Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011
Những món quà thay đổi theo thời cuộc
Cha ông ta có câu “của ít lòng nhiều”, nay trong dân gian lại có câu mới “tốt lễ dễ xin”. Cùng nói về văn hóa quà tặng, mà thấy ở đó một số giá trị sống, ứng xử và đạo đức đã phần nào mất mát đi nhiều.
Những món quà bé nhỏ
Ngày xưa khi chúng tôi còn bé, nhà còn nghèo, mẹ và cô hàng xóm thường cặm cụi đan áo váy mùa đông. Ngày ấy bàn tay mẹ đến là khéo, biết móc những chiếc găng tay nhỏ xíu, rồi bít tất, khăn, mũ... Cô hàng xóm mộc mạc đan cho tôi chiếc váy dài ấm áp. Giờ nghĩ lại, đó là những món quà “của một đồng công một nén” đầu tiên tôi được nhận trên đời. Cô hàng xóm là đồng nghiệp của mẹ, thương mẹ tôi và thương tôi... Lớn rồi, lòng tôi còn nhớ mãi sự mặn nồng ấy của tình nghĩa xóm giềng trong khu tập thể ngày xưa.
Tôi lại nghe bố kể xưa kia mẹ móc tặng bố một tấm đăng ten làm vỏ gối, mà hoạ tiết là những bông hoa sáu cánh, và bố đã dùng tấm vỏ gối ấy suốt một thời. Tình yêu của bố và mẹ cũng bằng những kỷ vật “của một đồng, công một nén” ấy mà nên...
Chúng tôi lớn lên vào những năm đầu thế kỷ 21, những cô gái trẻ trung của một thế giới hiện đại nhưng mùa đông về vẫn ngồi đan tặng người thân, bạn thân, và cả người yêu những chiếc khăn len ấm. Biết rằng không đẹp bằng những khăn dệt mịn màng được bày bán khắp nơi, nhưng đó là cả trái tim gửi vào từng đường kim mũi chỉ. Chúng tôi nói với nhau rằng, trả vài trăm ngàn đồng cũng không bán những tấm khăn đó, dù có thể chỉ vài chục là đủ mua len...
Bởi làm nên tấm khăn bé nhỏ, chúng tôi ngồi cặm cụi bao lâu, trong khi ấy chúng tôi đã nghĩ ngợi, kể chuyện và nhớ lại những kỷ niệm, tưởng tượng những buồn vui và yêu mọi người thêm biết bao nhiêu, cùng cầu mong những điều rất đỗi bình yên đến với những người yêu dấu. Đó có thể nói là những phút giây giải trí trong tình yêu thương, và đem lại sự thanh thản lạ thường.
Việc đan len của chúng tôi ngày nay và của mẹ, bà tôi ngày xưa đã khác nhau rất xa về bản chất và lý do. Nhưng về giá trị của tình yêu thương trong đó thì vẫn vậy.
Và khi món quà đến tay người nhận, chúng tôi tự hào, và mong đợi rằng người ấy được vui, cảm thấy được quan tâm chân thật, và nâng niu kỷ vật “của ít lòng nhiều”...
Câu ca “của ít lòng nhiều” xuất phát từ nếp sống nghĩa tình của làng quê ta xưa, nói lên nếp thanh lịch bình dân trong văn hóa quà tặng. Nét thanh lịch gặp hàng ngày là cách cư xử làm ấm lòng người, đơn giản mà làm cho ai cũng cảm thấy mình được quan tâm, trân trọng.
Đến nay, trong giao lưu thân thiết, nơi những món quà là phương tiện thể hiện tình cảm, giá trị của câu ca “của ít lòng nhiều” hay “của một đồng, công một nén” vẫn chưa chút nhạt phai. Mỗi khi nghĩ đến những câu ca ấy, tôi tự hào rằng cách sống dịu dàng, khiêm nhường, quan tâm yêu thương nhau từ những điều bé nhỏ là nét đẹp cư xử mà ông bà đã truyền dạy từ thuở nào.
Nếp ứng xử làm gương
Thế mà nhiều người ngày nay coi chữ “quê” như một tính từ chỉ sự thô kệch, không hợp thời. Biểu hiện đáng buồn ấy nói về sự mất gốc và cái nhìn thiển cận, cho rằng những gì thuộc về làng quê đều đáng chê cười, cần phải “cải tiến”, phải được “đô thị hoá” toàn diện mới theo kịp văn minh.
Họ không hiểu rằng chính sự va đập với cơn gió đô thị hoá, bên cạnh những tiến bộ, đã mang theo nhiều cặn bụi, cuốn đi nhiều giá trị tốt đẹp trong đời sống văn hoá làng quê. Nhất là những người thanh niên sống ở quê mà lại nói chữ “quê” với cái bĩu môi dài thượt thì càng đáng mỉa mai hơn. Phố có sự khôn ngoan thanh lịch phố, người ở quê có sự thanh lịch chất phác ngàn năm.
Người ở quê xa, ra thăm người ở phố, quà cáp có gì ngoài những bắp ngô non, chùm gia vị hành tỏi, hay túi rau sạch. Người quê nghĩ phố phường bánh kẹo hoa quả không thiếu mà đồ dùng tràn ngập, chỉ có những thức tự làm từ mảnh đất làng, đơn giản ở quê nhưng lại là quý và hay nơi phố xá. Thị thành hàng họ xô bồ, không phải cái gì cũng lành và sạch. Thôi thì “của ít lòng nhiều”. Người phố đỡ lời: “Bác đi xa có mệt lắm không? Khổ, của một đồng công một nén. Lâu quá bác mới ra chơi được, thế là quý hóa lắm rồi”. Và tiếp theo là quấn quýt quan tâm, là rộn ràng thăm hỏi...
Người quê mộc mạc, khiêm tốn, hòa hợp với sự khéo léo của người hàng phố, quấn quyện nên không khí ấm cúm vô kể của những ngày sum họp, những buổi viếng thăm. Làng quê ViệtNam trăm nơi còn nghèo, hầu hết quê nhà đều lam lũ, không có điều kiện theo đòi một số “mốt” về cư xử cũng như sinh hoạt và trưng diện chốn thị thành.
Thế nhưng tình quê mộc mạc, những cách ứng xử khiêm nhường được di truyền từ rất lâu, đến nay vẫn chưa phai nhạt, giản dị mà đẹp lòng người, thanh bạch mà quý giá.
Người phố biết trân trọng nâng niu, và nếp cư xử thanh lịch ấy ghi trong đôi mắt và tâm hồn trẻ nhỏ, lớn lên những em bé trong gia đình sẽ trở thành những người sống có trước có sau, biết yêu thương và không quên nguồn cội.
Ngược lại, lối sống coi nhẹ quà tặng, coi nhẹ con người chỉ vì giá trị vật chất là biểu hiện của xu hướng hưởng thụ thực dụng, vị kỷ, dễ đi cùng những mặt xấu của xã hội. Lấy vật chất để đo mức độ cần thiết phải trọng thị, ưu ái thì tất sinh ra lối coi quà tặng quà biếu thành “lễ vật”, thành phương tiện để nhờ vả, mua chuộc với quan điểm xã hội bây giờ “tốt lễ dễ xin”.
Cha ông ta có câu “của ít lòng nhiều”, nay trong dân gian lại có câu mới “tốt lễ dễ xin”. Cùng nói về văn hóa quà tặng, mà thấy ở đó một số giá trị sống, ứng xử và đạo đức đã mất mát đi nhiều. Nhân lúc ngày đông tháng giá, nghĩ về sự ấm áp của những món quà chân thật, nghĩ nét đạo đức giản dị, mẫu mực ông cha truyền dạy có thể nào sống mãi trong đạo lý ngày nay.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét