Vào năm 1856, các nhà khảo cổ đã thực hiện một cuộc khám phá đầy thú vị tại đồi Palatino ở Rôma. Khi đào bới lớp đất bao phủ một trại lính Rôma cổ, trên vách một bức tường họ tìm thấy một cây thập giá được một người lính nào đó dùng đinh hay mũi dao cắt một cách vụng về trên tường. Bên cạnh thập giá là hình một chàng thanh niên giơ tay chào kính thập giá. Trên thập giá có vẽ hình một người nhưng đầu là hình một con lừa. Dưới hai bức hình người ta thấy có viết hàng chữ: “Alexandre Menos thờ lạy Chúa của hắn”.
Các nhà khảo cổ cho rằng có thể bức tranh đã được thực hiện khoảng giữa những năm 123 và 126 sau công nguyên. Nếu sự phỏng đoán về niên biểu này đúng thì đây có lẽ là hình vẽ về thập giá cổ xưa nhất và đồng thời cũng là một thập giá bị nhạo báng. Người ta có thể đọc được ý tưởng đàng sau hình vẽ ấy như sau: “Nếu Thiên Chúa mà chết trên thập giá thì đây là một hành động yếu hèn, khờ dại như hành động của một con lừa. Và cả những người thờ lạy Thiên Chúa trên thập giá cũng là những kẻ ngu dại như lừa”.
Vào năm 1870, các nhà khảo cổ đã tìm được câu trả lời mà họ nghĩ là của một chàng thanh niên mang niềm tin Kitô tên là Alexandre Menos. Ở một cột trụ bằng đá dựng hình một vị thần vốn là thần của chiến tranh, người ta lại đọc được dòng chữ như sau: “Alexandre Menos vẫn vững tin”.
***
Quả thật, hình ảnh của một Thiên Chúa chịu treo trên thập giá là một hình ảnh khủng khiếp. Hình ảnh này tự nhiên gợi lên sự yếu nhược và khờ dại, nhưng Thánh Phaolô lại biện hộ cho hành động mà người đời cho là điên rồ ấy như sau: “Tiếng nói của thập giá đối với những kẻ hư hỏng là điên rồ. Còn đối với những người được cứu rỗi, tức chúng ta, thì đó là sức mạnh của Thiên Chúa. Thật vậy, người Do Thái đòi hỏi phép lạ. Người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan. Còn chúng tôi thì giảng về Chúa Kitô chịu đóng đinh vào thập giá. Người Do Thái cho đó là điều xấu xa, còn những người ngoại giáo thì cho là dại dột. Nhưng với tất cả những ai được Thiên Chúa tuyển chọn thì Chúa Kitô chịu đóng đinh là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.
Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta chiêm ngưỡng sự khôn ngoan và sức mạnh ấy của Thiên Chúa. Từ thập giá ấy chúng ta cũng múc lấy sự khôn ngoan và sức mạnh để vác lấy chính thập giá của mỗi người chúng ta. Một người đàn bà tại trại tập trung Ðức quốc xã đã viết một lời nguyện và cài vào thi thể của đứa con gái nhỏ của mình. Người đàn bà cầu nguyện như sau:
“Lạy Chúa, xin Chúa không chỉ nhớ đến những người thiện chí mà cũng thương đến những kẻ ác tâm, nhưng xin Chúa đừng nhớ đến tất cả những khổ đau mà họ đã gây ra cho chúng con. Xin Chúa hãy nhớ đến những hoa quả mà chúng con đã có được nhờ những đau khổ này, đó là tình bạn, sự trung thành, tính khiêm tốn, lòng can đảm, trái tim quảng đại, tâm hồn cao thượng đã đâm chồi nẩy lộc từ những khổ đau ấy. Và khi chúng con ra trước toà Chúa, xin cho những hoa trái ấy trở thành bảo chứng của ơn tha thứ dành cho họ”.
Bexitanbul, người thiếu nữ cũng chết trong cùng một trại tập trung đã thề nguyền không bao giờ thù ghét những cai tù đã từng đánh đập hành hạ cô. Trong cơn hấp hối, người thiếu nữ này đã thốt lên như sau: “Chúng ta phải nói với mọi người những gì mà chúng ta đã học được ở đây. Chúng ta phải nói với họ rằng không có giếng nào sâu hơn tình yêu của Thiên Chúa”.
Những lời trên đây đã xuất phát từ miệng của những con người đã bị chính người đồng loại của mình đày vào tầng đáy của địa ngục trần gian. Họ đã tìm thấy sức mạnh và lẽ khôn ngoan của thập giá.
Lạy Chúa Giêsu,
Chiêm ngắm và hôn kính Thập Giá Chúa trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, xin cho chúng con cũng biết đến kín múc sức mạnh và lẽ khôn ngoan từ thập giá Chúa. Xin cho chúng con biết đón nhận thập giá mỗi ngày và đi theo chân Chúa với tất cả những tín thác và tin yêu.
R. Veritas
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét