Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Bệnh viện và toà giải tội

[caption id="attachment_3091" align="aligncenter" width="378" caption="“Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà”"][/caption]

(Suy niệm Lời Chúa CN 7 TN B, 2012)


Thiên Chúa đã nói với dân Người qua miệng Ngôn Sứ Isaia: Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan” (Is 43,20) và chính Ta đây, chính vì Ta mà Ta xoá bỏ sự gian ác của ngươi, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của ngươi nữa” (Is 43,25).

Và hôm nay, Ngài nói nơi Người Con Chí Ái: Con Người có quyền tha tội duới đất” (Mc 2,10).

Thánh Phaolô lại xác quyết cho chúng ta tính chắc chắn của Lời Chúa Giêsu: Người không phải vừa “Có” lại vừa “Không”, trái lại, nơi Người chỉ là “Có” mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành “Có” ở nơi Người. Vì thế, nhờ Người mà chúng tôi hô lên lời “Amen” tôn vinh Thiên Chúa” (2 Cr 1,19-21).

Như vậy, Lời Chúa hôm nay nhắm đến một định tín quan trọng trong đời người tín hữu: “Chúa Giêsu có quyền tha tội dưới đất” (Mc 2,10).

Khi người ta dỡ mái nhà, thòng xuống nơi Chúa Giêsu một người bại liệt cần cấp cứu, các luật sĩ tưởng rằng Chúa sẽ làm một phép lạ cho người này đứng dậy mà đi ngay để chứng minh quyền năng Thiên Chúa. Nhưng không, Chúa Giêsu bảo: Tội con đã được tha” (Mc 2,5). Như vậy, quyền năng của Thiên Chúa trước tiên là lòng thương xót, khoan dung và tha thứ. Các Luật sĩ cho là Chúa Giêsu phạm thượng vì họ không công nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Vì thế, Chúa đã bảo người bại liệt: Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà” (Mc 2, 11).

Trong hành trình một đời người, từ lúc sinh ra đến lúc xuôi tay nhắm mắt, phần xác đủ thứ bệnh, phần hồn đủ thứ tội.

Thế nhưng,

- Bệnh phần xác, thì người ta hối hả tìm thầy chạy thuốc - giữa đêm khuya, trong mưa bão hay bất kỳ khó khăn nào cũng phải vượt qua, hay “còn nước, còn tát”.

Bệnh phần hồn, lại thong thả, lần lựa, hẳng hay, chần chừ, do dự…

- Những chuyến xe cấp cứu, tiếng còi hụ toáng lên, được chạy với quyền ưu tiên giữa phố đông người.

Những lời mời gọi đến với toà cáo giải, bỗng như tiếng hạc lạc lõng trong sa mạc hoang vu.

- Bệnh viện nào cũng đông nghẹt người, chen lấn từ chỗ đăng ký khám bệnh đến chen lấn ngay trên giường bệnh 2-3 người.

Toà giải tội thì lưa thưa hoặc vắng tanh. Có vị linh mục già, thánh thiện đợi chờ tội nhân - chờ đến hồi ngủ gục, gục trên những mạng nhện chằng chịt lâu đời.

Ngày mới xưng tội rước lễ lần đầu, sốt sắng rước lễ mỗi ngày, nóng lòng đi xưng tội có khi hằng tuần hằng tháng… rồi sau đó, lớn lên, có còn giữ được lòng sốt sắng đó không? Hay là mất cảm thức về tội, không biết linh hồn mình đang bệnh hoạn nặng nề là dường nào.

Ai còn giữ được lòng sốt sắng khát khao rước Thánh Thể Chúa, sốt sắng nóng lòng đến với toà giải tội nhận Bí tích Giao Hoà, ấy là dấu chỉ của người biết chăm lo cho đời sống phần hồn của mình được khoẻ mạnh, sung mãn.

Nhưng, chắc hẳn trong chúng ta đã từng gặp những câu hỏi và trả lời thế này, hoặc tương tự thế này:

- “Con đã xưng tội chưa?”

- “Dạ chưa. Đông quá. Con về”.

- “Dạ chưa, con không xưng tội với cha này. Chờ hôm nào có cha khách về giải tội mới xưng được”.

- “Sao vậy?”

- “Con không thích cha hỏi to, la to trong toà giải tội”.

- “Cha này không đàng hoàng, con không tin cha này có thể tha tội”.

- “Dạ chưa. Cha này giải tội lâu quá, hỏi nhiều chuyện, nói nhiều quá, việc đền tội cũng nặng nữa”.



Chuyện ở giáo xứ tôi, năm ấy, đêm ấy, chúng tôi trực nhà thờ. 11g khuya, anh ba H. đứng trước cổng nhà thờ gọi ới ời xin mở cổng.

- “Có chuyện gì không?”

- “Xin xưng tội”.

- “Để mai đi. Cha ngủ rồi”.

- “Không được. Xin ngay giờ này”.

- “Không được đâu”.

- “Mấy ông không mở cửa, tui leo rào đó”.

Vừa nói xong, anh đã leo và nhảy vào trong sân rồi. Anh chạy một hơi vào nhà xứ, đến phòng cha sở, đập cửa.

- “Cha ơi, con xin xưng tội. Con xin xưng tội…”.

Chúng tôi một phần sợ cha sở la rầy, một phần sợ mất an ninh cho cha sở, chạy vội vào, thì bất ngờ, đã thấy anh ba H. quỳ bên cha và cha đang giải tội cho anh ngay trước cửa phòng mình. (Cha P.X., 1998).

Câu chuyện tin mừng về người bại liệt hôm nay, gợi cho bạn, cho tôi nhớ đến linh hồn mình đã và đang bại liệt trong tình trạng tội lỗi, và nhắc nhớ mỗi chúng ta nhanh chóng tìm cách cấp cứu.

Không nên lầm tưởng hoặc tự phụ rằng chúng ta đang đường đường là một luật sĩ, đi lại oai phong, mạnh khoẻ, mà không bị chứng bại liệt trong linh hồn. Thiết tưởng, cần nhìn lại:

- Lòng kiêu ngạo làm bại liệt nhân cách, bại liệt cả nhân nghĩa, nhân ái. Chức danh, tên tuổi, bằng cấp… chừng như một lớp phấn son, một lớp dầu bóng, một lớp nước hoa sặc mùi trên vết thương nhầy nhụa.

- Dục tình làm điên đảo tâm hồn, làm bại liệt cả lý trí. Con người cao thượng siêu phàm bỗng chốc hoá thân thành những con khỉ trơ trẽn mà không còn cảm thấy xấu hổ, đê hèn.

- Lòng tham lam làm bại liệt cả lòng nhân đạo, bại liệt cả lương tri, bại liệt cả luật pháp, tục lệ truyền thống đạo đức mỗi người, trong gia đình, ngoài xã hội.

- Tính ích kỷ, cầu lợi lộc, cầu an thân làm bại liệt bao ông to bà lớn trên ngai toà vô cảm. Người phục vụ những người thấp bé bỗng bại liệt nằm một chỗ để người bần cùng lo đút từng muỗng canh thìa cháo.

- Bệnh bại liệt văn hoá ngay trong một con người văn hoá, trong một tờ báo hay trang mạng văn hoá, trong một đất nước văn hoá cũng là một bệnh khá phổ thông thời nay. Cũng vậy, bệnh bại liệt trí thức ngay trong con người mang tiếng là trí thức. Bệnh bại liệt tráng sĩ, nhân sĩ, tu sĩ… ngay trong con người tráng sĩ, nhân sĩ, tu sĩ… Tất cả chỉ còn là một thương hiệu giả tạo, vịt vờ: bệnh bại liệt do lòng gian tà dối trá.

Tôi chợt nhớ chị Phạm Thị Hiền vợ anh Đoàn Văn Vươn, một người Công giáo, giáo dân không sắc nước hương trời, không bằng cấp học vị, không ra vẻ văn hóa hay trí thức, nhưng có lời phát biểu rất văn hoá, rất trí thức, và là văn hoá trí thức của Kitô giáo: “Gia đình em chấp nhận mất để xã hội được”. Đó là trí thức, văn hoá nhỏ bé nhưng sống động của một người con Chúa.



Hãy nhận ra bệnh bại liệt trong mình. Đừng lầm tưởng mình là người lớn lao, hiểu biết hơn những người thấp bé, mà để linh hồn bại liệt đến ngàn thu. Càng là người lớn trong gia đình, xã hội, Giáo Hội, càng phải khẩn cấp phát hiện và chữa trị những bệnh bại liệt kinh niên của mình bằng cách chạy đến với Chúa Giêsu lòng thương xót, khoan dung và có quyền tha tội. Hãy vượt qua mọi rào cản luật sĩ tự phụ, nghi hoặc hoặc biếng nhác. Hãy khẩn cấp đến với toà cáo giải để nhận ân sủng thứ tha, chữa lành nơi Bí tích Giao Hoà.

Thật vô lý, bệnh viện lúc nào cũng đông người chen lấn.

Toà giải tội vắng vẻ, lưa thưa.

Chúa Giêsu có quyền tha tội đang chờ đợi chúng ta xé mọi bức rào cản mà đến với Ngài, nơi toà giải tội.

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra bao tội lỗi làm bại liệt linh hồn con, bại liệt lòng yêu mến Chúa, và biết khẩn cấp đến với Chúa Giêsu qua Bí tích Hoà Giải để lãnh ơn tha tội, ơn chữa lành.

Lạy Chúa, xin cứu chữa hồn con, vì con đã phạm tội phản nghịch Ngài (Tv 40,5b).

Amen.

PM. Cao Huy Hoàng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét