[caption id="attachment_2911" align="aligncenter" width="460" caption="“Anh em sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,32)"][/caption]
Đừng xấu hổ về những cái xấu, cái yếu kém của mình. Ở đời ai cũng không muốn người ta xúc phạm đến chân lông mình. Nhất là những người có quyền, có chức, có địa vị trong đạo ngoài đời. Kinh nghiệm cho thấy càng lắm chức nhiều quyền càng sợ hãi bị chê bai, góp ý.
Bị mất danh thơm tiếng tốt thì xấu hổ lắm. Có người mất ăn mất ngủ vì bị người ta chê bai, góp ý. Chẳng hạn đàn bà con gái mà bị chê là xấu xí thì tự ái khủng khiếp, có thể chết đi được hay có ra đường thì chẳng dám ngẩng mặt lên mà nhìn! Chuyện tự nhiên nơi con người ta hơn kém là thế.
Một người được coi là hiền lành, đạo đức thánh thiện thì cứ xem phản ứng của họ sau khi bị chê bai, góp ý. Một người đạo đức giả, hống hách, kiêu kăng mà bị phê bình, góp ý thì sẽ có những phản ứng thật ghê gớm, không thể kìm hãm nổi. Dựa vào kinh nghiệm ấy, ai hay phê bình góp ý thì phải ý tứ, cẩn thận kẻo nguy hiểm đến cả tính mạng nữa. Thật sự là như vậy.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã bị bỏ tù và bị chém đầu chỉ vì dám góp ý, khiển trách vua Hêrôđê không được lấy vợ của anh mình (x. Mc 6,14-29). Gioan Tẩy Giả được coi là một ngôn sứ lớn. Ông không thể im lặng trước một sự thật không thể chấp nhận được. Ngôn sứ mà im lặng thì đáng bị nguyền rủa lắm. Suy nghĩ về con người của Gioan Tẩy Giả, tôi rất khâm phục và có thể nói ngài là bổn mạng của các ngôn sứ, các nhà giảng thuyết, các người cầm bút. Trộm nghĩ, giá ngày rửa tội, cha mẹ đặt cho cái tên thánh là Gioan Baotixita thì hay. Tôi liên tưởng tới mấy gương mặt anh hùng trong Giáo hội Việt Nam. Quả thực các ngài đã đang thi hành đúng chức năng ngôn sứ của mình.
Hôm nay, chức năng ngôn sứ phải được thực thi dưới nhiều hình thức khác nhau. Thời đại này đang cung cấp cho chúng ta đủ mọi phương tiện thông tin quảng cáo, tại sao mình lại không sử dụng nó vào việc loan báo Tin Mừng? Giáo Hội khích lệ cho chúng ta làm việc này. Chính tay ĐTC Gioan Phaolô II khai trương và chúc lành cho chương trình Internet của Vatican. Phải nói rằng đây là phương tiện giới thiệu Tin Mừng rất hiệu quả, kịp thời.
Bộ mặt của Hội thánh Công giáo phải trở nên ngày một rõ ràng sáng sủa nhờ những phương tiện truyền thông. Vậy thì cũng nên nhớ bộ mặt ấy đừng che đậy khuyết điểm xưa và nay. Còn nhớ Đại Năm Thánh 2000, ĐTC Gioan Phaolô II đã mạnh dạn xin lỗi về những lỗi lầm quá khứ của Hội Thánh. Một cử chỉ tuyệt vời, đầy khiêm tốn và anh hùng diễn tả hai khía cạnh của Hội Thánh là thánh thiện nhưng cũng có tội nhân. Vua Đavít đã ăn năn thống hối trở thành thánh cũng là do những lời nhắc nhở, khiển trách của một vị ngôn sứ. Viết tới đây tôi nhớ đến lời Đức cha Giáo phận Bùi Chu kể về một vị giám mục kia có thói quen luôn viết sẵn một câu người ta chửi mình và để trên bàn làm việc. Hằng ngày nhìn vào câu chửi ấy để tự răn mình, tự sửa mình, tập tành nhân đức để khi gặp sự việc thì quen xử sự.
Danh hoạ Picasso nói: “Người nào chê tôi 1 lần là bạn tôi, chê tôi 2 lần là thầy tôi, chê tôi 3 lần thì dứt khoát là học trò của tôi”. Dĩ nhiên là các bậc danh nhân thế giới có những quan điểm cao thượng và khác chúng ta nhiều. Ấy thế mà, ta đây mới chỉ có một chút chức vị nho nhỏ đã không chấp nhận bất cứ một lời góp ý, chê bai nào dẫu chỉ một lần thì tình hình sẽ đi đến đâu?
Hãy để cho tiếng nói của anh chị em mình được vang lên trong tự nhiên như một quy luật của Tạo Hoá, đừng “cả vú lấp miệng em”. Hãy tập lắng nghe và vâng lời cả… bề dưới. Hãy đón nhận sứ điệp cứu rỗi của một ngôn sứ dù rất tầm thường, giản dị, thậm chí lập dị. Hãy để cho người Kitô hữu có cơ hội thực thi sứ mệnh ngôn sứ của họ. Tất cả để vươn tới một điều mà Chúa Giêsu đã nói: “Anh em sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,32).
Lm. Bùi Trọng Khẩn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét