Cảm Thức về Bản Chất và Ơn Gọi Làm Chồng
Thành phần làm chồng không thể nào sống đúng, hay nói theo ngôn ngữ kịch nghệ, đóng đúng vai của mình, nếu không ý thức được bản chất làm chồng hay ơn gọi làm chồng của mình. Nghĩa là, những thái độ, hành động hay cử chỉ của một người đóng vai làm chồng trong vở kịch hôn nhân phải làm sao hoàn toàn phản ảnh ơn gọi làm chồng hay bản chất làm chồng của mình, thì vở kịch hôn nhân mới hay, mới sống động, mới ý nghĩa, mới giá trị để đời. Vậy đâu là bản chất làm chồng hay ơn gọi làm chồng?
Tôi không thể nào quên được cảm giác lần đầu tiên khi nghe thấy mình được người vợ mới cưới chính thức giới thiệu là chồng của nàng trước mặt người khác. Hôm đó, cách đây 19 năm, tại phi trườngHonolulu, người vợ mới được hai ngày của tôi nói với một người nào đó ở đấy rằng: "He is my husband". Dù đã trải qua nghi thức thành hôn, nhất là qua đêm động phòng với đệ nhất đồng loại của tôi ấy, bấy giờ tôi cũng vẫn giật mình khi chợt nghe nàng lần đầu tiên công khai giới thiệu tôi là chồng của nàng như thế. Lời giới thiệu của nàng ấy như bất ngờ đánh động tâm thức của tôi, nhắc nhở tôi rằng tôi đã thực sự làm chồng rồi đó, không còn độc thân nữa.
Vẫn biết, đối với nàng bấy giờ, "he is my husband" chỉ là một lời tuyên nhận về pháp lý về một con người nàng đã ưng ý lấy, sau bao nhiêu năm chọn lựa, sau cả chục người quen biết. Thế nhưng, tận thâm tâm của nàng nói riêng, và của tất cả mọi người làm vợ nói chúng, thì "he is my husband" còn có một ý nghĩa sâu xa về tinh thần hơn nữa. Vậy người vợ của tôi, cũng như những người đàn bà lập gia đinh khác, vẫn expect gì, mong đợi gì nơi con người mà họ công nhận "he is my husband"? Và phần tôi, cũng như những người được vợ mình nhìn nhận "he is my husband" như thế, đã ý thức ra sao về vai trò làm chồng của mình?
Riêng tôi, tôi còn nhớ, trong đêm vợ tôi sinh đứa thứ ba xong và còn ở lại nhà thương thêm một ngày, tôi nằm ngủ cùng giường với hai đứa con trai còn nhỏ của tôi, một đứa 6 tuổi và một đứa 4 tuổi. Thế nhưng, bấy giờ tôi vẫn cảm thấy thiêu thiếu làm sao ấy. Vẫn thấy một cái gì ấy trống trải lạ thường. Đấy là những giây phút tôi mới xa vợ một đêm, chứ chưa phải một đời.
Thật vậy, chính giây phút đó, nói đúng hơn, chính tâm tình cảm thấy thiếu hụt ấy bấy giờ, đã khiến tôi thấm thía ngay nơi bản thân mình ý định nguyên thủy sâu nhiệm của Đấng Hóa Công khi Ngài tạo dựng nên con người có nam có nữ, một ý định thần linh về con người duy nhất bấy giờ cũng là con người nam nhân đầu tiên đã được Thánh Kinh Do Thái Giáo ghi nhận ngay chương hai của Sách Sáng Thế Ký: "Con người ở một mình không tốt".
Đúng thế, sau khi Tạo Hóa đã dựng nên con người duy nhất, rồi sau đó Ngài đã đặt con người duy nhất này, cũng là con người nam nhân tiên khởi mang tên Adong ấy, vào vườn địa đường, nơi chẳng thiếu thốn một sự gì chung quanh con người này, kể cả sau khi Tạo Hóa đã mang tất cả loài sinh vật có thân xác như con người đến cho con người, con người vẫn không thỏa nguyện, vẫn cảm thấy lẻ loi cô độc.
Cho đến khi, phải, cho đến khi, theo Sách Sánh Thế Ký trình thuật, Tạo Hóa đã làm cho con người chìm vào một giấc ngủ say, rồi lấy một chiếc xương sườn của con người này ra, lấy thịt đắp vào chỗ xương sườn được lấy ra ấy. Không biết chỗ thịt thế vào chỗ xương sườn này có phải là yếu điểm của nam nhân đối với nữ nhân hay chăng, chỉ biết rằng, theo Sách Sáng Thế Ký, sau khi Đấng Tạo Hóa đã dựng nên con người nữ nhân đầu tiên là Evà từ chiếc xương sườn của Adong, và đem Evà đến cho Adong, thì Adong liền tỉnh dậy, chẳng những nhận ra ngay Evà là ai đồng thời cũng cảm thấy không còn cô đơn nữa, như câu nói đầu tiên con người bầy tỏ với nhau trước nhan Đấng Tạo Hóa: "Cuối cùng thì đây mới là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi" (Sách Khởi Nguyên 2:23).
Sau câu phát biểu thể hiện việc con người ý thức được bản thân mình như thế, Sách Sáng Thế Ký liền cho biết tiếp: "Thế rồi người nam lìa bỏ cha mẹ mình mà gắn bó với vợ, và cả hai trở nên một xác thịt" (x Gen 2:15,18-24).
Qua những chi tiết mạc khải thần linh của đoạn Sách Sáng Thế Ký trong bộ Thánh Kinh Do Thái Giáo vừa được trích dẫn trên đây, chúng ta thấy vai trò của người làm chồng ở đây, dù hôn nhân theo văn hóa nào đi nữa, thuộc thời điểm nào đi nữa, chính yếu vẫn là việc con người làm chồng bao giờ cũng cần phải nhận biết vợ mình và gắn bó với vợ mình, một khuynh hướng bẩm sinh nơi phái tính nam nhân, đồng thời cũng là vai trò của chồng đối với vợ.
Thật vậy, theo bản chất nam nhân tự nhiên của mình, ngay từ khi chưa lấy nhau, người chồng đã có khuynh hướng đi kiếm vợ, một khuynh hướng năng động nhất, sôi nổi nhất ở vào tuổi dậy thì và thành nhân của con người nam nhân, được ngôn ngữ của con người tự do luyến ái thời đại gọi là "đi cua gái", "đi tán gái", hay như trong cổ tục của con người ngày xưa còn được gọi là "đi hỏi vợ". Chỉ trừ một số rất hiếm văn hóa của các sắc dân thiểu số, chẳng hạn như nơi những người Thượng ở ViệtNam(theo tôi biết trước năm 1975), thì họ còn theo văn hóa hôn nhân mẫu hệ, nữ nhân nắm vai trò chính trong hôn nhân, với tục "đi bắt chồng".
Như thế, theo đa số văn hóa thuộc thế giới văn minh ngày nay, nhất là theo tâm lý nam nữ, thì ngay từ thuở ban đầu của tình yêu phái tính, không phải là việc vợ theo chồng mà là chồng theo vợ. Khuynh hướng và hành động theo đuổi con người nữ giới là vợ của mình ấy chứng tỏ người chồng chẳng những nhận biết vợ mà còn gắn bó với vợ của mình nữa. Ý thức nhận biết và tâm tình gắn bó với người vợ này thường được người chồng tỏ ra, chẳng những bằng chính việc vợ chồng, tác động thường được người chồng khởi động và năng động, mà còn bằng những tác động yêu thương khác nữa, như chiều chuộng vợ, âu yếm vợ, bao bọc vợ, bênh vực vợ và bao dung vợ.
Tác động yêu thương thứ nhất chứng tỏ vai trò làm chồng là nhận biết và gắn bó với vợ mình đó là việc chồng chiều chuộng vợ.
Người làm chồng trước khi lấy vợ thường tỏ ra gallant với vợ. Đi đâu cũng bao, cũng treat vợ. Không bao giờ tỏ ra keo kiệt với vợ. Không bao giờ dám để cho vợ thất vọng, hay buồn lòng. Vợ đòi cái gì cũng được. Nhiều khi mua quà tặng cho người vợ (chưa cưới) của mình còn đắt giá và quí giá hơn cả mua quà tặng cho chính người mẹ của mình nữa. Đến nỗi vợ thích cái gì chồng cũng thích cái đó. Niềm vui của vợ là niềm vui của chồng. Giá người làm chồng nào cũng tiếp tục sống gallant như thuở ban đầu lưu luyến ấy trong cuộc đời sống hôn nhân của mình thì chắc có lẽ tình trạng đổ vỡ hôn nhân cũng bớt đi được ít nhiều.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những cái chồng không thể chiều vợ. Chẳng hạn như trường hợp các nàng, dù có thể đi làm để chia sẻ gánh nặng kinh tế với chồng, vì thấy lợi tức của chồng dồi dào, hay được chồng chiều chuộng thương hại không nỡ làm khổ vợ, các nàng chẳng những không cảm nhận tình yêu gallant hay công ăn việc làm của chồng, lại ở nhà tha hồ đi shopping mua sắm đủ thứ, không cần biết đến tiền bạc trong gia đình ra sao, miễn là mình duyên dáng và hợp thời trang là đủ.
Có một số trường hợp cho thấy những người vợ loại làm cảnh sang trọng này thường đi đến chỗ ngoại tình trong khi chồng đi làm. Nếu thái độ keo kiệt của chồng có thể gây ra đổ vỡ hạnh phúc hôn nhân thế nào, thì việc vợ phung phá cũng đã là nguyên nhân ly dị như vậy. Đó là lý do, nhiều người chồng giầu sang sau khi tỉnh ngộ và nhìn nhận đúng là "cái nết đánh chết cái đẹp" thì đã muộn mất rồi. Đó cũng là kinh nghiệm cho thấy tình yêu không bao giờ được đồng hóa với nhan sắc, bạc tiền, thế lực, mà là với chính con người, tức với chính phẩm giá của con người nói chung và với phẩm chất của con người nói riêng.
Tác động yêu thương thứ hai chứng tỏ vai trò làm chồng là nhận biết và gắn bó với vợ mình đó là việc chồng âu yếm vợ.
Việc âu yếm vợ không phải chỉ ở tại cử chỉ ve vuốt xác thịt của vợ, ấp ủ vợ, đấm bóp cho vợ, mà còn là việc luôn quan tâm đến vợ, để ý hỏi han đến mọi nhu cầu của vợ, và đáp ứng kịp thời những gì nàng cần, nhất là những gì nàng mong muốn, khát vọng song ngần ngại nói ra hay tế nhị không dám lên tiếng đòi hỏi. Tuy nhiên, có hai lúc người vợ cần được âu yếm nhất là trước khi trao thân và trong khi cưu mang.
Thật thế, trong việc giao hợp vợ chồng, ngoài thời gian trứng rụng, bình thường thân xác người vợ cần phải được âu yếm, được warm up, được đẫy đà mới có thể nhập cuộc và hoan hưởng cực lạc. Bằng không, các nàng có thể bị khó chịu thay vì cảm thấy kích thích, và nếu cứ xẩy ra nhiều lần như vậy, các nàngï sẽ sợ gần chồng và rất e ngại phải gần chồng. Đó là lý do chồng phải biết nghệ thuật âu yếm vuốt ve vợ để làm sao cho nàng hào hứng trao thân cho mình, để cả hai nên một xác thịt.
Ngoài ra, theo tâm lý lẫn thể lý, có lẽ người vợ cần âu yếm nhất vào lúc các nàng đang cưu mang, thời gian các nàng không cần người chồng giúp đỡ về các việc làm bề ngoài, như nấu nướng thay các nàng, cho bằng các nàng cần chồng thông cảm với tâm lý bất thường của các nàng bấy giờ, nhất là chồng đừng quá đòi hỏi và dằn vặt các nàng nhiều về vấn đề sinh lý trong thời gian này.
Tâm lý chung và thực tế cho thấy, người vợ cảm thấy rất cô đơn khi bị chồng bỏ bê trong thời gian các nàng đang mang bầu, ở chỗ, chồng chẳng những không chia sẻ cái nặng nề về thể lý của các nàng, mà còn kêu ca và đòi hỏi đủ thứ chuyện. Các nàng thậm chí cảm thấy hết sức uất hận, có thể đi đến chỗ phá thai vì chồng, một con người đểu giả chỉ biết chiếm đoạt và hưởng lạc, lạm dụng thân xác của các nàng như một thứ đồ mua vui, hay biến thân xác của các nàng thành một cái máy đẻ (theo cổ tục ngày xưa).
Đó là lý do, vấn đề ngừa thai tự nhiên rất có lợi trong những trường hợp này. Ở chỗ, việc vợ chồng không phải chỉ được thực hiện theo thúc động tình dục không thể cầm hãm của bản năng, đến nỗi, có những lúc người vợ cảm thấy mình bị hãm hiếp hơn là ân ái vợ chồng. Nếu tác động ân ái vợ chồng hoàn toàn và thực sự là tác động biểu lộ của một tình yêu chân chính cao thượng thì nó không thể nào lại bị biến thành một tác động chiếm đoạt thuần dục tính, mà phải là một tác động âu yếm nhẹ nhàng, vỗ về ấp ủ, chất ngất giao thân.
Tác động yêu thương thứ ba chứng tỏ vai trò làm chồng là nhận biết và gắn bó với vợ mình đó là việc chồng bao bọc vợ.
Văn hóa hôn nhân xưa kia, hay ở các nước còn chậm tiến ngày nay, việc chồng bao bọc vợ thường được tỏ ra bằng việc đi làm nuôi vợ, một người vợ có phận sự chính là nội trợ, tức ở nhà lo cơm nước, giặt quần áo cho chồng, và nhất là khi có con cái thì chăm sóc cho chúng nó. Tại các nước Âu Mỹ văn minh ngày nay, chẳng những vì nhu cầu sinh sống đòi hỏi, mà còn vì ý thức nhân bản liên quan đến vấn đề nam nữ bình quyền theo văn hóa thời đại, thường vợ chồng đều đi làm full time như nhau.
Do đó, vấn đề chồng bao bọc vợ về phương diện kinh tế đã trở thành lỗi thời. Chính vì vợ đi làm có tiền nên các nàng đi mua sắm gì cũng không cần phải xin chồng, cần phải được chồng gật đầu cho phép mới dám mua, mới dám gửi tiền về Việt Nam cho gia đình mình v.v. Về vấn đề lệ thuộc kinh tế chồng này có những trường hợp xẩy ra là các nàng thậm chí đi đến chỗ cần phải nịnh khéo chồng hay làm việc trao đổi ngay vào những lúc các chàng đòi hỏi về vấn đề sinh lý. Ngược lại, cũng có những trường hợp cho thấy vợ bao bọc chồng về vấn đề kinh tế, từ đó, quyền làm chủ trong gia đình tự nhiên nghiêng về vợ hơn chồng, nghiêng về tay của ai làm ra tiền. Người chồng bấy giờ bị mặc cảm, không dám lên mặt với vợ, mất hết uy tín với con cái.
Theo thống kê của tờ Divorce Magazine: US Divorce Statistics cho thấy, vào năm 2000, có 8 triệu 408 ngàn phụ nữ lập gia đình làm hơn chồng 5 ngàn Mỹ kim một năm, cũng như có 821 ngàn phụ nữ kiếm được 5 ngàn Mỹ kim một năm hơn bạn trai ngoại hôn của mình. Thế nhưng, nếu khéo léo, trong chính những trường hợp đảo lộn chính quyền bất đắc dĩ trong gia đình như thế, người chồng vẫn có thể, dù không bao bọc vợ con mình về kinh tế, nhưng ít là vẫn có thể giữ được uy tín của một người chồng chẳng may sa cơ thất thế. Ở chỗ, ngoài nỗ lực hết sức cố gắng đi kiếm việc làm, các chàng cần phải thay vợ phụ trách tất cả mọi việc nội trợ trong nhà, như coi con cái, chở chúng đi học, thu dọn nhà cửa, đi chợ nấu nướng, giặt giạ quần áo, làm lunch cho vợ xách đi làm v.v.
Một người vợ nếu chỉ biết chăm lo cho gia đình và thông cảm với chồng, chắc chắn sẽ không thể nào không cảm kích và mến phục chồng hơn nữa, khi thấy các chàng hạ mình làm những việc nội trợ của mình, và cùng mình chăm lo cho gia đình như thế.
Bởi thế, việc chồng bao bọc vợ không phải chỉ giới hạn trong vấn đề cung cấp tài chính và bảo toàn kinh tế gia đình, mà còn cả ổ chỗ chia sẻ gánh nặng nội trợ với vợ, giúp vợ làm việc nhà. Chẳng lẽ cũng đi làm full time như mình, thân mệt mã, đầu căng thẳng như mình, mà chồng nỡ lòng để vợ một mình nai lưng ra làm đủ mọi việc trong nhà, còn chàng thì cứ enjoy TV, internet, đọc báo... Chưa hết, việc chồng bao bọc vợ còn phải bao gồm cả gia đình của vợ, nhất là trong hoàn cảnh bên vợ chật vật vật chất.
Tác động yêu thương thứ bốn chứng tỏ vai trò làm chồng là nhận biết và gắn bó với vợ mình đó là việc chồng bênh vực vợ.
Nói đến bênh vực vợ tôi nghĩ đến những cảnh hải tặc Thái Lan hãm hiếp những người vợ ngay trước mắt chồng mà chồng không làm gì được. Thật là nhục nhã cho vợ. Thật là quặn thắt cho chồng. Thế mà, có trường hợp sau này, dù không bênh vực được vợ trong những hoàn cảnh xẩy ra ngoài ý muốn và khả năng chống cự của vợ mình như thế, có một số người chồng vẫn đay nghiến vợ, vẫn ngần ngại trong việc gần gũi vợ, thậm chí tỏ ra khinh bỉ vợ, nhất là khi vợ có bầu với hải tặc v.v. Vấn đề chồng bênh vực vợ không phải chỉ liên quan đến vấn đề thể lý, vấn đề võ lực, khi vợ bị người đàn ông khác hiếp đáp, mà còn ở tại việc bênh vực cho vợ trước những lời dèm pha trách móc của người khác đối với vợ mình, dù nàng có thực sự như vậy chăng nữa. Đừng vào hùa với họ hàng hay những miệng lưỡi vốn không hợp với vợ mình, không ưa vợ mình, để đàn áp nàng, để chê bai nàng, để dồn nàng vào chân tường, để ép nàng phải thay đổi ý nghĩ, ý thích, ý muốn theo ý mình v.v.
Tôi đang phục vụ một thân chủ bị chậm phát triển, có người mẹ trẻ hầu như không được đi đâu ra khỏi nhà, trừ khi đi lo việc cho con cái, thậm chí không được hành đạo, lúc nào cũng bị họ hàng bên chồng và cả chính người chồng của mình đay nghiến và khinh thường vì đã sinh ra một đứa con khuyết tật về tâm trí như thế. Khi đứa con bị bại tính khí - autism của chị cũng là thân chủ của tôi lên cơn temper tantrum - khóc nhè phá phách của nó, thì người chồng đi ra ngoài hút thuốc, để mặc vợ loay hoay tìm cách dỗ con.
Dầu sao người chồng Việt Nam này, dù chê trách vợ, dù xấu hổ vì con, vẫn còn sống với vợ con như thế, trong một xã hội dễ dàng li dị này, cũng chứng tỏ anh còn một chút tình người. Tình trạng chậm phát triển của con anh ở trường hợp bị bại tính khí - autism này rất thịnh hành ở bên Mỹ, cho tới nay người ta vẫn chưa khám phá ra nguyên nhân của nó bởi đâu mà ra; người ta chỉ mới bắt đầu hồ nghi là do một thứ thuốc chích ngừa nào đó của trẻ em, chứ không phải do di truyền từ cha mẹ.
Bởi thế, giá anh chồng này biết được vợ chồng của anh hoàn toàn vô trách nhiệm trong tình trạng chậm phát triển của đứa con của mình, chứ không phải quan niệm ác quả ác báo theo gia đình anh yên trí, anh đã không hoàn toàn qui trách lỗi lầm cho một mình người vợ vô tội đáng thương của anh, trái lại, anh sẽ mạnh mẽ bênh vực vợ anh thì hay biết mấy, thì vợ anh cảm thấy an ủi biết bao.
Ngoài ra, việc chồng bênh vực vợ còn được thể hiện cả ở chỗ chồng không bao giờ tự động kêu ca than phiền về vợ của mình với bất cứ ai, không bao giờ trách móc hay mắng mỏ vợ mình ngay trước mặt người khác, nhất là trước mặt con cái. Đừng kéo con cái vào phe của mình để tấn công vợ. Trái lại, nghe con cái phiền trách mẹ chúng điều gì hãy bênh chữa cho nàng v.v.
Tác động yêu thương thứ năm chứng tỏ vai trò làm chồng là nhận biết và gắn bó với vợ mình đó là việc chồng bao dung vợ.
Thật vậy, tác động yêu thương vợ chồng chính thức là ở việc giao hợp, nhưng thực tế cho thấy, sau những cuộc giao hoan vợ chồng, chất ngất ái ân, con người vẫn đi đến chỗ ly dị, vẫn trao thân cho người khác ở những cuộc tái hôn sau đó. Vẫn biết vấn đề ly dị có nhiều lý do giữa vợ chồng với nhau, chẳng hạn về vấn đề kinh tế, vấn đề sinh lý, vấn đề tính nết, vấn đề va chạm.
Thống kê cho thấy, người vợ thường khởi động việc ly dị nhiều hơn người chồng. Tuy nhiên, có những trường hợp, người chồng có thể cứu vãn được tình thế nếu biết bao dung cho vợ.
Đúng thế, giao hợp là tác động yêu thương của vợ chồng, tác động làm nên vợ chồng, nhưng tác động yêu thương chân chính nhất và cao cả nhất, thực sự gắn bó vợ chồng lại với nhau trọn đời lại chính là bao dung tha thứ.
Thái độ bao dung tha thứ trước hết ở chỗ nhường nhịn vợ những gì cả hai đều nghĩ rằng mình đúng, mình hay. Thái độ bao dung sau nữa còn được tỏ ra ở chỗ cái gì chồng cũng phải đi trước vợ và làm hơn vợ. Thái độ bao dung tha thứ cũng bao gồm cả việc không được đoán bậy hay hồ nghi cho vợ mình những gì tiêu cực, nếu không có dấu hiệu khách quan rõ ràng và khả tín. Thái độ bao dung tha thứ còn ở chỗ thông cảm với những khiếm khuyết lỗi lầm của vợ, dù nàng chủ ý hay vô ý. Thái độ bao dung tha thứ còn được thể hiện ở chỗ không phải nàng phải quì xuống xin mình tha thứ mình mới thương hại tha thứ cho nàng nhưng không còn coi trọng nàng nữa.
Đến đây tôi nhớ đến một cặp vợ chồng rất quen thân với tôi qua việc giao tiếp làm ăn. Họ gặp nhau và lấy nhau khi người chồng có tài kinh doanh và đào hoa này ở vào lưng chừng tuổi tứ thập nhi bất hoặc và người vợ trẻ đẹp ở vào tuổi đôi mươi. Sau khi có hai đứa con, cuộc bùng nổ đã xẩy ra giữa hai vợ chồng họ. Người vợ có tâm hồn rất chân thành nhưng dễ nghe theo những lời bùi tai bắt đầu tỏ ra như nuối tiếc tuổi thanh xuân, chính thức nhiều lần lên tiếng chê chồng mình già, và không chịu đi chơi chung với chồng nữa.
Qua diễn tiến của cuộc bùng nổ này, tôi rất thông cảm với người vợ song không thể không cảm phục người chồng. Vì vợ, anh đã hai lần bị nhốt vào khám, mấy lần bị ra hầu tòa, hai lần chẳng những bị vợ bỏ đi chơi biệt tăm, mỗi lần cả tháng trời, còn bị nàng lấy cả mấy chục ngàn trong trương mục ra xài xả láng, trong khi ở nhà chàng vừa làm ăn vừa lủi thủi nuôi con. Thế mà, theo lời hứa sau lần ra khám lần nhất, chàng vẫn tiếp tục biếu ông già vợ mỗi tháng 500 Mỹ kim, vào ngày sinh nhật của vợ, chàng vẫn mua cho nàng một chiếc xe mới toanh gần 30 ngàn, nhất là chàng vẫn nhẫn nại chờ nàng về, miễn là, như chàng đớn đau tâm sự với tôi, "đừng mang cái bầu về", để cùng chàng và hai con sống cuộc sống gia đình yên vui hạnh phúc.
Tuy nhiên, tôi đã nói với người chồng này rằng, chắc chắn anh sẽ không thể nào bỏ được người vợ của anh, vì không ai hiểu nàng như anh, và bằng anh, người chồng của nàng, một người chồng chẳng những đã say mê nàng, một con người bề ngoài rất dễ thương, nhưng bề trong lại rất đáng thương. Bởi thế, tôi tin rằng, dù nàng có mang cái bầu về đi nữa, nếu nàng thật tâm nhìn nhận lỗi lầm và xin người chồng của mình tha thứ, chắc chắn anh cũng sẽ chấp nhận nàng. Theo tôi, nếu không ai chối bỏ bản thân của mình thế nào, dù nó có tật nguyền bệnh hoạn, có xấu xí đến mấy, có bị cùi bị hủi đến biến dạnh hình hài chăng nữa, thì cũng không ai sẽ phủ nhận người vợ mình như thế. Bởi vì vợ là chính bản thân của chồng, và chồng thực sự yêu vợ, yêu bản thân mình khi thực sự nhận biết vợ và gắn bó với vợ cho đến chết mà thôi.
Cao Tấn Tĩnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét