"Hết lòng tôn trọng cha con, và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ họ, con đã sinh ra, làm sao con báo đền được điều họ cho con". (Hc 7, 27-28)
Tháng 11 - tháng tri ân báo hiếu. Đây là tâm tình cảm tạ của một bạn trẻ gửi người Mẹ của mình… còn sống! Nhưng nếu không còn Mẹ, thì việc “tưởng nhớ” đến Mẹ vẫn làm cho Mẹ như còn đang sống ngay bên. Hơn nữa, niềm tin Kitô giáo dạy rằng: sự sống thay đổi chứ không mất đi. Chết là chuyển trạng thái sống. Chết là sống theo một cách khác. Và thế là ta vẫn luôn “còn Mẹ” khi tưởng nhớ đến Mẹ của ta!
Con cám ơn cuộc đời đã cho con còn Mẹ:
Để mỗi sớm mai thức dậy, con còn thấy khói ấm trong nhà, cơm thơm trên bếp. Con ngồi vào bàn ăn, cùng Mẹ cảm nhận một ngày mới đang đến, cảm nhận tia nắng ban mai đang chiếu sáng ấm áp ngoài khung cửa sổ nhà mình.
Con cám ơn cuộc đời đã cho con còn Mẹ:
Để mỗi buổi tan học về, con được nhìn dáng Mẹ chờ con trên bậc cửa, con còn được Mẹ đợi chờ bên mâm cơm còn úp lồng bàn. Đã bao lần con nhắc Mẹ cứ ăn cơm trước đi nếu như con có đi học thêm ca ba mà về muộn. Song Mẹ không bao giờ ăn cơm trước. Mẹ đợi con về. Mẹ xới cho con từng bát cơm, gắp cho con từng cọng rau, miếng thịt. Mắt Mẹ nhìn con ăn thăm thẳm yêu thương.
Con cám ơn cuộc đời đã cho con còn Mẹ:
Để con biết sợ mỗi khi làm điều gì sai quấy. Con không dám nói dối vì con sợ Mẹ mất lòng tin nơi con. Con không nói được một câu hỗn hào vì con sợ trái tim Mẹ sẽ buồn mà tan thành nước. Con không dám đi chơi về muộn vì con sợ Mẹ sốt ruột lắng lo. Con không dám gục ngã vì sợ Mẹ nghĩ rằng con của Mẹ yếu mềm.
Con cám ơn cuộc đời đã cho con còn Mẹ:
Để con biết mình phải cố gắng vươn lên. Con nhớ cái lần con nhận được giấy báo vào đại học. Mắt Mẹ đã long lanh vì quá mừng vui. Nhìn vào ánh mắt ấy, con đã tự nhủ: Mẹ ơi dù phải phấn đấu đến đâu chăng nữa, chỉ cần thấy ánh mắt Mẹ vui thế kia thì con sẽ không bao giờ ngần ngại. Con nhớ Mẹ đã từng nói: đời Mẹ học hành chưa được bằng người, con phải cố học để hơn Mẹ nhé. Vâng bây giờ con đang học vì lẽ đó, Mẹ ạ.
Con cám ơn cuộc đời đã cho con còn Mẹ:
Để khi nào mỏi mệt, thấy trái tim mình trống rỗng và hoang hoải thì con vẫn có nơi để tìm về. Những năm tháng con đi học xa nhà, con đã hiểu thấu thế nào là nỗi cô đơn của một đứa con không được ở bên những người mà nó thương yêu nhất. Có nhiều lúc con cũng thấy bàn chân mình không muốn bước, thấy bao nhiêu quyết tâm của mình đi đâu mất cả. Chỉ cần trở về bên Mẹ, ăn uống cơm nhà, ngủ một giấc thật sâu trong căn phòng của Mẹ là tất cả những lo âu trong con lắng lại. Con thấy mình bình yên !
Quả thực, trái tim của mẹ là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa tặng cho con người. Thế nhưng, cuộc đời luôn hợp rồi tan. Kiếp người luôn đong đầy nước mắt của chia ly. Cho dù mẹ có yêu ta đi mấy chăng nữa, cũng sẽ có ngày mẹ bỏ lại chúng ta để đi tìm một cõi riêng. Sẽ có ngày chúng ta sẽ không còn vui sướng khi gọi hai tiếng mẹ ơi, mà là tiếng nấc nghẹn từng lời hai tiếng mẹ ơi mà thưa rằng:
'Gió đưa cây cải về trời...'
Rau răm theo bước con thời một thân!
Từ nay nẻo đường trần con bước
Chỉ một mình sau trước quạnh hiu!
Mẹ ơi, con nhớ Mẹ nhiều...
Các môn đệ Chúa Giêsu cũng từng nuốt vội những giọt nước mắt trước cái chết tức tưởi của Thầy. Lòng họ cũng từng hoang mang. Họ đã từng mang nặng tâm trạng thất vọng buông xuôi trước biến cố chia ly. Nhưng nỗi buồn đã biến thành niềm vui, khi mà Chúa đã sống lại. Ngài đã hiện ra với các ông. Chân trời mới của niềm hy vọng đã bừng sáng. Cái chết của Chúa không còn là nỗi buồn mà là niềm vui cho cả kiếp người. Con người sinh ra không phải để chết mà là để sống đời đời. Chúa Phục Sinh là câu trả lời cho kiếp người chúng ta, sinh ra để làm gì, chết rồi đi đâu?
Trên giường hấp hối, thánh Monica đã nhắn nhủ con ngài là Augustino như sau: "Mẹ chỉ xin con một điều là hãy nhớ đến mẹ khi tới bàn tiệc thánh". Có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng đã được nghe nhiều lời van xin tương tự phát ra từ môi miệng của những người thân của chúng ta, trước khi từ giã cõi đời... Nhưng xa mặt cách lòng, nhiều người trong chúng ta lãng quên những lời van xin thống thiết ấy. Cần được thương, cần được nhớ: đó là khát vọng tự nhiên của con người. Không ai muốn là một hoang đảo cô đơn. Dưới cái nhìn Ðức Tin, lời van xin kẻ khác cầu nguyện cho, còn chứng tỏ một lòng khiêm tốn, một thái độ chấp nhận cái giới hạn mỏng manh bất lực của mình.
Khi đi viếng mộ, chúng ta có dịp được đứng bên ngôi mộ những người rất thân yêu của chúng ta. Họ đã về với Chúa, với họ là niềm vui, vì được chuyển đổi từ sự sống tạm trần gian qua sự sống vĩnh cửu quê trời, được chuyển đổi nơi trần đời bi ai đầy nước mắt để tiến vào Thiên Đàng vĩnh phúc. Với chúng ta là nỗi buồn vì mất đi sự chia sẻ tình yêu thật ngọt ngào nồng ấm mà họ đã dành cho chúng ta.
Tháng 11 là tháng để cầu nguyện cho những người đã chết trong thân xác bụi trần và đang cần được thanh luyện để được vào Thiên Đàng vĩnh phúc, vì “ai nên khôn mà không dại một lần”. Ai cũng cần được thanh luyện trong tình thương của Chúa. Vì thế, trong đạo hiếu Việt Nam luôn mời gọi con cái hãy biết đền ơn đáp nghĩa mẹ cha qua những Thánh Lễ cầu nguyện cho tổ tiên, qua những hy sinh bác ái để lập công đền tội cho các tiền nhân. Nhớ đến công lao cha mẹ không chỉ bằng những giọt nước mắt nuối tiếc mà cần phải tỏ lòng hiếu thảo qua lời kinh cầu hằng đêm và qua những việc lành phúc đức chúng ta làm cho cha mẹ mới là tấm lòng hiếu thảo mà những tổ tiên đang cần nơi con cháu chúng ta.
Với tâm tình đó, chúng ta hãy năng xin Lễ, dự Lễ và rước Lễ sốt sắng để cầu cho ông bà cha mẹ và những người thân hữu đã qua đời với lòng tín thác nơi tình thương quan phòng của Chúa. Amen
(VietCatholic)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét