Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

THƯ GỬI ANH GIÊSU


Giêsu Anh yêu thương!

Em muốn được gọi Anh  như vậy. Vì chúng ta cùng là con một Mẹ. Anh là con đầu, mẹ nhận em làm con thứ, vì thế, mình là anh em. Thực ra, em muốn gọi thế là vì em muốn gần gũi với Anh hơn. Người ta gọi Anh là Chúa, còn em, em gọi là Anh. Chắc Anh vui lòng?

Anh muốn em tặng món quà gì trong dịp kỷ niệm sinh nhật của Anh? Anh là Thiên Chúa, mọi của cải vật chất trên thế gian này, thậm chí là cả vũ trụ này với Anh cũng chẳng là gì. Nhưng em biết chắc rằng Anh rất vui khi em tặng Anh món quà này, đó là Tình yêu của em.

Em đang thực hiện một cuộc hành trình về nhà chúng ta. Em biết rằng khi đến đích, Anh sẽ là người ra đón em. Khi đó, em sẽ trao cho Anh món quà mà Anh mong đợi, đó là trái tim em. Một trái tim trên đó khắc dòng chữ: “Em yêu Anh”. Anh cười sung sướng. Nhưng nếu Anh nhìn kỹ thì sẽ thấy, dòng chữ ấy được khắc bằng những vết sẹo của những yếu đuối, lỗi lầm của em. Chúng thành sẹo bởi đã được Anh thứ tha. Anh biết. Nhưng Anh không nhìn kĩ thế. Anh chỉ thấy những dòng chữ ấy thôi.

Giêsu Anh yêu!

Ngày này người ta chúc tụng, tôn vinh Anh rất nhiều. Có lạc điệu không khi em lại gửi đến Anh những suy tư? Em là thế, thiếu tinh tế đến mức vụng về. Nhưng em biết, Anh sẽ không giận em.

Anh biết không? Khi ngồi viết lá thư này cho Anh mà em như đang hình dung cảnh của hai ngàn năm về trước. Ngày ấy, Anh độ tuổi 12. Em thấy Anh đang đi kín nước với mẹ, tay Anh đang bê giúp mẹ cái bình nước nhỏ. Bên cạnh Anh, mẹ cũng đang bê một bình nước, và đang nhìn Anh với ánh mắt đầy trìu mến yêu thương... Em cũng thấy Anh đang giúp mẹ chẻ củi, nhặt rau, nhóm lửa... Hai mẹ con nói chuyện gì mà vui vẻ thế? Mẹ chu đáo quá Anh nhỉ. Mẹ dặn dò Anh nhiều điều. Rằng Anh có hai người cha mà Anh phải luôn tôn kính. Rằng Anh phải chăm chỉ, siêng năng học hành. Rằng Anh phải biết quan tâm, thương yêu mọi người...

Ngày ấy, Anh giúp cha Giuse làm những công việc của một người thợ mộc. Anh giúp cha bào những thanh gỗ, đóng những cái bàn, ghế, tủ... Mồ hôi lấm tấm trên vầng trán Anh. Thái độ của Anh đối với cha Giuse rất mực lễ phép và tôn kính. Anh biết không, khi Anh đang cúi mình say sưa trên những mảnh gỗ, cha Giuse thường hay ngắm nhìn Anh với một vẻ mặt hài lòng. Còn Anh, Anh luôn lắng nghe những lời dạy bảo của cha mẹ và luôn tuân phục các Ngài.

Cũng độ tuổi ấy, Anh đã một mình giữa các nhà thông luật, giảng cho họ nghe về giáo lý Đấng Giavê, về lề luật, về đức tin... Sự hiểu biết và cái nhìn đầy mới mẻ của Anh đã làm cho các thầy giảng phải kinh ngạc, họ say sưa lắng nghe...

Thế mà, bây giờ, cũng độ tuổi của Anh, có mấy thiếu niên biết giúp đỡ cha mẹ như Anh? Có mấy người biết vui lòng lắng nghe lời dạy bảo của cha mẹ và mấy ai trong số họ biết tuân phục lời các Ngài?

Nếu Anh dạo qua các quán Internet, Anh sẽ thấy biết bao nhiêu thanh thiếu niên đang say sưa với những trò chơi game online, đặc biệt là trò game online bạo lực. Không trách giới trẻ ngày nay tính bạo lực ngày càng gia tăng. Không chỉ các trò chơi trên mạng, mà những cuốn truyện tranh với những hình ảnh bắt mắt, những bộ phim truyền hình dài tập... cũng đầy tính chất bạo lực. Giới trẻ đang phí phạm thời gian vào những trò vui vô bổ, thậm chí là rất nguy hại cho sự trưởng thành nhân cách của một con người. Chỉ vì ham mê các trò vui như thế, mà có biết bao thanh thiếu niên đã bỏ bê việc học văn hoá cũng như giáo lý; lừa dối cha mẹ, trộm cắp, đánh nhau, thậm chí còn gây án mạng...

Chắc Anh cũng thấy rằng giới trẻ bây giờ nhiều người quá coi thường đức khiết tịnh. Sống buông thả, trôi theo những dục vọng tầm thường, hèn kém của bản năng con người. Phải chăng vì thế, mà bao vụ giết người đau lòng đã xảy ra, nạn nhân là những sinh linh nhỏ bé, vừa mới kịp thành hình trong bụng mẹ, những đứa trẻ không có khả năng tự vệ. Đau đớn thay, kẻ nhẫn tâm giết chúng  chính là cha mẹ của chúng. Nếu chúng có thể lên tiếng được, hẳn nhân loại đã nghe những tiếng thét gào đau đớn của chúng khi người ta đang tâm dứt bỏ cái mầm sự sống của chúng, để chúng phải chết tức tưởi đau thương.

Vâng! Đối với hiện tại, tương lai của một đất nước, và cả nhân loại nữa, đấy là những mảng tối. Đã bao lần em đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Vì sao có không ít bạn trẻ lại trở nên như thế?”

Anh biết. Nhưng Anh muốn em tự tìm ra câu trả lời. Nguyên nhân thì có nhiều lắm, phải không Anh? Nhưng có lẽ, một trong những nguyên nhân chính là vai trò của cha mẹ trong sự giáo dục con cái.

Ngày xưa, cha Giuse và mẹ Maria đã chấp nhận sống khó nghèo. Cha mẹ vui với sự lớn lên, trưởng thành và thánh thiện của Anh. Không lúc nào cha mẹ quên bổn phận dạy dỗ, giáo dục con của mình. Còn các bậc cha mẹ ngày nay, người thì bươn chải một đời không đủ để lo toan cho cuộc sống, người thì kinh tế khá giả rồi nhưng vẫn cố sức để làm giàu. Họ quên đi nhiệm vụ chính của cha mẹ là giáo dục con cái. Họ phó mặc cho nhà trường, xã hội và sự phát triển tự nhiên của con, đến khi thấy sự phát triển theo chiều hướng biến dạng, thì giống như một cành cây đã cứng, không làm sao uốn lại được nữa.

Ngày nay, thực hiện vấn đề dân số và kế hoạch hoá gia đình, mỗi nhà chỉ sinh 1-2 con. Nên những đứa con trong nhiều gia đình là những “ông vua”, “bà hoàng” nhỏ. Chúng được cung phụng, nuông chiều đủ thứ. Chính vì thế chúng quen với suy nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ. Sống trong lối sống quen hưởng thụ mà không cần biết nhờ đâu mình được như thế, chúng trở nên ích kỷ, vô tâm, lạnh lùng, sống chỉ biết mình mà không quan tâm đến đồng loại, thậm chí cả những người thân như ông bà, cha mẹ, Anh chị em...

Ngày xưa, khi Thiên sứ báo tin Mẹ sẽ đảm nhiệm một thiên chức vĩ đại: làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ đã ngại ngần: “Việc ấy xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam”. Chỉ khi Thiên sứ bảo rằng đấy là do quyền năng của chúa Thánh thần, mẹ mới cúi đầu “xin vâng”. Hôn nhân của Mẹ và cha Giuse là một cuộc hôn nhân thánh khiết. Trong đời sống hôn nhân ấy, cha mẹ lấy đức khiết tịnh làm nền tảng. Thế nhưng, trong cuộc sống gia đình hiện nay, đức khiết tịnh đang có nguy cơ bị coi thường và chà đạp. Sự chung thuỷ ở vợ chồng nhiều lúc trở thành một thứ “xa xỉ phẩm” trong hôn nhân. Đã có biết bao gia đình tan vỡ vì vợ chồng không giữ được lời thề chung thuỷ. Và cũng đang có bao nhiêu gia đình mà hạnh phúc đang đứng trên bờ vực thẳm cũng vì thế. Những đứa con trong những gia đình ấy, liệu số phận và nhân cách của chúng sẽ như thế nào? Và liệu chúng có còn trân trọng đức khiết tịnh, khi cha mẹ chúng không còn là mẫu gương của nhân đức ấy?

Ngày xưa, trong căn nhà nhỏ của Anh ở vùng Nazareth đầy ắp những tiếng cười trong bầu khí yêu thương, hoà thuận. Còn hạnh phúc nào cho bằng niềm hạnh phúc ấy? Đấy là hình ảnh của một Thiên Đường thu nhỏ ở trần gian. Còn cuộc sống của một số không ít các gia đình ngày nay, có sự rạn vỡ từ sự xào xáo, bất hoà giữa vợ chồng, cha mẹ con cái. Bầu không khí của gia đình có nhiều lúc đầy rẫy sự mâu thuẫn, căng thẳng, ghét bỏ lẫn nhau. Đấy là cảnh địa ngục ở trần gian. Những đứa con trong các gia đình như thế, chúng sẽ cảm nhận niềm vui ở đâu khi gia đình không còn là tổ ấm? Những thanh thiếu niên sa đà vào các trò vui chơi tai hại, thậm chí trở nên những kẻ lêu lổng, hư đốn trong xã hội, có bao nhiêu người vô tình do chính bàn tay của cha mẹ đẩy chúng vào?

Giêsu Anh yêu mến!

Một vài suy tư của em gửi đến Anh nhân kỷ niệm sinh nhật Anh. Lẽ ra em không nên nói thế trong dịp này, mà đúng hơn phải là những lời chúc tụng, ca khen. Nhưng em thiết nghĩ, một trong những vấn đề mà Anh quan tâm nhất trong chương trình cứu rỗi nhân loại đấy chính là vấn đề gia đình. Bởi gia đình chính là nền tảng của xã hội và Giáo Hội. Ngày xưa, Anh đã chọn sinh xuống trong một gia đình bình thường, và sống một cuộc sống khó nghèo, để nêu gương cho hậu thế. Kỷ niệm Giáng Sinh năm nay, em tin rằng Anh muốn nhân loại sẽ thánh hoá đời sống gia đình, đó chính là khúc ca ngợi khen và lòng cảm mến tri ân thiết thực nhất mà nhân thế dâng tặng Anh. Phải không Anh?

Chúc Anh một tuổi mới tràn đầy niềm vui. Em hy vọng rằng nhân loại sẽ cảm nghiệm được Tình yêu vĩ đại của Anh nhân dịp sinh nhật này.

Em cũng xin Anh giúp em luôn biết tự sửa đổi mình, để em ngày càng sống xứng đáng hơn với Tình yêu của Anh.

Em của Anh.

Maria Khánh Vân


Tác giả Maria Khánh Vân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét