Thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Minh trong bài "Dạy con không trở thành 'Kẹo mút chơi bời' đã viết:
"Điều quan trọng đầu tiên bạn có thể làm để giúp giảm thái độ vô cảm của con mình là hỏi trẻ: “Con sẽ cảm thấy thế nào nếu con ở trong trường hợp như vậy?”. Và chúng ta hãy để trẻ thực hiện ngay việc đổi vai. Ví dụ: Nếu nghe thấy con mắng một đứa trẻ khác: “Việt, mày là đứa ngu ngốc nhất trên đời” thì hãy cho con bạn đóng vai là Việt để trẻ cảm nhận thế nào khi bị gọi là ngốc.
Thứ hai: cha mẹ cũng cần xem lại mình bằng cách trả lời các câu hỏi sau: gần đây có ai phàn nàn về tính vô cảm không quan tâm của mình tại gia đình hay nơi làm việc không? Ai đã phàn nàn và người đó đã nói gì? Ví dụ vợ/chồng của bạn thường trách móc: "Anh/em bận lắm hả, đến sinh nhật của con cũng nhớ...". Nếu đúng là như thế thì chính thái độ của chính bạn đã dạy cho trẻ điều đó. Vì vậy, cha mẹ và người lớn xung quanh hãy quan tâm hơn nữa đến con cái và cũng để làm gương tốt cho trẻ. Cách làm gương của cha mẹ sẽ dạy trẻ về sự nhạy cảm, cảm thông và tế nhị.
Theo một nghiên cứu tâm lý dài hơi bắt đầu vào thập niên 1950 ghi nhận rằng trẻ có những ông bố tham gia tích cực vào việc chăm sóc chúng từ nhỏ thì 30 năm sau những đứa trẻ đó sẽ trở thành người biết cảm thông hơn và nhạy cảm hơn những em khác.
Bà đưa ra câu chuyện ví dụ:
Cha mẹ: Con hãy nhìn bé gái đang khóc bên đống sách vở đang tung tóe kia. Con nghĩ xem cô bé cảm thấy thế nào?
Trẻ: Con nghĩ bạn ấy buồn và đau ạ.
Cha mẹ: Con nghĩ xem bạn ấy cần gì để cảm thấy tốt hơn?
Trẻ: Có lẽ bạn ấy cần ai đó giúp bạn nhặt đống sách vở kia ạ.
Năm nguyên tắc bà đưa ra để dạy con không trở nên vô cảm:
- Không khoan dung thái độ vô cảm
- Thường xuyên dạy con về khả năng nhận biết cảm xúc.
- Khen ngợi các hành động nhạy cảm và đề cao ảnh hưởng tích cực.
- Liên kết giữa cảm xúc và nhu cầu.
- Hãy kiềm chế thái độ xấu nếu như tính vô cảm tiếp tục."
Đó là cách dạy trẻ ứng xử. Còn chúng ta những người trưởng thành nếu muốn sống khôn ngoan, sống hạnh phúc thì cũng nên tham khảo vài điều đáng quên và đáng nhớ trên trang web của FMA:
Hãy quên đi những gì là khách sáo xã giao, ngay khi bạn vừa mới làm xong 1 việc nào đó cho người khác.
Hãy quên đi những lời ca tụng, ngợi khen quá mức dành cho bạn, ngay khi bạn vừa mới được nghe.
Hãy quên đi một lời nói xấu hay vu khống về ai đó trước khi bạn có dịp kể lại cho người khác.
Hãy quên đi cái xấu, điều tai ác, chuyện cười chê, chế nhạo dành cho bạn, dù nó xuất phát từ đâu đi nữa.
Hãy quên đi mọi âu lo bực bội với một tấm lòng đầy thứ tha và hy vọng rồi ra mọi chuyện sẽ khá hơn.
Hãy nhớ cho thật kỹ, cho thật lâu, mọi điều tử tế dù là nhỏ bé nhất mà tha nhân đã từng làm cho bạn.
Hãy nhớ một lời khen ngợi khích lệ bạn dành cho người khác sẽ được đón nhận và loan đi kể lại một cách hân hoan.
Hãy nhớ tất cả những gì mình đã đoan hứa với một ai đó và cố gắng thực hiện cho thật tốt.
Hãy nhớ cho kỹ những người đã từng giúp đỡ mình và kể như mình đã suốt đời mắc 1 món nợ ân tình nào đó.
Hãy nhớ về tất cả những niềm hạnh phúc đã dành cho bạn trong từng biến cố cuộc đời và chúng sẽ làm cho bạn thấy hạnh phúc.
10 điều nên quên và nên nhớ trên đây có một phần minh họa cho lời khuyên trong sách Khôn Ngoan. Nếu chúng tôi gặp gỡ và yêu mến Chúa thật sự thì chúng tôi sẽ để Ngài dẫn dắt chúng tôi đi trong ánh sáng.
Lạy Chúa, nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu, xin ban ơn Thần Khí của Ngài cho chúng con, để chúng con luôn sống khôn ngoan tỉnh thứcchờ ngày Con Chúa lại đến trong vinh quang. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét