Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Giờ Chúa viếng thăm


Một diễn giả thuyết trình cho các bậc phụ huynh về thái độ phải luôn thông cảm với con cái, nhất là khi chúng còn nhỏ. Diễn giả vừa dứt lời, thì có một người mẹ phát biểu ý kiến: "Trong bài thuyết trình, ông đã nhiều lần nhắc đến những sai sót của cha mẹ không đủ kiên nhẫn để tỏ ra thông cảm với con cái. Phần tôi thì có kinh nghiệm ngược lại: tôi luôn luôn tìm cách thông cảm với con cái, nhưng chẳng những chúng không nghe lời tôi, mà còn chống lại tôi. Xin ông vui lòng cho chúng tôi biết phải làm gì nữa để con cái nghe lời chúng tôi".


Kinh nghiệm của người mẹ trên đây có thể giúp chúng ta hiểu thêm phần nào tâm tình của Chúa Giêsu đối với người Do thái và, đối với thành Giêrusalem như được ghi lại trong Tin Mừng thánh sử Luca (Lc 13,31-35). Ðó là tâm tình yêu thương của Chúa trước sự khước từ của dân Chúa. Tác giả Luca đã đưa ra nhận định chung về cuộc đời của Chúa Giêsu: "Ngài đã đến nơi nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận". Con người là tạo vật của Thiên Chúa, nhưng lại có quyền tự do từ chối Ngài, đó là cái bi thảm của cuộc đời.





Chúng ta sẽ càng cảm thông với những tâm tình của Chúa Giêsu, khi chúng ta biết rằng lúc đó Ngài đang tiến về Giêrusalem, tiến đến gần giây phút thực hiện cuộc Vượt qua của Ngài để đem ơn cứu rỗi cho mọi người, nhưng cũng chính lúc đó sự chống đối của các kẻ thù Chúa mỗi lúc một gia tăng. Những người Biệt phái, Luật sĩ, Tư tế trong dân, đang tìm cách loại trừ Chúa, ngay cả vua Hêrôđê Antipas cũng không ưa thích gì Ngài, chính ông ra lệnh chặt đầu Gioan Tẩy giả, đó là điềm không tốt cho Chúa Giêsu lúc đó đang có mặt trên phần đất thuộc thẩm quyền của ông.


Tuy nhiên, sự độc ác của con người không thể làm cho Thiên Chúa không yêu thương con người. Trái lại, Thiên Chúa đã chấp nhận trở nên yếu hèn, bị khinh chê, Ngài vẫn yêu thương con người và yêu thương cho đến chết trên Thập giá. Tuy nhiên, cái chết của Chúa Giêsu không phải là một chiến bại vĩnh viễn, bởi vì rồi đây con người sẽ trở lại nhìn nhận Thiên Chúa. Lời tiên báo của Chúa Giêsu hé mở cho chúng ta thấy viễn tượng hy vọng: "Các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa, cho đến lúc các ngươi nói: chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Chúa". Ðây không chỉ là lời tiên tri về cuộc khải hoàn của Ngài vào thành Giêrusalem, nhưng còn là lời tiên tri về cuộc chiến thắng cuối cùng của Ngài vào thời cánh chung, khi Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.


Chúng ta hãy khiêm tốn nhận ra những giờ phút của ân sủng Chúa đến viếng thăm chúng ta. Ước gì chúng ta cảm nghiệm được tình yêu dịu dàng của Chúa để có thể nói lên lời tri ân chúc tụng Chúa.




Lạy Chúa, cuộc sống của chúng con không khác gì dân Do thái. Chúng con đã đón nhận biết bao ơn lành của Chúa: Cơm bánh chúng con ăn, áo quần chúng con mặc, khí trời chúng con hít thở, bao nhiêu dấu lạ chúng con được chứng kiến trong chính bản thân cũng như xung quanh chúng con. Ðáng lẽ với những hồng ân bao la ấy, chúng con sẽ nhận ra tình yêu của Thiên Chúa. Thế nhưng, đam mê bao bọc vây kín, làm chúng con không nhận ra phúc lành tràn đầy đó. Chúng con luôn sống vô ơn, bất xứng. Xin Chúa sửa dạy chúng con. Xin cho chúng con sớm nhận ra tình yêu của Chúa. Xin đừng để chúng con cứ mãi chai lì, khiến Chúa phải đau lòng. Xin Chúa đưa những con chiên lạc đàn trở về trong tình yêu thương và hợp nhất trong một đoàn chiên. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa chúng con. Amen.




 (Đài Chân Lý Á Châu)




Thông điệp Đức Mẹ ngày 25/10/2011






Thông điệp Mẹ Mễ Du ngày 25/10/2011 qua thị nhân Marija


"Các con yêu dấu,

Mẹ đang nhìn các con và trong con tim của các con Mẹ không thấy có niềm vui. Hôm nay Mẹ mong muốn ban cho các con niềm vui của Đấng Sống Lại, mà Ngài có thể dẫn dắt và ấp ủ các con với Tình Yêu và tình dịu dàng của Ngài. Mẹ yêu thương các con và Mẹ đang cầu nguyện cho sự hoán cải của các con không ngừng trước Thánh Tử Mẹ . Cám ơn các con đã đáp lại lời kêu gọi của Mẹ".

Message to Marija on October 25, 2011

“Dear Children!

 I am looking at you and in your hearts I do not see joy. Today I desire to give you the joy of the Risen One, that He may lead you and embrace you with His love and tenderness. I love you and I am praying for your conversion without ceasing before my Son Jesus. Thank you for having responded to my call".

Kính Mừng MARIA

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Tự do của con người


Nét nổi trội nơi con người hơn muôn loài muôn vật chính là được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Và dấu hiệu của sự trổi vượt ấy chính là sự tự do giống như thần linh mà các tạo vật khác không thể có được. Chính nhờ sự tự do mà con người có khả năng làm chủ mình, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đây là điểm mạnh và cũng là yếu điểm của con người. Con người có thể sử dụng tự do để đi theo lề luật Thiên Chúa hay đi theo những đòi hỏi của tính xác thịt và theo ý riêng của mình.

Quả thực, con người hơn mọi tạo vật  khác là có khả năng biết phân biệt điều thiện điều ác, biết chọn lựa điều nào nên làm hay không nên làm, và vì thế chỉ có con người mới phải nhận lãnh trách nhiệm về việc làm của mình. Có một chuyện ngụ ngôn kể rằng:

Một hôm Satan ra lệnh cho một người kia phải thi hành 1 trong 3 điều nó yêu cầu, nếu không nó sẽ cướp linh hồn người đó. Ba điều đó là: giết cha, hành hạ người em, uống rượu. Người đó ngẫm nghĩ: giết cha, đánh đập người em là điều trái với đạo lý làm người, còn uống rượu thì dễ quá, ai mà không làm được. Thế là anh ta quyết định đi uống rượu. Lúc đầu anh ta còn làm chủ được, nhưng về sau không còn làm chủ được mình nữa, anh đã say lúy túy và kết quả đã diễn ra đúng như qủy mong đợi. Anh ta đã giết cha, hành hạ người em và còn làm nhiều điều tội lỗi khác.

Câu chuyện trên đây có lẽ không chỉ là chuyện ngụ ngôn mà là thực tế xảy ra hằng ngày trước mắt chúng ta. Tội ác luôn tiềm ẩn trong tâm hồn chúng ta. Rơi vào một hoàn cảnh nào đó, nếu không biết tự chủ bản năng, ai cũng có thể là một tên sát nhân. Thế nhưng câu chuyện này không chỉ nêu lên mặt trái của con người, nó còn nói lên nét cao qúy trong lòng con người nữa. Thật thì người đàn ông trong câu chuyện đã không lao vào tội ác như một phản ứng bình thường. Đạo lý và lẽ phải đã đến với anh ta trước tiên. Từ thâm sâu lòng mình, con người luôn hướng về điều thiện. Con thú cắn xé mồi rồi lăn ra ngủ yên, nhưng con người thì không như thế. Thử hỏi có kẻ sát nhân nào mà không cảm thấy bị cắn rứt trong lương tâm, có hành động xấu nào mà không dày vò lòng dạ con người?  Con người sinh ra vốn hướng về điều thiện, nhưng ma qủy lại luôn lôi kéo con người vào sự dữ.  Thực vậy, con người luôn bị giằng co giữa thiện và ác, giữa phúc và tội. Tại sao vậy?

Thưa, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp, thế nhưng, ma quỷ lại gieo những điều xấu vào thế gian. Nó còn gieo điều gian ác vào trong chính tâm hồn con người. Hạt giống của sự dữ đó được ấp ủ, được nuông chiều nuôi nấng bởi tâm hồn thiếu cương quyết tránh xa sự dữ, thiếu tự chủ trước những tư tưởng bất chính nên hạt giống xấu luôn có cơ hội bùng phát và một khi có cơ hội nó sẽ triển nở  làm cho con người ra băng hoại.

Theo giáo lý Ky-tô giáo, Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh Ngài, vì thế, khát vọng sâu thẳm nhất trong lòng ta chính là Thiên Chúa. Chọn tuân phục Chúa, chúng ta có được sự tự do đích thực, được bình an, hạnh phúc. Còn khi chúng ta bất tuân Thiên Chúa, là đánh mất ý nghĩa đời mình, là đặt cuộc sống mình dưới sự điều khiển của sự ác và sẽ bị buông mình trong hố sâu của tội lỗi, tựa như cánh diều chỉ có thể tự do bay bổng khi còn được ràng buộc với sợi dây, con người chỉ có thể được tự do sống trong hạnh phúc khi tự ràng buộc đời mình theo lề luật của Chúa mà thôi.

Tuy nhiên, vì bản tính con người đã bị thương tích do tội nguyên tổ trở nên yếu đuối, dễ sa vào những cám dỗ tội lỗi, như lời thánh Phaolô đã nói: “sự lành tôi muốn làm nhưng tôi lại không làm, còn sự dữ tôi không muốn làm nhưng tôi lại cứ làm”. Đó chính là sự giới hạn của mình, chúng ta cần phải nhờ ơn Chúa qua việc cầu nguyện, năng lãnh nhận các bí tích để xin Thiên Chúa gia tăng ơn cần thiết mà biết làm điều lành tránh điều dữ, và gìn giữ ta trong ơn thánh của Người, mà trong giáo lý chúng ta gọi là ơn thánh hoá và ơn trợ giúp. Vì vậy, để gìn giữ vẻ đẹp linh hồn mình luôn là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, chúng ta cần thường xuyên cầu nguyện, siêng năng tham dự thánh lễ và nếu chúng ta lỡ phạm tội chúng ta cần can đảm đến với bí tích giải tội để được ơn tha thứ và qua đó, Chúa sẽ ban ơn soi sáng để chúng ta biết sống đúng với phẩm giá làm người của mình hơn.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn can đảm nói không với sự dữ, luôn kiên trường tránh xa những mưu chước cám dỗ của Sa-tan và luôn trung thành theo giáo huấn của Chúa, ngõ hầu chúng ta luôn trở thành con cái của Thiên Chúa, con cái của tự do không lệ thuộc bởi đam mê tội lỗi. Amen

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Ông Danny Flynn và Tràng Chuỗi Mân Côi


Ông Danny Flynn là nhân viên cảnh sát thuộc ngành chuyên truy lùng kẻ sát nhân. Ông sống và làm việc nơi thành phố Boston, thủ phủ bangMassachusetts, Hoa Kỳ.

Vào một buổi sáng, người ta khám phá ông đã lặng lẽ ra đi yên hàn trong giấc ngủ nơi tư gia, hưởng dương 48 tuổi.

Nhưng Danny Flynn là ai mà báo chí thành phố Boston nói đến, sau cái chết của ông? Thưa vì ông là tín hữu Công Giáo, sống Đức Tin Kitô sâu xa và rất yêu mến tràng chuỗi Mân Côi. Tờ Boston Globe trong số đề ngày 1-12-1994 viết như sau:
Ông Danny Flynn bị chứng bệnh gọi là Lou Gehrig. Chứng bệnh dần dần tiêu diệt mọi cơ quan đầu não điều khiển ý chí ông. Chậm rãi nhưng có hệ thống, cơn bệnh từ từ tàn phá sức lực và làm biến dạng thân thể ông. Nhưng có một điều mà chứng bệnh không làm được đó là, không bao giờ nó quật ngã tinh thần ông cũng như không xóa được nụ cười, luôn làm rạng ngời khuôn mặt ông.

Thêm vào đó, theo tâm thức người đương thời, ai bị chứng Lou Gehrig đều vô dụng và đáng bỏ vào nhà thương, nằm chờ chết. Vậy mà, trước tất cả những khó khăn đến từ xã hội và đến từ cơn bệnh của chính bản thân, ông vẫn đứng vững. Được thế nhờ bởi sức mạnh nào? Thưa nhờ sức mạnh Đức Tin. Ông Danny Flynn tin nơi Thiên Chúa. Đức Tin ông sâu xa và kiên vững. Đức Tin bao bọc ông, chiếu sáng ông như thứ ánh sáng ngọn hải đăng xuyên qua lớp sương mù dày đặc, vây phủ một hải cảng.

Đức Tin ông Danny Flynn là Đức Tin trưởng thành. Ông không bao giờ “mặc cả” với Chúa để kêu xin ân huệ. Ông không thuộc loại tín hữu chỉ phô trương niềm tin ra bên ngoài, nhưng bên trong rỗng tuếch. Đức Tin của ông là Đức Tin ngay thật chứ không giả dối.

Ông Danny Flynn thật thánh thiện. Ông là nhân viên cảnh sát làm việc bên cạnh các bạn đồng nghiệp, thường chán ngấy cuộc đời và nhìn sự sống cái chết bằng đôi mắt dửng dưng mệt mỏi, vì hàng ngày phải đối diện với những hành vi tàn ác của con người. Nhưng thái độ tiêu cực ấy không mảy may ảnh hưởng xấu trên cuộc sống Đức Tin của ông. Đối với ông Danny Flynn, cái đẹp cũng như cái kỳ dị đều nằm trong chương trình của Thiên Chúa.

Sống thánh thiện khó khăn biết bao khi phần đông bạn bè vô thần hoặc vô tôn giáo. Thật thế, trong ngành cảnh sát chuyên truy lùng những kẻ sát nhân, phần đông các bạn đồng nghiệp của ông Danny Flynn thường bi quan yếm thế. Họ tìm cách ảnh hưởng và kéo ông vào bè lũ họ. Nhưng họ không bao giờ thành công.
Và rồi cuối cùng chính ông Danny Flynn thắng trận. Ông trở thành tôn sư và các bạn ông trở thành môn sinh. Họ học nơi ông sức mạnh tinh thần, ngưỡng mộ ông về tư cách đứng đắn, thán phục ông về lòng can đảm và sau hết, được thấm nhuần Đức Tin Kitô của ông.

Khi ông Danny Flynn không đi được thì ông dùng gậy rồi dùng nạng. Khi ông không đi được nhanh thì ông đi chậm rãi, từng bước một, đến nơi làm việc. Ông can đảm chiến đấu với cơn bệnh đang giết hại ông dần mòn. Ông chiến đấu với nụ cười luôn tươi nở trên môi.

Ông Danny Flynn luôn mang theo cỗ tràng hạt Mân Côi trong túi. Và trong ví đựng tiền, luôn có tấm giấy viết lời kinh ông ưa thích. Trên tường nơi sở làm việc, ông viết mấy câu rút từ diễn văn của Thomas Merton: “Nếu bạn quên mất tất cả những gì người ta nói với bạn, thì tôi đề nghị bạn nên nhớ điều này cho tương lai: Ngay từ bây giờ, mỗi người nên đứng thẳng trên hai chân của mình”.

Trong mấy tháng cuối đời, ông Danny Flynn không còn đứng thẳng trên đôi chân và thân xác ông bị co quắp thu nhỏ lại, nhưng tinh thần ông lại cao lớn hơn bất cứ người nào khác. Ông cư xử với mọi người - từ sát nhân, tử tội, đến những kẻ bị cáo và gia đình họ - với lòng kính trọng. Ông cầu nguyện cho kẻ chết cũng như cho người còn sống.

Trong thánh lễ an táng ông Danny Flynn, tất cả cùng cầu nguyện cho ông. Qua cái chết ông Danny Flynn dạy mọi người biết phải sống như thế nào, nhất là phải sống như một tín hữu Công Giáo ngoan đạo của Thiên Chúa và của Đức Mẹ.

Sưu tầm

Ý nghĩa của lần hạt Mân Côi


“Sau đây là 15 ơn ích cho những ai đọc Kinh Mân Côi


như Đức Mẹ đã hứa khi hiện ra với Thánh Alano”


1. Mẹ sẽ ban một ơn đặc biệt quý hóa cho người kiên tâm, sốt sắng lần hạt Mân Côi kính Mẹ.

2. Mẹ sẽ bênh vực, che chở cách riêng những ai tôn sùng kính Mân Côi.

3. Tràng hạt Mân Côi sẽ biến thành khí cụ tinh nhuệ để chiến đấu với hỏa ngục… sẽ tiêu diệt mọi tính hư nết xấu, sẽ giảm trừ mọi vết nhơ tội lỗi, sẽ tiêu diệt các bè rối.

4. Tràng hạt Mân Côi sẽ tô điểm vẻ đẹp siêu nhiên các nhân đức, sẽ đem lại cho các linh hồn lòng thương yêu nhân hậu của Thiên Chúa, sẽ tiêu diệt tính tham lam ham hố để được hoàn toàn thong dong yêu mến Thiên Chúa, tìm cầu khát khao sự vật vĩnh viễn.

5. Linh hồn nào tận tình hiến thân đọc kinh Mân Côi kính Mẹ, sẽ không phải hư.

6. Ai sốt sắng đọc kinh Mân Côi và suy gẫm những Mầu Nhiệm thì sẽ:
– Thoát cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.
– Được ơn sám hối (nếu họ là người tội lỗi).
– Được ơn bền vững trong ơn nghĩa Chúa.

7. Những ai trung thành với phép lần hạt Mân Côi sẽ không phải chết trước khi chưa được chịu các phép bí tích sau hết.

8. Mẹ muốn cho những ai tôn sùng kinh Mân Côi khi sống cũng như lúc chết đều được:
– Ơn soi sáng.
– Dư dật ơn Thánh.
– Chung hưởng phần công nghiệp các Thánh.

9. Mẹ sẽ mau mắn cứu vớt các linh hồn siêng năng lần hạt Mân Côi ra khỏi luyện ngục.

10. Mẹ sẽ ban cho con cái trung thành với phép lần hạt Mân Côi được phần thưởng trọng hậu trên Thiên Đàng.

11. Nhờ sự tôn sùng kinh Mân Côi, con sẽ thụ lãnh được nhiều ơn trọng đại.

12. Những ai cổ động tuyên truyền kinh Mân Côi, sẽ được nâng đỡ trong mọi cơn gian nan thiếu thốn.

13. Mẹ sẽ xin Con Mẹ cho những đoàn viên Hội Mân Côi, khi còn sống cũng như sau khi qua đời được vinh quang làm anh em với các Thánh trên Thiên Đàng.

14. Những người siêng năng lần hạt Mân Côi đều là con riêng Mẹ, là em Chúa Giêsu, con yêu dấu Mẹ.

15. Sự tôn sùng kinh Mân Côi là dấu chắc sẽ được rỗi linh hồn.

Sưu tầm

Kinh nghiệm sự chết của cha Jose Maniyangat


Tôi sinh ngày 16 tháng 7 năm 1949 tại Kerala, Ấn Độ. Cha mẹ của tôi là Joseph và Theresa Maniyangat. Tôi là người con lớn nhất trong 7 anh chị em: Jose, Mary, Theresa, Lissama, Zachariah, Valsa và Tom.

Vào năm 14 tuổi, tôi gia nhập tu viện St. Mary ở Thiruvalla. Bốn năm sau đó, tôi đổi sang tu viện St. Joseph ở Alwaye, Kerala để tiếp tục đời tu. Sau 7 năm triết học và thần học, tôi được thụ phong linh mục vào ngày 1 tháng 1 năm 1975. Sau đó, tôi làm công tác truyền giáo ở Giáo Phận Thiruvalla.
Vào năm 1978, trong thời gian tôi đang dạy ở tu viện St. Thomas ở Bathery, tôi là một thành viên hoạt động trong phong trào Canh Tân Đặc Sủng ở Kerala và bắt đầu tổ chức các cuộc tĩnh tâm, đại hội của phong trào Canh Tân Đặc Sủng ở Kerala.

Vào Chúa Nhật Lễ Kính Lòng Thương Xót ngày 14 tháng 4 năm 1985, khi trên đường đi dâng lễ cho một nhà thờ phía bắc ở Kerala, tôi đã bị tai nạn thật khủng khiếp. Tôi đang lái xe gắn máy bị một người say rượu lái chiếc xe jeep đụng vào đầu xe. Sau đó người ta chuyển tôi tới bệnh viện cách xa khoảng 35 dặm. Trên đường tới bệnh viện, linh hồn tôi đã lìa khỏi xác, và tôi đã cảm nghiệm được sự chết. Ngay lúc đó, tôi gặp Thiên Thần bản mệnh. Tôi được nhìn thấy thân xác của tôi và những người đưa tôi đến bệnh viện. Tôi nghe tiếng họ đang khóc và cầu nguyện cho tôi. Lúc đó Thiên Thần bản mệnh nói với tôi rằng: “Tôi sẽ đưa cha lên Thiên Đàng; Thiên Chúa muốn gặp và nói chuyện với cha.” Thiên Thần bản mệnh cũng nói với tôi trên đường đi sẽ cho tôi thấy Hỏa Ngục và Luyện Ngục.

Trước tiên, Thiên Thần dẫn tôi tới Hỏa Ngục. Thật là một cảnh rất khủng khiếp! Tôi đã nhìn thấy Satan và các quỷ dữ với độ nóng phừng phực khoảng 2000 độ F, giòi bọ bò lúc nhúc, người ta la hét và chửi bới, một số khác đang bị tra tấn bởi quỷ dữ. Thiên Thần bảo tôi những người này đã mắc tội trọng mà không ăn năn hối cải khi còn sống. Tôi đã hiểu ở đó có 7 mức độ đau đớn của hình phạt khác nhau tuỳ theo tội trọng mà họ đã phạm khi còn sống, linh hồn họ rất xấu xí, độc ác và kinh khiếp. Đó là một kinh nghiệm đáng sợ. Tôi có nhìn thấy một số người quen nhưng tôi không được phép nêu tên của họ. Những tội bị rơi vào Hỏa Ngục chính yếu là các tội: phá thai, dâm dục, trợ tử, ghen ghét, không tha thứ và phạm thánh. Thiên Thần bảo tôi rằng, nếu những người này thống hối trước giờ chết thì họ có thể tránh được Hỏa Ngục, chỉ phải đền bù ở Luyện Ngục. Tôi còn hiểu rằng một số người hối cải chịu đau khổ để đền tội ở đời này. Bằng cách đó, họ sẽ tránh được luyện ngục và được lên thẳng Thiên Đàng.

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy có cả các linh mục và giám mục ở Hỏa Ngục. Trong số những người đó, một số người tôi không bao giờ dám nghĩ họ sẽ bị sa Hỏa Ngục. Những giám mục và linh mục này bị sa Hỏa Ngục vì đã giảng dạy sai lầm và làm gương xấu.

Sau khi thăm Hỏa Ngục, Thiên Thần đưa tôi đến Luyện Ngục. Ở đây cũng vậy, có 7 mức độ hình phạt và lửa cháy phừng phực khác nhau. Nhưng ở Luyện Ngục thì không khủng khiếp như ở Hỏa Ngục. Người ta không tranh giành và chửi bới. Nỗi đau khổ chính của họ là không được chiêm ngắm Thiên Chúa. Một số người trong Luyện Ngục họ mắc tội trọng nhưng họ đã ăn năn thống hối với Chúa trước khi chết. Mặc dù những linh hồn này đang chịu hình phạt, họ vẫn cảm nhận sự bình an và họ biết rằng ngày nào đó họ sẽ được hưởng thánh nhan Chúa. Tôi đã được phép nói chuyện với linh hồn ở Luyện Ngục. Họ xin tôi và mọi người cầu nguyện cho họ để họ sớm được về Thiên Đàng. Khi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Ngục, họ sẽ nhớ ơn và cầu nguyện lại cho chúng ta khi họ về Thiên Đàng.

Thật rất khó mà diễn tả Thiên Thần của tôi đẹp như thế nào. Thiên Thần sáng như ánh hào quang. Thiên Thần luôn đồng hành với tôi trong công việc mục vụ, đặc biệt là mục vụ chữa lành. Thiên Thần luôn đi với tôi bất cứ nơi nào và tôi rất biết ơn về sựbảo vệ của thiên thần cho đời sống của tôi.

Kế tiếp, Thiên Thần đưa tôi lên Thiên Đàng. Chúng tôi băng qua con đường hầm sáng láng. Tôi chưa bao giờ cảm nghiệm được sự bình an và hoan hỉ bằng lúc này. Ngay tức khắc, tôi nghe thấy điệu nhạc du dương những Thiên Thần đang ca hát và tôn thờ Chúa. Tôi nhìn thấy những vị Thánh đặc biệt là Đức Mẹ Maria, Thánh Giuse, nhiều giám mục và linh mục thánh thiện. Những vị này sáng láng như các vì sao. Khi tôi đến trước mặt Chúa, Chúa Giêsu bảo tôi “Cha muốn con trở lại trần gian, trong cuộc sống thứ hai của con, con sẽ trở nên dụng cụ hòa bình và chữa lành cho mọi người, con sẽ đến một nơi đất lạ và con sẽ nói tiếng nước ngoài, mọi sự sẽ được Cha chúc phúc.” Sau những lời đó, Đức Mẹ Maria bảo tôi “Con hãy làm những gì Chúa bảo con, Mẹ sẽ giúp con trong công việc mục vụ của con.”
Không một ngôn từ nào có thể diễn tả được sự đẹp đẽ của Thiên Đàng. Nơi đó chúng ta đầy tràn bình an và hạnh phúc vượt quá hằng triệu lần sự tưởng tượng của chúng ta. Thiên Chúa rất là tốt đẹp hơn bất cứ sự tưởng tượng nào. Mặt của Ngài thì sáng láng và rực rỡ hơn ngàn lần ánh sáng của mặt trời. Những bức tranh mà chúng ta nhìn thấy ở thế giới này chỉ là những bóng mờ so với sự lộng lẫy của Ngài. Bên cạnh Chúa Giêsu là Mẹ Maria, Mẹ rất đẹp và sáng láng. Không có một hình ảnh nào trên thế giới có thể so sánh với vẻ đẹp thật sự của Mẹ. Thiên Đàng là quê thật của mỗi người chúng ta. Chúng ta cố gắng trở về Thiên Đàng và hưởng hạnh phúc nhan thánh Chúa mãi mãi. Sau đó tôi cùng Thiên Thần trở lại trần gian.

Lúc xác tôi còn nằm ở bệnh viện, bác sĩ đã kiểm tra toàn bộ và xác nhận tôi đã chết. Nguyên nhân của sự tử vong là do mất quá nhiều máu. Gia đình tôi đã được thông báo khi họ còn ở xa. Nhân viện bệnh viện quyết định đưa xác tôi xuống nhà xác. Bởi vì bệnh viện không có máy lạnh, nên họ lo ngại xác sẽ có mùi hôi.

Ngay lúc họ chuyển xác tôi tới nhà xác, linh hồn tôi trở lại thân xác. Tôi cảm thấy rất đau đớn bởi vì những vết thương và nhiều xương bị gẫy. Tôi bắt đầu rên la, những người xung quanh tôi chạy tán loạn la hoảng lên vì sợ hãi. Một trong những người đó đã đi gọi bác sĩ và nói “Xác chết đang rên la.” Bác sĩ đến kiểm tra lại thân thể tôi và phát hiện tôi vẫn còn sống. Bác sĩ ấy nói rằng “Cha Jose vẫn còn sống, đây là phép lạ, hãy đem cha trở lại bệnh viện.”

Khi họ đưa tôi đến phòng để truyền máu, đồng thời họ mổ và sửa lại những xương đã bị gẫy. Họ sửa lại xương quai hàm, xương sườn, xương chậu, xương cổ tay và xương chân phải của tôi.
Sau hai tháng điều trị tại bệnh viện, bác sĩ về xương đã cho tôi biết là tôi không bao giờ có thể đi lại được nữa. Nhưng tôi đã nói với bác sĩ: “Thiên Chúa đã cho tôi sống lại, gửi tôi về trần gian thì cũng sẽ chữa lành tôi.” Sau một tháng cắt băng bột, tôi vẫn không thể đi lại được. Trong lúc chúng tôi đang cầu nguyện tại nhà, tôi cảm thấy rất đau đớn ở nơi xương chậu. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, sự đau đớn đã hoàn toàn biến mất và tôi nghe thấy có tiếng nói với tôi: “Con đã được chữa lành, đứng dậy và đi.” Tôi cảm thấy an bình và được chữa lành hoàn toàn trong con người của tôi. Tôi đứng dậy và bước đi. Tôi ngợi khen và tạ ơn Chúa cho phép lạ này.

Tôi báo cho bác sĩ về cái tin mà tôi đã được chữa lành, ông ta rất ngạc nhiên. Ông ta nói với tôi rằng: “Thiên Chúa của ông là Chúa thật. Tôi phải theo Thiên Chúa của ông.” Bác sĩ này là người theo đạo Hindu, ông ta đã hỏi tôi về đạo thánh. Sau đó, ông ta học đạo và chính tôi là người đã rửa tội cho ông để gia nhập đạo Công Giáo.

Theo sứ điệp của Thiên Thần, tôi đã đến Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng 11 năm 1986, với công tác là linh mục truyền giáo. Lúc đầu, tôi làm việc cho Giáo Phận Boise ở Idaho từ năm 1987 tới 1989, kế đến tôi làm tuyên úy cho một nhà tù trong Giáo Phận Orlando, Florida từ năm 1989 tới 1992.

Năm 1992, tôi thuyên chuyển đến Giáo Phận Thánh Augustinô và làm việc tại nhà thờ Thánh Máthêu ở thành phố Jacksonville trong hai năm. Sau đó tôi được chỉ định làm chính xứ của nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời từ năm 1994 đến 1999. Vào năm 1997, tôi được chính thức công nhận là linh mục trong giáo phận. Từ tháng 6 năm 1999 đến nay, tôi là cha quản nhiệm nhà thờ Đức Mẹ của Lòng Thương Xót ở thành phố MacClenny, Florida. Đồng thời tôi cũng phục vụ cho trại tù Starke, trung tâm cải huấn Raiford và trong bệnh viện MacClenny. Hơn nữa, tôi cũng là cha linh hướng của Hội Lêgiô Marie của địa phận.

Trong mỗi ngày thứ bảy đầu tháng, giáo xứ tôi có giờ chầu Thánh Thể và Thánh Lễ chữa lành. Mọi người đến từ nhiều nơi trong tiểu bang Florida và các tiểu bang khác. Tôi đã được mời đến cho mục vụ chữa lành ở nhiều thành phố lớn trong nước như New York, Philadelphia, Washington DC, San Jose, Dallas, Chicago, Birmingham, Denver, Boise, Idaho Falls, Ontario, Miami, Ft. Lauderdale, Poolsville và nhiều nước trên thế giới như Ireland, Spain, Czech Republic, India, France, Portugal, Yugoslavia, Italy, Canada, Mexico, Cayman Island và Hawaiian Islands.

Xuyên qua công tác mục vụ chữa lành qua phép Thánh Thể, tôi đã thấy nhiều người được chữa lành về thể xác, linh hồn, tâm hồn cũng như cảm xúc. Nhiều bệnh khác nhau như ung thư, si đa, tim, mắt, xuyễn, đau lưng, lãng tai và nhiều bệnh khác đã được chữa lành hoàn toàn. Thêm vào đó, nhiều lần trong năm có những cuộc chữa lành đặc biệt về giòng tộc mà đã ảnh hưởng bởi tội lỗi của cha ông cũng đã được chữa lành hoàn toàn.

Vì thế chúng ta cần sự chữa lành về gia tộc. Các bác sĩ và nhiều thuốc men không thể giúp chúng ta chữa lành về các loại bệnh tật này.

Trong mục vụ chữa lành, đã có nhiều người được nghỉ ngơi trong ơn Chúa Thánh Thần trước Thánh Thể Chúa và nhiều người được đổi mới tâm linh cũng như chữa lành về thân xác.

Tường thuật của Linh Mục Jose Maniyangat
Chuyển dịch: Anna Liên Nguyễn 

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Đường sống thật


Trải qua bao thời, con người kiếm tìm con đường dẫn đến chân lý và sự  sống thật. Đã có biết bao nhiêu suy tư siêu hình học, triết học, thần học, tôn giáo, chiêm niệm, thần bí và khoa học… tìm kiếm sự thật về vũ trụ chung quanh và về cuộc sống con người. Bao nhiều chất xám đã đầu tư để đi tìm nguồn sự sống và cùng đích của cuộc sống. Dù đã cố gắng hết mình con người vẫn còn bế tắc trong nhiều lãnh vực của sự thật và sự sống.

Cách đây trên hai ngàn năm, Chúa Giêsu đã xuất hiện mặc khải cho con người đường đi đến chân, thiện, mỹ. Đức Giêsu đã mở ra con đường:”Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy (Ga. 14,6). Chúa Giêsu đã ra rao giảng Tin Vui Cứu Độ nhưng con người cứ cậy dựa vào sự khôn ngoan độc lập của mình để chối từ Tin Mừng mặc khải. Chúng ta cùng suy gẫm lời Chúa truyền dạy:

1.     Thầy là Đường

Thánh Gioan Tiền Hô là người đã loan báo ơn cứu độ. Gioan kêu gọi mọi người hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng. Để đón nhận Đấng Cứu Thế, mọi người phải chuẩn bị sám hối, cải đổi đời sống và mở rộng tâm hồn. Đây là một lời kêu gọi thẳm sâu từ đáy lòng. Thường khi đón chào một vị Vua, Hoàng Đế hay Nữ Hoàng, người ta chỉ cần sửa sang lối đi, quét dọn nhà cửa sạch sẽ và đón chào trong tiếng kèn, tiếng trống ồ ạt và hân hoan vui vẻ. Đón nhận Đức Chúa hoàn toàn khác biệt, Gioan gióng lên lời mời gọi: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi (Mc. 1,3). Chúa cần đi lối thẳng thắn nơi tâm hồn. Con đường Chúa đi là con đường dẫn tới đời sống nội tâm bên trong. Con đường Chúa đi là con đường khiêm tốn và yêu thương.

Chúa là con đường dẫn tới sự sống. Chúa Giêsu giới thiệu cho các môn đệ con đường dẫn tới Nhà Cha. Chúa nói: Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi (Ga. 14,4). Con đường Chúa đi không phải là con đường thênh thang rộng mở và không phải là con đường trần thế cai trị. Con đường Chúa đi là con đường phục vụ, Chúa đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Anh em biết đường rồi, con đường Chúa đi là con đường hy sinh và thánh giá. Con đường Chúa đi là con đường lên dốc đồi Calvariô để chịu nạn và chịu chết.

Chúa Giêsu là con đường tiến lên. Các môn đệ còn nhiều thắc mắc về đường đi nước bước của Chúa. Tâm tư các tông đồ còn đang mong mỏi một con đường vinh hoa phú quý. Ông Tôma nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường? (Ga. 14,5). Đúng vậy, các tông đồ không biết con đường nào Chúa sẽ đi. Không ai mong muốn con đường thập giá, con đường khổ đau và con đường chết chóc. Chúa đã từng bước dẫn dắt các tông đồ qua con đường chết để vào con đường sống. Qua con đường hẹp để bước vào cõi sống hạnh phúc trường sinh. Thầy chính là con đường.

2.     Thầy là Sự Thật

Chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều ảnh hưởng của mê lầm và dối trá. Các nhà lãnh đạo quốc gia không dám nói hết sự thật. Các cấp lãnh đạo tôn giáo đôi khi cũng sợ nói sự thật. Các nhà giáo dục cũng không muốn đặt vấn đề sự thật trong các ngành nghề. Các bậc bề trên, phụ huynh và người hướng dẫn cũng che dấu sự thật. Vì nói sự thật thì có khi mất lòng, mất danh dự, mất uy tín, mất địa vị, mất công ăn việc làm và mất chính mình. Chúng ta sợ sự thật của gia đình, của con cái, của cha mẹ, của nhân viên, của các cộng tác viên và của chính mình bị phơi bầy và tỏ lộ. Có khi vì sự thật liên quan đến miếng cơm manh áo và tiếng tăm địa vị. Mấy ai can đảm nói hết sự thật.

Chúa Giêsu là Sự Thật. Chúa thấu tỏ lòng người. Chúa hiểu thấu được lòng con người nghĩ gì và muốn gì. Nhiều người nghe Chúa giảng đã phải thốt lên: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy nói và dạy một cách thẳng thắn, không thiên vị ai, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa (Lc. 20,21). Chúa Giêsu thẳng thắn phê bình những lầm lỗi và cách hành xử của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Họ chỉ thích được ưa chuộng những hình thức xuất hiện bên ngoài, giả dạng và khoe khoang. Họ ngại bước vào đời sống nội tâm vì sợ nhìn thấy mặt trái của đời sống mình. Vì sống theo sự thật là sống trong ánh sáng: Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa (Ga. 3,21).

Chúa Giêsu là con đường dẫn tới sự thật. Nghĩ thật, nói thật và rao giảng sự thật. Con người Chúa Giêsu là con người trong sáng và chân thật tuyệt đối. Chúa ra giảng dậy công khai và minh chứng cụ thể qua các việc làm. Chúa Giêsu giảng dậy chân lý và áp dụng lời giảng trong cuộc sống mình. Còn chúng ta đôi khi nói một đàng, làm một nẻo. Ngôn hành bất nhất. Chúng ta muốn có sự thật nhưng không thực hành sự thật. Sự dối trá cứ len lỏi ràng buộc chúng ta vào những mê lạc tự vệ, cố chấp, ương ngạnh và sống giả hình.

Chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta. Chúa Giêsu nói với những người Do-thái rằng: Các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông (Ga. 8,32). Sự thật thì đơn sơ chân thành ví như tâm hồn trong trắng của trẻ thơ. Tâm hồn chân thật thì thanh thoát và không lệ thuộc vào những tranh đua hơn thua ở đời. Khi so sánh hơn thiệt và đua đòi cuộc sống dễ dẫn chúng ta đến những sự dấu diếm, giả trá, lừa lọc và dối gian. Người đời thường nói rằng: Sông sâu còn có kẻ dò, lòng người nham hiểm ai đo cho cùng. Chúa Giêsu thì hiểu thấu lòng con người hơn ai hết. Chúa biết những ý nghĩ thầm kín của người đời. Chúa thường yêu và cầu nguyện cho các môn đệ được thành tín chân thật: Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật (Ga. 17,17).

3.     Thầy là Sự Sống

Chúa Giêsu là nguồn sự sống và là bánh trường sinh. Chúa phán: Tôi là bánh trường sinh (Ga. 6,48). Chính nhờ Người, với Người và trong Người, Thiên Chúa Cha đã tác tạo muôn loài. Chúa Giêsu là đầu và là cùng đích của các loài thụ tạo. Ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại (Ga. 1,4). Chúa Giêsu là sự sống và là ánh sáng đến trong trần gian. Người đến để mọi người được sống và sống dồi dào. Người là bánh ban sự sống, dưỡng nuôi và dẫn chúng ta đến sự sống đời đời. Thánh Gioan, người tông đồ được Chúa yêu mến đã xác tín rằng:  Vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” (Ga. 6,33). Chúa Giêsu là chủ thể có quyền trên vũ trụ vạn vật và uy quyền trên sự sống và sự chết.

Sự sống mà Chúa sẽ ban là sự sống thật. Con đường dẫn vào sự sống là chu toàn lề luật và các giới răn. Đức Giêsu đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.”(Mt. 19,17). Chúa Giêsu căn dặn chúng ta rằng đừng qúa lo lắng cho cuộc sống tạm bợ này. Ngày tháng sẽ trôi qua, tuổi đời sẽ chồng chất và sự chết sẽ đến. Tiên vàn chúng ta hãy tìm kiếm nước trời, mọi sự khác Người sẽ ban thêm cho. Vì sự sống hay chết đều nằm trong sự quan phòng của Chúa. Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Vì vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc; vì mạng sống thì hơn của ăn, và thân thể thì hơn áo mặc (Lc. 12, 22-23).

Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại. Sự chết không còn làm chủ được Người nữa. Người đã đi vào sự sống vĩnh cửu. Đức Giêsu liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống (Ga. 11, 25). Chúng ta cần đặt niềm tin tưởng vào Chúa Kitô Phục Sinh. Nơi Người, chúng ta sẽ tìm được câu giải đáp cho thân phận con người. Thiên Chúa tạo dựng loài người là muốn cho tất cả mọi người được chung hưởng niềm hạnh phúc viên mãn.

Chúa Giêsu là đường dẫn đến sự sống thật. Người là sự thật đưa dẫn đến sự sống đời đời và sự sống thật là con đường kết hợp mật thiết với Đấng Tạo Thành. Chúa Giêsu trở thành trung tâm cốt lõi cho tất cả mọi suy tư tìm kiếm nguồn chân lý, sự thánh thiện và sự hoàn hảo tuyệt mỹ. Lạy Chúa, Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Xin Chúa dẫn dắt chúng con theo đường chân lý của Chúa để chúng con được hưởng niềm vui sự sống muôn đời.

 Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Bronx, New York

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

Đức tin của tôi


Tôi là một giáo viên dạy môn vật lý và là một tân tòng. Từ khi được rửa tội đến nay đã hơn 25 năm tôi luôn cố gắng tuân giữ mười điều răn  Đức Chúa Trời và sáu luật điều  Hội Thánh. Có nhiều lúc bạn bè đồng nghiệp thắc mắc là tại sao tôi không dám bỏ lễ ngày Chúa nhật, rằng tôi là “đạo theo” mà. Vì thế tôi viết bài này để nói về đức tin của mình.

 Tôi còn nhớ hồi nghỉ hè năm lớp bảy, anh tôi dạy tôi học đàn Gui- ta.Vì tay còn nhỏ xíu, yếu ớt nên tôi gặp khó khăn trong một số hợp âm như bấm E7, C trong hợp âm Am. Nhiều lúc ngồi ôm đàn tự tập, đau tay quá mà cũng không bấm được, tôi bất chợt nhìn lên bàn thờ như tìm một sự trợ giúp. Bỗng tôi sực nghĩ: “Tại sao ba má tôi thờ Ông (Ông Quan Công) mà không thờ một Đấng nào đó cao siêu hơn?”, “Tại sao khi gặp khó khăn người ta hay kêu Trời?”. Người ta còn nói là mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. “Vậy Trời là ai?”. Trong đầu tôi tự nhiên vang lên những câu như thế. Nhưng vì còn nhỏ và lại tiếp tục tập trung vào việc tập đàn nên tôi đã quên đi không chú ý đến nữa. Có ngờ đâu đó chính là nền tảng đức tin của tôi sau này.


Năm học lớp 12, phòng tôi có một nhánh cây Sầu Chiều vươn ngang tầm cửa sổ để lộ những bông hoa màu hồng phấn trông thật dễ thương. Những bông hoa như mỉm cười chào đón tôi mỗi ngày dẫn tôi đến với những suy nghĩ là: “Tại sao có nhiều loại bông hoa với những màu sắc khác nhau, bông hoa nào cũng đẹp cũng dễ thương?”. “Tại sao cây cỏ, hoa quả có thể cho con người chất dinh dưỡng hay các loại vitamin?”. “Phải chăng có một sự sắp đặt cho con người từ trước và ai đã làm nên điều đó?”. Lúc bấy giờ tôi chỉ biết tin vào thượng đế mà tôi chưa được biết. Theo thuyết ĐăcUyn mà tôi được học thì con người được tiến hóa từ loài vượn nhưng tôi nghĩ dù có tiến hóa từ bao nhiêu loài đi nữa thì cũng phải có nguồn gốc ban đầu của nó. Tôi còn nghĩ Trái đất, mặt trăng cùng các hành tinh khác là những vật vô tri, vô giác mà từ bao đời nay nó vẫn chuyển động nhưng không đụng vào nhau. Chúng vẫn quay theo một quy luật nhất định. Ai đã tạo ra quy luật ấy?


 Một ngày kia khi đọc: “Truyện kể về các nhà bác học” tôi như tìm được chân lý khi đọc về nhà bác học Newton. Đó là người đã tìm ra được một định luật quan trọng nhất trong vũ trụ: Định luật vạn vật hấp dẫn. Nhưng về cuối đời Newton đã viết; “ Tôi đã tìm ra quy luật của vũ trụ nhưng nguồn gốc của nó thì tôi chỉ biết tin vào Chúa. Nếu xem vũ trụ như một bộ máy đồng hồ thì Chúa đã ban tặng cho nó cái hích ban đầu”. Đến nay vẫn không ai tìm được gì hơn về nguồn gốc của vũ trụ. Trên mộ Newton ngày nay vẫn còn khắc câu: “Bậc thiên tài vượt lên trên tất cả các thiên tài”. Trước đây người giúp việc cho Newton có kể rằng nhiều lúc ông ở trong phòng nghiên cứu suốt mấy ngày liền không ăn, không ngủ mà vẫn khỏe mạnh như thường. Điều này làm tôi nghĩ rằng có lẽ Chúa đã cho chúng ta những bậc thiên tài để tìm ra những điều Ngài đã tạo cho chúng ta vì Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài.

Trong Phúc âm Thánh Mathêô kể lại việc Chúa Jesu đã làm xưa kia là Chúa có thể hóa phép ra nhiều bánh và cá nhưng Chúa không làm thế mà lại cần đến 5 chiếc bánh, 2 con cá có sẵn. Đó cũng là điều mà Chúa Jesu đã mạc khải cho chúng ta là chúng ta phải biết vận dụng đến khối óc và con tim đặc biệt mà Chúa đã ban cho con người. Tôi tin Thiên Chúa ba ngôi vì khi đã tin Chúa quyền năng thì điều đó trở thành đơn giản và dễ hiểu.Tôi tin Chúa vì quá yêu thương loài người nên đã muốn chính thân mình xuống thế làm người để cứu chuộc con người. Ngài xuống thế không phải ngồi trên ngai dùng quyền năng để đi vào lịch sử nhân loại mà là trong máng cỏ  Bê lem và trên thập giá ở Giêrusalem vì Ngài cho rằng cách thế duy nhất để giải phóng nô lệ là nhân danh nô lệ cho người khác. Có lẽ vì thế Ngài đã làm con của bác thợ mộc Juse. Tôi tin Đức mẹ đồng trinh vì Chúa quyền năng. Tôi biết tình yêu của Chúa cao vời hơn cả tình mẹ yêu con mà ta thường thấy trên đời. Liên hệ với câu chuyện sau tôi càng thấy rõ tình yêu đó hơn: Có một em bé ba tuổi chơi bóng ở bên vệ đường. Mẹ em ở gần đó. Trái bóng lăn ra lòng đường và em bé liền chạy theo. Bỗng một chiếc xe tải chạy với tốc độ cao xuất hiện. Người mẹ thét lên xin con mình chạy thoát thân nhưng em bé vẫn ở giữa lòng đường. Rồi không kịp suy nghĩ gì nữa người mẹ bèn hiến dâng mạng sống mình để cứu con nhỏ. Bà lao ra trước bánh xe tải đẩy kịp đứa con ra lề đường trước khi bánh xe cán lên bà. Quyền hành cuối cùng của bà là hiến dâng hy tế đời mình để con mình được sống.

Để đáp lại tình yêu “cao vời khôn ví” của Chúa tôi nghĩ chúng ta hãy vác thập giá mà theo Ngài như Đức Ki- tô đã dạy: “ Anh em hãy bước vào cửa hẹp vì cửa rộng thênh thang sẽ dẫn đến hư hỏng”. Chúng ta hãy phấn đấu bằng sự  bỏ ý riêng của mình để tuân phục thánh ý Chúa. Hãy phấn đấu bỏ cái tôi hẹp hòi, ích kỷ và cứng cỏi của mình để nhận lấy những cái tốt mà Chúa đã trao tặng. Có một thầy giáo dạy trường Trung cấp xây dựng. Vào thời bao cấp lương bổng còn thấp nên nghỉ hè thầy phải đi làm phụ hồ. Một hôm gặp học trò cũ đi kiểm tra công trình. Gặp thầy, học trò hỏi: “Thầy có buồn không?”. Thầy trả lời: “Tôi không buồn mà trái lại thấy vui. Chúa đã ban cho mỗi người một cây thập giá để vác đến gặp Ngài. Nếu ta cảm thấy nặng mà cưa bớt đi coi chừng không tới được. Nhờ cảm nhận tình yêu của Chúa  người thầy giáo ấy không than thân trách phận mà còn cảm thấy vui như đang được bước đến với Chúa.

 Tôi sống và làm việc giữa những người “dân ngoại”. Đôi khi người ta xầm xì bàn tán, bạn bè cũng bất bình về việc tôi theo đạo. Mặc dù ba má tôi tôn trọng việc tự do tín ngưỡng của con cái nhưng có người lại nói rằng tôi đã bỏ đạo của cha mẹ mà theo Chúa. Tôi còn mất một số quyền lợi ở đời nhưng tôi tin “Đức tin của tôi” luôn bền vững vì nhờ ơn Chúa nó được hình thành trên cơ sở khoa học. Tôi không nao núng vì luôn nhớ đến mấy câu hát trong bài “Niềm phó thác”:

“ … Con không cô đơn khi người đời xa tránh cười chê con.


Con không bơ vơ giữa trần gian mây mù phủ ngập hồn.


Con luôn an tâm vì biết rằng Cha sẽ ở bên con………..”


 


Têrêxa Lê Quy

Lời cầu nguyện của một thanh niên bị sida


Một thanh niên 28 tuổi, mắc bệnh SIDA, sống trong tuyệt vọng. Từ ánh mắt cảm thông thương yêu của một người bạn, chàng trai bất hạnh ấy đã biến đổi. Xin mọi người đừng nghĩ SIDA là “Chiếc roi trừng phạt” của Thiên Chúa, nên cũng thôi, đừng “trừng phạt” nhau bằng sự khinh miệt và thái độ xa lánh ghê tởm... Dưới đây là lời tự bạch, cũng là một lời cầu nguyện chân thành của anh với Thiên Chúa...


“Hôm nay, ngày 11 tháng 8, tôi cảm thấy trong người tương đối khỏe. Bỗng nhiên tôi quên rằng mình đã mắc căn bệnh SIDA quái ác. Ngồi trên sân thượng, tôi cảm nhận giây phút này, trong ánh mặt trời ấm áp. Chắc không phải vì đời tôi sắp đến kỳ hạn kết thúc mà tôi mới thấm thía thế nào là một cuộc sống bình thường đơn sơ. Tôi vẫn tỉnh táo, hiểu ra những con người đáng yêu và cuộc sống đời thường dung dị. Tôi chợt nghĩ, phải chi mọi người biết được giây phút kết thúc đời mình, chắc thế giới này sẽ sống trong tình huynh đệ thắm thiết... Số phận tôi đã bị SIDA kết án, nhưng tôi không cho rằng Thiên Chúa đã trừng phạt tôi. Tôi tin Thiên Chúa là Tình Yêu, và Người không hề muốn những nỗi khổ đau bất hạnh lan tràn trên mặt đất này. Nếu có ai đó lớn tiếng bảo rằng SIDA là chiếc roi Thiên Chúa dùng để trừng phạt những kẻ hư đốn, thì họ đã lầm to ! Chẳng lẽ họ lại có thể quên rằng Đức Giê-su đã từng được rao giảng là một vị Thiên Chúa Tình Yêu, Người không thể lại đi ủng hộ mọi sự khổ đau đang xẩy đến cho loài người. Những kiểu diễn tả sự đau khổ là chiếc roi trừng phạt chỉ có thể đánh lừa những ai kém lòng tin vào Thiên Chúa ! Xin hãy rao giảng về một Đức Giê-su, Đấng yêu thương, an ủi, vỗ về... Tôi vốn không phải là một Ki-tô hữu, nên tôi chưa từng bao giờ tin Thiên Chúa. Thế rồi, nhờ một người bạn, tôi đã gặp được Chúa. Bắt đầu từ một ánh mắt nhìn tôi, và tôi đã tin vào Chúa. Không phải vì sợ chết mà tôi đã tiến lại gần Chúa đâu. Tôi không biết Người có chữa lành bệnh tật cho tôi hay không, tôi không xin điều đó. Tôi chỉ xin Người hãy cứ làm cho tôi biết cảm nhận những ngày sống đơn sơ bình thường như hôm nay. Và tôi cũng xin Người đồng hành với tôi trong những nỗi đau đớn tột cùng tôi đã và đang gánh chịu, cho tôi nhận ra sự hiện diện của Người...

“Lạy Chúa, con tin Chúa cũng đau khổ


Khi thấy những gì đang diễn ra trong thế giới này,


Một thế giới mà Chúa đã tạo dựng với biết bao yêu thương.


Phần con, không biết Chúa có thể tha thứ


Cho cuộc đời xấu xa của con,


Một cuộc đời trộm cắp và nghiện ngập ma túy hay không ?!?


Nhưng con tin, tin rằng: Chúa là Tình Yêu, là sự tha thứ khoan dung...”


(Trích từ  SOUFFRIR: LA FOI AU PIED DU MUR, báo CGDT số 792)


Tình yêu tha thứ



Làm sao định nghĩa được tình yêu, bởi vì không chừng chúng ta chưa biết yêu...”. Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm niềm vui trong cuộc sống bằng cách cho đi nhiều hơn nhận lãnh, biết sống quảng đại và không tính toán... xin cho chúng con biết dốc cạn mọi toan tính ích kỷ để được lấp đầy bằng tình yêu đối với Chúa và tha nhân.

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên chúng con với trái tim biết rung động và yêu thương, xin đừng để cho trái tim chúng con chết cứng trong dửng dưng, ích kỷ trước khổ đau của những người xung quanh chúng con, xin cho chúng con có những nhịp đập cảm thông và chia sẻ... hầu những ai tiếp cận với chúng con như được thêm phần yên ủi.

Con đường Chúa đã đi là “sống yêu thương”. Yêu thương thật sự, yêu thương đúng nghĩa là yêu tha nhân như yêu chính bản thân mình, sẵn sàng bỏ qua và tha thứ lỗi lầm của người khác... vì chỉ có sự tha thứ mới là trọn nghĩa của yêu thương. Xin Chúa hãy ban cho chúng con dồi dào lòng từ bi của Chúa để chúng con luôn biết đón nhận tha nhân như những người thân yêu ruột thịt của mình.

Lạy Chúa xin cho chúng con biết lấy niềm vui của người khác làm niềm vui của chúng con và luôn biết xây dựng hòa khí với mọi người. Và lạy Chúa, xin hãy ban cho chúng con đôi mắt trong suốt để chỉ nhìn thấy hình ảnh của Chúa nơi người anh em của chúng con, xin ban cho chúng con cái nhìn lạc qua của Chúa để chỉ nhìn thấy vẻ đẹp thanh cao của lòng người... xin mãi mãi đốt lên trong đôi mắt chúng con ánh lửa của tin tưởng, cảm thông, tha thứ, yêu thương nơi chính cái nhìn của Chúa. Amen.

Khánh Chi

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Nương tựa vào Chúa


Chúa là nơi con nương tựa




Dù với công thức dài như ở Tin Mừng Matthêu hay ngắn gọn nơi Tin Mừng Luca, Kinh Lạy Cha được kết thúc bằng câu: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ". Nhắc nhở các môn đệ cầu xin cho khỏi sa chước cám dỗ, Chúa Giêsu cũng muốn nói đến một thực tại luôn có mặt trong thế giới này để làm hại con người, đó là sự dữ hay ma quỉ. Ở bên cạnh con người, nhưng ma quỷ không hiện nguyên hình, mà lại mượn chính hình dạng con người để quyến rũ và lôi kéo con người đến điều ác.



Ðó cũng là sự kiện đã xảy ra như được ghi lại trong đoạn Tin Mừng của thánh Luca (Lc 11, 15-26): sau khi Chúa Giêsu chữa cho một người bị quỉ ám được khỏi, trong đám đông có mấy người nói rằng Ngài đã nhờ thế của quỉ vương Beelzebul mà trừ quỉ. Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này để mạc khải về Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa đã đến và trong đó có bóng dáng của ma quỉ. Một Phêrô vừa được khen thưởng vì đã tuyên xưng đúng tước hiện của Chúa Kitô, thì lập tức đã bị khiển trách là Satan khi ông căn ngăn Chúa Giêsu lên Yêrusalem để chịu khổ nạn.


Chúa Giêsu đã đến để chiến thắng ma quỉ và tội lỗi, đồng thời Ngài cũng đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải có một thái độ dứt khoát: "Ai không theo tôi, là chống tôi, và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán". Hình ảnh người võ trang canh giữ nhà của mình là một lời mời gọi những kẻ theo Chúa biết hoàn toàn đặt tin tưởng, phó thác vào Ngài. Tìm một người hùng mạnh để canh giữ cho mình được an toàn thì có ai bằng Thiên Chúa; kiếm một nơi ẩn náu trước những tấn công của kẻ thù, thì có đâu vững chắc cho bằng núp bóng dưới cánh tay Ngài.


Chúng ta phải tìm nơi nương tựa mạnh mẽ, vững chắc, vì ma quỉ như sư tử luôn gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé, làm hại chúng ta. Một lần thất bại, nó không nản lòng, nó sẽ trở lại với một lực lượng hùng mạnh hơn. Bởi đó, chúng ta phải kiên trì trong lời cầu nguyện: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ". Cám dỗ là vũ khí ma quỉ dùng để đánh bại chúng ta, nhưng chúng ta vẫn không nao núng, nếu biết đứng vững trong đức tin để chống cự và biết ẩn núp dưới sự che chở của Chúa.


Nguyện xin Chúa gìn giữ chúng ta luôn kiên vững trong niềm xác tín đó.




Lạy Cha, Chúa Giêsu Con Cha, đã dạy chúng con phải cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ. Giữa cuộc sống đầy hấp dẫn và lôi kéo của thế trần. Xin cho chúng con cũng biết noi gương Ngài: Luôn gắn bó với Cha, cầu nguyện cùng Cha. Ðể chúng con được sức mạnh chiến thắng trong cuộc chiến với ma quỷ. Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.



 (Đài Chân Lý Á Châu)




Hiệu lực của lời cầu nguyện


Hãy cầu nguyện với tâm tình của trẻ thơ: chân thành, khiêm tốn, đơn sơ và kiên nhẫn.




Một tác giả kể lại câu truyện như sau: Một hôm ông theo đoàn đánh cá ra khơi, trời thật đẹp, nhưng đến trưa, gió thổi mạnh và cơn bão rất lớn ập tới. Ðoàn người chống chọi quyết liệt nhưng vô ích, nước đã tràn vào đầy tàu. Lúc ấy, viên thuyền trưởng ra lệnh: "Các bạn hãy cầu nguyện". Người phụ tá bảo: "Sao lại cầu nguyện? Mây che kín cả bầu trời rồi, Chúa chẳng nghe thấy đâu". Nhưng viên thuyền trưởng dứt khoát: "Chúng ta cứ cầu nguyện".


Tất cả đều sốt sắng cầu nguyện, bỗng từ đám mây đen nghịt ấy lóe ra một tia sáng xanh trong vắt. Viên thuyền trưởng la lên: "Cửa trời đã mở, Chúa đã nghe lời của chúng ta, và tia sáng đó là ánh mắt nhân từ Ngài nhìn xuống chúng ta. Hãy tiếp tục cầu nguyện". Và rồi sau đó, sóng gió im lặng và trời càng sáng rõ, các thủy thủ tạ ơn Chúa và đã cập bến an toàn.



Trong Tin Mừng thánh sử Luca (Lc 11,5-13), Chúa Giêsu dạy chúng ta: "Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho". Ngài đưa ra hai dụ ngôn để nhắc nhở chúng ta kiên tâm trong lời cầu nguyện và siêng năng cầu nguyện cùng Chúa. Ngài đoan hứa Thiên Chúa là người Cha tốt lành sẽ ban cho chúng ta những gì chúng ta cầu xin, đặc biệt Ngài sẽ ban cho chúng ta món quà tuyệt hảo là Thánh Thần, nhờ đó chúng ta sẽ tìm được hạnh phúc đích thực.


Trong thực tế, có lẽ chúng ta đã cầu xin rất nhiều, thế mà nhiều khi chúng ta chẳng nhận được. Tại sao thế? Thánh Giacôbê trả lời: "Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc". Do đó, khi cầu nguyện, chúng ta hãy ý thức điều chính yếu chúng ta phải nhắm tới trước hết, đó là "Xin cho Ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Thiên Chúa là Cha, Ngài khôn ngoan thấu suốt những nhu cầu của chúng ta và sẽ ban cho những gì lợi ích cho phần rỗi chúng ta. Ðiều cần thiết là phải kiên trì trong niềm tin và xác tín Thiên Chúa yêu thương và ban cho những điều vượt quá sự mong ước của chúng ta.


Nguyện xin Chúa củng cố chúng ta trong đời sống và tâm tình cầu nguyện, cho chúng ta biết xin những gì đẹp lòng Chúa và phó thác tất cả cho tình yêu thương quan phòng của Chúa.




Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con biết cách thức cũng như giá trị của việc cầu nguyện. Thế nhưng trong cuộc sống, chúng con lại rất dễ chán nản khi cầu nguyện. Bởi vì với cái nhìn thiển cận, chúng con chỉ biết xin những điều chúng con tưởng là tốt hoặc chỉ vì tư lợi. Và khi không được như ý muốn, chúng con bất mãn, bỏ cầu nguyện.


Xin Chúa ban Thánh Thần cho chúng con, để Ngài dạy cho chúng con biết phải cầu nguyện thế nào cho phải. Vì tự sức mình, chúng con không thể làm đẹp lòng Chúa được. Amen.



 (Đài Chân Lý Á Châu)




Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Lạy Cha chúng con ở trên trời


Con gái ông Karl Marx có lần thú nhận với người bạn gái từ thủa nhỏ bà không được huấn luyện cho biết có Tôn giáo và Tín ngưỡng cũng như chính bà không cảm thấy mình có một tâm tình tôn giáo hay tin tưởng vào một thực tại vô hình nào. 


Nhưng bà tâm sự tiếp: một ngày kia bà tình cờ đọc được một kinh của người Kitô mà bà thầm mong ước là những câu kinh ấy được biến thành sự thật.


Nghe nói thế, người bạn gái của bà không khỏi ngạc nhiên và tò mò hỏi: "Kinh gì mà hay thế?". Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi này, người con gái ông Karl Marx chậm rãi đọc bằng tiếng Ðức: "Vater unser im Hinmel - Lạy Cha chúng con ở trên trời". 



***


Có một Giám Mục kia trên đường kinh lý giáo phận, ghé thăm gia đình một bà lão. Người ta nói bà là một tấm gương cho cả lòng soi chung. Trong khi thăm, vị Giám Mục hỏi: 


- Bà thường hay đọc sách đạo đức nào nhất? 


- Thưa Ðức Cha con không biết đọc, bà cụ trả lời. Nghe nói thế, vị Giám Mục tiếp tục hỏi: "Nhưng bà hay cầu nguyện cơ mà?". Thấy Giám Mục đã biết bí quyết của mình, bà cụ thật thà thưa: 


- Thưa Ðức Cha, con chỉ biết tràng hạt thôi: Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Tin Kính. Một ngày con khởi sự đọc đến mười lần nhưng thường thì con không đọc xong. 


- Tại sao thế? Vị Giám Mục muốn biết. Bà cụ thuật tiếp: 


 - Tại vì khi con bắt đầu đọc: Lạy Cha chúng con. Con bỗng không hiểu sao Chúa có thể tốt lành đến mực cho phép một bà già hèn mọn như con được gọi ngài là Cha. Ðiều đó làm cho con phải khóc và rồi con không thể nào đọc tiếp hết chuỗi được. Nghe thuật lại kinh nghiệm trên, vị Giám Mục khuyến khích:  


- À, này bà cụ, đó là lời cầu nguyện trị giá bằng tất cả những lời cầu nguyện của chúng tôi. Bà cứ tiếp tục và luôn cầu nguyện theo câu đó. 


Tục ngữ Việt Nam có câu: "Gần chùa gọi bụt bằng anh". Ðó là tâm tình thông thường của con người. Bởi lẽ những thực tại dù to lớn đến đâu, nếu đã trở nên những công việc hằng ngày thường bị hạ thấp giá trị.


Kinh Lạy Cha là kinh quen thuộc và tuyệt vời nhất đối với người Kitô hữu chúng ta. Mỗi ngày chúng ta đọc nhiều lần kinh này, thế nhưng chúng ta đã có thái độ thế nào? Người ta có lý để bảo rằng chúng ta đọc kinh một cách máy móc, thiếu hồn sống. Sỡ dĩ như vậy là vì chúng ta chưa ý thức đủ tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, chưa đi vào quan hệ mật thiết với Thiên Chúa, như con cái đối với cha mình.


Ước gì Kinh Lạy Cha giúp chúng ta ý thức thật sâu đậm về sự thật: Thiên Chúa là Cha chúng ta, như bà cụ đơn sơ trong câu chuyện trên đã cảm nghiệm được, đồng thời giúp chúng ta sống và thực hành những gì chúng ta luôn miệng cầu khẩn trong kinh Lạy Cha.

Ước gì những giây phút dành riêng để gặp gỡ, tiếp xúc với Chúa, giúp chúng ta càng thêm gắn bó, yêu mến và dấn thân thực thi Thánh Ý Chúa trong đời sống chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy cho chúng con biết phải cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Cha. Xin giúp chúng con biết siêng năng cầu nguyện với tâm tình con thảo, đơn sơ và phó thác tất cả trong tay Cha. Ðể từ cuộc sống cầu nguyện và kết hợp liên lỉ với Cha, chúng con sẽ được Cha nhận lời và ban cho chúng con lương thực, sự sống và hạnh phúc vĩnh cửu. Amen.



 (Đài Chân Lý Á Châu)




Con có thể đọc Kinh Lạy Cha được không?




"Lạy Cha chúng con ở trên trời. Xin Cha tha nợ cho chúng con".




Con không thể đọc “Lạy Cha”

nếu không chứng tỏ được, bằng cuộc sống của mình, là con có một mối liên hệ Cha con với Cha.

Không thể đọc “Chúng con”

nếu con cứ sống trong một tinh thần hẹp hòi khép kín và nghĩ rằng trên trời chỉ có một chỗ đặc biệt dành riêng cho Giáo Hội của con mà thôi.

Không thể đọc “Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng”

nếu con, một người kêu cầu Danh Cha, nhưng chính con lại không nên Thánh.

Không thể đọc “Nước Cha trị đến”

nếu con không dùng hết năng lực của mình để xúc tiến nhanh ngày lại đến của Cha.

Không thể đọc “Ý Cha thể hiện”

nếu con không đồng ý nhưng còn nổi loạn chống lại ý ấy.



Không thể đọc “dưới đất cũng như trên trời”

nếu con không sẵn sàng tận hiến cuộc đời của con dưới thế nầy để phục vụ Cha.

Không thể đọc “xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”

Nếu con không thay đổi lối sống chỉ dựa trên sự lợi dụng người khác.

Không thể đọc “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”

nếu con vẫn giữ mối hiềm khích, lòng thù hận và nỗi tức giận chống lại anh em con hoặc ganh tị với họ.

Không thể đọc “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”

nếu con cương quyết đặt mình hoặc cứ ở lại trong một hoàn cảnh mà con có thể dễ dàng rơi vào chước cám dỗ.

Không thể đọc “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”

nếu con không sẵn sàng chiến đấu trong tinh thần, với một vũ khí là lời cầu nguyện.

Không thể đọc “Amen”

nếu con không thêm rằng: "bằng bất cứ giá nào".

Vì con phải trả giá rất nhiều mới đọc được lời kinh ấy một cách hết sức khiêm cung.
Lạy Chúa Giêsu, qua các tông đồ, Chúa đã dạy con cách cầu nguyện qua câu Kinh Lạy Cha, xin cho con ý thức từng lời từng chữ mà con đọc.  Xin cho con biết sống với Lời Kinh mà Chúa đã dạy cho con.  Amen!

(Sưu tầm)

Trách nhiệm lớn của những ai làm việc trong vườn nho của Chúa


"Thiên Chúa vun trồng chúng ta như một cánh đồng để khiến cho chúng ta trở nên tốt lành hơn" (Thánh Agustinô)




Sau 3 tháng nghỉ hè, trưa Chúa Nhật 2 tháng 10 năm 2011 lần đầu tiên Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã có buổi đọc kinh Truyền Tin chung với hàng ngục ngàn tín hữu và du khách hành hương tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài mời gọi mọi người, đặc biệt là những ai cầm quyền, ý thức trách nhiệm của mình khi làm việc trong vườn nho của Chúa. Ðức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay kết thúc với lời Chúa Giêsu cảnh cáo một đặc biệt nghiêm khắc các mgười lãnh đạo giới tư tế và kỳ mục trong dân: "Nước Thiên Chúa sẽ bị cất khỏi các ông và sẽ được ban cho một dân tộc sinh hoa trái" (Mt 21,43). Ðó là các lời khiến chúng ta nghĩ tới trách nhiệm lớn của con người trong mọi thời đại được mời gọi làm việc trong vườn nho của Chúa, đặc biệt là những người nắm vai quyền bính, và chúng thúc đẩy canh tân lòng trung thành trọn vẹn với Chúa Kitô. Người là "hòn đá mà các thợ xây đã loại bỏ" (x. Mt 21,42), bởi vì họ xét đoán Người là kẻ thù của lề luật và nguy hiểm cho trật tự cộng cộng. Bị khước từ và đóng đanh, nhưng chính Người đã sống lại và trở thành "hòn đá góc", trên đó có thể đặt các nền móng của mọi cuộc sống con người và của toàn thế giới một cách tuyệt đối vững chắc. Dụ ngôn các người làm vườn nho bất trung nói về sự thật này. Họ được một người giao pho cho vườn nho của ông để vun trồng và thu hoa trái. Chủ vườn nho là chính Thiên Chúa, trong khi vườn nho biểu tượng cho dân Người cũng như sự sống mà Chúa trao ban cho chúng ta, để chúng ta làm việc thiện với ơn thánh của Người và sự dấn thân của chúng ta. Thánh Agustinô chú giải rằng: "Thiên Chúa vun trồng chúng ta như một cánh đồng để khiến cho chúng ta trở nên tốt lành hơn" (Sermo 87,1,2: PL 38,531).



Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: Thiên Chúa có một dự án cho các bạn hữu của Người, nhưng rất tiếc câu trả lời của con người thường hướng tới sự bất trung, được diễn tả ra bằng sự khước từ. Sự kiêu căng và tính ích kỷ ngăn cản con người nhận ra và tiếp nhận ơn cao trọng nhất của Thiên Chúa: đó là Con Một của Người. Thật thế, thánh sử Mátthêu viết: "Ông chủ sai con mình đến với các tá điền... nhưng họ bắt lấy anh, đuổi anh ra khỏi vườn nho và giết đi" (Mt 21,37). Thiên Chúa tự nộp mình trong tay chúng ta, chấp nhận trở thành mầu nhiệm khôn dò của sự yếu đuối và bầy tỏ quyền năng của Người trong sự trung thành với chương trình tình yêu, mà sau cùng cũng thấy trước cả việc trừng phạt công bằng đối với các kẻ gian ác nữa (x. Mt 21,41). Rồi Ðức Thánh Cha khuyến khích mọi người như sau:


Cắm neo một cách vững vàng trong niềm tin nơi đá góc là Chúa Kitô, chúng ta hãy ở lại trong Người như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không ở lại trong cây nho. Chỉ trong Người, cho Người và với Người Giáo Hội dân của Giáo Ước mới, mới được xây dựng. Ðức Phaolô VI, vị Tôi tớ Chúa đã viết về điểm này như sau: "Hoa trái đầu tiên của ý thức được đào sâu của Giáo Hội về chính mình là việc canh tân khám phá ra tương quan sinh động của mình với Chúa Kitô. Ðây là điều rất được biết tới, nhưng nền tảng, cần thiết, và không bao giờ được hiểu biết, suy niệm và cử hành đủ" (Enc. Ecclesiam suam, 6-8-1964: AAS 56 (1964) 622).


Các bạn thân mến, Thiên Chúa luôn luôn gần gữi và hoạt động trong lịch sử nhân loại, và Người đồng hành với chúng ta bằng cả sự hiện diện đặc biệt của Người nơi các Thiên thần, mà hôm nay Giáo Hội tôn kính như "các Thiên thần Bản mệnh", nghĩa là các thừa tác sự lo lắng của Thiên Chúa đối với từng người. Từ khởi đầu cho tới giờ chết, cuộc sống con người được bao bọc bởi sư che chở liên lỉ của các ngài. Và các Thiên thần làm thành triều thiên của Nữ Vương oai nghiêm chiến thắng, là Ðức Trinh Nữ Maria Mân Côi, Ðấng trong ngày Chúa Nhật đầu tháng mười, và chính trong lúc này đây, từ Ðền Thánh Pompei và từ toàn thế giới tiếp nhận lời Khẩn cầu sốt mến, để sự dữ bị đánh bại và lòng lành của Thiên Chúa được vén mở trọn vẹn.


Tiếp đến Ðức Thánh Cha đã đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.


Sau Kinh Truyền Tin Ðức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau.


Bằng tiếng Pháp, nhân dịp các đại học khai giảng, Ðức Thánh Cha mời gọi các giáo sư thông truyền cho sinh viên tình yêu đối với sự hiểu biết và chân lý qua lời giảng dậy của mình. Sự hiểu biết quan trọng, nhưng quan trọng hơn là việc đào tạo con người biết nhận định đâu là chân lý để có thể tự do lựa chọn. Cũng cần đào tạo người trẻ sống các giá trị luân lý và tinh thần đích thật, để giúp họ tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Trong tháng mười này xin Ðức Bà Mân Côi đồng hành với tất cả những ai dấn thân trong việc đào tạo và giáo dục.


Trong tiếng Anh và tiếng Ba Lan Ðức Thánh Cha gửi lời chào các tham dự viên đại hội quốc tế Lòng Từ Bi Chúa đang diễn ra tại Cracovia và cầu mong sứ điệp tươi vui về Lòng Từ Bi Chúa là suối nguồn hy vọng được đem tới khắp nơi trên thế giới.


Trong tiếng Ý ngài mời gọi mọi người cảm tạ Thiên Chúa về gương mặt rạng ngời của nữ tu Antonia Maria Verna, sống giữa thế kỷ XVIII-XIX, mẫu gương của phụ nữ thánh hiến và là nhà giáo dục. Chị là sáng lập viên dòng các Nữ tu Bác ái của Ðức Mẹ Vô Nhiễm Ivrea và sẽ được Ðức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, phong Chân phước chiều Chúa Nhật tại Ivrea.


Ngoài ra Ðức Thánh Cha cũng nhắc tới sáng kiến truyền giáo tháng 10 có khẩu hiệu là "Chúa Giêsu ở giữa", do văn phòng mục vụ giới trẻ giáo phận Roma phát động cho các bạn trẻ.



Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Xin cầu nguyện cho các bệnh nhân cuối đời


Các bệnh nhân cuối đời cần rất nhiều lời cầu nguyện của chúng ta vì đây là thời điểm vô cùng quan trọng.




Trong tháng 10 này Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI mời gọi chúng ta hiệp ý với tín hữu Công Giáo toàn thế giới cầu xin cho các bệnh nhân cuối đời được niềm tin nơi Thiên Chúa và tình yêu thương của các anh chị em khác nâng đỡ trong các đớn đau của họ.

Trong các nhà thương trên thế giới hiện nay có hàng trăm ngàn bệnh nhân mắc các chứng bệnh nan y chỉ chờ ngày chết, vì khoa học đã bó tay chịu thua không chữa trị được nữa. Trong số các bệnh nhân ấy có các bệnh nhân ung thư. Họ là những bệnh nhân đang sống những ngày cuối đời trong đau đớn tột cùng. Các bệnh nhân cuối đời ấy hiện diện trong mọi đại lục, đặc biệt tại những nơi nào nghèo đói và khó khăn là lý do gây ra cảnh sống bần cùng và đau đớn bao la.



Trong sứ điệp gửi Ngày Quốc Tế các bệnh nhân lần thứ 15 mùng 8 tháng 12 năm 2006, Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI ghi nhận rằng bệnh tật đau yếu là một thời điểm khủng hoảng, trong đó thường khi con người cũng phải nghiêm chỉnh đối diện tới tình trạng sức khỏe suy sụp và cái chết của mình. Tuy các tiến bộ y khoa ngày nay cống hiến cho con người nhiều cơ may hồi phục, nhưng cuộc sống con người tự nó có các hạn hẹp nội tại, và sớm muộn gì cũng sẽ kết thúc với cái chết không thể tránh được. Không kể các bệnh nhân đang sống giai đoạn cuối đời này, còn có hàng trăm triệu người khác trên thế giới vẫn phải sống trong các điều kiện không lành mạnh và không có các thuốc men cần thiết cho sức khỏe của họ, kể cả các loại thuốc căn bản nhất. Và chính vì thế họ cũng được kể vào số những người sắp phải chết. Sự kiện này khiến cho số người không thể chữa trị lên đến hàng trăm triệu.


Giáo Hội luôn luôn ước muốn trợ giúp các bệnh nhân nan y và các anh chị em đang sống những ngày cuối cùng trong cuộc đời họ, bằng cách khích lệ các vị lãnh đạo đề ra các đường lối chính trị xã hội bình đẳng có thể góp phần loại trừ các nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, và bằng cách khẩn thiết kêu gọi thực thi việc trợ giúp các bệnh nhân không còn phương cách nào chữa trị họ được nữa. Cần phải thăng tiến các đường lối chính trị có khả năng tạo ra các điều kiện, trong đó các anh chị em này có thể chịu đựng các tật bệnh của họ và đương đầu với cái chết một cách xứng đáng với phẩm giá con người. Cần phải có nhiều trung tâm săn sóc các bệnh nhân nan y hơn trên bình diện nhân bản cũng như tinh thần và thiêng liêng.


Noi gương người Samaritanô nhân hậu Giáo Hội đặc biệt lo lắng cho các bệnh nhân. Qua các thành phần và cơ cấu của mình Giáo Hội tiếp tục ở bên cạnh các anh chị em đau khổ và sắp chết, tìm duy trì phẩm giá của họ trong những giây phút ý nghĩa này của cuộc đời họ. Ðông đảo các bác sĩ, các y tá các nhân viên mục vụ và người thiện nguyện hiện diện đó đây trên toàn thế giới phục vụ các bệnh nhân không biết mệt mỏi trong các nhà thương, các bệnh xá, cũng như ngoài đường phố, tại tư gia và trong các giáo xứ. Cũng trong sứ điệp Ðức Thánh Cha khích lệ các bệnh nhân chiêm ngắm các khổ đau của Chúa Kitô chịu đóng đanh trên Thập Giá và kết hiệp các khổ đau của họ với các khổ đau của Chúa Kitô, để mưu cầu ơn ích cho Giáo Hội và cho toàn thế giới. Ngài cầu chúc họ luôn tìm được sự khích lệ và sức mạnh tinh thần cần thiết để dưỡng nuôi đức tin của họ và dẫn họ tới gần Thiên Chúa Cha của Sự Sống hơn. Qua các linh mục tu sĩ và nhân viên mục vụ y tế Giáo Hội ước mong nâng đỡ họ trong giờ phút cần thiết để biểu lộ lòng từ bi tràn đầy yêu thương của Chúa Kitô đối với những người đau khổ.




Chăm sóc bệnh nhân giai đoạn cuối và luôn nguyện cầu cho họ được ơn chết lành.




Ðức Thánh Cha cũng xin cộng đoàn giáo hội toàn thế giới, đặc biệt là các Kitô hữu tận hiến đời mình để phục vụ các bệnh nhân, tiếp tục sứ mệnh này với sự trợ giúp của Mẹ Maria, Sức khỏe của những người đau yếu, và làm chứng cụ thể cho sự chăm sóc yêu thương đó của Thiên Chúa là cha đối với các anh chị em bệnh nhân nan y đang chuẩn bị về với Chúa.


Ngày nay, người ta sợ hãi đến độ không dám nói đến các bệnh nan y như bệnh ung thư, và báo tin cho các bệnh nhân biết họ bị bệnh. Việc báo tin bệnh nan y thường bị coi như là một tin kinh khủng gây thất vọng và buồn đau cho người bệnh cũng như cho thân nhân của họ. Nhưng cũng có những người có khá năng sống một tiến trình thiêng liêng giải thoát từ nỗi đớn đau của họ và khám phá ra rằng sự bất lực và bệnh tật của con người cũng có thể là dịp Thiên Chúa viếng thăm họ và là lúc sắp được về nhà Cha. Ðiển hình như trường hợp của chân phước linh mục Alberto Hurtado người Chilê. Khi nghe báo cho biết ngài bị bệnh ung thư vào giai đoạn cuối cha vui vẻ kêu lên: "Tôi đã trúng số độc đắc", vì cha biết rằng căn bệnh này là giờ để trở về Nhà Cha trên trời. Với các tâm tình trên đây trong tháng 10 này hiệp ý với Ðức Thánh Cha và tín hữu công giáo toàn thế giới chúng ta hãy cầu xin cho các bệnh nhân cuối đời được niềm tin nơi Thiên Chúa và tình yêu thương của các anh chị em khác nâng đỡ trong các đớn đau của họ.



Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Chỉ có một điều cần thôi




Lắng nghe và chiêm niệm - đó là thái độ mà con người phải có đối với Thiên Chúa.




Ngày nay, những tiện nghi do tiến bộ kỹ thuật mang lại đang tạo ra một nền văn hóa mới đặt tính hiệu năng và khả năng tiêu thụ lên hàng đầu bậc thang giá trị: người được đánh giá cao là người tài giỏi, giầu có, làm ra tiền và có khả năng tiêu thụ cao. Trong một nền văn minh như thế, dĩ nhiên những giá trị luân lý, tôn giáo hoặc bị đưa xuống thành thứ yếu, hoặc bị quên lãng và ngay cả bị chà đạp. Ðây là một thách đố lớn lao đối với Giáo Hội. Giáo Hội qua các Kitô hữu hiện diện như một dấu chỉ của cuộc sống mai hậu và những giá trị siêu việt, nhưng liệu các Kitô hữu có còn đủ thức tỉnh và can đảm làm chứng cho những giá trị siêu việt ấy không hay chính họ cũng chiều theo cám dỗ chạy theo dòng đời, thỏa hiệp với những sức mạnh tăm tối đang xói mòn những giá trị luân lý đạo đức và loại bỏ chiều kích thiêng liêng ra khỏi cuộc sống con người?



Tin Mừng trong thánh sử Luca (Lc 10, 38-42) có thể được lắng nghe và suy niệm với nỗi thao thức ấy. Chúa Giêsu hẳn không làm một cuộc so sánh về hai thái độ: một của Marta tất bật với việc tiếp đãi khách, và một của Maria ngồi bên chân khách để trò chuyện. Trong thực tế, cả hai thái độ này đều cần thiết: tinh thần hiếu khách được biểu lộ cụ thể và tích cực qua việc chuẩn bị bữa ăn, nhưng cũng được thể hiện không kém qua sự hàn huyên ân cần. Chúa Giêsu đề cao thái độ của Maria, nhưng không hề giảm thái độ của Marta. Ngài chỉ muốn mượn hình ảnh của Maria đang ngồi dưới chân Ngài để nói lên thái độ cơ bản mà con người phải có đối với Thiên Chúa, đó là thái độ lắng nghe và chiêm niệm.


Hơn bao giờ hết, sự hiện diện của những người hiến dâng cho việc cầu nguyện và chiêm niệm là một trong những kho tàng quý giá nhất của thời đại chúng ta, để nhắc nhở cho thế giới rằng cuộc sống con người không chỉ giản lược vào điều mà thánh Phaolô gọi là chuyện ăn, chuyện uống, tôn thờ cái bụng, và rằng cuộc sống chỉ có giá trị và đứng vững vì chính chiều kích siêu việt, thiêng liêng của nó.


Trong một bài nói chuyện với các nữ tu của một Dòng Kín tại Mêhicô năm 1979, chân phước ÐTC Gioan Phaolô II đã đề cao sự hy sinh của họ như sau:


"Cuộc sống của chị em quan trọng hơn bao giờ hết; sự hiến thân trọn vẹn của chị em đầy tính thời sự. Trong một thế giới đang đánh mất dần ý thức về thần linh, trong một thế giới đề cao quá mức những thực tại vật chất, hỡi các nữ tu thân mến, các chị lại dấn thân vào các tu viện Kín để làm chứng cho những giá trị mà các chị sống cho. Các chị là những chứng nhân của Chúa cho thế giới ngày nay; với lời cầu nguyện, các chị đang thổi một luồng sinh khí mới vào trong Giáo Hội và con người ngày nay".


Những lời của Ðức Gioan Phaolô II không chỉ đề cao chứng từ của các Tu sĩ chiêm niệm, mà còn nhắc nhở cho các Kitô hữu về chính chứng từ của sự cầu nguyện của họ. Có những người hiến thân trọn vẹn cho sự cầu nguyện, nhưng cầu nguyện không phải là độc quyền của một số người, mà phải là hơi thở cho tất cả những ai có niềm tin. Có những giây phút dành cho việc cầu nguyện đã đành, nhưng người Kitô hữu phải sống thế nào để biến cả cuộc sống của họ thành lời cầu nguyện. Chiêm niệm không chỉ là hoạt động dành riêng cho một số người hay một số giờ hoặc một số nơi nhất định. Chiêm niệm chính là thái độ tìm kiếm, lắng nghe và suy niệm bao trùm mọi sinh hoạt của người Kitô hữu.


Nguyện xin Chúa nung nấu sự khát khao trong tâm hồn chúng ta, để chúng ta luôn hướng về Ngài, tìm kiếm Ngài và kết hiệp với Ngài trong mọi sự. Nguyện xin Mẹ Maria là Ðấng luôn cất giữ và suy niệm mọi sự trong lòng, hướng dẫn chúng ta trong thái độ cầu nguyện và chiêm niệm của Mẹ.




Lạy Chúa, khi đã biết được giá trị cao quí của Lời Chúa. Xin cho chúng con hiểu rằng quan trọng trước hết là lòng chúng con phải hướng về Lời Chúa. Mọi lắng lo vật chất sẽ được Chúa giúp giải quyết sau. Amen.



 (Đài Chân Lý Á Châu)




Kinh Hoà Bình


Lạy Chúa từ nhân!
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.




[audio http://dl.dropbox.com/u/25665795/KinhHoaBinh.mp3]

Tải file MP3

Tải file PDF

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Người Samaritanô nhân hậu


Mỗi người trong chúng ta đều được mời gọi để trở nên người Samaritanô nhân hậu của thời đại ngày nay




Một phóng viên nọ muốn biết cách đối xử với con người thế nào, ông đã giả vờ làm người bị thương nằm bên vệ đường cùng với chiếc xe bị hư của ông. Nhiều người đã đi qua..., cuối cùng có một người dừng xe lại xem xét và đến trạm gọi điện thoại cho cảnh sát. Người phóng viên đã cẩn thận ghi các số xe đã chạy qua, sau đó, ông đến tận nhà họ để phỏng vấn. Mỗi người đều nói lên lý do của mình, nhưng không ai nghĩ mình một ngày kia có thể rơi vào hoàn cảnh như thế: bàn tay của mình đưa ra để mong tìm được sự nâng đỡ của người khác mà không gặp được.



Người Samaritanô nhân hậu được nhắc đến trong Tin Mừng của thánh sử Luca (Lc 10, 25-37) là chính Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, các tư tế, lêvi có lý do của họ: họ đã sống đúng luật, tuy nhiên luật đã giết chết lòng yêu thương của con người vì trọng mặt chữ mà thôi. Chúa Giêsu đã vượt qua luật lệ và hướng dẫn tâm hồn con người lên cao, đi vào chiều sâu của bác ái. Ngài đã đến với từng con người, Ngài không đứng xa nhìn con người đương đầu với những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Như người Samaritanô nhân hậu, Ngài đến gần bên con người, Ngài nhìn họ với ánh mắt đầy trắc ẩn, cảm thông, Ngài cúi xuống băng bó các vết thương của họ và còn tình nguyện trả nợ cho họ bằng giá máu của Ngài khi chấp nhận chết trên Thập Giá để cứu sống và đưa họ về quê trời.


Lời Chúa trong Tin Mừng thánh sử Luca mời gọi chúng ta noi theo gương mẫu của người Samaritanô nhân hậu là hình ảnh của chính Chúa. Chung quanh chúng ta còn biết bao nạn nhân, dưới nhiều hình thức, đang chờ bàn tay nâng đỡ của chúng ta. Nhưng thử hỏi chúng ta đã làm được gì? Có thể chúng ta không có tiền bạc, nhưng một lời nói, một nụ cười, một cử chỉ, một việc làm tốt cũng có sức xoa dịu và cảm thông với những nỗi khổ đau của đồng loại.


Nguyện xin Chúa kiện cường lòng bác ái của chúng ta, một lòng bác ái biết tìm đến, dừng lại và xoa dịu những nỗi khổ đau của người khác; một lòng bác ái vị tha, không bị lấm bẩn bởi bản tính ích kỷ trục lợi.




Lạy Chúa, chúng con vẫn biết rằng tình yêu thương, nhân hậu là một điều rất cần cho chúng con. Nó quyết định sự bình an, niềm hạnh phúc và cho cả cuộc đời của chúng con. Nhưng Chúa ơi đã bao lần quyết tâm, gắng sống, thế mà sự cố gắng của chúng con như ngày càng thấy bất lực. Gia đình chúng con vẫn bất hòa vì những chuyện không đâu, giáo xứ chúng con vẫn chia rẽ, hận thù. Xin Chúa ban cho chúng con trái tim tình yêu của Chúa để ước gì chúng con sống chan hòa tình thương với mọi người. Amen.




(Đài Chân Lý Á Châu)


Lạy Mẹ mến yêu



[audio http://dl.dropbox.com/u/25665795/LayMeMenYeu_hopca.mp3]

Tải file MP3

Tải file PDF

Thông điệp Đức Mẹ ngày 2/10/2011






Thông điệp Mẹ Mễ Du ngày 2/10/2011 qua thị nhân Mirjana


"Các con yêu dấu,

Hôm nay nữa Trái Tim Từ Mẫu kêu gọi các con tới việc cầu nguyện, tới sự giao kết riêng mình với Thiên Chúa Cha, tới niềm vui cầu nguyện trong Ngài. Thiên Chúa Cha không xa vời các con và Ngài không phải không được biết tới với các con. Ngài tỏ Mình tới các con qua Thánh Tử Mẹ và đã cho các con sự sống đó là Con Mẹ. Vì thế, các con của Mẹ, đừng nhượng bộ các cơn cám dỗ mà chúng mong muốn chia lìa các con từ Thiên Chúa Cha. Các con hãy cầu nguyện! Đừng cố gắng để có những gia đình và xã hội không có Ngài. Các con hãy cầu nguyện! Cầu nguyện để tâm hồn mình có thể được làm ngập tràn với sự tốt lành mà nó chỉ tới từ Thánh Tử Mẹ, là Đấng thật sự tốt lành. Chỉ những tâm hồn đã đổ đầy sự tốt lành mới có thể thấu hiểu và chấp nhận Thiên Chúa Cha. Mẹ sẽ tiếp tục hướng dẫn các con. Trong một cách đặc biệt Mẹ van xin các con đừng xét đoán các mục tử của mình. Các con của Mẹ, các con đang quên rằng Thiên Chúa Cha đã kêu gọi các ngài sao? Các con hãy cầu nguyện! Cám ơn các con".

Mirjana nói: Tôi không bao giờ nói bất cứ gì trước kia, nhưng quý anh chị có ý thức rằng Mẹ Thiện Chúa đã hiện diện với chúng ta không? Mỗi chúng ta nên hỏi mình: 'mình có xứng đáng về điều này không?' Tôi nói lên điều này bởi vì nó thật khó khăn cho tôi để nhìn thấy Mẹ trong niềm đau đớn, bởi vì mỗi chúng ta đang tìm kiếm một phép lạ, nhưng lại không muốn làm một phép lạ nơi chính mình.

Our Lady’s apparitions to Mirjana

“Dear Children!

 Also today my motherly heart calls you to prayer, to your personal relationship with God the Father, to the joy of prayer in Him. God the Father is not far away from you and He is not unknown to you. He revealed Himself to you through my Son and gave you Life that is my Son. Therefore, my children, do not give in temptations that want to separate you from God the Father. Pray! Do not attempt to have families and societies without Him. Pray! Pray that your hearts may be flooded with the goodness which comes only from my Son, Who is sincere goodness. Only hearts filled with goodness can comprehend and accept God the Father. I will continue to lead you. In a special way I implore you not to judge your shepherds. My children, are you forgetting that God the Father called them? Pray ! Thank you".

 Mirjana said: I have never said anything before, but are you aware, brothers and sisters, that the Mother of God was with us? Each of us should ask himself: 'Are you worthy of this?'. I am saying this because it is difficult for me to see her (Our Lady) in pain, because each of us is seeking a miracle, but does not want to work a miracle in himslef.

 

Kính Mừng MARIA

 

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Tuần lễ quốc tế cầu nguyện và ăn chay




Chỉ có cầu nguyện và ăn chay mới đem lại cho thế giới một nền hoà bình đích thực




Tuần lễ Cầu Nguyện và Ăn Chay là một phong trào dành cho người Công Giáo và các giáo phái Tin Lành trên khắp thế giới để cùng tham dự cầu nguyện và ăn chay trong một thời kỳ cho những nhu cầu sau:

1. Xin cho các quốc gia hoán cải.
2. Xây dựng một nền văn hóa của Sự Sống.
3. Xây dựng hòa bình trên toàn thế giới.


Ngày nay nền văn hóa sự chết ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Chiến tranh, thiên tai, khủng bố,  phá thai, an tử, và những cuộc bách hại tôn giáo ngày càng phát triển hơn bao giờ hết. Là người Kitô hữu, chúng ta không tuyệt vọng nhưng đặt niềm trông cậy nơi Chúa Giêsu Kitô. Hơn bao giờ hết, những tín hữu từ khắp các truyền thống và quốc gia phải đoàn kết với nhau để cùng cầu nguyện và ăn chay.

Khi nào thì có tuần lễ Quốc Tế Cầu Nguyện và Ăn Chay?



Hàng năm tuần lễ này được bắt đầu vào tháng 10, tháng của chuỗi kinh Mân Côi. Đây là năm thứ 19 và tuần lễ này bắt đầu từ ngày 1 tháng 10 đến ngày 9 tháng 10 năm 2011 để cầu nguyện cho những nhu cầu kể trên.

Xin quý vị cùng hưởng ứng tích cực và dành nhiều thì giờ hơn cho việc tham dự Thánh Lễ, chầu Thánh Thể, xưng tội, đọc chuỗi kinh Mân Côi và kinh Lòng Chúa Thương Xót để cầu nguyện cho toàn thế giới, quốc gia và gia đình chúng ta.

Xin Chúa và Đức Mẹ Maria chúc lành cho toàn thế giới và cho đại gia đình của chúng ta!

Kim Hà
(MeMaria.info)


Khúc hát một loài hoa


"Trót đời con chỉ dâng hiến cho Chúa duy có tình yêu thôi".




[audio http://dl.dropbox.com/u/25665795/Khuc-hat-mot-loai-hoa_AnDuc-MaiHau.mp3]

Tải file MP3

Hoà tấu MP3

Tải file PDF