Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Sự chết - mầu nhiệm tự huỷ

[caption id="attachment_3292" align="aligncenter" width="289" caption="“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”"][/caption]

Không ai muốn mình chết. Không ai muốn cho người thân yêu của mình chết sớm. Thế nhưng, điều người ta không muốn thì nó cứ đến tự nhiên, bất ngờ. Qua cái chết hình ảnh của người thân yêu chúng ta bị phai mờ dần do sự ảnh hưởng với tương quan của giác quan con người. Không dừng lại ở đây, sự chết muốn đưa con người vào một thế giới siêu việt nên cần phải thay đổi hình dạng và thay đổi bằng cách tự huỷ hoại đi. Huỷ hoại đi tới mức không còn gì nữa nơi thân xác này để có thể đột nhập vào thế giới khác, một thế giới của sự đòi phải tự huỷ nơi chính mình.

Kitô giáo có một cái nhìn tích cực về sự chết, đó là một cuộc thay đổi chứ không mất đi. Cuộc thay đổi mầu nhiệm đến nỗi người ta tưởng là bị mất đi hoàn toàn. Vì thế, phảng phất vẫn có nỗi buồn chán, thất vọng kèm theo do người ta không hiểu được tính chất mầu nhiệm của nó.

Đời sống con người thường bị giới hạn bởi cái nhìn thực tế. Cái nhìn đánh mất đi viễn tượng ngày mai và làm giảm giá trị của đức tin. Trong sự chết của người thân yêu cũng thế, chúng ta dễ dừng lại ở những giọt nước mắt tình cảm bên người quá cố. Cái nhìn thực tế sẽ không thấy được thực tại của mầu nhiệm sự chết đang dẫn đưa người ta tới đâu. Thân xác này bị huỷ hoại đi là một quy luật tất yếu của thân phận con người. Đức Giêsu cũng không thoát khỏi quy luật ấy khi phải sống trong thời gian. Nhưng “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

Sự sống con người là cái gì rất thiêng liêng cao cả, chỉ được tách rời khỏi thế giới này chứ không bị huỷ diệt hoàn toàn. Khía cạnh huỷ hoại chỉ được áp dụng cho thực tại trước mắt người ta thấy được. Điều ấy không là toàn bộ của sự chết, nhưng người ta muốn diễn tả về một cái nhìn đầy hiện sinh. Nhưng khi nói sự chết là một mầu nhiệm tự huỷ cũng hàm chứa cả điều trên thì phải hiểu rằng nó không bị giới hạn hoàn toàn vào điều ấy mà vượt lên trên và sâu xa hơn nhiều. Đôi khi chúng ta thấy nghịch lý khi bảo rằng: chết đi để được sống đời đời, “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”; “chết là một mối lợi”. Thực ra mầu nhiệm này đòi hỏi một sự từ bỏ đến độ phải chết đi thì mới được thay da đổi thịt như một việc đi qua cửa hẹp là một đòi hỏi của Đức Giêsu bắt người ta phải thu mình hết cỡ. Việc tự huỷ trong sự chết cũng như thế đó. Với cái tôi kềnh càng, những bám víu vật chất… khiến người ta trở nên khó khăn để đi trên con đường hẹp mà vào Nước Trời, cho nên không có cách nào khác để bỏ tất cả được bằng việc chết đi là đúng nhất. Tuy nhiên, niềm tin Kitô giáo không chỉ nhìn cuộc sống trên trần gian là một trở ngại, vướng víu trên hành trình về trời mà còn là một cơ hội rất đẹp nữa. Phải mượn lấy hình ảnh con kén chui ra khỏi tổ kén để biến thành con bướm xinh đẹp bay lượn trên bầu trời mà so sánh với điều này.

Cũng như thời gian có sức mạnh biến đổi tất cả thì sự tự huỷ trong cái chết cũng làm cho người ta được biến đổi theo một chiều hướng mới, chiều hướng của sự phục sinh. Chỉ trong việc chấp nhận tự huỷ mình đi như Đức Giêsu thì người ta mới đón nhận được sự sống mới, sự sống rất kỳ diệu đang chờ phía trước. Giả thiết phải đặt trong việc tự huỷ một sự tự do đích thực, bởi chính cái tự do đã làm nên ý nghĩa trọn vẹn của cái chết.

Ngoài quy luật tự nhiên ra, sự tự huỷ còn là điểm dừng chót của việc chọn lựa cá nhân trước ngưỡng cửa thế giới bên kia. Tính chất đòi buộc dứt khoát này tạo nên một sự gây cấn, quyết liệt bắt buộc người ta phải đánh đổi tất cả mọi giá trị nếu muốn chấp nhận tự huỷ. Thế nhưng dường như vẫn không thể không có một sự tiếc nuối với đời này khi người ta chuẩn bị nhắm mắt xuôi tay. Dư âm của những sự cám dỗ là tội lỗi vẫn ám ảnh người ta đến tận giây phút này làm cho sự tự huỷ thêm khó khăn. Song đây cũng là một ân huệ cho những người thành tâm trở về với Chúa khi biết nhận định, so sánh về thực tại trước và sau cái chết. Bởi thế, chính niềm tin là cái sẽ dạy cho người ta biết đối phó với mọi tình huống trong đời; biết đón nhận hay gạt bỏ những gì theo nấc thang giá trị đối với sự sống vĩnh cửu. Biết nhìn thấy những sự mầu nhiệm trong cái mất mát, cái đang bị huỷ hoại đi. Bởi chưng tiến trình hình thành một mầu nhiệm tự huỷ trong sự chết cần phải được trải qua từng bước, từng giai đoạn ngay trong thời gian rất sớm của con người tại thế. Có nghĩa là: sống để chuẩn bị chết! Ươm trồng, phát triển sự sống để rồi phải tự huỷ đi tất cả.

Miên man trong những dòng suy tư ấy như một cái gì khó dứt ra được giống như một cuộc tự huỷ vậy. Dù sao sự chết cũng là điều gắn bó, gần gũi với con người trong cái liên tưởng, trong cái nhìn thực tiễn. Hãy tập lấy đà cho một cuộc sống vĩnh cửu mai sau bằng những sự tập tành để tự huỷ mình trong cuộc sống hôm nay, để cái chết của chúng ta trở nên nhẹ nhàng thanh thản và bình an.

Lm. Bùi Trọng Khẩn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét