Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Chuẩn bị cho ngày cánh chung của chính mình



Có một điều, hầu hết người Công giáo đều sống cách vô lý hoặc ngớ ngẩn, bởi ai cũng sợ chết, dù ai cũng nghĩ rằng: mình sống cho thật đẹp lòng Chúa, để giây phút Chúa gọi về, được Ngài đưa lên Thiên đàng hưởng hạnh phúc vĩnh cữu. Quả thật, sợ chết là bản năng của con người, đến như con vật cũng quý sự sống của nó. Ngay cả Chúa Giêsu cũng sợ chết quá đỗi (Lc.22,42-44).

Cho nên, ai cũng sợ chết cả, nhưng rất may nếu khi còn sống chúng ta biết kết hợp với Chúa Giêsu, thì ngày cánh chung Chúa đến, Ngài sẽ cho hồn xác chúng ta lên Thiên đàng - ngôi nhà vĩnh cữu. Được như thế, thì thích quá đi chứ, có gì mà phải sợ, thánh Phaolô nói:

  • "Ngày đó chúng ta không chết, mà thân xác chỉ được biến đổi mà thôi" (1Cr.15,51-53).

  • "Chết lên Thiên đàng được nghe Lời khôn tả, sống để hoạt động cho Tin mừng, cả hai cùng hạnh phúc" (2Cr.12,4; Pl.1,22).


- Chính các Tông đồ hỏi Chúa: "Ngày tận thế khi nào đến".

- Chúa chỉ trả lời: "Về Ngày ấy hay giờ ấy thì chẳng ai biết được, cả Thiên thần trên Trời, cả Con nữa, trừ phi là một mình Cha" (Mt.24,1-36).
Chúa Giêsu trả lời như thế, không phải là Ngài không biết, mà vì nếu Ngài nói chính xác ngày tận thế, thì chắc chắn con người sẽ loạn cả lên và họ chỉ nghĩ đến mình mà thôi:

  • Nếu ngay bên, thì họ sẽ lo lắng, thất vọng, vì không còn có giờ sám hối nữa.

  • Nếu còn xa, thì họ sẽ buông thả và rất ác, vì cho rằng còn nhiều thời gian để sám hối.


Về vấn đề ngày tận thế chắc chắn là có, nhưng không biết rõ là ngày nào giờ nào mà thôi. Đền thờ Giêrusalem, người Do Thái tin là nơi Thiên Chúa ngự sẽ bền vững mãi mãi, vậy mà Chúa Giêsu phán: "Ở đó, sẽ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào, bất cứ cái gì cũng sẽ bị phá tan tành" (Mt.24,2). Vào năm 70, chỉ khoảng 40 năm sau, Lời Chúa nói đã thành hiện thực, Giêrusalem bị phá tan tành. Đây là hình ảnh tiên báo ngày cánh chung của nhân loại. Như thế, người Kitô hữu phải đối diện với 2 cuộc cánh chung (theo Giáo lý Công giáo số 1021 - 1022 và 1038 - 1041):

a). Cánh chung của mỗi người hay còn gọi là cuộc phán xét riêng: chính là giờ chết của mỗi người, và:

- Ai sống vô tội, hồn được lên Thiên đàng.
- Ai còn tội nhẹ, hồn được thanh luyện trước khi về Trời.
- Kẻ sống lì trong tội, hồn bị khổ trong Hỏa ngục.
b). Cánh chung của nhân loại hay còn gọi là cuộc phán xét chung: là ngày Chúa Giêsu trở lại trần gian lần thứ II.

- Hồn người lành ở Thiên đàng và nơi Luyện tội hợp lại với xác, để cả xác hồn sống hạnh phúc trên Thiên đàng
- Hồn kẻ ác ở Hỏa ngục hợp lại với xác, để cả xác hồn muôn đời phải khổ trong Hỏa ngục.

Vì thế, mọi quyết định nằm ở cuộc phán xét riêng của mỗi người. Do đó, chúng ta phải biết chuẩn bị cho ngày cánh chung của chính mình. Chúa Giêsu đưa ra 2 điểm, giúp chúng ta chuẩn bị cho riêng mình:
1/. Hãy tỉnh thức: Chúa nói: "Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến, ngày ấy đến như kẻ trộm. Vì chính giờ phút anh em không ngờ, Con Người sẽ đến" Mt.24,42-44

- Vì thế, thánh Phaolô nói:

  • · "Hãy run sợ và gia công lo việc cứu rỗi chính mình" (Pl.2,12).

  • · "Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa" 1Cr.10,31


- Người như thế, là người luôn tỉnh thức, vì biết chia thời giờ trong ngày Chúa ban theo ý Chúa - Lc.4,40t. Cụ thể:

  • Có giờ dự Lễ - cầu nguyện.

  • Có giờ sống Lời Chúa dạy - làm chứng cho Chúa ngay trong công việc hằng ngày.

  • Có giờ đi làm kiếm tiền - phục vụ đời sống thể xác của mình và của mọi người.


- Một người:

  • · Dành hết thời giờ, để đi dự Lễ - không đúng.

  • · Dành hết thời giờ, để đọc kinh cầu nguyện - hoàn toàn sai.

  • · Dành hết thời giờ, để kiếm tiền - càng không đúng.


- Có một câu chuyện:
Cậu bé Gioan Becman đang đá banh với các bạn, Cha bề trên gọi đội banh lại và hỏi: "Nếu 1 giờ nữa tận thế đến, chúng con phải làm gì?".

Thế là, cả đội banh nhao nhao trả lời:

"Con về xin lỗi Mẹ, vì hôm nay con đi đá banh, mà chưa thuộc bài Giáo lý trong tuần".
"Xin Cha ngồi tòa giải tội cho con, vì con đã bỏ Xưng tội - Rước lễ 2 năm".
"Con vào Nhà thờ quỳ trước Mình Thánh Chúa cầu nguyện".

"... ...".

Chỉ có cậu Gioan Becman thưa với Cha bề trên: "Con cứ tiếp tục chơi banh, vì thời khóa biểu trong ngày của con: có giờ con học bài, có giờ con dự Lễ, có giờ con phụ việc nhà, có giờ ăn, giờ ngủ và bây giờ là giờ giải trí của con, nên con cứ chơi banh chờ Chúa đến".

Như thế, cậu bé Gioan Becman đúng là một người luôn tỉnh thức, lúc nào cũng chuẩn bị cho cuộc ra đi bất ngờ của mình.

2/. Trở nên người đầy tớ trung tín và khôn ngoan: Chúa nói: "Người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng lúc và phải thời" (Mt.24,45-46).

- Cụ thể, người Kitô hữu chính là người đầy tớ của Thiên Chúa, biết xác định rằng của cải Chúa ban phải dùng vào 4 mục đích:

  • Đóng góp xây dựng Hội Thánh và phát triển Tin mừng (x GLHT số 2041-2043).

  • Nuôi sống bản thân vừa đủ đảm bảo sức khỏe để phục vụ tốt, không hà tiện, không xa xỉ (x St.2,16)

  • Tạo phương tiện phục vụ đồng loại hữu hiệu nhất (x Lc.19,11t).

  • Chia sẻ cho người không có khả năng tự kiếm sống: người già yếu, bệnh tật... (x Mt.25,31-46).


- Đúng lúc và phải thời là:

  • · Khi tôi đang ốm nặng, tôi phải dồn hết tiền bạc, để lo cho sức khỏe của tôi.

  • · Hoặc nhà thờ đang xây, thì tôi phải dẹp nhu cầu riêng của tôi, để đóng góp xây dựng nhà thờ.

  • · Hoặc có một người đang hấp hối, nhưng họ quá nghèo, họ đang cần tiền mua một chai nước biển, mà nhờ đó có thể cứu sống họ, thì dù nhà thờ đang xây cần đóng góp, hay tôi đang cần đầu tư vào công việc, thì cũng phải gát lại để cứu người nghèo kia.


Người nào sống được như thế, họ là đầy tớ khôn ngoan và trung tín của Chúa.

Ngược lại, nếu họ nghĩ rằng còn lâu mới đến ngày phán xét, nên cứ ăn uống, chơi bời, phóng đãng, thì Chúa nói: "Tên đầy tớ xấu xa nghĩ bụng: 'Còn lâu chủ ta mới về', thế là hắn bắt đầu đánh đập đồng bạn và chè chén với bọn say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết và ông sẽ loại trừ hắn ra, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng" (Mt.24,48-51).

KẾT LUẬN:


Chúng ta muốn sống tỉnh thức và khôn ngoan, thì thánh Phaolô cho chúng ta một gợi ý qua lời ông khen Giáo đoàn Côrintô: "Trong Đức Kitô anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe Lời Chúa và hiểu biết Mầu nhiệm của Người. Thật thế, Lời chứng về Đức Kitô đã ăn sâu vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào. Nhờ thế, không ai có thể trách cứ anh em trong ngày Chúa đến" (BĐ1: 1Cr.1,1-9).

Rõ ràng, khi chúng ta được phong phú về Lời Chúa và thông hiệp với Con Thiên Chúa, thì chính Chúa sẽ giúp cho chúng ta biết tỉnh thức và khôn ngoan, không ai có thể trách cứ chúng ta điều gì trong ngày Chúa đến.

MỘT VÀI LỜI SUY GẪM:


Tại một nghĩa trang Công giáo, trên tấm bia một ngôi mộ có ghi:


"Những gì tôi tiêu xài hoang phí, tôi phải trả lẽ trước mặt Chúa.
Những gì tôi tích trữ như bùa hộ mệnh, tôi làm cớ cho người khác tranh giành cãi cọ.
Chỉ những gì tôi dùng đúng ý Chúa, thì mãi mãi thuộc về tôi".


Tác giả: Têrêsa 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét