Ông là người bị chứng nghiện chợ trời rất nặng! Sáng tù mù, ông đã khoác áo giạ, xỏ ủng, đội mũ, xách giỏ đi gần nửa cây số để tay bắt mặt mừng với những người bán hàng trong sạp chợ. Thú vui của ông giản dị thế đó. Ông thích kỳ kèo trả giá, nhưng lượt nào, ông cũng tốn bộn tiền, mà chỉ tha về có khi là một túi lê chín ủng, đôi lúc cả sọt đào nhũn như con chi chi. Con cháu than phiền ầm lên là ông bị “bạn” bóc lột, bán cho của ôi, của thối. Ông chỉ cười xoà: “Tao thích ăn trái cây chín ngọt, mềm thơm! Tám mươi tám tuổi rồi, đụng phải của chua, có mà rụng răng…”. Nói xong câu khôi hài ý nhị, ông đắc chí nháy mắt với bà. Bà chỉ nguýt dài!
Thú chợ trời của ông rồi cũng bị bỏ ngang sau hôm bà bị ngã gãy tay. Họ bó bột tay bà. Hình như họ còn vặn đinh vít vào xương của bà nữa. Bà rức thốn tới óc. Suốt cuộc đời, chưa bao giờ bà biết kêu đau. Ngay cả mười ba lần sanh nở! Thế mà lần này, bà rên ra nước mắt. Bác sĩ sợ sức khoẻ của bà kém, không chịu tăng thêm lượng thuốc giảm đau. Bà điên tiết, chửi xới cả mồ mả tổ tiên thằng bác sĩ vô lương tâm. Ông phải vội vàng đưa bà về ngay và hứa sẽ tiêm thuốc cho bà. Lúc ấy, bà mới chịu im. (Chả là ngày xưa ông cũng ở trong ngành y khoa nên còn dự trữ lỉnh kỉnh đủ loại thuốc.) Bước vào nhà là ông đi ra tủ thuốc, lục lọi một hồi. Có lọ moọc phin, ông lóng cóng tiêm cho bà một mũi. Con cháu lại cười cợt với nhau rằng: “Cụ ông chích thì cụ bà tha hồ mà sướng!” Bà nghe được, định mắng chúng nó một câu ra trò, nhưng người mệt lả, chỉ nằm yên, rên rẩm khe khẽ.
Ðộ tháng sau thì tinh thần bà suy sụp thấy rõ. Cái chính là bà ít hoạt động. Ði đứng đã có ông đỡ. Ăn uống đã có con cháu đút tận miệng… Rồi sau cái tay gãy, bà sanh thêm đau thận vì ngại đi tiểu nên không chịu uống nước. Con cháu ép bà mỗi ngày phải dùng một lít trà loãng thếch và bớt ăn mặn. “Làm thế thì giết tao đi còn hơn, tao chán sống kiểu này lắm rồi!”, bà uất ức than vào quãng không. Ông chỉ biết quanh quẩn bên bà, khi đưa cái khăn cho bà lau mặt, lúc cài cái khuy sút trên áo bà.
Một sáng sớm đầu mùa Xuân, trời còn tối như giữa khuya, bà kêu ông dậy: “Tôi yếu lắm rồi, nhà ôm tôi, rồi để tôi đi!...” Ông nhẹ nâng đầu bà lên, áp vào ngực mình, cánh tay trái ôm tấm lưng gầy gò của bà, tay phải siết chặt tay bà. Hơi thở bà nhẹ như tơ, rồi ngưng hẳn. Ông cứ ngồi ôm bà cho tới khi trời sáng bạch. Lúc gọi điện thoại báo tin dữ cho con cháu, ông bình tĩnh đến độ mọi người phải rùng mình, kinh ngạc. Ông loáng thoáng nghe các con kháo nhau, sợ quá, cụ ông không nhỏ đến một giọt nước mắt! Nhưng ông chỉ cười buồn. Ðau đớn thì đau đớn lắm, ăn cơm nuốt không trôi, nhưng nước mắt chỉ nên để rơi trong lòng!
Hôm đám tang, trước khi đóng nắp áo quan, ông ra nhìn bà lần cuối. Thấy bà đầu trần, ông giật mình, bảo con gái: “Cấp tốc về nhà lấy khăn choàng cho bà, mẹ sợ lạnh, để như vậy, mẹ chúng mày không thích đâu!” Lúc đến nghĩa trang, ông hài lòng với phong cảnh quanh chỗ bà nằm lắm: Bóng cây mát mẻ, chim chóc ca hót vang lừng trên cao… “Chắc chắn nhà sẽ không thấy buồn bã cô đơn”, ông bảo bà thế.
Chôn cất bà xong, ông mệt mỏi đến tận tuỷ. Cái thú đi chợ trời không còn nữa. Ông loanh quanh trong nhà một hồi, rồi bức quá, ra ngoài hóng gió. Khu vườn bây giờ đầy sên. Trước đó, bà hay nhặt nhạnh lũ sên vẫn ưa chiếu cố vồng rau của bà. Sau này, sợ ngã, bà đành để chúng làm giặc trên lãnh thổ của mình. Ông không đành lòng nhìn sên tàn phá công trình của bà, lom khom cúi xuống, bóp chết từng con sên đang trải nhớt bạc trên những cọng cải xanh rờn. Ðến cuối luống rau, ông đụng phải bụi hoa hồng. Ông ngừng tay, ngắm nghía đứa con cưng của bà. Ủa sao thân cành hồng lại có lốm đốm những vết màu nhờn nhợt, cách khoảng nhau thật đều đặn thế này? Rồi chợt nghĩ ra, ông à lên một tiếng. Bà ghét gai hồng, đã tẩn mẩn bẻ sạch không còn cọng nào! Một cơn nhớ thương quặn lòng từ đâu chợt kéo đến, bổ chụp lấy tâm hồn ông. Ông phải bỏ thửa vườn, đi vào nhà. Nước mắt cho bà, ông vẫn khư khư giữ lại trong lòng!
Cứ ở nhà một mình mà nhìn lũ sên và những cành hồng sứt sẹo, không gai, mãi điên mất, ông quyết định mua vé máy bay, thăm con cái. Trạm chót của chuyến đi là gia đình đứa con trai Út. Vừa gặp con dâu, ông moi túi ra, đưa cho cô một đồng tiền vàng choé, một trong những đồng vàng ông ki cóp nâng niu từ bao năm nay. Ông cẩn thận dặn dò:
- Ðây là quà của mẹ cái Hĩm. Vàng hăm bốn đấy, đừng đánh mất!
- Sao bố không giữ mà lại phát cho cả làng thế này? - Dâu ông hỏi đùa.
- Bây giờ bố giữ để làm gì?
Ðứa con dâu không giả nhời, lủi thủi vào bếp hấp bầy tôm hùm vừa đem từ Boston về. Trong lúc con dâu và cháu nội vật lộn với mấy con tôm chân càng loe ngoe, ông bắt được một tờ Tạp Chí Văn Học. Thoáng nhìn cái bìa có in tên các tác giả, ông ngạc nhiên:
- A, mẹ cái Hĩm cũng viết văn đấy à?
Cô con dâu tủm tỉm cười, tiếp tục nhấn con tôm hùm quều quào đôi càng, đòi leo ra khỏi nồi hấp đương sôi sùng sục. Ông tò mò mở truyện ra đọc. Xong đoạn đầu, ông buột miệng khen con dâu tả mẹ chồng khá lắm. Ðến khúc mẹ cái Hĩm thuật lại cảnh đại gia đình xum họp sau khi người mẹ qua đời, ông vô tình lẩm nhẩm đọc thành tiếng: “… buổi tối hôm ấy, bên bàn ăn, tám anh chị em cùng ngồi ngơ ngẩn, không ai nói với ai câu nào. Cô út im lặng dọn cơm. Cô để ý tóc anh Vị dạo này bạc gần hết, đầu ai cũng thoang thoáng vài sợi trắng. Tất cả đã mất hẳn cái thói quen đùa nghịch ồn ào trong bữa cơm như thuở xưa. Trong một khoảng khắc bất ngờ, cô chợt thấy mẹ đang ngồi hớn hở giữa đàn con. Cô không khóc, nhưng nước mắt tự nhiên rơi! Chị Trâm ôm nhẹ vai em, giọng chị nghẹn ngào: “Phải chi có mẹ ngày hôm nay, em nhỉ? Cả nhà về đông đủ thì lại thiếu bóng mẹ…”.
Một giọt nước mắt, hai giọt nước mắt, rồi nhiều giọt khác liên tiếp rơi trên những dòng chữ nhạt nhoà. Nước mắt ông chẳng khác nước lũ vượt tràn qua đê, kéo sập bức tường lòng kiên cố. Ông cảm thấy nhẹ người quá đỗi!
Vừa lúc ấy, cô con dâu đã làm bếp xong. Cô ra mời ông dùng bữa. Nước mắt còn nhoè nhoẹt, ông quay qua nhìn cô, giọng ông khàn đục:
- Mẹ cái Hĩm viết cảm động lắm!
Lần này, khuôn mặt của người đàn bà rạng rỡ hẳn:
- Cám ơn bố…
Hình như nước mắt của ông là một lời khen ý nghĩa hơn tất cả những lời khen tặng nồng nhiệt nhất? Ông thấy mắt dâu ông cũng rươm rướm lệ!
Thu Thuyền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét