Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Yêu mình như thế nào

[caption id="attachment_2949" align="aligncenter" width="357" caption="“ Chăm sóc cho bản thân cũng là cách đầu tư cho sức khỏe và tương lai. Phải biết yêu mình trước khi chờ người khác yêu”"][/caption]

Nên biết rằng, chúng ta chỉ có một bản thân. Đôi khi vì mải lo tìm kiếm tri thức, công danh, sự nghiệp mà chúng ta quên mất bản thân mình. Lắm khi cái tôi thật đáng ghét, vì nó thường khiến con người chạy theo ảo tưởng. Nhưng cái tôi cũng thật là quý giá vì nó làm nên nhân vị của mỗi người. Thử quan sát xem, gần 7 tỷ người đang sống chen chúc trên trái đất này có ai giống bạn không? Chắc chắn là không. Điều sở hữu chắc chắn nhất trên thế gian này chính là cái tôi. Do đó, chúng ta cần xác định rằng: tôi có một giá trị. Yêu mình là bổn phận đầu tiên và cũng là cuối cùng, một đòi hỏi của kiếp làm người. Khi biết yêu mình đúng mức, chúng ta mới có thể hiểu và yêu người khác một cách thực sự.

Tuy nhiên, nếu quá yêu mình, chỉ biết chăm chút cho bản thân mà quên hết những mối quan hệ và bổn phận thì lại trở thành một người lệch lạc. Hiện nay, báo chí đề cập rất nhiều đến những người quá chú trọng đến bề ngoài của mình. Họ nghĩ rằng: “ chăm sóc cho bản thân cũng là cách đầu tư cho sức khỏe và tương lai. Phải biết yêu mình trước khi chờ người khác yêu”. Các chuyên viên tâm lý gọi đây là “Hội chứng yêu bản thân”, để rồi trở thành những kẻ bất bình thường. Chẳng hạn với quan niệm “Mình sẽ chết mất nếu là một phụ nữ xấu” nên có bạn gái đã lên lịch làm đẹp khiến mọi người phải tròn mắt ngạc nhiên. Thứ nhất, mỗi ngày một hũ sữa chua giúp da mịn màng. Thứ hai, mặt nạ dâu tây, mặt nạ dưa leo cùng với sữa tươi, kèm theo thời gian chạy bộ, bơi lội, yoga. Chưa hết, cô nàng còn đầu tư một chiếc điện thoại Iphone để chụp và lưu ảnh để kiểm tra.

Chăm sóc bản thân là quyền của mỗi người. Người sạch sẽ, tươm tất là người biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác. Nhưng cái gì cũng phải có điểm dừng. Việc làm đẹp cho bản thân không phải là mục đích sống. Cái đẹp không phải là tất cả. Ngược lại, có những người không thèm quan tâm tới mình. Họ để cho mình đầu bù tóc rối, ăn mặc lôi thôi, luộm thuộm, quần áo nhàu nát, cơ thể bốc mùi. Điều này vừa mất vệ sinh gây ra bệnh tật, đồng thời còn là biểu hiện của một người không biết tôn trọng bản thân và mọi người xung quanh. Vậy,phải yêu mình như thế nào?

A. Biết nhìn ra giá trị bản thân:

Chúng ta thường đánh giá mình cao hơn hay thấp hơn giá trị thật của bản thân. Do đó, phải có một cái nhìn đúng mức, phải tự đánh giá mình là người như thế nào?trước hết cần phải xác định rõ với bản thân mình. Khi chấp nhận rằng tôi “được” nghĩa là không quá đề cao bản thân, dẫn đến tự tôn hoặc quá mặc cảm dẫn đến tự dày vò, gặm nhấm những yếu kém của mình. Phải thừa nhận tôi có giá trị với những năng lực còn ẩn giấu. Hơn nữa, tôi có giá trị vì tôi được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, tôi là báu vật trong mắt Ngài dù rằng có thể trong mắt mọi người tôi là kẻ tội lỗi, yếu kém về mọi phương diện.

Nhiều người cho rằng họ chỉ có giá trị trong mắt người khác khi họ có một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, vật chất. Điều này khiến họ không ngừng chạy theo những thay đổi muôn mặt của cuộc sống, và đến một lúc nào đó, dường như họ thấy mình mệt mỏi, chán nản trước một thế giới đang đặt tiền bạc lên ngai thần tượng, họ đánh giá người khác dựa theo những bậc thang giá trị. Thế nhưng, giá trị bản thân không hệ tại ở việc khoác lên mình một bộ đồ hàng hiệu, hay vi vu trên chiếc xe láng bóng trị giá vài chục triệu hoặc sở hữu một chiếc điện thoại cao cấp. Nhưng giá trị con người nằm ở tri thức và con tim của người đó. Khi biết nhìn đúng giá trị của mình, chúng ta sẽ tự do, không sợ ai chê mình lạc hậu, nghèo nàn vì thiếu thốn những của cải vật chất. Khi đánh giá đúng mức về mình, chúng ta mới can đảm lột bỏ chiếc mặt nạ giả tạo để sống thật với chính mình và như vậy chúng ta mới tìm thấy hạnh phúc thật sự cho bản thân.

B. Biết chấp nhận chính mình:

Cổ nhân nói: “ Nhân vô thập toàn” đã là người thì ai cũng có sai lỗi. Yêu mình là biết chấp nhận những sai lỗi của mình. Người biết chấp nhận cho mình có những sai lỗi là người khiêm tốn. Biết mình sai mà đứng dậy đi tiếp mới là người đáng khâm phục. Ngoài ra phải biết cảm thông trước những yếu kém của mình. Khoan dung với chính mình. Khoan dung chứ không phải nuông chiều những thói xấu của bản thân. Đừng hành hạ mình với những mặc cảm không đáng có: Bạn lùn ư? Bạn nghèo ư? Bạn bị mọi người chọc ghẹo là một con vịt xấu xí ư? Bạn luôn tự hỏi, tại sao mái tóc,làn da của mình không được đẹp như những cô người mẫu? Có hề gì. Đừng so sánh mình với người khác. Những khiếm khuyết đó không làm giảm giá trị của bạn chút nào cả. Giáo sư Trần Duy Nhiên đã khuyên học trò của mình như sau: “ Khi thấy được những ưu và khuyết điểm cuả mình, em không nên quá tự hào về ưu điểm. Xét cho cùng có thể là em không có công gì cả về các ưu điểm đó, hoặc nếu em có phát triển chúng thì bất cứ ai có điều kiện bẩm sinh và hoàn cảnh thuận tiện như em cũng sẽ có như em. Ngược lại, khuyết điểm của em cũng không có quyền gây cho em một mặc cảm nào: con người là nạn nhân của khuyết điểm mình,và phần có lỗi của mình chưa chắc là phần quyết định. Cố nhiên, em sẽ kiên trì sửa sai,nhưng dù sao đi nữa, em hãy chấp nhận bản thân và thông cảm cho chính mình”.

Vâng, thưa bạn, bạn hãy chấp nhận mình với tất cả những gì mình có, đồng thời rèn luyện một nhân cách đẹp, dần dần mọi người sẽ quên ngay những khiếm khuyết của bạn mà chỉ yêu quý con người hiện tại của bạn mà thôi.

C. Có một chế độ chăm sóc bản thân đúng mức và những đòi hỏi hợp lý:

Vì là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần ( 1Cr 3,16) nên chúng ta phải gìn giữ và chăm sóc thân xác một cách hợp lý để thân xác chúng ta ngày càng đẹp và khỏe mạnh. Muốn thế, chúng ta phải tự giải phóng mình khỏi những độc tố đang âm ỉ trong lòng, đó là những ý nghĩ tiêu cực làm hao mòn thân xác, những buồn phiền, mặc cảm, giận hờn, những thói quen xấu làm suy giảm sức khỏe như: uống rượu, hút thuốc, thức khuya, hay ngược lại là một chế độ khiêng khem quá mức dẫn đến sức khỏe suy nhược. Đồng thời phải biết bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi đầy đủ, tuyệt đối không được lạm dụng thuốc dù là thuốc bổ, chăm chút bản thân, tạo cho mình những ý nghĩ tích cực.

Yêu mình là luôn tìm cách đổi mới bản thân, là không ngừng học hỏi để thăng tiến, chủ động tạo nên những mối quan hệ thân thiết lành mạnh. Thông thường trong tâm lý, người ta khuyên chúng ta thỉnh thoảng phải biết tự thưởng cho mình, chẳng hạn như: sau 1 tuần làm việc hết mình, hãy tự thưởng cho mình bằng một buổi đi Shopping, sắm cho mình một bộ cánh mới, cho mình 30 phút được thư giãn; nghe một bản nhạc yêu thích khi làm được một việc gì tốt, đi dạo phố với bạn bè, nấu một món ăn ngon. Làm được như thế sẽ giúp bạn vui và bớt căng thẳng hơn…

Bản thân là cái quý nhất, gần gũi nhất và cũng khó nhất. Như đã nói ở trên: Yêu mình là bổn phận mà cũng là đòi hỏi của một kiếp người. Cuộc đời này có giá trị hay không là tùy ở cách chúng ta yêu mình. Đừng giết chết bản thân với những ý nghĩ tiêu cực về mình nhưng hãy biết tìm ra những điều tốt đẹp của bản thân mà phát huy. Hãy sống lạc quan, yêu đời, và làm cho những người sống bên cạnh bạn cũng hạnh phúc. Đó là cách bạn yêu mình đúng đắn nhất.


Sr.Ter. Trúc Băng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét