Tôi chợt nhớ đến một thông điệp dựa trên Mt 8,5-13 nói về viên sĩ quan tin Chúa Giêsu sẽ thực hiện lời cầu xin của ông ngay cả trước khi ông nhìn thấy bằng chứng rõ ràng chứng tỏ lời cầu xin của ông được đáp trả.
Có thể bạn nghĩ những bậc tu hành lão luyện trong việc cầu nguyện và luôn cầu nguyện bằng cả lòng tin. Thực tế là hầu hết mọi tín hữu, bao gồm cả những bậc tu hành, đều nhận thấy khi cầu nguyện mình đã không hoàn toàn tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ đáp trả từng lời cầu nguyện theo kế hoạch của Ngài. Tất cả chúng ta đều làm không tốt. Luôn luôn cầu nguyện bằng lòng tin là một điều rất khó. Thân xác chúng ta chống lại điều ấy. Những hoàn cảnh của chúng ta luôn hiện diện trước mắt chúng ta, hét to vào mặt chúng ta và kêu mời sự bi quan bước vào. Trong khi đó, Thiên Chúa đầy yêu thương của chúng ta lại nói với con cái Ngài bằng một một giọng nhỏ nhẹ thì thầm. Giá như chúng ta có thể ở trong nơi thinh lặng cùng với Ngài và tìm sự nghỉ ngơi. Và rồi một cuộc sống cầu nguyện đầy lòng tin sẽ nảy nở nơi tâm hồn chúng ta với sự can đảm và mạnh mẽ.
D.L. Moody nói rằng chúng ta, những người tín hữu, chính là “những chiếc bình có lỗ thủng”. Thay vì sống mỗi ngày tràn đầy lòng tin vào những lời hứa của Thiên Chúa, đôi khi chúng ta lại cầu nguyện máy móc, không hết lòng và với lòng tin ít ỏi. Ai sẽ cứu chúng ta khỏi những lời cầu nguyện thiếu chân thành ấy? Chúng ta hãy tha thiết xin Chúa đong đầy Thánh Thần và sức mạnh cho chúng ta mỗi ngày. Chỉ có Chúa mới có thể ban cho chúng ta một cuộc sống cầu nguyện đầy lòng tin. Chúa Giêsu đã nói: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái của mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,13). Tương tự như chúng ta cần đến Thánh giá của Đấng Cứu Thế để được cứu độ, chúng ta cũng cần sức mạnh của Thánh Thần cho một đời sống cầu nguyện hiệu quả.
Tôi chợt nhận ra một điều về đời sống cầu nguyện của bản thân. Niềm tin của tôi thể hiện nơi những lời cầu nguyện thường không mạnh mẽ như niềm tin của tôi vào thiên đàng. Tôi biết chắc rằng thiên đàng chính là ngôi nhà vĩnh cửu của tôi bởi vì Chúa đã hứa như thế. Hoàn toàn không nghi ngờ gì về điều ấy. Đó chính là một thoả thuận đã hoàn tất. Đức Kitô đã hoàn tất nó trên thập giá và Ngài đã sống lại. Tôi sống mỗi ngày bằng một sự tin tưởng mạnh mẽ rằng tâm hồn tôi thuộc về thế giới vĩnh hằng. Tôi vẫn chưa được nhìn thấy thiên đàng, nhưng tôi tin nó trước khi nhìn thấy nó bởi vì Thiên Chúa đã nói như thế! Hãy tưởng tượng bạn và tôi cũng có được lòng tin chắc chắn như thế mỗi khi chúng ta cầu nguyện về những khó khăn trong ngày.
Khi phải tin tưởng vào Chúa về những gì thuộc về thế gian này, tôi thường nhận thấy bản thân không cầu nguyện với lòng tin tuyệt đối. Tôi thường hài lòng với việc đơn thuần dâng lời cầu xin lên Chúa mà không tự hỏi bản thân trước tiên liệu tôi có tin chắc Chúa sẽ ban cho tôi không. Một cách để có được sự bảo đảm ấy chính là thêm một điều kiện trong Kinh Thánh - “nếu điều ấy hợp ý Chúa”. Chúa Giêsu đã cầu nguyện như thế với Cha của Ngài trong Vườn Cây Dầu, và điều ấy tôn vinh Chúa khi con cái Ngài cũng cầu nguyện như thế ngày hôm nay.
Một ngày nọ, một người “phong hủi” tìm đến Chúa Giêsu. “Vừa thấy Người, anh liền sắp mặt xuống, xin Người rằng: ‘Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch’. Và ngay lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh” (Lc 5,12-13). Đó là câu chuyện về một người tin tưởng bằng một sự đoan chắc tuyệt đối rằng Chúa Giêsu sẽ chữa lành cho anh nếu Ngài muốn. Đó chính là lời cầu nguyện của một người có lòng tin chắc chắn, và đồng thời khiêm tốn xác định rằng Chúa Giêsu chỉ làm những gì hợp với ý định của Ngài. Quả là một cách tuyệt vời để đến gần với Chúa trong lời cầu nguyện!
Khi cầu nguyện cho một người bạn hoặc một người thân yêu đón nhận ơn cứu độ, chúng ta không cần phải thêm “nếu đó là ý định của Ngài”. Chúng ta đã biết ý định của Ngài về điều ấy. “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Có những điều khác chúng ta cầu nguyện và không chắc đó có phải là điều Chúa muốn chúng ta làm hay không. Dù như thế, việc cầu nguyện bằng lòng tin rất quan trọng. “Mà không có đức tin, thì không thể làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người” (Dt 11,6).
Khi bạn và tôi dâng lời nguyện xin lên Thiên Chúa, chúng ta có thể chắc chắn 100% rằng Ngài sẽ đáp trả theo như kế hoạch của Ngài. Đối với Thiên Chúa, việc chúng ta cầu nguyện bằng lòng tin mạnh mẽ rất quan trọng. Điều này đòi hỏi một sự tập trung và một sự dũng cảm chịu đựng nơi tâm hồn và tinh thần vượt xa hẳn những lời nói ra từ cửa miệng dâng lên Chúa. Lòng tin chính là tin vào những gì tôi cầu nguyện. Để có được lòng tin mạnh mẽ, tôi cần phải dựa vào Lời Chúa và những lời hứa của Ngài. John Hull đã nói: “Nếu tất cả mọi lời cầu nguyện đều được đáp trả trong một đêm, chúng ta đã không được gọi là những người có lòng tin”.
Tôi tin tưởng Chúa sẽ đáp trả lời cầu nguyện của tôi, hay tôi chỉ hy vọng Ngài sẽ đáp trả? Nếu tôi thật sự tin tưởng Ngài sẽ đáp trả, như thế, tôi cần dành thời gian để tạ ơn Ngài đã đáp trả những gì hợp với ý Ngài. Tôi cần tin rằng lời đáp trả của Chúa sẽ đến trong thời gian hoàn hảo của Ngài. Những lời cầu nguyện tạ ơn trong suốt những tuần và những tháng sau những lời cầu nguyện chính là tin một cách mạnh mẽ và can đảm và không lùi bước trước hoài nghi. Sự tin tưởng thể hiện qua sự tiếp tục biết ơn khi chờ đợi câu trả lời hợp với kế hoạch của Chúa. Cách duy nhất để có được lòng tin như thế chính là tin Chúa thực hiện lời Ngài hứa trong mọi hoàn cảnh, nơi cuộc sống đời này và cuộc sống vĩnh cửu. Oswalk Sanders đã nói: “Lòng tin không đòi hỏi sự xác nhận bên ngoài, nhưng tin vào Chúa mặc cho những gì diễn ra bên ngoài”.
“Lý do khiến chúng ta mạnh dạn trước mặt Thiên Chúa, đó là: Người nhậm lời chúng ta, khi chúng ta xin điều gì hợp ý Người. Nếu chúng ta biết rằng Người nhậm mọi lời chúng ta cầu xin, thì chúng ta cũng biết rằng chúng ta sẽ có được những gì chúng ta đã cầu xin Người” (1 Ga 5,14.15). Lời của Chuá không nói chúng ta “hy vọng” chúng ta sẽ có được. Lời Chúa nói chúng ta “biết” rằng chúng ta sẽ có được và câu trả lời sẽ được nhìn thấy trong thời gian hoàn hảo của Người. “Đức tin là bảo đảm cho những gì chúng ta hy vọng, là bằng chứng cho những gì ta không thấy” (Dt 11,1).
Một trong những thể hiện của lòng tin nơi cuộc sống của một tín hữu chính là không tiếp tục cầu xin được cứu độ; vì người ấy biết mình đã được cứu. Người ấy đặt tất cả sự tin cậy nơi những gì Đức Kitô đã thực hiện nơi thập giá và trong máu đã đổ ra vì tội lỗi của con người. Niềm tin tưởng này dựa vào bản chất khách quan của thập giá và của những lời hứa của Thiên Chúa. Sự bảo đảm này không phải dựa vào những cảm nhận, nhưng đến trực tiếp từ điều cụ thể và đáng tin cậy. Sự tin tưởng tương tự như thế cũng được đong đầy tâm hồn chúng ta khi chúng ta cầu nguyện.
Bạn có tạ ơn Chúa vì Ngài đã đáp trả lời cầu xin của bạn ngay cả khi bạn vẫn chưa nhìn thấy những kết quả rõ ràng không? Hay bạn tiếp tục cầu xin Chúa ban nó cho bạn và lo lắng liệu lời đáp trả có đến không? Tôi cũng đã lo lắng như thế trước khi tôi nên vững tin, tạ ơn và đoan chắc. Không có ý nghĩa gì khi lo lắng. Chẳng phải Thiên Chúa trung tín đáp trả những gì hợp ý Người sao? Dễ dàng hơn rất nhiều khi bước đi vì đã được nhìn thấy thay vì bước đi bằng lòng tin, nhưng đó không phải là cách thức làm vui lòng hoặc tôn vinh Thiên Chúa. Nghi ngờ Chúa chính là bất kính đối với Ngài.
Làm thế nào một người có được lòng tin mạnh mẽ? Chỉ có một phương cách duy nhất. Dựa vào những lời hứa của Chúa. Dựa vào công trình đã được hoàn tất của Đức Kitô tại đồi Canvê. Dựa vào những gì bạn biết khi bạn tin tưởng Thiên Chúa sẽ hành động trong tương lai. “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Khi chúng ta đứng vững trong đức tin, chúng ta không được tin những cảm nhận của chúng ta. Chúng sẽ đánh lừa chúng ta mọi lúc. Như Jennifer Rothschild đã nói: “Đừng cúi đầu trước những cảm nhận của bạn. Nhưng hãy để nó phải cúi đầu trước Thiên Chúa của bạn”.
Chúa Giêsu đã nói: “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11,24). Nói cách khác, tin trước khi nhìn thấy và trước khi nhận lãnh. Nếu tôi không có được lòng tin ngày hôm nay để có thể “dời một ngọn núi”, thì ít ra tôi cũng có lòng tin để “dời một hòn sỏi”. Nếu tôi chỉ tin khi nhìn thấy, như thế tôi không nên cầu nguyện. Tôi nên cầu nguyện khi tôi thật tin rằng Chúa sẽ ban những gì tôi cầu xin hợp với ý của Người. Nếu không chỉ là những lời trống rỗng.
Những lời đáp trả của Thiên Chúa không dựa vào số lượng lời cầu xin, nhưng dựa vào chất lượng của lòng tin. Lòng tin yếu kém bị vậy quanh bởi sự hoài nghi. Lòng tin mạnh mẽ dựa vào Lời Chúa và đủ can đảm để tin rằng Chúa sẽ làm những gì Ngài đã nói Ngài sẽ làm. Tôi không thể tự mình có được lòng tin mạnh mẽ, nhưng Chúa sẽ ban cho tôi nếu tôi đặt sự tin tưởng tuyệt đối nơi Lời Ngài. Chỉ khi như thế, tôi mới trải nghiệm được lòng tin để chuyển núi dời non. Thiên Chúa chính là Đấng duy nhất có thể chuyển núi dời non. Chúng ta có thể tin cậy nơi Ngài mọi lúc.
Bạn và tôi là những người được Chúa ban cho ý chí tự do để chọn lựa bước đi bằng lòng tin hay sống nhờ được nhìn thấy. Thiên Chúa kêu mời tất cả con cái Ngài tin trước khi chúng ta được nhìn thấy. Những lời đáp trả của Ngài cho những lời cầu nguyện đầy lòng tin của chúng ta mang đến cho Ngài vinh quang, danh dự và niềm vui. Ngài thích ban cho con cái của Ngài những gì họ cầu xin hợp ý Người. Thiên Chúa mà chúng ta phụng sự thật cao cả! Và quả là một ân huệ lớn lao dành cho chúng ta khi chúng ta có thể mang tất cả mọi thứ đến với Ngài trong lời cầu nguyện! Charles Spurgeon tóm tắt rất hay: “Tôi tin rằng những người tín hữu hạnh phúc nhất và đích thực nhất chính là những người không bao giờ dám nghi ngờ Chúa”.
Nghi Ân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét