[caption id="attachment_3033" align="aligncenter" width="462"] “Khi nào được giương cao khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi”[/caption]
Sự tách lìa khỏi trần gian, khỏi thân xác này qua cái chết để con người đi vào một sự hiệp thông sâu xa hơn. Điều người ta tưởng rằng cảnh chia ly tang tóc là một tổn thất nặng nề, là một nỗi buồn nặng trĩu đã được biến đổi tất cả nhờ có một sự hiệp thông nào đó sau cái chết.
Bề ngoài, xem ra cái chết có vẻ là một sự đoạn tuyệt tất cả với trần gian nhưng thực chất là đi vào mối hiệp thông với tất cả. Có thể nói hiệp thông là bản chất của sự chết. Nhờ sự chết người ta đi vào mối tương quan với mọi thụ tạo, với con người đang sống, với thế giới thần thánh, với chính Thiên Chúa. Những mối tương giao này được biểu lộ một cách rõ nét hoặc mờ ảo tuỳ theo mỗi người, tuỳ theo mỗi tôn giáo.
Chẳng có gì là lạ khi những người còn sống biểu lộ tâm tình, cử chỉ với người đã qua đời để muốn diễn tả một mối hiệp thông, gắn bó nào đấy. Không phải do tình cảm con người đang chất chứa, dạt dào nhưng vì sự chết đã tạo nên mối hiệp thông do bản chất của nó. Cần phân biệt điều này để tránh hiểu lầm, mê tín dị đoan giúp bảo đảm tương giao chân chính giữa người sống và kẻ chết. Cần hiệp thông với nhau không phải do nhu cầu hoặc lễ nghi nhưng là do một sự thúc đẩy tâm linh của cả hai bên tạo thành một làn sóng giao thoa đồng điệu kỳ diệu.
Đối với các thụ tạo khác cũng thế. Người ta vẫn tin tưởng rằng linh hồn người chết còn đang quanh quẩn hoặc nhập vào những thụ tạo quanh đấy, nhất là đối với những thứ gì rất gần gũi với họ lúc còn sống. Đây không phải là vấn đề thuộc niềm tin Kitô giáo, nhưng cho ta có một cảm nhận rằng giữa các thụ tạo và người chết đã có một mối tương quan, một sự hiệp thông khác lúc còn sống. Có những trường hợp con vật hoặc cây cối do người đó nuôi, trồng dần dần chết theo người chết, người ta bảo rằng vì nó thương họ quá! Đúng là phải có một sự thiêng liêng nào đó tác động làm nên cảm nhận đặc biệt này. Khi người ta nói “chết là thể phách, còn là tinh anh”, nghĩa là cái còn lại sẽ tạo nên một mối hiệp thông, còn nếu không có nó thì sẽ không có hiệp thông. Đây là đỉnh cao của sự chết nơi giới có tinh thần là con người chúng ta. Hơn thế nữa, cái chết muốn đưa người ta về cội nguồn vĩnh cửu đích thực của mình được diễn tả trọn vẹn trong câu nói “sống gửi thác về”. Về ở đây tức là đi vào mối tương quan, hiệp thông với cộng đoàn các thánh và Thiên Chúa Ba Ngôi. Diễm phúc lớn lao nhất mà con người mơ ước cuối cùng chỉ đạt được nhờ sự chết đi như Đức Giêsu đã nói: “Khi nào được giương cao khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi”. Chính khi người ta dừng lại ở nỗi buồn chia ly tang tóc, họ đã không nhận ra điều này. Không những thế ơn cứu độ của Chúa còn mang tính dứt khoát cần sự tách lìa khỏi một yếu tố nào đó đang gắn bó với con người, có thể nói những yếu tố này phần nào giảm bớt sự hiệp thông của con người.
Vấn đề hiệp thông của kẻ chết có vẻ mang đậm nét tôn giáo và triết học ở mọi thời đại là một dấu chỉ nói lên tính mầu nhiệm của vấn đề này cần phải duy trì để bảo đảm một chút niềm tin. Vì thế, khi tham dự một đám tang tâm hồn chúng ta được nhắc nhở về một khía cạnh nào đó của sự hiệp thông này, để có được sự quy tụ bên nhau, có được câu kinh lời hát và các cử chỉ chung với nhau. Từ đó, người ta có thể ôn lại quá khứ của người chết và cầu nguyện cho họ chứ không phải một sự đoạn tuyệt vĩnh viễn. Đến với người chết là như vậy và suy nghĩ về sự chết là như thế.
Sự chờ đợi một đời sống vĩnh cửu ở thế giới bên kia chỉ có thể đạt được khi sự hiệp thông trên được thể hiện đầy đủ, vì hạnh phúc chính là có được các mối liên hệ tốt đẹp. Cho nên cái chết của con người luôn ẩn hiện đâu đó nếu sự hiệp thông không ổn, điều mà người ta gọi là người chết hiện về, hay là nhập vào cái gì đó… Thành thử ra, càng quan tâm đến sự chết thì càng phải quan tâm đến các mối liên hệ của sự hiệp thông ở đời này. Bởi vì chính chúng ta đóng vai chủ động trong vấn đề hiệp thông bằng sự tự do của mình thì chính chúng ta cũng tự mình dệt nên sự hạnh phúc đời sau bằng sức mạnh của sự hiệp thông đã được chuẩn bị trước trên trần gian, giống như nguyên tắc của lực hút đẩy.
Mỗi cá nhân đi về đời sau phải tạo nên một sự hiệp thông sâu xa với vạn vật, với Thiên Chúa bằng đời sống của mình. Đây cũng chính là toàn bộ ý nghĩa của đời sống con người được đan dệt từ đời này với đời sau, kiếp nọ với kiếp kia, hiện tại với tương lai… Trong cái nhìn ấy, chết là đi vào mối hiệp thông trọn vẹn và đời đời với một thế giới riêng biệt nhưng không tách biệt khỏi trần gian, tạo vật. Và sự hiệp thông trong cái chết còn nói lên quyền năng của Thiên Chúa trong việc quy kết và hợp nhất tất cả mọi thụ tạo trong tương quan với Ngài trong trời mới đất mới mà Ngài chính là trung tâm điểm của sự hiệp thông nối kết.
Lm. Bùi Trọng Khẩn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét