Khó mà cảm nghiệm được điều này. Thường người ta hay hiểu ngược lại.
Chúng ta thường nhìn sự mất mát đời này là một sự thiệt thòi, rủi ro. Đôi khi trong những cái mất mát nào đó, chúng ta đã nhận ra đấy lại là điều tốt đẹp, sự may mắn khi nó thay thế hay cứu vớt được những điều giá trị hơn, có khi là cả mạng sống nữa. Có câu nói quen thuộc: thà mất của hơn là mất người.
Sự chết phải được nhìn trong mối liên hệ với tất cả mọi thứ. Đúng hơn là nhìn trong tương quan với giá trị đời đời. Với cái nhìn này ta mới xác định được chết đúng là một ân ban.
Giá trị của con người được nhìn đúng mức sau khi người ấy chết. Nhờ sự chết con người được xếp vào hàng ngũ những kẻ sẽ được tuyển lựa vào số danh dự, số thần thánh. Tuy nhiên tự thân của cuộc sống con người trên trần gian đã có một giá trị nào đó, vì nguyên việc được sinh ra cũng là một đặc ân rồi.
Chúng ta dễ bị ru ngủ bởi quan niệm tôn giáo, nhưng đây không phải là thứ quan niệm mù quáng. Giờ chết chính là lúc Chúa ghé mắt nhìn. Nếu chúng ta là kẻ ngay lành, chính trực thì dễ cảm nghiệm quá, vì ân thưởng đã hiển nhiên như Lời Chúa hứa. Nếu chúng ta luôn tỉnh táo, sẵn sàng trong bổn phận của mình thì không lẽ ông chủ bỏ rơi chúng ta? Nếu chúng ta kiên nhẫn trong những thử thách thì tự thân chúng ta đã thấy mình được trưởng thành, được vững vàng rồi, huống chi lại là một ân ban của Chúa. Sự chết muốn đưa con người đạt được cái đích của mọi chuyện ở đời này thâu tóm lại trong một ân huệ lớn lao mà ý muốn của Thiên Chúa sẽ thực hiện cho họ. Nói như thế chúng ta dễ dàng lầm tưởng rằng tất cả mọi cái chết đều xảy ra như vậy. Tuy nhiên sự có thể vẫn là điều đáng tin.
Ân ban mà chúng ta nói ở đây, trước hết phải kể đến là: họ đã được ra khỏi trần gian, khỏi cái tù túng của thân xác; họ đã thắng được trong sự giao tranh quyết liệt nhờ tử thần giúp đỡ! Một cách nào đó, tử hần đã nhắc cho họ rằng: mọi giá trị trần gian chỉ là tạm bợ, rất may là ngươi đã không bị trần gian níu kéo mãi. Và nhờ đó họ được trông thấy khuôn mặt của Thiên Chúa vô hình. Kể như là đã thoả mãn. Do đấy, không có ân ban nào lớn hơn nữa. Tự hỏi rằng một niềm xác tín như vậy đã đủ để bảo đảm cho sự hạnh phúc đối với một ân ban chưa? Nếu xét theo khía cạnh tâm lý thì quả là không ổn rồi. Bởi một lúc nào đó nó sẽ muốn được thay đổi khác, thậm chí nhàm chán cả Thiên Chúa! Nhưng nếu xét theo bản chất của thụ tạo thì đây là một sự thoả mãn tràn đầy ngây ngất. Được thoát ra khỏi cái giới hạn để hưởng cái vô tận. Sự thay đổi qua tính xác thực của một giá trị tuyệt đối trao ban cho con người mà đôi khi chúng ta không dám mơ tưởng làm người ta nghĩ mình đang trong giấc mộng triền miên. Chính ân ban quá lớn lao làm người ta không nếm cảm hết một lúc được, bởi chưa một lần con người có kinh nghiệm về nó lúc còn sống. Ân ban ấy bao trùm lên kẻ chết lớn gấp bội lần tình thương của bao người đang thương khóc họ. Nó muốn diễn tả bản chất của Thiên Chúa là điều mà thụ tạo cũng khôn bao giờ dò thấu.
Có thể nói ân ban này không những nằm trong chương trình của Thiên Chúa mà còn được diễn ra giống như một quy luật “automatic” nữa! Cũng như trong chiều hướng của một ơn gọi, ân ban này đã được tiền định từ đời đời cho những kẻ mà Ngài tuyển chọn. Bởi thế, chúng ta vững lòng trông cậy phó thác cho Chúa người thân yêu của mình đã chết. Chúng ta tin tưởng vào việc Thiên Chúa kêu gọi những con người mà Ngài tuyển chọn thế nào thì chúng ta cũng tin tưởng vào tiếng gọi của sự chết sẽ diễn ra như vậy. Chúng ta đã so sánh được những sự mất mát với các giá trị tạm bợ, thì hơn thế nữa, hãy tập sống gắn bó với những giá trị cao hơn mà mình chưa đạt được ngang qua sự chết. Tất cả phải góp phần tạo ra một cái nhìn đức tin sâu xa trong những biến cố của đời thường vẫn còn tiềm ẩn trong những cái rất thực tế như sự chết.
LM: Bùi Trọng Khẩn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét