Nỗi cô đơn
Bạn có bao giờ cảm thấy cô đơn cùng cực hoặc bị nhục nhã ê chề? Chắc hẳn ai cũng đã từng hơn một lần có cảm giác như vậy. Nhưng có lẽ nỗi cô đơn và nhục nhã của chúng ta không là gì so với Chúa Giêsu. Mọi người đều phản đối Ngài, ghét Ngài và đồng thanh: “Đóng đinh nó vào thập giá” (Mt 27,22). Ngài không bằng tên cướp khét tiếng Baraba. Trước mắt mọi người, Chúa Giêsu là kẻ thua cuộc và hoàn toàn chiến bại!
Tại vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu chỉ tâm sự với Phêrô và hai con ông Dêbêđê: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây canh thức với Thầy” (Mt 26,38). Nỗi buồn rầu và lo sợ quá lớn khiến bản tính con người nơi Ngài tưởng chừng không chịu nổi. Và rồi Ngài đã phải thốt lên: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).
Thật vậy, nỗi cô đơn quá lớn! Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài càng cô đơn hơn, vì ngay cả các môn đệ - những người đã bao năm đồng hành với Ngài, từng khâm phục Ngài, từng từ bỏ tất cả để theo Ngài và cùng chia vui sẻ buồn với Ngài - mà giờ đây cũng chuồn hết, rời bỏ Ngài, chỉ dám đứng xa xa, thậm chí còn chối bỏ Ngài, không dám nhận Ngài là người thân. Và rồi Ngài lại thốt lên trong nỗi cô đơn tột đỉnh: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài nỡ bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Thực sự đó là cảm giác tứ cố vô thân!
Có lẽ không còn nỗi cô đơn nào lớn hơn thế nữa, cảm giác mà mình thấy hầu như những người thân nhất cũng ghét bỏ mình, xa lánh mình. Khi đó, người ta không còn biết nói gì - vì không ai hiểu mình, không có ai để trút bầu tâm sự, mình nói đúng cũng bị cho là sai!
Sự nhục nhã
Chính Giuđa đã dùng nụ hôn để làm dấu hiệu ai là Giêsu để bọn thủ ác bắt. Nụ hôn là biểu hiện yêu thương, nhưng Giuđa lại dùng nụ hôn để biểu hiện lòng phản trắc. Sau khi bắt và dẫn Ngài đi, họ lột trần Ngài, bịt mắt Ngài, khạc nhổ vào mặt Ngài, đấm đánh hung bạo và tát Ngài, rồi còn mỉa mai: “Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: ai đánh ông vậy?” (Mt 26,67-68; Lc 22,64). Chưa thỏa lòng, họ còn kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Ngài và trao cho Ngài một cây sậy làm vương trượng, rồi chế nhạo: “Vạn tuế Vua dân Do Thái” (Mt 27,29).
Kẻ qua người lại cũng đều nhục mạ Chúa Giêsu, họ vừa lắc đầu vừa nói: “Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong 3 ngày lại xây được, hãy tự cứu mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa thì xuống khỏi thập giá xem nào!” (Mt 27,39). Nhục nhã quá!
Trên Đồi Sọ, người ta nhẫn tâm cho Người uống rượu pha mật đắng (Mt 27,33-34), lại còn thách thức: “Hắn cậy vào Thiên Chúa thì bây giờ Chúa cứu hắn đi, nếu quả thật Chúa thương hắn” (Mt 27,43). Khi Ngài bị đóng đinh và treo trên thập giá, đau đớn vô cùng vì mồ hôi và máu ra nhiều, Ngài kêu “khát” thì họ lấy miếng bọt biển thấm đầy giấm, rồi buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Ngài uống (Mt 27,48; Lc 23,36).
Ngài chịu nhục nhã ê chề đến tột cùng, nhưng Ngài vẫn im lặng, không than thân trách phận và cũng không hề trách những người nhục mạ mình, mà Ngài lại cầu nguyện cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Bị sỉ nhục vậy mà Ngài vẫn độ lượng và yêu thương vô bờ bến, vô điều kiện, làm sao phàm nhân khả dĩ hiểu thấu?
Cuối cùng, Chúa Giêsu kiệt sức và nói: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Ngài chết tức tưởi quá! Nhưng tất cả là đức vâng lời. Trời đất bỗng rung chuyển kỳ lạ. Thấy vậy, những người giết Ngài đã phải công nhận: “Quả thật, ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27,54).
Cảm nhận
Chúa Giêsu đã từng cảnh báo: “Tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26,41). Thân phận con người quá mỏng giòn và yếu đuối, đầy sai lầm và tội lỗi. Rất cần có Chúa! Thánh Têrêsa, có lần sau nỗi cô đơn xao xuyến, cũng đã thắc mắc: “Hồi nãy Chúa ở đâu?”. Chúa trả lời: “Cha vẫn cùng con chiến đấu”.
Tôi cũng đã có những lúc cảm thấy lạc loài những khi thân nhân lần lượt giã từ cuộc đời. Tôi cô đơn ngay giữa những người khác vì tư tưởng mình không hợp với những họ, và có vài lần tôi đã vấn nguyện: “Sao Chúa bỏ rơi con? Chúa còn thương con không?” (x. Mt 27,45). May mà vẫn duy trì được niềm tin vào Thiên Chúa. Cảm nhận một chút nào đó về nỗi cô đơn và nhục nhã của Chúa Giêsu để có thể tiếp tục hành trình cuộc sống, dù chông gai và cạm bẫy rất nhiều trên đường đời - hôm nay và ngày mai.
Lạy Chúa, xin Ngài luôn đồng hành, độ trì và nâng đỡ chúng con. Xin cho chúng con kiên vững ba đức đối thần và biết phát triển các đức đối nhân. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, vì cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô, Thiên Chúa của chúng con. Amen.
Trầm Thiên Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét