Mỗi khi một năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, nhiều cơ quan truyền thông, báo chí có thói quen bầu chọn một nhân vật tiêu biểu cho năm vừa qua. Nếu tôi không lầm, tuần báo Time là tờ báo đầu tiên có sáng kiến này, và cũng là tờ báo thành công vào bậc nhất trong sự bình chọn nhân vật của một năm. Cứ đến gần cuối năm là dư luận lại bàn tán, đợi chờ xem Time sẽ bầu chọn ai. Dần dần nhiều báo ở nhiều nước khác nhau cũng theo gót báo Time đề cử những nhân vật tiêu biểu cho một thời điểm.
Lúc này chưa phải là cuối năm. Nhưng tháng 11 đã về, bắt đầu là Lễ Các Thánh, rồi chúng ta sẽ có cả một tháng để cầu nguyện cho Linh Hồn những người đã ra đi. Suốt tháng này Hội Thánh nhắc nhở chúng ta hiệp thông với thế giới bên kia, ở đó đã có những bậc đã ở “cõi trên” là các Thánh, cũng có rất nhiều Linh Hồn còn lận đận đợi chờ ơn Cứu Chuộc toàn vẹn, và đang mong chúng ta cầu nguyện. Tháng này có bầu khí đặc biệt của sự thành kính tưởng niệm, được dệt bằng muôn vàn mối quan hệ yêu thương, trắc ẩn. Tôi bỗng nảy ra ý kiến bắt chước các cơ quan báo chí tự chọn cho mình một người nào đó đã qua đời từ tháng các Linh Hồn năm ngoái tới nay để tưởng nhớ đặc biệt, vì người đó ra đi nhưng đã để lại cho ta một âm hưởng, một ý nghĩa sâu xa cho cuộc đời. Ðối với chúng ta thì “sự sống thay đổi chứ không mất đi”, đó lại là một lý do lớn nữa để không quên những người đã qua đời.
Kể ra trong năm qua, biết bao nhiêu người đã “ra khỏi thế gian này”. Chỉ kể mấy tháng gần đây, và trong số những người nổi tiếng, ta có thể nhớ đến Osama bin Laden, ông căm thù ai, tha thiết với cái gì để trở nên người đi khủng bố người khác, và cuối cùng phải chết vì bị người khác khủng bố theo định luật “dùng gươm sẽ chết vì gươm”. Cũng có thể nhớ đại tá Gadhafi của Lybia, hơn bốn chục năm quyền uy ngoạn mục, hy sinh bao nhiêu thứ cho một giấc mộng lớn, giàu sang, thủ đoạn để có một kết cục đẫm máu, và phút chốc mọi sự trở thành ‘công danh phù thế có ngần ấy thôi’. Hay là ta chuyển sang một cảnh vực khác của cuộc sống để tưởng niệm Steve Jobs. Kỷ nguyên điện tử làm nảy ra một thiên tài bất ngờ làm đảo lộn và tăng bội các phương tiện truyền thông. Ðã có ai mô tả hết mặt sáng, mặt tối của thế gian khi chúng ta, đặc biệt là các thế hệ trẻ, đi vào cái cảnh vực mới này và ở đó quan hệ giữa người với người, tinh thần với tinh thần đang tiềm ẩn những điều gì mệnh hệ ? Thế rồi giống như một số nhà chinh phục vĩ đại trong lịch sử, Steve Jobs cũng vắn số. Ðịnh mệnh đã cho ông cái khả năng phi thường, khiến cho ông có thể giao lưu bằng nhiều cuộc đời cộng lại, thì số phận lại như muốn thu ngắn sinh mệnh của con người đã vượt giới hạn bình thường……
Tóm lại là chả thiếu gì những gương mặt sắc nét để ta “chào buồn anh đi”….
Nhưng rồi cuối cùng tôi xin chọn một tấm Linh Hồn nhỏ bé để hương hoa tưởng niệm trong tháng 11 mầu nhiệm này. Linh Hồn này khiêm tốn lắm, cuộc đời trần thế ngắn ngủi lắm, chỉ có hai năm thôi. Có lẽ bạn đã đoán ra rồi: đó là bé Duyệt Duyệt.
Mới một tháng trước thôi, ở Phật Sơn, quận Nam Hải, tỉnh Quảng Ðông, Trung Quốc, bé Duyệt Duyệt (Wang Yue Yue) còn lẫm chẫm rong chơi giữa thế gian này, cuộc đời còn mớí tinh. Ngày 13 tháng 10 là một ngày định mệnh. Không hiểu sao Duyệt Duyệt không chơi ở nhà, lại lẫm chẫm đi ngoài phố chỗ đông đúc. Một chiếc xe tải cán cô bé, dừng lại một giây rồi chạy tiếp. Duyệt Duyệt nằm trong vũng máu giữa đường, kẻ qua người lại dửng dưng không phản ứng. Lại một chiếc xe thứ hai đi qua, cán lên chân cô bé. Tính ra 18 người đi ngang qua, không một ai lo cấp cứu. Sau cùng chỉ có một bà già nghèo, làm phu vệ sinh đường phố, bồng cháu lên hô hoán kêu cứu. Người chung quanh vẫn yên lặng làm ngơ. Bà già bồng cháu về nhà giao cho bố mẹ. Duyệt Duyệt dở sống dở chết trong bệnh viện 10 ngày rồi đi hẳn vào cõi chết.
Sự vô cảm của dân phố trước cháu bé lâm nạn đang hấp hối tự nó đã là khủng khiếp. Nhưng phản ứng sau đó lại còn tăng thêm phần hắc ám. Hàng xóm chỉ lăm le hỏi bà già làm thế thì được bao nhiêu tiền. Thật ra có một cơ quan nghe nói là chuyên xây dựng “nếp sống văn minh” đã thưởng bà 20.000 nhân dân tệ. Nhưng bà đã đưa đến bệnh viện tặng hết lại cho cháu bé. Bà khóc mà nói rằng: “Tôi sợ cầm tiền tâm mình không yên”. Hàng xóm lại hỏi: “Bà muốn nổi tiếng hay sao mà làm thế?” Bà già Trần Hiền Muội đó ngán ngẫm bỏ về quê: “Việc tôi làm là sự quá bình thường, ai ngã tôi cũng nâng dậy cả …. Làm một người tốt chẳng lẽ khó đến vậy sao?” Bây giờ mọi chuyện vỡ lở thì dân phố đều nói không thấy, không biết, không nghe. Chỉ có anh lái xe tải là trơ tráo, anh trả lời báo chí: “Nếu con bé chết, tôi chỉ phải chi trả 20.000 tệ; còn nếu nó bị thương tôi phải đền hàng trăm ngàn!”. E rằng những người từ tâm tốt bụng như bà Hiền Muội thuộc vào môt loại sinh vật sắp tuyệt chủng chăng? Với lại có chắc không rằng chỉ có xã hội Trung Quốc vô cảm, còn chúng ta thì không vô cảm? Nhiều chuyện buồn xảy ra khiến ta nghi hoặc về chính mình …..
May thay sự thể không đến nỗi tuyệt vọng quá. Nhờ có camera được lắp đặt để theo dõi sinh hoạt đường phố, những hình ảnh bi thảm về bé Duyệt Duyệt đi quanh co thế nào đã ngoi lên được các trang mạng, các trang blog, rồi lên truyền hình, báo chí, gây nên những phản ứng vũ bão trong dư luận Trung Quốc. Hàng chục triệu ý kiến phản hồi cho thấy cái chết của Duyệt Duyệt đã lay động rất nhiều lương tâm. Người ta đau đớn đặt vấn đề: “Ngày nay sao nhân tính suy đồi đến thế? Lương tâm chúng ta đâu mất rồi? Sao người với người còn lạnh lùng vô cảm hơn thú vật? Kinh tế và mức sống vật chất đi lên, sao tâm hồn lại sa đọa đồi bại quá vậy?".
Liệu những cảm xúc đó có cho phép hy vọng sự thức tỉnh lương tâm của cả một xã hội mênh mông đông đúc không? Liệu cái chết của Duyệt Duyệt có đánh dấu một khúc quanh theo chiều hướng thượng trong tâm lý của cả một tập thể, một giai đoạn lịch sử ở Trung Quốc không? Nếu có thì đó là cái phúc cho Trung Quốc và cho cả thế giới nữa. Và cô bé Duyệt Duyệt sẽ được an ủi vì cái chết của cô không vô ích. Nước Chúa bắt đầu là hạt giống nhỏ như Duyệt Duyệt có thể lớn lên thành cây cao hoa thơm trái ngọt không?
Trong Thánh Kinh có ý niệm về con chiên vô tội bị tế sát. Con chiên bị giết trong đêm dân Do Thái ra khỏi kiếp nô lệ đi về miền tự do. Còn nhiều con chiên khác cũng bị giết khi người ta tưởng niệm biến cố lạ lùng ấy. Sau này giữa cái dân giết chiên ấy có vị ngôn sứ tiên tri ngộ ra rằng chiên không chỉ là chiên, chiên còn là người, là ai đó, là người tôi tá đau khổ của Ðức Chúa Yavê: “Như con chiên bị sát tế, Người đã im lặng không nói nên lời” (Is 53,7). Gioan Tẩy Giả còn rõ ràng hơn nữa. Ông chỉ Chúa Giêsu mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa, Ðấng gánh tội trần gian” (Jn 1,29). Còn Thánh Gioan Tông Ðồ trong Tin Mừng thứ tư thì nhấn mạnh: Chúa Giêsu đã bị án tử vào lúc người Do Thái giết chiên mừng Lễ Vượt Qua. Phải đến đó thì từ con chiên bị giết trong đêm Xuất Hành xưa đến bé Duyệt Duyệt ngày nay mới thực sự được cứu vớt.
Lm. Vũ Khởi Phụng
(CongGiaoVietNam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét