“Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm” (Lc 2,45)
Phúc Âm Thánh Luca kể lại việc Thánh Giuse và Mẹ Maria bị lạc mất Chúa Giêsu khi hai ông bà đưa Chúa lên Giêrusalem để mừng Lễ Vượt Qua. Ông bà không bị lạc mất Chúa nơi phố chợ đông người hay chốn phồn hoa đô thị, nhưng ông bà lại bị lạc mất Chúa ngay trong đền thờ, nơi thánh thiêng. Sau 3 ngày tìm kiếm khắp nơi qua họ hàng thân thuộc, hai ông bà trở lại Giêrusalem và đã tìm thấy Người. Trong chuỗi Mân Côi, khi nguyện ngắm Thứ Năm mùa Vui, tôi vẫn hằng xin “cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn”.
Là con người yếu đuối, tôi cũng đã từng nhiều lần lạc mất Chúa, nhưng nhờ lòng yêu thương của Chúa qua Bí tích Hoà Giải, tôi lại tìm gặp Ngài.
Trong những giây phút thinh lặng hồi tâm một mình, tôi thấy nguyên nhân chính làm tôi xa cách Chúa, làm tôi lạc mất Chúa chính là vì tôi đã huyênh hoang tự đắc về “cái tôi” (The Self) của mình.
Blaise Pacal đã nói rằng “cái tôi đáng ghét” (Le moi est haissable). Quả thế, cái tôi toàn những kiêu căng ẩn nấp dưới cái vỏ khiêm nhường và hận thù, ghen ghét ẩn nấp dưới cái vỏ ngoại giao thân thiện.
Ai cũng biết thần Lucifer bị Chúa phạt vì tội kiêu ngạo. Ông bà tổ tiên Adong và Eva cũng do muốn biết hết mọi sự mà ăn trái cấm và chúng ta mang tội tổ tông vì hậu quả của tội kiêu ngạo ấy.
Sự kiêu căng của con người thường được “cái tôi” giấu giếm một cách rất tinh vi quỷ quyệt. Không ai vỗ ngực tự xưng mình là kẻ kiêu căng, nhưng qua hành động, qua lời nói, qua cung cách thì mọi người hiểu được là tôi đã rất cao ngạo. Vì cao ngạo nên tôi không chấp nhận lối làm việc của người khác, tôi không đánh giá cao và khen ngợi người khác. Tôi nhanh chóng phê bình nhưng lại hà tiện lời khen. Nếu được hỏi là tôi ủng hộ ai, thì tôi sẽ nói tôi ủng hộ ông này bà kia. Nhưng nhìn thật vào lòng mình thì tôi thấy tôi chỉ ủng hộ tôi, chỉ có tôi mới xứng đáng mà thôi. Bởi tôi là cái rốn của vũ trụ, nên tất cả mọi việc phải bắt đầu từ tôi và do tôi chỉ đạo. Tôi thích được phát biểu, thích lăng xăng chỗ đông người, nhất là trong các buổi lễ lớn, thích là nhân vật quan trọng. Tôi kêu gọi mọi nguời hiệp nhất, nhưng là hiệp nhất sau lưng tôi. Tôi cỗ vũ làm việc thiện nhưng việc ấy phải được chủ xướng bởi tôi. Tôi cười lạt lui một bước để rồi sẽ tiến hai bước...
Vì kiêu căng nấp dưới cái vỏ khiêm nhường, tôi đã trở nên rào cản cho những chương trình tốt đẹp của hội đoàn, phong trào nơi tôi tham gia. Lòng ghen ghét, thù hận, bè phái, một sở trường của Satan, được bọc trong cái vỏ lịch thiệp giả tạo. Những người Pharisêu thời Chúa Giêsu cũng rất giả tạo. Họ giả vờ đạo đức bằng cách cầu nguyện lâu giờ chốn hội đường, bằng nới rộng tua áo, bằng thẻ kinh đeo lủng lẳng. Họ giả vờ thành thật bằng cách hỏi Chúa những câu hỏi để gài bẫy Ngài. Chúa lên án những kẻ giả hình: “Khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái giả hình: vì các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ tốt đẹp, nhưng bên trong đầy xương kẻ chết và mọi thứ nhơ nhớp” (Mt 23,27). Bởi chỉ là bề ngoài nên tôi làm việc thiện để được tiếng khen với những mưu đồ cá nhân khác.
Khi phải phê bình xây dựng để cho mọi người có cơ hội hiểu nhau hơn, hiệp nhất hơn, chung sức chung lòng hơn thì tôi không dám nói, không dám phê bình anh chị em với thái độ thẳng thắn, tôn trọng yêu thương giữa ban ngày nhưng lại dùng chiến thuật rỉ tai, nói hành nói xấu. Lời nói không minh bạch gieo rắc nỗi nghi ngờ trong khi Chúa dạy tôi: “Có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,37).
Chính cái ỡm ờ, thật giả này đã gây bao hiểu lầm, bao đổ vỡ, làm cho nhiều người ngao ngán bỏ cuộc, không tích cực tham gia các hội đoàn nữa. Cũng vẫn là cái tôi, nó làm tan nát cộng đoàn, nó chia rẽ những người có lòng với hội đoàn, với phong trào, nó giết chết sự nhiệt thành và làm băng giá tình người nơi tín hữu. Cái tôi nó ẩn mình nhưng lại điều khiển tất cả, nó như con ma xó góc nhà làm rối tung mọi thứ. Tôi đã từng nghe có người than rằng thà cứ ở nhà còn hơn vào đoàn thể này, phong trào nọ mà chia bè chia cánh thì lại sinh tội ra. Quả đúng thế, nếu không có tình thương của Chúa, không có sự chân thành, khiêm nhường thật trong lòng thì chỉ có sinh tội ra mà thôi và tôi sẽ lạc mất Chúa ngay trong một môi trường tưởng chừng rất tốt đẹp này.
Tại sao một người mới học qua một khoá tĩnh tâm, mới gia nhập vào một hội đoàn thì sốt sắng, hăng say là thế. Vậy mà chỉ một thời gian sinh hoạt thì tôi như bị “mất lửa”, sự sốt sắng trở nên nguội lạnh, lòng hăng say biến ra chán nản. Có thể bởi “cái tôi” trong môi trường hội đoàn không được chiều chuộng đủ, hoăc trong hội đoàn đã có quá nhiều “cái tôi” khác, nên tôi ngãng ra, không còn năng động trong sinh hoạt nữa.
Để cho một hội đoàn, phong trào sinh hoạt có hiệu quả, mọi người cần phải hiệp nhất. Các thành viên phải tôn trọng và vâng phục người đứng đầu hội đoàn. Vâng phục vì yêu Chúa Giêsu và vâng phục để có sự hiệp nhất trong phục vụ trong công tác chứ không vì lý do nào khác. Mặt khác, người đứng đầu hội đoàn cũng phải có tinh thần phục vụ gương mẫu, “người làm lớn hơn cả phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,11).
Ngay cả một tu sĩ có khả năng mà không vâng phục giáo quyền thì cũng dễ đi đến thoái hoá. Cũng vậy, các thành viên trong hội đoàn không vâng phục người đứng đầu vì sự hiệp nhất trong phục vụ sẽ dẫn đến việc chia bè phái và tan rã.
Mới đây, chúng ta mừng lễ Thánh Phaolô Tông Đồ, một tông đồ rất nhiệt thành của Chúa. Thánh nhân đã từng bị lạc mất Chúa trước biến cố ngã ngựa. Khi đã tìm thấy Chúa rồi, thánh nhân mạnh mẽ xác quyết: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39).
Những lời đầy nhiệt thành của Thánh Phaolô cũng đốt cháy lòng ao ước theo Chúa của tôi. Vâng, chẳng có gì tách tôi ra khỏi tình yêu của Chúa ngoài những gian truân vất vả cuộc đời.
Sống trong xã hội hiện nay, nhất là tại Hoa Kỳ, tôi không phải đối nghịch với nhiều thử thách như thời Thánh Phaolô, không phải hy sinh mạng sống vì niềm tin như các tín hữu ở các quốc gia khác trên thế giới, nhưng cái ngăn cản tôi, cái làm tôi lạc mất Chúa vẫn là chính tôi.
Không ai cấm tôi đi nhà thờ. Có chăng là tôi không muốn đi, tôi lười biếng, tôi bận rộn với những công việc khác, thú vui khác?
Không ai cấm tôi làm việc thiện, làm công tác công ích xã hội. Có chăng là do lòng tôi hẹp hòi, do tôi không muốn chia sẻ với anh chị em.
Không ai cấm cản tôi nói về Chúa, nhưng tự tôi, tôi ngại ngùng mở miệng vì tôi không có lòng yêu thương và không thực thi điều Chúa dạy.
Làm sao tôi nói về Chúa nếu tôi không có Chúa trong tâm hồn tôi? Làm sao tôi có cái nhìn bao dung của Chúa nếu tôi đã không gặp ánh mắt yêu thương trìu mến của Ngài?
Không ai cấm tôi tìm hiểu đạo Chúa. Tôi được tự do chọn lựa vào những trang mạng Công giáo để học hỏi, tìm hiểu về Chúa, hay mất hàng giờ để lang thang với những trang mạng cổ vũ thú vui trần tục.
Tôi tự do tham gia sinh hoạt các hội đoàn nhưng xin mang đến các hội đoàn lòng nhiệt thành với lòng yêu mến Chúa thiết tha. Xin để “cái tôi” ở nhà vì nó luôn là kẻ thù số một đánh phá hội đoàn với sự hỗ trợ của ma quỷ. Nó có thể làm cho tôi và bao anh chị em khác lạc mất Chúa trong chính môi trường mà chúng ta đang hăng say hoạt động tông đồ.
Lạy Chúa, Chúa đã từ bỏ chính mình để ý Chúa Cha được thực hiện trọn vẹn nơi Chúa. Xin cho con biết từ bỏ được “cái tôi” của mình để cho sự hiệp nhất được thực hiện nơi hội đoàn, phong trào nơi con đang sinh hoạt và ý Chúa được thể hiện trong mọi công tác tông đồ của chúng con.
Xin Chúa đừng để con hay bất cứ ai trong anh chị em con bị lạc mất Chúa trong sinh hoạt tông đồ, ngay trong chính đền thờ của Chúa.
Giuse Thẩm Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét