Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2012

Thánh Giuse, con đường nên Thánh

[caption id="attachment_3536" align="aligncenter" width="432" caption="“Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simon và Giuđa sao?” (Mt 13,54 -55)"][/caption]

Công đồng Vatican II dạy: “Mọi Kitô hữu, dù ở địa vị nào, bậc sống nào, đều được Chúa kêu gọi đạt tới sự trọn lành thánh thiện như Chúa Cha trọn lành, tuỳ theo con đường của mỗi người” (GH 11§3). Nên thánh theo con đường của Thánh Giuse, một con đường cho nhiều người.

Dấn thân trong nghề nghiệp

Nên thánh trong chức nghiệp là một yếu tố quan trọng để xây dựng hoà bình trên trái đất. Có thể chúng ta rất ngạc nhiên về điều này, nhưng chính việc ý thức nên thánh trong chức nghiệp mà mỗi người theo bổn phận mình sẽ làm tăng trưởng phẩm giá con người và phát triển hài hoà với tự nhiên.

Đi vào cụ thể hơn, chúng ta nghe, người đồng thời nói về Thánh Giuse rất trìu mến: “bác thợ mộc”. Một tên gọi rất thường nhưng lại bao hàm lòng yêu mến con người thợ mộc ấy. Dĩ nhiên, phải có điều gì đó nơi người thợ mộc kia đã gây được thiện cảm và lòng trìu mến của nhiều người. Ngày nay, chúng ta thử nhìn, có bao nhiêu người chức nọ, chức kia, có học vị, địa vị, giàu có; nhưng khi nói về họ, nhiều người rủa thầm: tên này, tên nọ, thằng này, thằng kia, tay này, tay nọ... Chẳng thấy trong câu nói có một chút trìu mến hay đáng trọng nào. Để được tôn trọng, trước tiên người đó cần có lòng tự trọng. Công việc mỗi ngày bộc lộ tính tự trọng trong đó, người có lòng tự trọng sẽ làm công việc cẩn thận, có trách nhiệm, liêm khiết, công bằng, hợp tác, thân tình...

Vì chủ đích kiếm tiền, công việc của mỗi người trở nên nặng nhọc, gánh nặng và có khi gian dối, lường gạt. Trong phim “Thương đạo”, Mãn Thương lấy triết lý: “Kinh doanh vì tìm kiếm con người” là chủ đạo, nên sẵn sàng hy sinh vật chất của cải để cứu con người. Kinh doanh đi đôi với lòng nhân từ. Bài học này để đạt được đã trả giá rất nhiều khó khăn, nhưng nó lại là bài học thành công trong việc kinh doanh, gầy dựng luật cơ bản trong “Đạo đức Kinh doanh”. Bang chủ Mãn Thương nói sau lần thất bại nhân sâm: “Ta chẳng sợ bản thân bị phá sản, nhưng không nỡ thấy những người gắn bó với ta bao năm không có cơm ăn áo mặc”.
Nên thánh trong công việc, đó là thực hành đời sống nghề nghiệp của mình cách tận tuỵ và quảng đại, chuyên môn và hiểu biết. Công việc làm trở nên như của lễ, làm việc như cách cử hành trân trọng, và kết quả của công việc như một ân ban. Thánh Giuse nên thánh trong nghề nghiệp của mình và cũng là Thánh bổn mạng của những người lao động.

Người cha trong gia đình

Vai trò người cha trong xã hội truyền thống công nghiệp xưa kia, người cha là người lao động trực tiếp nuôi sống gia đình; người mẹ ở nhà lo chăm sóc gia đình, giáo dục con cái. Hoàn cảnh gia đình nông nghiệp xưa, vừa trồng trọt vừa chăn nuôi, cả gia đình đều chia sẻ công việc chung, việc giáo dục và dưỡng nuôi đều do cha mẹ góp công góp sức.Thánh Giuse cộng tác với Đức Maria để xây dựng gia đình Thánh Gia mà chúng thấy qua các sự kiện: Đón nhận Đức Maria về nhà - Đưa Đức Maria về quê quán khai sổ bộ - tìm nhà trọ - sinh hạ Chúa - sang Ai Cập - trở về Nazareth - dâng con trong Đền thờ - đi tìm con khi lạc mất... Một chuỗi các sự kiện như bao nhiêu gia đình khác, đầy những khó khăn. Chu toàn bổn phận gia đình cũng là một ơn gọi nên thánh cơ bản của nhiều người.

Thánh Giuse là “bác thợ mộc”, theo truyền thống của gia đình người Do Thái, người cha có bổn phận dạy cho con mình một nghề để sinh sống, chắc chắn Chúa Giêsu cũng thọ giáo nghề nghiệp từ nơi cha mình. Ngày nay, cha mẹ lo cho các con ăn học rất vất vả mới chu toàn được một phần tại học đường. Một trường học khác tại gia, cha mẹ làm gương, dạy con đường nhân đức, huấn luyện con nên người thánh. Một nhiệm vụ trọng đại và cũng là triều thiên vinh quang của cha mẹ.

Ngày nay, một số người cho rằng không cần người cha trong gia đình để thụ thai, sinh con, chăm sóc, giáo dục những đứa con. Vì thấy trong cuộc sống vợ chồng có quá nhiều khó khăn, bất đồng, chia rẽ, hoặc theo lối sống đồng tính. Theo Bác sĩ Robert Moradi, “trẻ con được người cha góp phần săn sóc ít trở thành bạo động hơn; có chỉ số thông minh cao hơn, biết tự kiềm chế hơn, thích ứng xã hội tốt hơn, tất cả mọi yếu tố về sức khoẻ tâm thần đều tốt hơn”. Một xã hội bạo lực nhiều hơn cho thấy những giá trị cơ bản gia đình đang mất đi. Cứu lấy gia đình bằng ơn gọi hôn nhân là cứu xã hội, cứu thế giới khỏi những bạo loạn.

Một người con như Chúa Giêsu mà có lần người ta cũng thắc mắc: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giôxếp, Simon và Giuđa sao?” (Mt 13,54 -55). Một phần theo lẽ tự nhiên, Chúa Giêsu cũng hấp thụ nơi người cha mình những điều tốt đẹp và thụ hưởng những đức tính tốt lành.

Là một người cha tốt lành, người mẹ nhân ái, đó là con đường nên thánh cho ơn gọi hôn nhân. Người ta nói “thứ nhất tu nhà, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”, con đường “tu nhà” là con đường cho nhiều người và cũng là điều cơ bản để có những người con trưởng thành ở đời và là mầm mống cho ơn gọi thánh hiến. Không có thánh nhân tại gia thì cũng khó có những thánh nhân ở đời.

Vâng phục để thánh ý Chúa nên trọn


Không quan trọng mình là ai, địa vị nào trong xã hội, làm việc cao quý hay tầm thường. Trước mặt Thiên Chúa, mọi địa vị và công việc đều có giá trị. Điều quan trọng là hãy thực thi thánh ý Chúa, đáp lại tiếng Ngài mời gọi trong cuộc sống. Địa vị và công việc lao động chân tay của Thánh Giuse chỉ ở mức tầm thường; thế nhưng, ngài vẫn có khả năng biến đổi nó trở thành phi thường. Cái phi thường ở trong cái tầm thường của mỗi con người là một viên ngọc quý tiềm ẩn, giống như dụ ngôn người đi tìm ngọc quý, tìm được anh về bán tất cả của cải để tậu được thửa ruộng có viên ngọc quý ấy. Người ta thường nói: “Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài, cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi!”. Con người trau dồi và rèn luyện nơi mình nhân đức, học hỏi là tự thân; thế nhưng còn cần nhờ đến người khác bồi bổ, hướng dẫn, nâng đỡ, khích lệ... đặc biệt rập khuôn đời mình trong thánh ý Chúa. Những nỗ lực đó đang từng ngày biến đổi cái tầm thường trở nên phi thường. Thánh Giuse là bậc thầy dạy con người sống an vui và nên thánh trong địa vị mình. Hãy đến cùng Giuse!

Thánh Giuse mẫu gương cho mọi người nên thánh trong cuộc sống này. Trên đường nên thánh đó, Thánh Giuse cũng là thầy dạy về các nhân đức để thu phục nhân tâm, biến đổi cái tầm thường trở nên phi thường và sống niềm vui trong cuộc sống.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét