(Suy niệm Lời Chúa Lễ Tro)
Yêu nhau nên gần nhau
Không phải gần nhau mà người ta yêu nhau, nhưng vì yêu nhau nên gần nhau. Không phải gần Chúa mà yêu Chúa, nhưng vì yêu Chúa, người ta mới gần Chúa được.
Cụ thể trong bối cảnh truyền giáo và tái truyền giáo tại ViệtNam: đã có không ít người được ở gần nhà thờ, được thường xuyên tham dự thánh lễ và các bí tích, được nghe giảng dạy Tin Mừng… nhưng lòng khao khát của họ thật đáng trân trọng. Thiết nghĩ, họ khao khát Chúa, họ yêu mến Chúa, nên họ đang gần Chúa lắm. Kể cả những người đang đầu tắt mặt tối kiếm sống qua ngày không có thời gian đến nhà thờ nhà thánh, hoặc người xấu hổ vì tội lỗi, ngại ngùng xuất hiện chỗ thánh thiêng sợ ánh mắt của bao người nổi tiếng là tốt lành đạo hạnh phê phán… nhưng lòng họ vẫn hướng về Chúa với lòng khát khao yêu. Có thể kể đến những người chưa biết Chúa, họ đang là những con người có đạo theo hướng dẫn của lương tâm công chính ngay thẳng, thiết nghĩ, lòng khao khát chân lý của họ thật lớn lao.
Không biết ai đang gần Chúa hơn ai.
Tiếng gọi tình yêu
Mùa Chay như tiếng gọi tình yêu rất đỗi tha thiết vang lên thấu tận trái tim, tâm hồn, tấm lòng của mỗi tín hữu rằng: hãy trở về với Chúa; hãy yêu Chúa. Đừng ở gần Chúa mà tâm hồn, lòng trí thì để ở chỗ phù vân. Đừng như người con trai cả trong dụ ngôn Người Cha Nhân Lành: ở gần Cha mà lòng xa Cha lắm.
Mùa Chay như tiếng gọi tình yêu rất đỗi kiên trì của người tình si gọi người tình bội phản: “Anh ơi, hỡi người tình bỏ em mà đi tìm thú vui nơi khác, hãy trở về với em. Em vẫn chờ vẫn đợi”. “Em ơi, hỡi người tình đứng đàng đông trông đang tây, hãy trở lại với tình yêu của anh, anh không bao giờ ruồng rẫy”.Vâng, nỗi lòng tình yêu của Thiên Chúa còn trung tín mãnh liệt hơn một người tình si trần thế, Người không bao giờ chấp nhất lỗi lầm của người mình yêu và kiên trì mở rộng vòng tay bao dung đón đợi. Bởi vì“Chúa nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người, để họ ăn năn sám hối và tha thứ cho họ” (Kn 1,24). (Ca nhập lễ, Lễ Tro)
“Chúa nhắm mắt làm ngơ trước tội lỗi loài người”. Vâng, vì tình yêu mà Chúa không chấp nhất. Và còn hơn nữa, Người cất lên tiếng gọi tình yêu thật thống thiết đến não lòng: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của các ngươi, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Joel 2,12-13).
Về với tình yêu
Trở về với Thiên Chúa là tái lập lại tương quan giữa mình với Thiên Chúa, tái xác định đối tượng tình yêu duy nhất và vững bền của mỗi chúng ta là Thiên Chúa, không phải là một thực tại trần gian nào khác. Thánh Phaolô gọi việc nối lại tình yêu với Thiên Chúa là việc “làm hoà” với Thiên Chúa. Nghĩa là không ở lại trong tư thế đối lập, chống lại Thiên Chúa, nhưng hãy ở lại trong Thiên Chúa. “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,20-21).
Trở về với Thiên Chúa còn là tái xác định mọi thực tại ở trần gian này không phải là đối tượng duy nhất của lòng yêu, không phải là chỗ ký thác đời mình tới vĩnh cửu. Vì thế, Mùa Chay bắt đầu với Lễ Tro và việc ăn chay cho chúng ta nhìn ra bộ mặt thật của mọi thực tại trên trần gian: hữu hạn đến mức phù vân. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận giá trị các thực tại, nhưng tất cả thực tại phù vân ấy chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết sử dụng nó để góp phần làm viên mãn công trình của Chúa Giêsu cứu rỗi chúng ta và cứu rỗi mọi người.
Chúa Giêsu đã từng nói: “Được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?” (Lc, 8,36). Nếu chi tiết hơn câu nói của Chúa, chúng ta có thể hiểu: Có xe hơi nhà lầu mà mất linh hồn nào được ích gì? Có chức quyền, danh vọng, bạc tiền, sắc đẹp, tài hoa, mà mất linh hồn nào được ích gì? Kể cả có người yêu mà mất linh hồn nào được ích gì?… Nhưng, nếu ý thức mọi danh vọng, của cải, bạc tiền, sự nghiệp… ở trần gian này đều qua đi và biết sử dụng mọi thực tại theo đúng ý Chúa, thì thiết nghĩ, ấy là điều tốt đẹp.
Sống trong tình yêu
Về với tình yêu để sống trong tình yêu, Tin Mừng (Mt 6, 1-6. 16-18) khai mạc mùa Chay đã đề xướng một cuộc sống mới: giao hòa với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện và sử dụng thực tại trần gian cho ý nghĩa bằng cách sống bác ái với mọi người.
Hãy cầu nguyện bằng tình yêu chân thành: “Còn con khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Đấng ngự nơi bí ẩn, và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con” (Mt 6,6).
Hãy sống bác ái bằng tình yêu chân thành: “Các con có bố thí, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc con bố thí được giữ kín và Cha con, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho con” (Mt 6,3-4).
Sứ điệp Mùa Chay 2012 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng đề cập đến việc sống trong tình yêu, dựa trên lời dạy của Thánh Phaolô: “Chúng ta hãy quan tâm đến nhau để khích lệ nhau sống bác ái và làm việc lành” (Dt 10,24). Ngài còn chú thích thêm cho chúng ta “phải nhận ra tha nhân thực sự là một cái tôi khác của mình (alter ego) và cảnh giác về mối nguy cơ con tim chúng ta có thể trở nên chai cứng vì một thứ “hôn mê tinh thần”, làm chúng ta tê liệt trước những đau khổ của tha nhân”. Quan tâm đến nhau để đón nhận ân huệ hỗ tương, để khích lệ nhau sống bác ái và làm việc lành là cùng nhau tiến bước trên đường nên thánh. Ngài còn nói chi tiết về việc quan tâm đến nhau bao hàm việc quan tâm đến thiện ích thiêng liêng của nhau, đó là sự sửa lỗi huynh đệ nhắm đến ơn cứu rỗi đời đời.
Để kết, xin được chia sẻ câu chuyện về cha sở của giáo xứ tôi (1982-2000)
- Mỗi năm ăn chay có hai ngày thôi mà?
- Không, cha sở tôi ăn chay quanh năm.
- Sao vậy? Để chữa bệnh hả?
- Không. Tôi nói vậy là vì bao nhiêu quà biếu, nhất là quà tết của các gia đình, đoàn thể tặng cho cha, cha đều tìm cách cho các người nghèo trong giáo xứ. Nhiều nhất là xóm Thượng. Còn cha, cơm cà dưa muối là món sở trường.
- Sao ông biết?
- Vì nhà tôi cũng nghèo, cũng được quà của cha, nên biết.
- Cha mang quà tới cho ông sao?
- Không, có một người rất kín đáo, không ai để ý tới, là người chuyên mang quà của cha đi khắp mọi nhà.
- Ai vậy?
- Ông “Cụt Cô Đơn”, nhà gần chợ, hay đi chiếc xe đạp cọc cạch. Mỗi lần đi một hai gói quà trong túi xốp màu đen, đến nơi, ông đưa quà và nói “có người biếu”. Hỏi ông ai biếu, ông chỉ trả lời là có người nhờ tui mang tới, chỉ xin đọc một kinh Kính Mừng. Suốt 18 năm, mà hầu như không ai biết, vì ông Cụt quá kín đáo.
- À thì ra! Có lần tôi thấy ông cụt ấy chở 2 thùng bia đi bán, rồi quay lại chỗ hàng gạo mua được hơn 30 ký gạo. Cô hàng gạo cho gạo vào một bao. Ông không chịu, bảo sang ra làm 3 bị, mà tôi không hiểu gì.
Năm 2000, Cha sở tôi đã đổi đi giáo xứ khác. Năm sau, 2001, Ông Cụt bệnh nặng, rồi qua đời. Những người giữ kẻ liệt nghe ông kể lại chuyện cha sở đã giao việc cho ông suốt 18 năm coi xứ, nhớ ơn cha lắm. Nay cha đã gần 80. Chuẩn bị về hưu.
Tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho giáo dân chúng con có một cha sở và ông “Cụt Cô Đơn” đã nêu gương sống Tin Mừng Mùa Chay, không chỉ một ngày, một mùa, mà cả đời. (Cha PX 2001)
Lạy Chúa, xin cho chúng con trở về với Chúa bằng sự thôi thúc của tình yêu đã hơn một lần bội phản khi chúng con để lòng yêu vào các thực tại phù vân ở trần gian. Nguyện xin tình yêu Chúa gìn giữ chúng con trung thành sống trong Chúa và biết sử dụng mọi quà tặng Chúa ban ở đời này mà sắm sẵn cho chúng con phần rỗi đời sau.
Amen.
PM. Cao Huy Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét