Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngài đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài. Ngài lấy “bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật”, và chắc chắn Ngài đã không quên thổi vào tâm hồn con người một thứ tình cảm đặc biệt, một nhu cầu sống, đó là tình yêu. Vì như Thiên Chúa đã thấy: “Con người ở một mình, không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”; và chờ khi con người ngủ thiếp đi, Ngài đã rút một cái xương sườn của con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người. Và con người đã sớm nhận ra: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt” (x. St chương 1&2).
Yêu là một tình cảm đặc biệt, là một nhu cầu sống của con người, hay nói khác yêu là bản chất của con người. Con người không có tình yêu thì khác nào gỗ đá! Không có tình yêu nam nữ, không có tình yêu vợ chồng thì con người đã đi vào diệt vong! Tình yêu là sự cân bằng giữa sinh và tử.
Yêu và được yêu là khát vọng, là lẽ sống của con người. Voltaire bảo: “Chân lý cuối cùng trên cõi đời này là tình yêu”.
Vào thế kỷ thứ 3, đế quốc Lamã phải trãi qua nhiều cuộc chiến khốc liệt, đẫm máu, hoàng đế Claudius II đã gặp khó khăn trong việc tuyển mộ binh lính. Ông cho rằng nguyên nhân chính là vì đàn ông La mã quá nặng về tình cảm gia đình, không muốn xa vợ con, không muốn xa người yêu, và hôn nhân là cản trở chính; do đó, ông đã ra sắc lệnh cấm tổ chức đám cưới hay lễ đính hôn cho các cặp nam nữ yêu nhau. Trước sắc lệnh phi nhân ấy, Giám mục Valentine ở thành Lamã vẫn bí mật cử hành hôn lễ cho các đôi vợ chồng trẻ. Bị phát hiện, Giám mục Valentine bị bắt và chịu án tử hình bằng hình thức bị kéo lê trên đường cho thiên hạ ném đá cho đến chết và cuối cùng là bị chặt đầu.
Buổi chiều trước khi ra pháp trường, Giám mục Valentine đã gửi một tấm thiệp ngắn để tạm biệt cô con gái của viên cai tù Asterius, một thiếu nữ bị mù bẩm sinh đã được ngài chữa lành bằng ơn lạ trước đó. Cuối thư, ngài đã ký tên ngài với dòng chữ: “Valentine của em”, “dal vostro Valentino”, “from your Valentine”. Bức thư ngắn tạm biệt ấy đã trở thành tấm thiệp Valentine đầu tiên của ngày Valentine về sau.
Ngài mất vào ngày 14-2-269, đúng vào ngày mà trước đây người ta gọi là Ngày May Rủi của tình yêu.
Đức Giáo hoàng Gelasius đã quyết định lấy ngày 14-2, ngày tưởng nhớ Thánh Valentine. Dần dần, ngày 14-2 hằng năm đã trở thành ngày trao đổi thông điệp tình yêu cho những ai đã yêu hay đang yêu. Và Thánh Valentine đã rở thành vị thánh bảo trợ cho những đôi tình nhân.
Yêu người, yêu đời như thế còn là một trách nhiệm giữa con người với con người, giữa chồng và vợ, giữa cha mẹ và con cái, giữa gia đình và xã hội.
Đối nghịch với yêu là ghét, là chiến tranh, là thù hận. Đối tượng của tình yêu là người khác, là tha nhân.
Mặc Tử cho rằng thiên hạ sinh ra loạn là vì không yêu nhau, mà chỉ yêu mình, chỉ vì lợi ích cho mình:
Con chỉ yêu thân con, không hiếu với cha, cho nên làm thiệt hại cha để mưu lợi cho mình hay ngược lại; em chỉ yêu thân em, không yêu đến anh, cho nên làm hại anh để lợi cho mình hay ngược lại; vua chỉ yêu thân vua, không yêu bầy tôi, nên làm thiệt bầy tôi để mình được lợi hay ngược lại; ngay cả đến trộm cướp, quân giặc nếu chỉ biết yêu nhà mình, không biết yêu nhà người khác, cho nên ăn trộm hay sát hại ngưởi khác cũng để mưu lợi cho mình… Thiên hạ sinh ra loạn là bởi như thế cả!
Đôi nét chung về tình yêu là thế, nhưng đi vào thực tế tình yêu nam nữ, tình yêu lứa đôi, tình yêu vợ chồng thì sao?
Tình yêu không phải là con đường trơn tru, bằng phẳng, nhưng có nhiều cạm bẫy, có nhiều khúc khuỷu, chông gai. Câu nói bông đùa: yêu thì khổ, nhưng không yêu thì lỗ, cũng có nhiều điều cho ta bàn tới.
Yêu thì khổ!
Từ xưa đến nay, người ta đã ca ngợi tình yêu thì nhiều, nhưng cũng không ít nước mắt để xót xa cho những cuộc tình gian nan, trắc trở! Hình như tiểu thuyết, phim ảnh, âm nhạc… than vãn, xót thương, nhỏ lệ cho những cuộc tình oan trái, trắc trở nhiều hơn là những cuộc tình thuận buồm mát máy!
Một đôi nam nữ phải lòng nhau, yêu nhau, nếu như mọi điều êm xuôi thì chẳng có gì phải nói; nhưng nào có được như thế! Cản trở đầu tiên là:
Đôi ta như lúa đòng đòng
Đẹp duyên nhưng chẳng đẹp lòng mẹ cha. (Ca dao VN)
hay:
Đôi ta như chỉ xe ba
Thầy mẹ xe ít, đôi ta xe nhiều
Thương anh bụng sát tận da
Anh thì không biết, tưởng là đói cơm. (Ca dao VN)
Nỗi khổ tiếp theo là phải xa cách, chia ly, cách trở... với người yêu đến nỗi tương tư quên ăn, quên ngủ:
Bởi thương nên ốm, nên gầy,
Cơm ăn chẳng đặng gần đầy ba trăng.
Ngó lên sao mọc như giăng,
Thấy em có nghĩa mấy trăng cũng chờ. (Ca dao VN)
hay:
Thuyền ơi, có nhớ bến chăng?
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền. (Ca dao VN)
Rồi nên đôi vợ chồng, nhưng nỗi khổ vẫn cứ mãi dai dẳng đeo theo với những ai đó gặp phải trường hợp:
Đêm nằm nghĩ lại mà coi,
Lấy chồng đánh bạc, như voi phá nhà. (Ca dao VN)
hay:
Lấy chồng gặp phải kẻ tồi,
Cho nên lòng những bồi hồi đáng cay
Cả ngày chỉ rượu say sưa
Khi nay thuốc phiện, khi nay tài bàn.
Nói ra mang tiếng phủ phàng,
Nín đi thi não can tràng xiết bao! (Ca dao VN)
Rồi phản bội, phụ tình:
Nào khi anh bủng anh beo
Tay cất chén thuốc tay đèo múi chanh
Bây giờ anh khỏi anh lành
Anh mê nhan sắc anh tình phụ tôi! (Ca dao VN)
…
Không biết tình yêu có đúng như Marguerite Yourcenar đã nói: “Tình yêu là một hình phạt. Ta bị phạt vì không thể sống một mình” hay không!
Nhưng “không yêu thì lỗ” hay nói khác “yêu thì lời”!
Sống là sống cho nhau, vì nhau, sống vì người, vì đời. Như thế: “Sống là yêu và đặc biệt là yêu cuộc sống” (Blanche Pier); ngược lại, “Người chẳng yêu ai, theo tôi, cũng chẳng được ai yêu” (A. Démocrite).
Cái khổ của kiếp sống con người là sống lẻ loi, đơn độc.
Nếu không được người yêu thương, thì làm sao có được cảnh:
Ai kêu, ai hú bên sông?
Tôi đang sắm sửa cho chồng xuống ghe
Chồng xuống ghe, quạt che tay ngoắt,
Cất mái chèo, ruột cắt từng cơn… (Ca dao VN)
hay:
Vợ chồng là nghĩa già đời
Ai ơi, chớ nghĩ những lời thiệt hơn. (Ca dao VN)
…
Thiên Chúa là Tình Yêu. Con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, thì con người cũng có bản chất của tình yêu. Yêu và được yêu là hai sắc diện cùa tình yêu. Chỉ muốn được yêu mà không yêu là què quặt, phiến diện. Được yêu là kết quả của yêu. Hai người yêu nhau mà chỉ ngồi nhìn nhau thì người này hoặc người kia ngồi đó nhìn nhau để soi mói, bắt bẻ nhau, lấy cái tôi, cái ý riêng của mình để xét đoán người khác; nhưng nếu hai người yêu nhau mà cùng nhau nhìn về một cứu cánh, một mục đích thì người mình yêu sẽ là người bạn đời cùng đồng hành, có cùng chung những nỗi băn khoăn, những lo lắng, những buồn vui để cùng nhau chia sẻ. Nếu biết chấp nhận những khuyết điểm của nhau, biết hy sinh, tha thứ cho nhau… chắc sẽ bớt được cảnh ly thân, ly dị hay những đỗ vỡ trong cuộc sống lứa đôi.
Tình yêu hy sinh mạng sống vì người mình yêu, chết cho người mình yêu là tình yêu tuyệt vời, cao quý nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện đối với con người vậy.
Lm. Trịnh Ngọc Danh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét