Vấn đề trước hết được đặt ra ở đây là tại sao trong dụ ngôn người con phung phá, người cha vô cùng yêu thương nhân hậu không tự động chạy đi tìm người con phung phá ấy của mình, mà lại cứ ngồi nhà chờ nó trở về (x Lk 15:11-32)?
Chúng ta có thể tìm thấy câu giải đáp ngay trong đoạn Phúc Âm của Thánh Luca về người con phung phá này, đoạn Phúc Âm bao gồm cả 2 dụ ngôn về Lòng Thương Xót Chúa trước dụ ngôn người con phung phá này, đó là dụ ngôn về một trong 100 con chiên lạc đàn (15:1-7) và dụ ngôn một trong 10 đồng bạc bị thất lạc (15:8-10).
Đúng thế, người cha trong dụ ngôn người con phung phá không tự động đi tìm đứa con phung phá đáng thương này trở về là vì ông đã đích thân đi tìm từng con chiên lạc của ông và từng đồng bạc của ông bị thất lạc trước đó rồi.
Đối với riêng dụ ngôn con chiên lạc, chúng ta có thể hiểu là khởi điểm mạc khải của Lòng Thương Xót Chúa liên quan đến mầu nhiệm nhập thể. Tức là, Thiên Chúa nhập thể có thể được coi như việc Ngài "đến để tìm kiếm và cứu vớt những gì đã hư trầm" (x Lk 19:10).
Không phải hay sao, Thiên Chúa đã "tìm kiếm những gì đã hư trầm" là nhân loại lạc loài bởi hai nguyên tổ của họ nơi mầu nhiệm Nhập Thể của Con Ngài, và Ngài đã "cứu vớt những gì đã hư trầm" là loài người vướng mắc nguyên tội của mình nơi mầu nhiệm Vượt Qua của Con Ngài?
Dụ ngôn người con phung phá - người cha nhân lành là dụ ngôn tiếp nối hai dụ ngôn trước đó, rõ nhất là dụ ngôn con chiên lạc đã được tìm thấy. Dụ ngôn người con phung phá, có thể áp dụng vào trường hợp Kitô hữu, như dụ ngôn con chiên lạc có thể áp dụng vào chung nhân loại.
Khi lãnh nhận Phép Rửa, người tân tòng thật sự muốn được sống đời đời, muốn được Thiên Chúa là Cha trên trời chia gia tài Thánh Sủng cho họ. Thế nhưng, trong cuộc hành trình đức tin, có những lúc họ là thành phần con cái nhờ Phép Rửa đã phung phá gia tài Thánh Sủng này, bằng những trọng tội của họ.
Bởi thế, để có thể lấy lại gia tài Thánh Sủng vô cùng cao quí ấy, họ cần phải thật lòng thống hối ăn năn quay trở về với Người Cha vô cùng nhân hậu của mình, Đấng hằng sẵn lòng tha thứ cho họ, ngay cả khi họ chưa kịp mở miệng lên tiếng xin lỗi Ngài, Đấng, qua Bí Tích Xá Giải, sẽ chẳng những phục hồi vị thế làm con của họ, bằng y phục cùng với các thứ trang sức xứng hợp, mà còn đãi tiệc linh đình mừng họ như chết mà sống lại nữa, ở chỗ, họ tái lãnh nhận Thánh Thể Chúa Kitô.
Trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến - Tertio Millennio Adveniente, ban hành ngày 10-11-1994, ở đoạn 7, để giúp Giáo Hội long trọng dọn mừng Đại Năm Thánh 2000, Vị Giáo Hoàng Chân Phước Gioan Phaolô II đã công nhận cảm nhận về Lòng Thương Xót Chúa được thể hiện nơi mầu nhiệm nhập thể như sau:
"Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa chẳng những nói với loài người mà còn tìm kiếm họ nữa. Việc Con Thiên Chúa nhập thể chứng tỏ là Thiên Chúa đi tìm kiếm con người. Chúa Giêsu nói về việc tìm kiếm này như tìm kiếm một con chiên lạc đàn (x.Lk.15:1-7). Đó là một cuộc tìm kiếm mà khởi điểm bắt đầu từ cõi lòng của Thiên Chúa và đích điểm ở nơi việc nhập thể của Ngôi Lời. Nếu Thiên Chúa đi tìm con người, loài được dựng nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài, là vì đời đời Ngài yêu thương họ nơi Ngôi Lời, và trong Đức Kitô Ngài muốn nâng họ lên danh phận làm một người con được thừa nhận. Thế nên, Thiên Chúa đi tìm kiếm con người là sở hữu đặc biệt của Ngài bằng một đường lối không giống như các tạo vật khác. Con người là sở hữu của Thiên Chúa bởi việc yêu thương chọn lựa: Thiên Chúa tìm kiếm con người theo tấm lòng hiền phụ rung cảm của mình.
"Tại sao Thiên Chúa lại tìm kiếm con người? Là vì con người đã bỏ Ngài mà đi, ẩn mình đi như Adong đã làm trong Vườn Địa Đàng (x.Gen.3:8-10). Con người đã để cho mình bị kẻ thù của Thiên Chúa (x.Gen.3:13) làm lạc hướng. Satan đã đánh lừa con người, làm cho con người tin rằng họ cũng là một thần linh, như Thiên Chúa, họ có khả năng biết lành biết dữ, cai trị thế giới theo ý mình mà không cần phải căn cứ vào ý muốn thần linh (x.Gen.3:5). Đi tìm kiếm con người qua Con của mình như thế là Thiên Chúa muốn chinh phục con người, để họ rời bỏ những đường nẻo gian ác đã dẫn họ càng ngày càng đi sai lạc. "Làm cho họ rời bỏ" những đường nẻo này nghĩa là làm cho họ hiểu được rằng họ đang đi sai đường lạc hướng; nghĩa là chế ngự sự dữ ở bất cứ giai đoạn nào trong lịch sử loài người. Chế ngự sự dữ: đó là ý nghĩa của việc cứu chuộc. Điều này đã được thực hiện nơi việc hy sinh của Đức Kitô, nhờ đó loài người được cứu cho khỏi nợ nần tội lỗi và được hòa giải cùng Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã làm người, nhận lấy một thân xác và một linh hồn trong cung lòng một Trinh Nữ, chính vì: để trở nên một hy tế cứu độ hoàn hảo. Tôn giáo của mầu nhiệm Nhập Thể là một tôn giáo của ơn cứu thế, nhờ hiến tế của Đức Kitô, một hiến tế chiến thắng sự dữ, tội lỗi và chính sự chết. Chấp nhận cái chết trên thập giá là Đức Kitô cùng một lúc vừa tỏ bày sự sống vừa thông ban sự sống, vì Người đã sống lại và sự chết không còn làm gì được Người nữa".
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL,
Tông Đồ Chúa Tình Thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét