Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

Mùa Chay trong tình hình mới

[caption id="attachment_3398" align="aligncenter" width="442" caption="Yêu tất cả và phục vụ tất cả..."][/caption]

Đất Nước Việt nam đang có những chuyển biến mạnh và mau. Những ngày tết vừa qua cho thấy một sự phân hoá giàu nghèo rất rõ. Đạo đức cũng chuyển biến theo chủ nghĩa tiêu thụ. Một lương tâm mới đang dần dần thay thế cho lương tâm truyền thống biết sợ bất cứ sự gì là tội.

Mùa Chay đã đến trong tình hình này. Mùa Chay nhắm mục đích đón nhận ơn cứu độ. Đón nhận bằng sự thành thực sám hối và trở về đàng lành.

Với ý thức như vậy, tôi xin chia sẻ mấy việc tôi thiết nghĩ là có thể giúp nhau sống mùa Chay này một cách hữu ích.

1. Đừng vô cảm trước những mất mát coi như bình thường của xã hội và Giáo Hội.

Không gì nguy hiểm trên đường đạo đức bằng lương tâm trở nên chai đá. Thường lương tâm trở nên chai cứng không một cách đột ngột. Nhưng nó biến đổi dần dần. Bắt đầu thì chai. Nếu không sửa, nó sẽ cứng. Cứng lâu, cứng thêm, nó sẽ thành đá. Một khi đã thành đá, thì mọi lời khuyên, mọi gương sáng, mọi biến cố xảy ra trên đời sẽ rất khó lay chuyển được lương tâm. Lúc ấy việc ăn năn trở lại là vấn đề cực kỳ khó khăn.

Những kinh nghiệm như thế đã và đang xảy ra chồng chất.

Vì thế, xin hãy tỉnh thức gìn giữ lương tâm mình. Sao cho nó biết luôn nhạy cảm.

Cũng may là một số lương tâm còn biết rung động trước những đớn đau lớn và mất mát lớn xảy ra đó đây. Nhưng rất nhiều lương tâm xem ra vô cảm trước những đau đớn và mất mát coi như bình thường xảy ra xung quanh mình nơi tha nhân, trong xã hội và Giáo Hội. Xin trình bày một hiện tượng.

Dịp Tết vừa qua, tôi mới thấy rõ ở địa phương tôi có những chuyển biến đáng ngại:

- Bỏ quê đi nơi khác.
- Bỏ nghề cũ tìm nghề mới.
- Bỏ gia đình để kiếm sống.
- Bỏ nhà thờ do hoàn cảnh.
- Bỏ đạo hoàn toàn hay từng phần, vì cảm thấy không sao.

Nhiều người đau xót trước cảnh đó. Nhiều mục tử lo âu cho đoàn chiên và cho Giáo Hội. Bởi vì hiện tượng bỏ đi càng ngày càng vuột khỏi khuôn khổ lãnh đạo và lãnh thổ người mục tử. Lo âu đó là chính đáng. Đau xót đó là dấu chỉ tốt, khi nó phản ánh một đức ái sống động của người mục tử nhân lành.

Thiết tưởng hiện tượng trên đây sẽ còn gây thêm nhiều biến động, ảnh hưởng lớn đến đời sống luân lý nói chung và đời sống đức tin nói riêng.

Rất mong các lương tâm Công giáo, đặc biệt là các lương tâm mục tử giàu khả năng nhạy bén sẽ để ý đến những biến động trên đây với tinh thần trách nhiệm cao.

Cùng với hiện tượng “ra đi” trên đây, lương tâm chúng ta cũng rất cần nhạy bén trước tương quan giữa đạo ta với các tôn giáo và dân tộc tại Việt Nam ta.

2. Đừng tưởng chỉ có những tội ác lớn mới đưa xã hội và Giáo Hội đến tình trạng suy tàn, mà chính những tâm thức sai lầm được đồng thuận đã gây nên những tàn phá ghê gớm.

Mọi tín hữu Công giáo nói chung và các mục tử Công giáo nói riêng chắc còn nhớ một thời xa xưa, Công giáo ta rất tự hào. Hầu như mọi người Công giáo đều xác tín rằng: chỉ có đạo mình là duy nhất đúng, duy nhất thánh, duy nhất cứu độ. Từ cái tự hào đó đã nảy sinh ra một tâm thức xa cách các tôn giáo khác. Tâm thức đồng thuận này được gieo trồng và bảo vệ. Rồi xa cách gây nên khoảng cách. Nhiều nơi khoảng cách là môi trường dễ sinh ra xung đột.

Từ lâu nay, tại Việt Nam, những chuyện đó coi như được xếp lại thành quá khứ. Nhưng không nên chủ quan, cho rằng đạo Công giáo tại Việt Nam ta đã thực sự gần lại với các tôn giáo bạn và hội nhập vào nền văn hoá Việt Nam, đồng thời hoàn toàn gắn bó với dân tộc.

Tết vừa qua, ngày nào trên các đài truyền hình cũng đưa những hình ảnh gọi là văn hoá cổ truyền Việt Nam. Nhiều dòng người niệm hương trước các anh hùng dân tộc, trước các người thời xa xưa có công khai phá thiên nhiên và dạy nghề để dân biết làm ăn sinh sống. Nhiều đoàn đi thăm và tặng quà cho các người bệnh tật, cô đơn, nghèo túng.

Đang khi đó, đạo Công giáo nhiều nơi vẫn cố gắng làm chứng cho Đạo bằng các việc từ thiện, tham gia việc chung xã hội và siêng năng lui tới nhà thờ.

Tuy nhiên, nói chung vẫn còn nhiều khoảng cách giữa đạo ta và và các tôn giáo bạn. Thậm chí có nơi vẫn chưa hội nhập được vào nhịp sống của dân tộc một cách hồn nhiên.

Những hiện tượng đó là có thực. Nhiều lương tâm Công giáo đã nhận ra. Không thiếu các mục tử đã rất áy náy, khi được đức ái mục tử nhìn những hiện tượng đó là những vấn đề không đơn giản.

3. Còn một vấn đề khác, mà lương tâm Công giáo nói chung và lương tâm mục tử nói riêng rất cần nhạy bén, đó là vấn đề cạnh tranh thời nay.

Thời nay, nói đến cạnh tranh là nói đến cạnh tranh về kinh tế, địa vị. Hiện tượng cạnh tranh để hơn người về quyền lực do kinh tế, địa vị là một nhu cầu không thể thiếu trong nền văn minh vật chất, tiêu thụ và hưởng thụ.

Cạnh tranh một cách lành mạnh thì không nói làm gì. Nhưng cạnh tranh bằng những cách không đạo đức là điều đáng phải cảnh giác.

Tại Việt Nam hôm nay, phong trào cạnh tranh không lành mạnh cũng đang xuất hiện trong Đạo ta, trong mọi tầng lớp.

Nếu không tỉnh thức, thì sẽ hình thành hai Giáo Hội: Giáo Hội giàu của người giàu và Giáo Hội nghèo của người nghèo. Khẩu hiệu: “Phục vụ trong yêu thương” vẫn được đề cao. Nhưng trên thực tế, những áp dụng sẽ khác nhau, tuỳ theo giàu nghèo. Phần đông nghĩ rằng: người này làm thì người khác cũng làm. Rồi đâu đâu cũng làm. Nhất là khi vấn đề giàu nghèo đã trở thành bình thường: nghèo thì phải thế, giàu thì được vậy, đâu đâu cũng đối xử theo cung cách đó. Hội Thánh xem ra làm thinh.

Nhưng những lương tâm sống thực chất Phúc Âm sẽ coi đây là một nguy cơ có sức làm hại đạo Chúa một cách chính thức và một cách rất độc hại.

Những điều tôi chia sẻ trên đây là rất chân thành. Với tuổi 80, tôi có một số kinh nghiệm tư riêng, và do đó cũng có một suy nghĩ lo xa cho Giáo hội ViệtNam. Tôi tha thiết xin Chúa giàu lòng thương xót ban cho các mục tử lửa đức ái của Người. Chỉ với lửa đức ái Chúa Kitô, chúng ta mới dám cùng với Người đi vào sa mạc Mùa Chay, để được Chúa thanh tẩy. Và rồi sẽ ra đi làm chứng cho Tin Mừng bằng những từ bỏ mình, vác thánh giá mình mà theo Chúa giữa tình hình văn hoá hôm nay đầy phức tạp đối với đạo đức Phúc Âm.

Gm. G.B. Bùi Tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét