý của Tertulianô, Xyrilô thành Giêrusalem, Ambrôsiô, Augustinô...

III. BƯỚC KHỞI ĐẦU CỦA PHỤNG VỤ KITÔ GIÁO

Các Kitô hữu tiên khởi thường xuyên lui tới đền thờ cầu nguyện và chu toàn các việc phượng tự như những người Do Thái khác, và chỉ ngừng lên đền thờ khi bị người Do Thái loại trừ ra khỏi đời sống phượng tự của họ. Ngòai ra các Kitô hữu còn hội họp riêng tại tư gia để cầu nguyện, lắng nghe các tông đồ giảng dạy và cử hành nghi lễ bẻ bánh; đặc biệt vào ngày thứ nhất trong tuần, ngày Đức Kitô phục sinh và gọi là ‘ngày của Chúa’ (Chủ Nhật).

IV. PHỤNG VỤ CỦA HỘI THÁNH TRONG BỐN THẾ KỶ ĐẦU

Phụng vụ của Hội Thánh trong những thế kỷ đầu chưa có những quy định bắt buộc vì mỗi Hội Thánh địa phương còn gắn bó với truyền thống các tông đồ theo những nét độc đáo riêng. Phụng vụ thời này được coi là giai đoạn ứng khẩu, nghĩa là các giám mục chủ tọa các buổi cử hành phụng vụ có quyền sáng tác các bản văn và lời kinh phụng vụ, vì vào thời điểm này chưa có các bản văn chung. Dù là ứng khẩu nhưng các giám mục vẫn theo những truyền thống phụng vụ sẵn có trong Hội Thánh.Chúng ta có thể đọc thấy những điều đó trong các nguồn tài liệu sau đây :

-Sách Didaché (cuối thế kỷ I)

“Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha vì cội nho thánh thiện của Đavít, tôi tớ Cha, mà Cha đã mặc khải cho chúng con qua Đức Giêsu, Tôi Tớ Cha, được vinh hiển đến muôn đời. Amen. (Didaché 9 : lời tạ ơn trên chén)

-Sách Hộ giáo của thánh Justinô (khỏang năm 150).

-Sách Truyền thống các tông đồ của thánh Hypôlytô (vào đầu thế kỷ III).

-Sách Giáo lý của thánh Ambrôsiô (thế kỷ IV)...

Nói chung các cử hành phụng vụ trong bốn thế kỷ đầu của Hội Thánh không đồng nhất trong chi tiết nhưng luôn bảo đảm tính tông truyền và sự trong sáng của đức tin Kitô giáo. Sau khi Hội Thánh Công Giáo được hợp thức hóa trong toàn đế quốc Rôma, và có các Công đồng chung để minh định đức tin Kitô giáo đã tạo nên các gia đình phụng vụ.

V. CÁC GIA ĐÌNH PHỤNG VỤ

Vào thế kỷ V, Hội Thánh có 5 tòa giám mục quan trọng (Tòa Thượng Phụ) là Rôma, Constantinople, Alexandrie, Antiokia, và Giêrusalem. Chính những dẫn giải thần học, cộng thêm những ảnh hưởng văn hóa chính trị đã tạo nên sự độc lập cho các Tòa thượng phụ với những nghi lễ riêng, gọi là gia đình phụng vụ.

Các gia đình phụng vụ không phải một sớm một chiều hình thành, song là một quá trình lâu dài, hoặc là kết quả của sự hội tụ nhiều gia đình phụng vụ khác nhau. Ngày nay,có những Giáo Hội Đông Phương hiệp thông hoàn toàn với Hội Thánh Công Giáo, song lại theo một gia đình phụng vụ có nguồn gốc Chính Thống giáo.

1) Nhóm Alexandria :

Có hai nghi lễ chịu ảnh hưởng của gia đình phụng vụ Alexandria : nghi lễ Cốp (Copte) và nghi lễ Êtiôpi. Đặc tính của hai nghi lễ này là dùng ngôn ngữ Hy Lạp và Copte (Ai Cập cổ), và chủ trương thần học độc tính thuyết, nghĩa là Chúa Giêsu chỉ có một bản tính duy nhất. Ngày nay, những Kitô hữu hiệp thông với Hội Thánh Rôma vẫn cử hành theo nghi lễ Copte hay Ethiopie bằng tiếng Ả Rập.

2) Nhóm Antiôkia (Syrie):

Antiôkia là một tỉnh lớn của đế quốc Rôma, và một trong những nơi đầu tiên đón nhận Tin Mừng (Cv 11,26) nên Hội Thánh tại đây cũng đã có những cử hành phụng vụ riêng biệt, rồi chia thành nhiều nghi lễ khác nhau: nghi lễ Antiôkia, Cađêen, Byzantin, Armêni ...

VI. NGHI LỄ TÂY PHƯƠNG

Phụng vụ Tây Phương từ thế kỷ IV đã chuyển dần từ tiếng Hy Lạp sang tiếng La Tinh, để rồi trở thành ngôn ngữ chính thức của Hội Thánh trong phụng vụ và các văn kiện Tòa Thánh.

Nghi lễ Rôma mang giá trị truyền thống tông đồ và lan rộng sang nhiều địa phương. Đặc điểm của nghi lễ Rôma là chỉ có một Kinh nguyện Thánh Thể cho mọi thánh lễ, dù rằng có nhiều lời tiền tụng thay đổi.

Nghi lễ Ambrôsiô do thánh Ambrôsiô áp dụng nghi lễ Rôma với ít nhiều thích nghi cho vùng Milan, và nó đã tác động ngược lại trên phụng vụ Rôma (KNTT I, và kinh Te Deum của Giáo Hội Tây Phương được gán cho thánh Ambrôsiô).

Nghi lễ xứ Gaule (Bắc Âu) và Mozarabe (Tây Ban Nha) mượn lại nghi lễ Rôma song có nhiều Kinh Nguyện Thánh Thể, nhiều màu sắc rực rỡ và hoành tráng.

VII. GIAI ĐOẠN CANH TÂN

Từ thế kỷ IX đến trước Công đồng Trentô (thế kỷ XVI), phụng vụ bị pha tạp nhiều yếu tố phụ làm lu mờ các cử hành chính, xảy ra nhiều lạm dụng, dị đoan, dẫn đến các phong trào cải cách và phe phái trong Hội Thánh.Công đồng Trentô (1562) đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phụng vụ của Hội Thánh.Công đồng Trentô tái khẳng định các nghi thức thánh lễ là hợp pháp với hai phần: bàn tiệc Lời Chúa bàn tiệc Thánh Thể, chỉ dùng ngôn ngữ La Tinh trong phụng vụ, và cũng trong thời kỳ này,Hội Thánh có một cuốn sách Giáo lý chung làm nền tảng cho việc huấn giáo và canh tân phụng vụ. Việc canh tân của Công đồng Trentô đã có ảnh hưởng trong phụng vụ Rôma và kéo dài trong nhiều thế kỷ. Công đồng Vatican II đã kế thừa di sản ấy và tiếp tục đường lối canh tân của Công đồng Trentô.

Hiến chế về Phụng vụ thánh là văn kiện đầu tiên của công đồng Vatican II (1963) đã mở ra những hướng đi tích cực, vừa trở về nguồn Thánh Kinh và Truyền Thống, vừa hội nhập văn hóa để cộng đồng Dân Chúa tham dự một cách chủ động và tích cực như chúng ta thấy hiện nay.

“Giáo Hội Mẹ Thánh coi tất cả những nghi lễ đã được chính thức công nhận đều bình đẳng trên pháp lý và được tôn trọng như nhau, lại muốn các Nghi Lễ ấy được duy trì trong tương lai và được cổ võ bằng mọi cách. Thánh Công Đồng cũng ước mong, nơi nào cần, các Nghi lễ ấy phải được cẩn thận tu chỉnh cho toàn vẹn theo tinh thần truyền thống lành mạnh và được bổ sung một sinh khí mới mẻ hầu phù hợp với hoàn cảnh và nhu cầu hiện tại.”(PV 3).

TÓM LƯỢC :

1* H. Tại sao Truyền Thống lại giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử phụng vụ ?

-T. Truyền Thống của Hội Thánh có vai trò quan trọng trong lịch sử phụng vụ vì nó góp phần bảo tồn và chuyển tải di sản tinh thần và đức tin của Hội Thánh, và hình thành các bản văn phụng vụ và tuyên tín vì “luật cầu nguyện là luật đức tin”.

2* H. Người Kitô hữu có quyền sáng tác phụng vụ theo sở thích riêng không ?

-T. Không ai có quyền sáng tác phụng vụ theo ý riêng mình, kể cả giám mục, bởi vì phụng vụ không phải là những họat động riêng tư mà là những cử hành của Hội Thánh; và vì là họat động chung nên phụng vụ phải được quy định rõ ràng bởi những thẩm quyền chính thức trong Hội Thánh, như Hội Thánh đã từng làm trong các giai đoạn lich sử của phụng vụ. Ngoài ra,người ta chỉ được phép thích nghi những chỗ mà chính nghi thức phụng vụ đã nói rõ và cho phép (GL 837; 838/1).

3* H. Ngày nay người tín hữu Công Giáo theo nghi lễ nào của Hội Thánh ?

-T. Người tín hữu Công Giáo chúng ta ngày nay theo nghi lễ Rôma được điều hành bởi Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Ngoài ra có một số Giáo Hội vẫn hiệp thông hoàn toàn với Hội Thánh Rôma nhưng lại được phép sử dụng nghi lễ riêng của địa phương.

Nguồn: Simonhoadalat

Tìm Hiểu Phụng Vụ: PHỤNG VỤ KITÔ GIÁO

PHỤNG VỤ KITÔ GIÁO


“Danh từ ‘Phụng Vụ’ theo nguồn gốc, có nghĩa là ‘việc công khai’, ‘việc do dân và vì dân’. Theo truyền thống Kitô giáo, danh từ này muốn nói: ‘Dân Thiên Chúa tham dự vào công trình của Thiên Chúa’. Qua Phụng vụ, Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc và Thượng Tế, tiếp tục công trình cứu chuộc trong Hội Thánh, với Hội Thánh và qua Hội Thánh”    (GLHTCG 1069)



Phụng vụ không những để chỉ nghi lễ tôn thờ Thiên Chúa, mà còn là việc rao giảng Tin Mừng và thực thi bác ái. Vì thế, Phụng vụ có hai mục tiêu rõ rệt : vừa phục vụ Thiên Chúa, vừa phục vụ con người.

I. DANH TỪ PHỤNG VỤ

Danh từ Phụng vụ có nguồn gốc tiếng Hy Lap : Leiturgia, được ghép bởi hai chữ : Laos nghĩa là dân chúng và Ergon là công việc. Theo nghĩa đó, phụng vụ chỉ công việc của dân chúng có tính công ích. Vào đầu thế kỷ II trước Chúa Kitô, danh từ Leiturgia mang thêm một ý nghĩa mới để ám chỉ các việc thờ phượng công cộng, và được người Do Thái sử dụng trong bản dịch Thánh Kinh Hy Lạp (bản LXX) để ám chỉ các việc phượng tự của các tư tế trong đền thờ.

Các sách Tân Ước cũng sử dụng từ Leiturgia, không những để chỉ nghi lễ phụng thờ Thiên Chúa (Cv 13,2; Lc 1,23) mà còn ám chỉ việc rao giảng Tin Mừng (Rm 15,16); chỉ việc bác ái (2Cr 9,12).

Sau thời các tông đồ, danh từ Leiturgia vừa chỉ sự phục vụ Thiên Chúa, vừa chỉ sự phục vụ cộng đoàn, hoặc có khi chỉ đích danh việc cử hành Thánh Thể. Mãi sau này, Giáo Hội Công Giáo chính thức dùng từ Liturgia trong bộ Giáo Luật 1917 để diễn tả thẩm quyền của Hội Thánh trong việc cử hành phụng vụ và chức năng tư tế của các Kitô hữu. Sách Giáo lý chung (GLHTCG 1069) cũng dùng danh từ này để chỉ công trình cứu chuộc của Chúa Kitô được tiếp tục trong Hội Thánh.

II. PHỤNG VỤ LÀ GÌ ?

Phụng vụ là một thực tại sinh động, phong phú và duy nhất nên người ta chỉ có thể định nghĩa Phụng vụ dựa theo bản chất và các đặc tính của Phụng vụ. Phụng vụ không phải là chỉ là những dấu chỉ khả giác hay một lễ nghi lộng lẫy và thần bí. Phụng vụ cũng không phải là một tổng hợp những luật chữ đỏ chỉ dẫn cách thực hành. Công đồng Vatican II xác định : “Phụng vụ là việc thi hành chức năng tư tế của Chúa Kitô và Giáo Hội” (PV 7).

Dựa vào một vài yếu tố chính yếu của cử hành Phụng vụ, ta có thể nói : Phụng Vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội Thánh được thừa tác viên hợp pháp cử hành đúng nghi thức và cử hành nhân danh toàn thể Hội Thánh.

Như vậy một cử hành có tính Phụng Vụ đòi phải có ba yếu tố :

- Phải là nghi lễ chính thức của Hội Thánh được ấn định trong sách Phụng Vụ, chứ không phải là lời nguyện tự phát theo sáng kiến cá nhân.

- Phải do một thừa tác viên hợp pháp cử hành, nghĩa là những người được Hội Thánh cắt đặt và ban quyền chủ sự, và cử hành đúng nghi thức của Hội Thánh đã ấn định.

- Phải cử hành nhân danh toàn thể Hội Thánh vì Phụng Vụ không bao giờ có tính cá nhân cho dù thừa tác viên cử hành một mình.

III. PHỤNG VỤ VÀ VIỆC ĐẠO ĐỨC

Phụng vụ là các lời kinh hay cử hành chính thức của Hội Thánh nhằm biểu lộ đức tin công khai vào các thực tại thánh (Thánh lễ, 7 Bí tích, các giờ Kinh Phụng vụ, các Phụ tích), còn các việc đạo đức cũng nhằm diễn tả đức tin của dân Chúa bằng những hình thức khác nhau tùy theo địa phương. ‘Lòng đạo đức bình dân’ chỉ những biểu hiện phượng tự mang tính cá nhân hay cộng đồng, trong khuôn khổ đức tin Kitô giáo, tuy không theo thể thức của phụng vụ, nhưng đã vay mượn những sắc thái đặc thù thuộc tinh hoa của một dân tộc hay một địa phương.

Đặc trưng của lòng đạo đức bình dân là lối diễn tả đa dạng và phong phú của những cử điệu và biểu tượng. Ví dụ: tập qúan hôn hay vuốt tay vào ảnh tượng thánh, thánh tích, đi hành hương chân trần, rước kiệu, dâng nến, dâng hoa, dâng bảng tạ ơn, đeo ảnh... Những biểu hiện ấy được truyền lại từ đời nọ sang đời kia đều là những cách thức tiếp cận đơn giản nhằm biểu lộ ra bên ngòai những tình cảm chân thực trong tâm hồn tín hữu. Thiếu chiều kích nội tâm này, những cử chỉ biểu trưng kia có nguy cơ rỗng tuếch hoặc biến thành dị đoan.

Mặc dù Hội Thánh vẫn cổ võ lòng đạo đức bình dân, song các Kitô hữu cũng cần hiểu rõ :

“Tự bản chất phụng vụ vượt xa các việc đạo đức; việc đạo đức chỉ nối dài chứ không thay thế phụng vụ; các việc đạo đức phải phát xuất từ phụng vụ và dẫn đưa người tín hữu đến tham dự tích cực vào phụng vụ, chứ không được phép làm lu mờ các cử hành phụng vụ” (GLHTCG 1675).

IV. NỘI DUNG CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

Mầu nhiệm Chúa Kitô Tử Nạn Phục Sinh là tột đỉnh của mầu nhiệm cứu độ, và là trung tâm của mọi cử hành phụng vụ Kitô giáo. “Trong Phụng vụ, điều chính yếu Hội Thánh cử hành là mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm Đức Kitô hoàn tất công trình cứu độ chúng ta. Trong Phụng vụ, Hội Thánh loan truyền và cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô, để các tín hữu làm chứng mầu nhiệm này trên toàn thế giới” (GLHTCG 1067).

Vì thế, phụng vụ còn được gọi là việc Hội Thánh, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô (TN & PS) để tôn vinh Thiên Chúa và kêu cầu ơn cứu độ.

Cử hành ở đây được hiểu vừa là tưởng niệm, vừa là hiện tại hoá mầu nhiệm cứu độ. Tưởng niệm để nhắc nhớ những gì Chúa đã làm cho con người; và hiện tại hoá không có nghĩa là tái diễn, lập lại, nhưng là nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Hội Thánh làm cho việc Chúa chết và sống lại không trôi vào dĩ vãng song đi vào đời sống chúng ta hôm nay một cách mầu nhiệm.

Tại sao vậy ? Đức Giêsu là con người nên bất cứ hành động nào của Ngài đã xảy ra đều đi vào quá khứ, nhưng Đức Giêsu còn là Thiên Chúa nên hành vi của Ngài mãi mãi là hiện tại, như lời sách Khải Huyền: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn năng” (Kh 1,8). Hai bản tính này tuy khác nhau nhưng không thể tách rời nơi Đức Giêsu Kitô nên cử hành mầu nhiệm Chúa chết và sống lại là tưởng niệm một sự việc đã xảy ra trong thời gian của quá khứ, nhưng sự việc này vẫn tiếp diễn trong thời gian của ngày hôm nay dưới tác động của Chúa Thánh Thần khi Hội Thánh cử hành Phụng vụ. Vì thế mà Hội Thánh, theo Lời Chúa dạy, vẫn tiếp tục lập lại việc cử hành này cho tới khi Chúa lại đến trong vinh quang :

“Phụng vụ Kitô giáo không chỉ gợi nhớ, nhưng còn làm cho những biến cố cứu độ hiện diện và tác động trong hiện tại. Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô được cử hành chứ không phải được lập lại. Chúng ta chỉ lập lại việc cử hành, và mỗi lần như thế, Chúa Thánh Thần hiện tại hoá mầu nhiệm độc nhất này” (GLHTCG 1104)

V. CHỦ ĐÍCH PHỤNG VỤ

Chúa Kitô khi hiến thân chịu chết là Ngài muốn tôn vinh Thiên Chúa là Cha và cầu mong Thiên Chúa xá tội để con người được cứu độ. Đó là sứ vụ của Con Thiên Chúa khi xuống làm người, và đó cũng là công việc của Hội Thánh khi tiếp nối sứ vụ của Chúa Kitô. Cả hai chiều kích này liên kết và gắn bó với nhau vì phụng vụ không đứng biệt lập và dửng dưng với các thực tại nhân sinh.

1) Tôn thờ Thiên Chúa là thái độ của thụ tạo được cứu độ được biểu lộ qua những động tác sau đây :

- Ca tụng và tạ ơn vì những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử cứu độ.

- Tuyên xưng đức tin tông truyền vào một Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con và Thánh Thần.

- Chiêm ngắm các công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa, vừa là tưởng niệm, vừa làm sống lại tác động của Thiên Chúa trong đời sống mỗi người chúng ta.

- Thờ lạy biểu hiện sự lệ thuộc và kính trọng Đấng Tạo dựng và Cứu độ.

- Cậy trông vào tình tha thứ vô bờ bến của Thiên Chúa.

- Yêu mến vì cảm nhận được tình thương trao ban của Thiên Chúa.

2) Cầu mong ơn cứu độ được biểu lộ qua những động tác sau đây :

- Nhìn nhận thân phận yếu đuối mỏng dòn của mình, và chỉ biết cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa mà hành động.

- Sám hối là thái độ khiêm nhường, đặt mình trước mặt Thiên Chúa. Trong phụng vụ, sám hối thường là cử chỉ đi trước để chuẩn bị cho các cử hành thánh sắp diễn ra.

- Cầu xin là cầu mong Thiên Chúa trợ giúp cho những nhu cầu tâm linh và vật chất trong đời sống con người. Tất cả những gì là cần thiết cho con người và cho Nước Chúa đều là đối tượng của mọi lời cầu xin.

- Hy vọng là hướng đến viễn tượng cánh chung là cùng đích của đời sống con người và thế giới.

VI. BẢN CHẤT CỦA PHỤNG VỤ

Công đồng Vatican II xác định bản chất của phụng vụ như sau:

“Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô; trong đó, công cuộc thánh hoá con người được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ, và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là gồm cả Đầu cùng các chi thể của Người. Do đó, vì là công việc của Chúa Kitô tư tế và Thân Thể của Người là Hội Thánh nên mọi cử hành Phụng vụ đều là hành vi chí thánh, và không có một hành vi nào khác của Hội Thánh có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp (PV 7).

Như thế, bản chất của phụng vụ gồm những yếu tố căn bản này:

1) Phụng vụ là một việc linh thánh, do chính Chúa Kitô thực hiện để tôn vinh Thiên Chúa. Chúa Kitô họat động trong phụng vụ với tư cách là Đầu của Thân Thể để ‘chính nhờ Người, với Người, và trong Người’ mà chúng ta được thánh hóa và chúc lành.

2) Phụng vụ gồm những dấu chỉ khả giác, hữu hình và hữu hiệu, để thông ban ân sủng cho con người.

3) Phụng vụ là công việc của tất cả Nhiệm Thể Chúa Kitô, gồm Đầu và các chi thể. Trong các cử hành phụng vụ, Chúa Kitô luôn luôn hiện diện để chủ tọa qua các thừa tác viên có chức thánh và những người được Giáo Hội ủy nhiệm. Các động tác phụng vụ không phải là động tác riêng của một cá nhân hay một nhóm người nào, nhưng là động tác của toàn thể Hội Thánh. Nói đúng hơn là động tác của chính Chúa Kitô, Thủ lãnh của Giáo Hội, và của tất cả mọi chi thể trong Nhiệm Thể của Ngài. Do đó, trong phụng vụ mỗi người có công việc riêng, phận sự riêng, song tất cả đều phục vụ ích lợi chung của Hội Thánh.

4) Phụng vụ là sứ mạng của Chúa Thánh Thần nhằm chuẩn bị cho cộng đòan tín hữu gặp gỡ Chúa Kitô; gợi nhớ và biểu lộ Chúa Kitô cho cộng đòan; và chính Chúa Thánh Thần làm cho công trình cứu độ của Chúa Kitô hiện diện và tác động trong hiện tại, đồng thời làm cho ơn hiệp thông trong Hội Thánh sinh hoa kết trái.

Hội Thánh được xây dựng trên nền tảng các tông đồ. Các tông đồ được Chúa Kitô ủy thác cho sứ mạng thánh hóa dân Chúa khi các ngài nhận lãnh Chúa Thánh Thần, và cũng do quyền năng Thánh Thần mà các ngài chuyển giao quyền thánh hóa ấy cho những người kế vị. Vì thế, chỉ có phụng vụ Kitô giáo đúng nghĩa khi việc phụng vụ ấy được cử hành dưới quyền điều khiển của vị giám mục, người kế vị các tông đồ. Khi vị giám mục chủ tọa cộng đòan phụng vụ, ngài hành động trong tư cách là đầu, có các cộng sự viên bao quanh như là linh mục, phó tế, các thừa tác viên và dân Chúa tạo nên một cộng đòan hiệp nhất (PV 41); hoặc có thể nói một cách mạnh mẽ rằng người ta không thể chủ tọa phụng vụ cách hợp pháp khi bị giám mục ngăn cấm.

Công đồng Vatican II mời gọi các vị mục tử không những phải chú tâm tuân giữ các luật lệ trong các họat động phụng vụ để cử hành thành sự và hợp pháp, mà còn phải làm cho các tín hữu tham dự phụng vụ cách ý thức, linh động và tích cực (PV 11).

VII. MỤC VỤ GIÁO LÝ

1* Sứ mạng của Giáo lý viên :

Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu độ (s.73) mô tả các giáo lý viên như “những chuyên viên, những chứng nhân trực tiếp, những người loan báo Tin Mừng không thể thiếu; họ là những người tiêu biểu cho sức mạnh cơ bản của các cộng đòan tín hữu, đặc biệt trong các Giáo Hội trẻ” .

Giáo Luật (785 $1) cũng đề cao Giáo lý viên như là “những giáo dân có trình độ và đời sống đạo hạnh, dưới sự hướng dẫn của nhà truyền giáo, hiến thân lo giảng dạy giáo lý Tin Mừng và tổ chức các cử hành phụng vụ cũng như các việc bác ái”.

Trong việc đào tạo giáo lý viên, Đức giáo hòang Gioan Phaolô II cũng nhấn mạnh : “Ngay trong việc phục vụ Tin Mừng cơ bản, cũng phải có nhiều ‘thợ’. Dù không bỏ qua số lượng, chúng ta ngày nay phải hết sức quan tâm đến chất lượng của giáo lý viên” (GLV 5).

Trước những kỳ vọng và sự tin tưởng của Hội Thánh, việc Giáo lý viên trau dồi lòng đạo và học hỏi Phụng vụ là một nhu cầu khẩn thiết trong việc giảng dạy giáo lý để giúp mình và giúp người nên thánh :

“Đức thánh cha Gioan Phaolô II sung sướng tỏ bày: ‘Nhà truyền giáo đích thực, chính là một vị thánh’. Câu này có thể áp dụng ngay cho giáo lý viên. Như mỗi tín hữu, giáo lý viên được mời gọi ‘nên thánh truyền giáo’, nghĩa là thực hiện ơn gọi riêng của mình ‘với lòng nhiệt thành của các thánh’ ” (GLV 6)

2* Huấn giáo và Phụng vụ :

Phụng vụ là đỉnh cao của đời sống Kitô giáo nhưng để kín múc được nguồn ơn thiêng đó, các tín hữu cần hiểu và ý thức được việc mình đang tham dự. Dạy giáo lý là làm công việc chuẩn bị đó, góp phần rất hiệu quả cho việc tham dự Phụng vụ. Linh mục cử hành phụng vụ, song Giáo lý viên lại giúp cho các em đón nhận hiệu quả của Phụng vụ :

“Việc dạy giáo lý, về bản chất, được gắn liền với tất cả hoạt động phụng vụ và bí tích ... Việc cử hành chân chính các bí tích đương nhiên có tính cách dạy giáo lý. Nói cách khác, đời sống bí tích sẽ nghèo đi và rất mau trở thành một mớ nghi thức trống rỗng, nếu không dựa trên sự hiểu biết đúng đắn ý nghĩa các các bí tích. Và việc dạy giáo lý sẽ bị tri thức hóa, nếu nó không được sống trong sự thực hành bí tích” (DGL 23).

TÓM LƯỢC :

1* H. Phụng vụ là gì ?

-T. Phụng vụ là việc Hội Thánh, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô để tôn vinh Thiên Chúa và kêu cầu ơn cứu độ.

2* H. Đâu là những yếu tố chính cấu tạo nên phụng vụ?

-T. Có ba yếu tố chính yếu sau đây làm nên phụng vụ : một là sách nghi lễ chính thức của Hội Thánh; hai là phải do một thừa tác viên hợp pháp của Hội Thánh cử hành; ba là phải cử hành đúng nghi thức và nhân danh toàn thể Hội Thánh.

3* H. Cử hành phụng vụ có nghĩa như thế nào ?

-T. Cử hành phụng vụ vừa là tưởng niệm, vừa là hiện tại hóa mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô. Tưởng niệm để nhắc nhớ những gì Chúa đã làm cho con người; và hiện tại hoá không có nghĩa là tái diễn, nhưng là nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Hội Thánh làm cho việc Chúa chết và sống lại không trôi vào dĩ vãng, song đi vào đời sống chúng ta hôm nay cách mầu nhiệm, vì hai bản tính nơi Đức Giêsu không bao giờ tách biệt.

4* H. Bản chất của phụng vụ là gì ?

-T. Bản chất của phụng vụ bao gồm những yếu tố sau đây :

. Phụng vụ là một việc linh thánh, do chính Chúa Kitô thực hiện qua thừa tác viên của Hội Thánh.

. Phụng vụ gồm những dấu chỉ khả giác, hữu hình và hữu hiệu, để thông chuyển ơn thiêng cho con người.

. Phụng vụ là công việc của tất cả Nhiệm Thể Chúa Kitô gồm Đầu và các chi thể.

. Phụng vụ là sứ mạng của Chúa Thánh Thần nhằm chuẩn bị cộng đòan tín hữu gặp gỡ Chúa Kitô, và làm cho công trình cứu độ tác động trong hiện tại.

5* H. Việc phụng vụ và việc đạo đức có tương quan gì với nhau ?

T. Giữa phụng vụ và việc đạo đức có mối liên hệ hỗ tương. Phụng vụ vượt xa các việc đạo đức, còn các việc đạo đức phải phát xuất từ phụng vụ và dẫn đưa người tín hữu đến với phụng vụ; và không được để lòng đạo đức bình dân biến chất hoặc lấn át các cử hành phụng vụ.

Nguồn: Simonhoadalat


Thông điệp Đức Mẹ ngày 25/5/2011

Thông điệp Mẹ Mễ Du ngày 25/5/2011 qua thị nhân Marija




"Các con thân mến,

Lời cầu nguyện của Mẹ hôm nay là cho tất cả các con là những người tìm kiếm ơn hoán cải. Các con gõ cửa Trái Tim Mẹ, nhưng không có lòng trông cậy và lời cầu nguyện, mà còn trong sự tội lỗi và không có Bí Tích Hòa Giải với Thiên Chúa. Hỡi các con nhỏ bé, hãy từ bỏ tội lỗi và quyết định sống thánh thiện. Chỉ bằng cách này thì Mẹ có thể giúp đỡ các con, nghe lời các con cầu nguyện và cầu bầu cho các con trước Đấng Tối Cao. Cám ơn các con đáp lời kêu gọi của Mẹ".

Our Lady’s apparitions to Marija

"Dear children!

My prayer today is for all of you who seek the grace of conversion. You knock on the door of my heart, but without hope and prayer, in sin, and without the Sacrament of Reconciliation with God. Leave sin and decide, little children, for holiness. Only in this way can I help you, hear your prayers and seek intercession before the Most High. Thank you for having responded to my call".

Theo MeMaria

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Vì sao chúng ta nên siêng năng lần hạt Mân Côi hàng ngày?

Khi hiện ra tạiFatimavới 3 trẻ em (Luxia, Giaxinta và Phanxicô) vào năm 1917,  ngày 13/5/1917, Đức Mẹ đã kết thúc sứ điệp bằng những lời sau: “Các con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi hằng ngày để cầu nguyện cho thế giới được hòa bình và chiến tranh chóng chấm dứt”.

Chị Luxia viết: Tại sao Đức Mẹ kêu gọi chúng ta hằng ngày hãy lần hạt Mân Côi mà không bảo chúng ta hãy đi tham dự Thánh Lễ? Đó là một câu hỏi nhiều lần người ta đã nêu ra cho tôi, và cũng là điều tôi muốn giải đáp ở đây.



Tôi không thể biết về câu trả lời tuyệt đối chính xác, bởi vì hồi ấy Đức Mẹ đã không giải thích, và tôi cũng chẳng nghĩ ra được gì để hỏi Đức Mẹ. Vì thế, tôi chỉ nói lên những gì tôi  nghĩ và tất cả những gì tôi đã hiểu được...

Về vấn đề vừa nêu, tôi nghĩ Thiên Chúa là Người Cha; và vì là Người Cha, Thiên Chúa đã tự thích ứng theo những nhu cầu và khả năng của con cái. Giả như Thiên Chúa, qua Đức Mẹ, yêu cầu chúng ta hằng ngày hãy đến tham dự thánh lễ và hiệp lễ, thì chắc chắn rất nhiều người sẽ hoàn toàn có lý khi nói rằng đó là điều không thể thực hiện được. Một số người vì sống xa nhà thờ là nơi cử hành thánh lễ; một số khác vì hoàn cảnh sinh nhai, vì điều kiện cuộc sống, công việc, sức khỏe,…

-Ai đọc được? Ngược lại, lần hạt Mân Côi là việc ai ai cũng có thể làm được, giàu có hay nghèo nàn, thông giỏi hay dốt nát, cao sang hay hèn kém.

-Đọc để làm gì? Mọi người thiện chí đều có thể, và phải, lần hạt Mân Côi hằng ngày. Để làm gì? Để được tiếp xúc Thiên Chúa, để tạ ơn vì những phúc lành Người ban và nài xin Người ban thêm những ân sủng cần thiết... Chính việc cầu nguyện đưa chúng ta đến chỗ giao tiếp thân mật với Thiên Chúa, như người con đến với cha để cám tạ về những món quà đã được lãnh nhận, để thân thưa với cha về những ưu tư đặc biệt, để đón nhận sự hướng dẫn, sự trợ giúp, sự nâng đỡ và phúc lành của cha.

-Đọc khi nào? Vì tất cả chúng ta đều phải cầu nguyện, nên Thiên Chúa đã đặt ra cho chúng ta một hình thức cầu nguyện hợp với khả năng của mọi người, một hình thức hạn định theo từng ngày: đó là kinh Mân Côi, lời kinh có thể đọc chung hoặc riêng, trong nhà thờ trước Thánh Thể hoặc tại tư gia, đọc chung với gia đình hoặc đọc riêng một mình, khi đang đi đường hoặc lúc lặng lẽ tản bộ giữa cánh đồng. Người mẹ trong gia đình có thể đọc kinh Mân Côi khi đang đưa võng cho con nhỏ hoặc khi đang làm công việc nhà. Mỗi ngày chúng ta có hai mươi bốn giờ. Dành ra một khắc đồng hồ cho cuộc sống thiêng liêng, để tiếp xúc gần gũi thân mật với Thiên Chúa đâu phải là một yêu sách quá đáng.

-Cao quý sau Thánh Lễ: Đàng khác, tôi tin rằng, việc lần chuỗi Mân Côi chỉ đứng sau phụng vụ hiến tế thánh lễ mà thôi, xét trên phương diện nguồn gốc, bản chất linh thánh của những lời kinh và những mầu nhiệm trong công trình cứu chuộc được chúng ta hồi tưởng và suy niệm trong các chục kinh. Kinh Mân Côi là lời nguyện làm đẹp lòng Thiên Chúa và mưu ích lợi cho linh hồn chúng ta nhiều nhất. Nếu không, có lẽ Đức Mẹ đã không kiên trì kêu gọi chúng ta hãy lần chuỗi Mân Côi như vậy.

Khi bàn đến việc suy ngắm năm hoặc mười lăm mầu nhiệm chuỗi Mân Côi, tôi không muốn tạo ra ấn tượng là Thiên Chúa đòi chúng ta phải đếm số những lời kêu xin, chúc tụng hoặc tạ ơn dâng lên Người. Chắc chắn Thiên Chúa không mong đợi chúng ta phải làm như vậy: nơi Người, tất cả đều là hiện tại! Nhưng chúng ta cần phải đếm để có một ý tưởng rõ ràng và sống động về hành vi chúng ta đang làm, để biết chắc chắn chúng ta đã hoàn tất những gì chúng ta đã dự định dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày hay chưa, để bảo toàn và làm thăng hoa mối tương giao thắm thiết với Thiên Chúa, và nhờ đó, chúng ta được kiên trì và tiến triển trong đức tin, đức cậy và đức ái.

Tôi muốn nói thêm rằng cả những người có khả năng tham dự Thánh Lễ hằng ngày cũng không nên vì đó mà sao lãng việc lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày. Đã hẳn thời gian dành cho việc lần hạt Mân Côi không giống như thời gian tham dự thánh lễ. Đối với những người này, việc cầu nguyện bằng kinh Mân Côi có thể được coi như một cách dọn mình để tham dự thánh lễ tốt hơn, hoặc như một hành vi cám ơn sau rước lễ.

Tôi không biết, nhưng với chút ít hiểu biết nhờ được giao tiếp chung chung với người ta, tôi nhận ra có rất ít linh hồn thực sự chiêm niệm giữ gìn và ấp ủ trong họ một sự tương giao thân mật thắm thiết với Thiên Chúa để dọn lòng tiếp đón Chúa Kitô trong Thánh Thể cho xứng đáng. Như vậy, việc khẩu nguyện cũng cần thiết cho cả những người này nữa, họ cũng cần nguyện ngắm và suy gẫm về kinh Mân Côi nhiều hết sức có thể.

-Cao quý sau Phụng vụ Các Giờ kinh: Có nhiều kinh nguyện rất tốt có thể được dùng để dọn mình tiếp đón và kéo dài cuộc tương giao thắm thiết với Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể. Nhưng tôi cho rằng chúng ta không thể tìm được một kinh nguyện nào thích hợp cho mọi người nói chung cho bằng việc đọc năm hoặc mười lăm mầu nhiệm kinh Mân Côi. Chẳng hạn việc đọc Phụng Vụ Các Giờ Kinh là điều tuyệt hảo, nhưng tôi cho rằng việc ấy không phải ai cũng có thể làm được, và trong ấy có một số Thánh Vịnh đâu phải ai cũng hiểu được một cách dễ dàng. Việc ấy đòi hỏi một mức độ đào tạo và chuẩn bị mà không thể trông đợi mọi người ai ai cũng làm được.

Có lẽ vì tất cả những lý do trên và nhiều lý do khác nữa mà chúng ta chưa nhìn thấy được, Thiên Chúa, Hiền Phụ của chúng ta, Đấng cảm thông những nhu cầu của con cái Người còn hơn cả chúng ta, đã muốn đoái đến trình độ giản đơn bình dân của tất cả chúng ta khi mời gọi hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày, để làm cho con đường đến với Người trở nên thuận tiện cho chúng ta.

-Giáo hội khuyến khích: Sau cùng, khi nhớ lại tất cả những lời Huấn Quyền Giáo Hội đã nói với chúng ta về việc đọc kinh Mân Côi trong những năm qua – rồi tôi sẽ nhắc lại cho các bạn một số điều trong đó – và cả những điều Thiên Chúa, qua Sứ Điệp Fatima, đã kiên trì mời gọi chúng ta, chúng ta có thể kết luận rằng: kinh Mân Côi là hình thức khẩu nguyện thích hợp nhất đối với mọi người nói chung, một hình thức chúng ta phải trân trọng và phải làm hết sức để đừng bao giờ chê bỏ. Hơn ai hết, Thiên Chúa và Đức Mẹ biết rõ những gì thích hợp nhất và những gì cần thiết nhất cho chúng ta. Hơn nữa, kinh Mân Côi còn là một phương thế thần hiệu giúp chúng ta giữ vững đức tin, đức cậy và đức ái.

Chúng ta hãy siêng năng lần hạt Mân Côi theo chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II




Với những người không biết, hoặc không thể cầm trí để suy nguyện, nguyên hành vi cầm chuỗi trong tay để cầu nguyện đã là một sự ý thức về Thiên Chúa, và việc nghĩ đến một mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô trong mỗi chục kinh sẽ hướng tâm trí họ tưởng nhớ đến Người. Việc này sẽ rọi chiếu trong linh hồn họ một ánh sáng đức tin êm ái, nâng niu chiếc bấc còn leo lét và không để nó hoàn toàn bị tắt lịm.

Ngược lại, những ai chê bỏ việc lần hạt Mân Côi và không tham dự Thánh Lễ hằng ngày thì chẳng còn gì để nâng đỡ họ nữa, kết cuộc họ sẽ sa vào chủ nghĩa vật chất của đời sống trần tục.

Như thế, kinh Mân Côi là kinh nguyện được Thiên Chúa giới thiệu với tất cả chúng ta - qua Giáo Hội và Đức Mẹ - một cách kiên định nhất, như một con đường và một cánh cửa dẫn đến ơn cứu độ: “Hãy đọc kinh Mân Côi hằng ngày”.

Theo Xuanha


Lợi ích của nước thánh

Giáo hội Công Giáo thường ban những ân xá cho việc dùng nước thánh như sau.Khi người tín hữu làm dấu thánh giá thì được 3 năm ân xá, nhưng khi làm dấu thánh giá bằng nước Thánh thì được 7 năm ân xá.








Khi làm phép có những linh mục thường dùng muối để làm phép nước, như vậy nước thánh có tác dụng thanh tẩy, thánh hóa và bảo vệ cho người xức nước thánh. Ma quỷ rất ghét nước thánh nhưng các Linh Hồn trên trái đất và các Linh Hồn nơi Luyện Ngục thì rất thích.



Khi nước thánh được vẩy thì ma quỷ phải chạy trốn khỏi người ấy và nơi chốn ấy. Vì nước thánh là vũ khí hữu dụng của chúng ta để làm cho ma quỷ chạy trốn.


Nước thánh còn có tác dụng gìn giữ người ta khỏi chước cám dỗ, khỏi sự trừng phạt, khỏi những tư tưởng xấu, khỏi bệnh tật.


Ma quỷ luôn làm cho người ta chia trí khi cầu nguyện nên trước khi cầu nguyện, chúng ta nên vẩy nước thánh.


Trong các Thánh Lễ long trọng thì các linh mục vẩy nước thánh trên tất cả những giáo dân tham dự Thánh Lễ để xua trừ ma quỷ và làm cho mọi người tập trung vào Thánh Lễ. Nước thánh được dùng trong mọi sinh hoạt của nhà thờ như trong các Thánh Lễ lớn, lễ cưới, nghi thức rửa tội, tang lễ… bởi vì giáo hội biết giá trị tuyệt diệu của nước thánh.


Trước khi khởi sự làm một việc gì, dù là việc của Thiên Chúa hay việc làm, bạn hãy nên dùng nước thánh để thanh tẩy và dâng lên Thiên Chúa một lời cầu nguyện ngắn. Như thế, bạn có thể tránh được nhiều tai họa và khó khăn.


Hãy đem nước Thánh Lễ trong người và rẩy lên xe hơi, vẩy lên mình và những người ngồi chung trên xe, như vậy bạn sẽ tránh được những tai nạn khỏi xẩy ra.


Hãy chứa những bình nước thánh mà người ta gọi là Holy Water Font trong nhà để dễ xử dụng.


Nước thánh giúp chúng ta được bảo vệ và làm cho đời sống chúng ta được vui vẻ và hạnh phúc hơn.


Trước khi đi ngủ, hãy vẩy nước thánh để được bình an. Nước Thánh có 5 tác dụng lớn lao như sau:


1. Giảm thiểu thời gian đền tội trong Luyện Ngục: Nếu người hấp hối được vẩy nước thánh thường xuyên thì thời gian đền tội của họ sẽ được giảm bớt nơi Luyện Ngục.


2. Cầu cho các Linh Hồn nơi Luyện Ngục sớm được về trời: Nếu bạn cầu nguyện và vẩy nước thánh và cầu nguyện cho các Linh Hồn ở Luyện Ngục thì họ cầu nguyện cho bạn để đền ơn.


3. Xua trừ ma quỷ


4. Rửa sạch tội lỗi


Hãy vẩy nước thánh xuống đất và cầu nguyện như sau: “Bằng nước thánh này, và bằng Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô, xin Chúa tẩy sạch tội lỗi của con và của gia đình con.”


5. Chữa lành: Nước thánh có thể chữa lành cả thể xác lẫn tâm linh. Đó là ơn Chúa ban để được bảo vệ và chữa lành.


Theo Dr. Rosalie Turton



 


Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Theo ai?


Cuộc sống chúng ta luôn có những bước chân đi trước mở đường khuyến dụ chúng ta bước theo. Rất ít khi chính chúng ta sáng tạo ra những bước chân mới để hướng dẫn người khác. Hầu hết là đi sau, đi theo, phỏng theo. Kẻ trước người sau thường phỏng theo lối sống, cách ăn diện, giao thiệp, buôn bán, cách sống của người mình ngưỡng mộ.



Điều này thể hiện qua các tạp chí trưng bày, trang hoàng nhà cửa, sách báo quảng cáo lối sống mới, chương trình trình diễn thời trang, cách trưng diện. Trên màn ảnh dưới nhãn hiệu quảng cáo chính là cách hướng dẫn, khuyến dụ người đi theo. Nhóm thành công là nhóm có nhiều người phỏng theo bởi đi theo là mang lại lợi nhuận cho nhóm khởi xướng. Để bảo vệ tác quyền người ta ra luật bản quyền, cấm trích dịch, sao chép hoặc xử dụng mà không có phép. Muốn có phép phải trả tiền.

Phụ huynh trong xã hội mới đau đầu đứng trước ngã ba đường không biết nên chọn hướng nào. Người con theo chúng bạn vừa đến tuổi đòi li khai gia đình. Người con tin theo quảng cáo trên màn ảnh ăn diệm diêm dúa. Người con học đòi theo lối sống buông thả. Người con theo khuynh hướng xã hội bài kích tôn giáo. Người con mê chơi quên lối về, phó mặc tương lai theo chiều gió. Chiều theo, nhắm mắt làm ngơ, giả câm, giả điếc, hẳn không được. Chống lại, cấm đoán, ngăn cản thì già néo đứt giây, gia đình tan nát. Chọn giải pháp điều đình, đối thoại, giải thích, trình bày hơn thiệt, phải trái. Kết quả cả hai đều to tiếng dẫn đến cãi vì cả hai đều nhận lí của của mình đúng hơn. Phải làm sao, bỏ ai, theo ai?

Bất đồng ý kiến trong cuộc sống là điều không thể tránh. Bất đồng xấu dẫn đến chia rẽ, bè phái, nghi kị, đả kích, chống bác. Bất đồng tốt dẫn đến sự thật. Ý kiến khác nhau, tranh biện, giải thích mong tránh hiểu lầm, góc cạnh tối của vấn đề được soi sáng. Nhờ thế mà ý kiến đứng đắn được sáng tỏ, rõ ràng, mạch lạc. Để đạt được điều này cần học lắng nghe. Đừng để lo lắng, xao xuyến ảnh huởng đến quyết định.

Khi Đức Kitô nói Ngài đi trước dọn chỗ cho các môn đệ. Tôma không hiểu ý Thầy, ông xin theo. Tôma không muốn chờ, muốn đi ngay với Thầy. Ông đã từ giã đường đời, đường nhân thế để theo Thầy. Tôma chọn và quyết theo đến cùng, trung thành với Thầy.

Ý kiến của Tôma được Philip hỗ trợ khi ông muốn được gặp Chúa Cha. Ông này cũng đã từ bỏ con đường trần gian bước theo Thầy và không muốn xa Thầy nửa bước. Tôma muốn được sống cùng Đức Kitô trong khi Philip lại muốn được nhìn ngắm Chúa Cha. Hai ước mơ khác nhau nhưng cùng mục đích. Ở cùng sẽ nhìn thấy Chúa Cha và nhìn thấy Chúa Cha hẳn phải ở cùng, ở gần, kề bên.

Đức Kitô đáp lại yêu cầu của hai ông bằng cách giải thích cho các ông hiểu việc Ngài sắp làm. Các ông hiểu nhiều hay ít chúng ta không rõ. Điều chúng ta biết rõ là con đường Đức Kitô sắp đi là con đường thập giá. Ngài cũng tiên đoán trước khi Ngài vắng mặt các ông sẽ lo lắng đến tột cùng. Nên Ngài dặn các ông: đừng lo lắng quá độ, hãy vững tin vào Chúa Cha và tin vào Ngài. Ngài không vắng mặt luôn mãi, chỉ vắng trong giai đoạn nhưng cần thiết vì Ngài đi trước dọn chỗ cho các ông để rồi sau đó lại trở về đón các ông. Quả thực, ngay sau khi sống lại từ cõi chết Ngài đã hẹn gặp các ông tại Galilê.

Có những câu nói có nhiều nghĩa khác nhau. Câu nói chuẩn bị ăn tối có thể hiểu là đi mua thức ăn nấu sẵn hay ăn nhà hàng hoặc tự nấu ăn lấy. Chuẩn bị bữa cơm, không phải cho một mình mà cho cả gia đình là một mối lo. Mối lo lớn khi gia đình không đủ cơm ăn, áo mặc. Lo đủ ăn, đủ mặc quả là mối lo lớn. Mối lo thực tiễn trong cuộc sống. Hiểu được nỗi lo lắng trên ta hiểu được mối lo của Đức Kitô khi Ngài chuẩn bị thực phẩm muôi nhân loại. Đức Kitô lo lắng đến cực độ nên Ngài thốt lên,

Tâm hồn thầy lo buồn đến nỗi chết.

Ngài đi trước dọn chỗ bằng cách hy sinh chính sự sống mình để ban sự sống mới cho ta. Ban chính sự sống mình làm của ăn nuôi ta trong bữa Tiệc Li khi Ngài lập Bí Tích Thánh Thể. Ngài đi trước mở đường bằng cách vác thập giá lên đồi cao, lộng gió. Ngài đi trước mở đường bằng cách sống lại từ cõi chết, đập tan tử thần, đè bẹp sự chết.

Vì những lí do đó mà Đức Kitô nói với các tông đồ con đường Ngài đi các ông chưa đến được. Khi nào các ông chuẩn bị đủ mạnh, đủ tin, tin vững chắc lúc đó các ông được mời gọi bước theo con đường Chúa đã đi qua. Quả thế, các tông đồ sau này từng người một đi đúng con đường Chúa đã đi, đổ máu mình ra làm chứng cho Thầy.

Chúng ta cầu xin ơn khôn ngoan biết lắng nghe, đặt trọn niềm tin vào Đức Kitô.

TiengChuong.org