Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Tình dục không có tội?

[caption id="attachment_3306" align="aligncenter" width="450" caption="Như vậy có đúng không nhỉ?...!"][/caption]

Một buổi Toạ đàm với chủ đề “Tình dục không có tội” đã được tổ chức tại TP. HCM ngày 12-2-2012. Đọc bài tường thuật của báo Thanh Niên (số ra ngày 14-2-2012, tr. 9) cho đến câu cuối cùng, tôi mới thấy rõ mục đích của buổi toạ đàm và mới thực sự hết khó chịu. Câu cuối cùng đó là phát biểu của một sinh viên đại diện cử toạ trẻ, như sau: “Chúng em đến đây không phải để cổ xuý, đấu tranh đòi hỏi về quyền quan hệ tình dục (TD) và quan hệ TD trước hôn nhân. Thực tế, chúng em rất thiếu kinh nghiệm, kỹ năng trang bị về vấn đề TD nên cần sự hỗ trợ, chia sẻ, có thể tiếp cận quyền này một cách phù hợp”.

Quả thực, lúc mới nhìn vào đầu đề của bài báo, tôi tự hỏi: Có phải chăng người ta muốn cổ vũ cho tự do tình dục, như phương Tây đã chủ trương cách nay mấy chục năm với cái gọi là cuộc cách mạng tình dục vào cuối những năm 60 và đầu những năm 70 thế kỷ trước?

Cuộc cách mạng này mang tính triết học, nhân học, luân lý và xã hội, bởi thế nó có nhiều ý nghĩa khác nhau và những kết quả “đa nghĩa”. Bên cạnh những mặt tích cực, nó đã mang trong mình mầm mống của một số những yêu sách và những phủ nhận tai hại, như sự phát triển về sau đã cho thấy, chẳng hạn: phủ nhận tận gốc cơ chế gia đình; yêu sách một sự tự do TD trọn vẹn; từ chối mọi quy chuẩn (norme) đến từ quyền bính (autorité) trong bất cứ lãnh vực nào – gia đình (người cha), chính trị (nhà cầm quyền), giáo dục (ông thầy giáo) và tôn giáo (hàng giáo sĩ nói chung). Tất cả những phản kháng đó, thực tế đã xảy ra trong cuộc nổi dậy của giới trẻ ở Paris, mà về sau được gọi là biến cố tháng 5-1968 – người Pháp nói gọn lại là “Mai-68” (Mai=tháng Năm) (x. Mgr Jean Laffitte, Les effets de la révolution sexuelle, ZENIT 28-3-2010). Một khẩu hiệu được viết lên tường ở các trường đại học thời ấy là: Cấm không được cấm (Il est interdit d’interdire).

Tôi đã “nghi ngờ” khi nhìn thấy đầu đề “Tình dục không có tội”, lại càng thêm ngờ vực khi đọc tiếp mấy câu mở đầu như sau: “Tình dục là một điều hết sức bình thường, như cơm ăn nước uống, nhưng chả ai dạy do nhận thức, ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, coi chuyện đó là bậy bạ nên nhiều người thường lảng tránh”. Đây là ý kiến của bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Viện trưởng Viện khoa học Giáo dục ViệtNam (thuộc Bộ GD-ĐT).

Phần đầu của câu này có thể gây sốc thực sự. Mà quả quyết như thế cũng không đúng lắm! Tình dục không thể đặt hoàn toàn ngang với nhu cầu ăn uống để được coi là “hết sức bình thường” như ăn với uống. Nó là bình thường theo nghĩa nó nằm trong bản tính con người, đó là bản năng do thiên nhiên phú bẩm, nhưng nó vẫn có những điểm khác với nhu cầu ăn uống, đơn giản là không ăn không uống thì chết, không sử dụng tình dục thì không chết; một đàng liên quan đến lợi ích của nòi giống, một đàng liên quan trực tiếp đến sự sống còn của mỗi người. Vì thế, đưa trẻ sinh ra đã biết bú ngay (y như con gà vừa nở ra đã biết mổ ăn).

Nhưng “ngụ ý” của phần thứ hai trong phát biểu của bà Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục là đúng. Như ăn uống phải được “giáo dục” thì tình dục cũng vậy. Học ăn, học nói, học gói học mở. Nơi con vật thì các bản năng hoạt động cách “tự nhiên”, nơi con người có trí khôn, không còn bản năng nào là “thuần tuý” nữa, mà đã được “nhân hoá”. Nên chỉ con người mới có văn hoá. Vậy không nên “lảng tránh” vấn đề tình dục vì cho rằng nó là chuyện xấu xa.

Nhìn nhận như thế rồi, thiết nghĩ ta cũng nên lưu ý thêm rằng xưa cũng như nay, ở Việt Nam ta cũng như nơi các dân tộc khác, chuyện tình dục vẫn được coi như chuyện riêng tư, kín đáo, “tế nhị” và được xã hội bảo vệ một cách nào đó, chứ không hoàn toàn như chuyện ăn uống.

Thật rất đúng khi cuộc toạ đàm đặt tình dục vào trong văn hoá và trong pháp luật. Những ai chủ trương hay “mơ màng” một sự tự do tình dục hoàn toàn nên nghe ý kiến sau đây của bác sĩ Lê Công Minh – Bệnh viện Tâm thần T.Ư. 2 tại buổi Toạ đàm: “Hằng ngày, chúng tôi tiếp cận những nữ thân chủ bị bạo hành từ chính người chồng, họ phải chịu đựng những di chứng lâu dài, (hoặc) gia đình tan nát vì trót quan hệ TD trước hôn nhân. Thực tế [nghĩa là cho dù người ta cứ việc lớn tiếng bênh vực việc “quan hệ” trước hôn nhân], ngay cả những anh trí thức cũng khó chấp nhận điều này, gây ra nhiều vụ bạo hành. Nếu cổ xuý quá cho quyền TD mà không tính đến yếu tố văn hoá thì cũng khó”.

Quyền TD là gì? Bác sĩ Trương Trọng Hoàng - giảng viên trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tóm tắt: “Đó là quyền được tự chủ về TD, quyền được tiếp cận thông tin và cả quyền từ chối TD”. Bác sĩ Hoàng dí dỏm: “Tôi đọc trên mạng Internet mấy câu thế này: Bây giờ mận mới hỏi đào – Vườn hồng đã có ai vào hay chưa? Mận hỏi thì đào xin thưa - Vườn hồng đã có từa lưa người vào. Liệu một người phụ nữ nói vậy thì có phù hợp với văn hoá ViệtNam hay không? Giáo dục giới tính rất rộng, rất đa dạng với mục đích là làm cho các em ứng xử phù hợp hoàn cảnh văn hoá và xã hội”.

Và những ai cổ vũ cho tự do TD hoàn toàn cũng nên nhìn vào số liệu mà tờ báo đóng khung lại trong bài tường thuật: “Theo số liệu năm 2011 của Tổng cục Thống kê và UNICEF về tỷ lệ sinh con của vị thành niên ở Việt Nam là 4,6%, cao hơn nhiều so với các nước châu Á khác. Cùng với mang thai ngoài ý muốn, tỷ lệ phá thai ở vị thành niên cũng rất cao, chiếm khoảng 20% trong tổng số các ca nạo phá thai ở Việt Nam”.

Đó là một thực trạng đáng lo! Nhưng cũng đáng buồn là trước thực trạng đó, các nhà giáo dục và những người có trách nhiệm khác trong xã hội hầu như chỉ muốn đối phó bằng cách nhấn mạnh vào “tình dục an toàn”, nghĩa là đặt nặng vấn đề “kỹ năng kỹ thuật” hơn là cung cấp một nền giáo dục toàn diện, trong đó bao gồm cả những khía cạnh nhân học, xã hội, văn hoá, đạo đức và luật pháp.

Lm. Nguyễn Hồng Giáo, ofm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét