Thứ Năm, 5 tháng 5, 2011

Nghịch lý nơi Thiên Chúa và nghịch lý nơi con người



Tin Mừng vốn là tin bình an, tin mang lại ơn cứu độ, nhưng cũng chứa đầy những nghịch lý. Có những nghịch lý phát xuất từ giáo huấn của Chúa Kitô. Có những nghịch lý đến từ niềm tin của những kẻ đi theo Ngài. Có những nghịch lý đáng yêu. Có những nghịch lý đáng ghét.



Câu chuyện Tin Mừng về người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang của thánh sử Luca cho chúng ta thấy hai trong trong số các nghịch lý ấy: một nghịch lý nơi Thiên Chúa và một nghịch lý nơi con người.

1. Nghịch lý nơi Thiên Chúa, một nghịch lý đáng yêu 


Thiên Chúa có quyền lên án, kết tội, nhưng Ngài không lên án mà lại còn tha thứ. Đây là một nghịch nghịch lý hết sức đáng yêu. Thiên Chúa có quyền lên án vì Ngài là Chúa cả trời đất, là Đấng thập toàn, nhưng Ngài không bao giờ lên án tội nhân.


Ngài không lên án vì Ngài là Đấng giàu lòng xót thương.


Ngài không bao giờ muốn con người phải đau khổ và phải chết: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (Ed 18, 23). Chúng ta biết rằng người phụ nữ này bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Bị bắt quả tang đồng nghĩa với cái chết. Luật Môisê đã qui định như thế. Cái chết đang treo lơ lửng trên đầu chị ta. Vấn đề chỉ còn là thời gian. May mắn cho chị, chị đã gặp được Đức Giêsu, Đấng là hiện thân của lòng thương xót. Ngài đã cứu chị khỏi một “bàn thua” trông thấy.


Ngài không lên án, nhưng thứ tha vì Ngài muốn cho con người cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa một cách sâu xa. Nếu nơi lề luật Cựu Ước, người phụ nữ ngoại tình nhận ra một Thiên Chúa nghiêm khắc và công thẳng, thì nơi Đức Giêsu, chị đã cảm nghiệm được một vị Thiên Chúa vô cùng bao dung và nhân hậu: “Ta không kết án chị đâu” (Ga 8,11).

Đối với chị, Đức Giêsu, Đấng đang nói với chị, chính là cứu Chúa của đời chị và là hiện thân của lòng thương xót, đúng như lời Ngài đã từng công bố : “Con Ngưòi đến để cứu vớt, chứ không phải để huỷ diệt; Ta đến không phải kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi” (Lc 5,32). Ngài không lên án nhưng tha thứ vì hơn thế nữa, Ngài muốn cho tội nhân có cơ hội làm lại cuộc đời.

Trong câu chuyện Tin Mừng, chúng ta thấy lòng bao dung tha thứ của Chúa Giêsu đã mở ra cho người phụ nữ ngoại tình một vận hội sống đời sống mới. Nói cách khác, khi tuyên bố“Con hãy về và đừng phạm tội nữa”. Chúa Giêsu đã cho chị một cơ hội để hoàn lương và để làm lại cuộc đời. Từ nay chị sẽ trở thành một con ngưòi mới, giã từ quá khứ ô nhơ để sống ngay lành thánh thiện. Tắt một lời, Chúa Giêsu đã cứu thoát chị khỏi cái chết thể lý tủi nhục, Ngài còn cứu chị khỏi cái chết khốn nạn đời đời nữa.

Qua những lý do vừa nêu ta thấy rõ ràng rằng nghịch lý nơi Thiên Chúa là một nghịch lý rất đáng yêu, nghịch lý mang lại ơn cứu độ. Trước mặt Thiên Chúa, con người chưa phải là thiên thần nhưng cũng không phải là ác quỷ, mà đơn giản họ là tội nhân cần được cứu độ. Con Một của Ngài đã chết cho tội nhân, và Ngài muốn cái chết ấy là niềm hy vọng cứu độ cho hết thảy mọi người. Thế còn nghịch lý nơi con ngưòi thì sao ?

2. Nghịch lý nơi con người, một nghịch lý đáng ghét

Không có quyền lên án, nhưng lại thích lên án, thích “ném đá” người khác. Không có quyền… tại sao ? Đơn giản tại vì mình cũng là tội nhân, là bị cáo trước mặt Thiên Chúa, không tội to thì tội nhỏ, không nặng thì nhẹ, không tội trong hành động thì cũng trong tư tưởng lời nói…

Thế nhưng trơ trẽn thay, người ta lại thích làm quan toà, làm lý hình để lên án, để “ném đá” người khác. Thậm chí còn đòi kết án luôn cả Chúa Giêsu, điển hình như các Luật sĩ Biệt phái trong bài Tin Mừng.

Tôi có thường lên án và “ném đá” người khác không ? Chắc chắn là có. Có nhiều nữa là khác. “Ném đá” theo nghĩa nào ?

“Ném đá” bằng ánh mắt tị hiềm ghen ghét;


“Ném đá” bằng những tư tưởng, lời nói thâm độc, gắt gỏng chua cay;

“Ném đá” bằng hành động tẩy chay, trù dập và loại trừ….


Vì sao nghịch lý đáng ghét này vẫn thường xảy ra trong cuộc sống chúng ta ? Thưa vì trước khi “sờ gáy” (lên án và kết tội) người khác, chúng ta thường không “sờ gáy” chính mình; tức là không xét mình, không nhìn lại lương tâm của mình. Hơn nữa, vì chúng ta chưa biết nhận ra tình yêu tha thứ của Thiên Chúa dành cho mình, để rồi đến lượt mình, chúng ta cũng biết cảm thông bao dung cho những sai lỗi, vấp váp của anh em.

Một cuốn sách tựa đề “Tình trên non cao” kể rằng có một cặp vợ chồng trẻ rất yêu thương nhau và sống với với nhau trên một ngọn núi cao, rất hạnh phúc. Hạnh phúc đến nỗi nhiều lần họ đã hô to : “Chúa ơi, sao mà chúng con hạnh phúc quá”.

Thế nhưng đâu phải chỉ sống trên núi mãi là hạnh phúc. Thỉnh thoảng người chồng cũng phải xuống núi để làm ăn. Và trong một lần xuống núi, người chồng đã lỡ sa ngã với một người đàn bà khác. Người vợ biết được rất tức giận. Từ đó nàng không nói chuyện với chồng nữa. Phần người chồng thì cũng hối hận, nhưng không thể nào xin lỗi được vì mỗi lần muốn nói lời xin lỗi với vợ thì vợ bỏ đi nơi khác.

Rồi một đêm kia, người chồng trên đường lên núi về nhà thì gặp bão tuyết. Chiếc xe ngựa bị gãy, con ngựa bị què, và anh cũng bị thuơng nặng ở chân. Anh cố gắng lết về tận cửa nhà. Người vợ mặc dù thấy chồng như thế, nhưng vì vẫn còn giận nên nhất định không mở cửa cho chồng vào.

Sáng hôm sau người ta thấy xác người chồng đã cứng đờ vì giá lạnh ngay trước mái ấm gia đình của mình. Một mối tình rất hạnh phúc trên non cao đã kết thúc bi thảm như thế, chỉ vì người vợ không biết thương xót thứ tha, không cho chồng mình một cơ hội để làm lại từ đầu.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nhận ra được điều nghịch lý đáng yêu của lòng Chúa xót thương, và biết loại bỏ cái nghịch lý đáng ghét vẫn hằng ngự trị trong tâm hồn chúng con, để chúng con biết cảm thông tha thứ cho anh chị em mình, đặc biệt là những người tội lỗi ngã sa hầu cho họ có cơ hội sửa đổi và canh tân cuộc đời. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét