Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

Ngôn ngữ của Thập giá


Hai cây gỗ, một ngang một dọc, vốn là dụng cụ hành hình tội nhân, kể từ biến cố trên đồi Canvê năm xưa đã mang một ý nghĩa mới. Cây gỗ ấy mang tên thập giá. Thập giá, một danh từ gợi nhớ gợi thương. Gợi nhớ vì nó giúp ta hướng về một sự kiện trong lịch sử, đó là cái chết của Đức Giêsu thành Nagiareth. Gợi thương, vì đó là bằng chứng hùng hồn về tình thương bao la của Thiên Chúa. Qua vụ án Đức Giêsu, sự thật bị đảo ngược: Con Thiên Chúa bị xét xử như một tội nhân, Đấng công chính bị giết hại như tên phản phúc. Đã hai ngàn năm, thập giá vẫn đứng đó, vẫn vươn cao như muốn nối đất với trời, vẫn giang rộng như muốn kết liên mọi nước. Ngôn ngữ của thập giá không ồn ào nhưng nhẹ nhàng thinh lặng, không bay bướm nhưng đơn sơ trầm lắng:


Thập giá ngất cao trên đồi, thập giá ơi
 Người mong nói gì, nói gì với đời?” (Thánh ca)


1- Thập giá mời gọi nhận ra tình Chúa yêu thương

Cây thập giá sẽ mãi mãi là một dụng cụ hành hình ghê rợn nếu nó không được mang trên mình Đức Giêsu Đấng cứu độ trần gian. Huyền nhiệm thay Thánh ý Thiên Chúa! Ngài có thể cứu chuộc nhân loại bằng nhiều cách, nhưng cây thập giá lại được dùng như khí cụ và dấu chỉ của tình thương bao la. Đức Giêsu đã tự nguyện đón nhận cuộc khổ hình. Người đã chọn cây gỗ thập giá như bàn thờ để dâng hy tế là chính bản thân Người lên Chúa Cha. Chính từ cây thập giá mà Đức Giêsu muốn khẳng định với nhân loại: Thiên Chúa yêu thương loài người

Ôi thập giá vinh phúc vô song
 Chỉ mình ngươi xứng đáng mang thân thể Chúa là chính Vua trời
 Máu đào Người đổ ra chan chứa
Sẽ chữa lành mọi thương tích phàm nhân” (Thánh ca).

Chính vì thế mà chúng ta cung kính thờ lạy và tôn vinh:

“Kính chào thập giá Chúa Kitô
 Cây đã thành trường sinh bất tử,
 Trên đó chính Vua Trời đã ngự
 Đã chết vì yêu để cứu đời. (Trăng Thập Tự)

Xa xưa vào buổi ban đầu của lịch sử, có một cây được trồng trong vườn địa đàng. Cây ấy sinh ra quả “ăn thì ngon, trông thật sướng mắt” (St 3,6). Tuy vậy, sắc đẹp của trái lại chứa sự chết, vị ngon của quả lại mang mầm tội. Ađam và vợ mình là Evà đã ăn trái cây và đã phải chết. Họ muốn được nên như các vị thần linh, nhưng rốt cuộc phải lãnh án trầm luân đau khổ. Câu chuyện trái cấm là câu chuyện buồn, để lại những hậu quả tai hại cho mọi thế hệ nhân sinh.

Trên đồi Canvê, cây thập giá được dựng nên để đem lại thuốc trường sinh chữa lành bệnh tật gây ra bởi cây trái cấm. Nếu cây của vườn địa đàng là nguyên nhân của chia rẽ, thì cây thập giá lại trở thành tâm điểm của nối kết. Nếu cây địa đàng đem lại hậu quả là sự chết, thì cây thập giá lại dẫn đến sự sống trường tồn. Trên đồi Canvê của chiều hôm ấy, đất với trời được nối lại qua chiều dọc của cây gỗ, người với người được liên kết nhờ chiều ngang mãi vươn xa. Giao hoà Thiên Chúa với con người và con người với nhau, đó chính là ơn cứu độ mà Thiên Chúa muốn thực hiện trong Đức Giêsu Kitô.

Trong hành trình cuộc đời, thập giá đem lại cho chúng ta sức mạnh. Nhờ hướng nhìn lên cây thập giá, biết bao nhiêu người nam cũng như nữ trong suốt bề dầy của lịch sử đã tìm được nghị lực vươn lên. Đức Giêsu đã mời gọi chúng ta tiếp bước theo Người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Đức Giêsu đang đi cùng với chúng ta trong cuộc sống đầy gian nguy thử thách này.

2- Thập giá là tiếng kêu hãy ngưng bạo lực

“Đem đi! Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!” (Ga 19,15). Trước đám đông hỗn loạn gồm những người bị kích động tới mức say máu, Đức Giêsu bị lên án như một kẻ phản loạn. Người ta xin ân xá cho Baraba, một tên trộm cắp, để đòi giết chết Đức Giêsu, Đấng là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Một vụ án được xét xử vội vàng, vào ban đêm, với những lời buộc tội bất công và những lời vu khống đầy ác ý. Con Thiên Chúa vẫn thinh lặng trước đám đông, như con chiên hiền lành bị đem đi giết. Đức Giêsu đã lấy hiền từ để đối lại với bạo lực. Người đã dùng tình yêu để chiến thắng hận thù. Cây thập giá mời gọi hãy lấy yêu thương mà thắng cường bạo. Trong quá khứ cũng như hiện tại, có nhiều người mệnh danh tôn giáo để gây bạo lực, để tàn sát dân lành. Người ta nhân danh công bằng để gây thêm thù oán. “Sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa” (Ga 16,2). Đức Giêsu đã tiên báo những thử thách mà các tín hữu sẽ phải trải qua.

Cũng chính từ ích kỷ tham lam của con người mà trong xã hội, bạo lực có nguy cơ ngày càng phát triển. Người ta tàn sát chém giết lẫn nhau vì những lý do rất đơn giản. Có những mạng người bị đánh đổi một cách tang thương, phi lý. Bạo lực không chỉ hoành hành nơi phố chợ, nhưng còn lan đến học đường, nơi công sở và gia đình.

Thập giá đứng đó như một nhân chứng tố cáo bạo lực. Cây gỗ lặng thinh đang nhắc lại cho chúng ta bài học đau thương của quá khứ. Thập giá chính là lời kêu gọi con người hãy dừng bạo lực, hãy thôi chiến tranh và tận diệt oán thù. Bởi lẽ oán thù chỉ làm cho sự dữ thêm chồng chất, còn tha thứ sẽ làm cho niềm vui được tràn đầy.

3- Thập giá mời gọi quảng đại thứ tha

Trong cuộc sống “hiện đại” hôm nay, xem ra nguyên nhân chia rẽ ngày càng nhiều. Người ta sống trong cơn lốc quay cuồng của hưởng thụ, chạy đua với những hình thức ăn chơi. Đạo lý luân thường bị coi nhẹ, tôn giáo lương tâm bị khinh thường. Giữa những xô bồ của cuộc sống, thập giá như một lời mời gọi yêu thương.

“Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệu sự thù ghét (Ep 2,16).

Thập giá nhắc lại tội ác tầy đình của con người, đó là tội giết Con Thiên Chúa. Nhưng thập giá cũng là biểu tượng của sự thứ tha. Đức Giêsu trên thập giá đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết mình. Hôm nay, thập giá vẫn đang tiếp tục thầm thì kể với chúng ta về lòng nhân ái và thứ tha quảng đại. “Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Lời dạy này xem ra có vẻ ngược đời nhưng đó chính là tính ưu việt của Kitô giáo. Khi yêu thương và tha thứ cho kẻ làm hại mình, chúng ta trở nên cao thượng hơn, giữa cuộc đời ô trọc và đầy rẫy những bất công.

Để biện minh cho chính sách “khoan dung tôn giáo”, tại một số trường học Công giáo ở châu Âu và châu Mỹ, người ta đề nghị dỡ bỏ thập giá tại các lớp học. Với lập luận cho quan điểm “tự do”, tại nhiều gia đình, người ta muốn bỏ thập giá trên bàn thờ. Hậu quả là bạo lực, gian dối và những hành vi vô đạo đức lan tràn đến mức báo động ngay tại môi trường huấn luyện con người. Mới đây, một nữ công dân Italia, Bà Sonia Lautsi, đã đệ đơn khiếu kiện và cho rằng sự hiện diện của thập giá trong các lớp học không phù hợp với những phụ huynh chủ trương không tôn giáo. Ngày 18-3-2011, Toà án Nhân quyền cấp cao của châu Âu tại Strasbourg đã bác bỏ đơn kiện đồng thời phán quyết ủng hộ việc treo thập giá tại các lớp học.

Không như cây sậy bị uốn cong và phất phơ trước gió, thập giá vẫn vươn cao giữa bao phong ba của cuộc đời. Thập giá là cờ hiệu chiến thắng của Đức Kitô, đồng thời là nguồn hy vọng cho những ai tin cậy nơi Người. Chúng ta hãy học ngôn ngữ của cây thập giá, để nhờ đó, mỗi tín hữu trở nên những người gieo mầm yêu thương, trồng cây hạnh phúc và làm nở hoa thứ tha. Qua ngôn ngữ khiêm tốn mà cao siêu của thập giá, chúng ta có thể khẳng định cho mọi thế giới hôm nay rằng: Thiên Chúa yêu thương loài người.

                                                                           Giám mục. Giu se Nguyễn văn thiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét