[caption id="attachment_4684" align="aligncenter" width="600"] Ngài ơi sao nỡ bỏ rơi con...[/caption]
Tại sao có những lời cầu nguyện lâu được trả lời hơn những lời cầu nguyện khác, và tại sao có những lời cầu nguyện có vẻ như không được trả lời?
Chắc chắn, chúng ta không thể nào biết được, và có lẽ có một số nhân tố chi phối. Có một điều chúng ta có thể chắc chắn rằng chính là Chúa luôn nghe thấy những lời cầu nguyện của chúng ta, ngay cả khi Ngài không luôn đáp trả chúng ngay lập tức và không luôn đáp trả theo cách chúng ta mong đợi. Đôi khi, Ngài nói “được”, đôi khi Ngài nói “không” và đôi khi Ngài bảo “chờ”.
Khi có vẻ như những lời cầu nguyện của bạn không được đáp trả, hãy thử hỏi bản thân:
Tôi có chắc rằng những gì tôi cầu xin cũng là những gì Chúa muốn không?
Những lời cầu xin của chúng ta thường rất thiển cận, trong khi Chúa có thể nhìn thấy rất rộng. Ngài không đáp trả một số lời cầu nguyện theo cách chúng ta muốn hoặc theo cách chúng ta trông đợi Ngài đáp trả bởi vì Ngài biết rằng những gì chúng ta cầu xin không thật sự tốt cho chúng ta hoặc cho ai đó khác. Hoặc có thể Ngài biết rằng có điều gì đó khác tốt hơn cho bạn và cho những người khác về lâu dài. Không ban cho chúng ta điều chúng ta muốn, khi chúng ta muốn, đôi khi là cách Chúa thôi thúc chúng ta xem xét những lựa chọn khác hoặc hành động theo cách có thể chúng ta không bao giờ nghĩ mình có thể làm, để có được những kết quả tích cực.
Động cơ của tôi có đúng đắn không?
Nếu động cơ của chúng ta là ích kỷ hoặc sai lạc, chúng ta không thể trông chờ Chúa ban cho chúng ta những gì chúng ta cầu xin (x Tv 66,18; Gc 4,3).
Tôi đã làm tốt phần việc của mình chưa?
Nếu bạn hoàn tất phần việc của bạn bằng cách nỗ lực hết sức để sống như Chúa bảo bạn sống, và nếu bạn làm những gì bạn có thể làm để mang lại kết quả mong muốn cho lời cầu nguyện của bạn, bạn có thể tin tưởng rằng Chúa sẽ trả lời, có thể không hoàn toàn đúng như những gì bạn hy vọng, nhưng theo cách Chúa biết là tốt nhất cho bạn và cho hoàn cảnh (x. 2 Ga 3,21-22).
Có thể Chúa đang thử thách lòng tin của tôi chăng?
Đôi khi, Chúa muốn xem bạn có thật sự muốn có được câu trả lời không. Ngài thích lòng tin không bỏ cuộc, lòng tin tiếp tục tin tưởng bất chấp trở ngại. Ngài đánh giá cao lòng tin của những ai luôn tin rằng sự việc sẽ như thế, đơn giản bởi vì Chúa đã nói như thế.
Một minh hoạ thích hợp cho điều này chính là tổ phụ Abraham trong thời Cựu Ước. Mặc dù Chúa đã hứa với Abraham rằng dòng dõi của ông “đông đúc như sao trên trời” (Xh 32,13), khi ông 75 tuổi, và vợ của ông, Sarah, đã 66 tuổi, và họ vẫn không có đứa con nào. Nhưng Abraham đã tin vào lời hứa của Chúa, và Chúa đã thực hiện. Sarah thụ thai và sinh một người con trai là Isaac khi bà 90 tuổi, quá tuổi sinh nở.
Tông đồ Phaolô đã viết về sự vững tin của Abraham: “Ông đã gần 100 tuổi, nhưng ông vẫn vững tin không nao núng, khi nghĩ rằng thân xác ông cũng như dạ bà Sarah đều đã chết. Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện” (Rm 4,19-21).
Lòng tin sẽ nói: “Tôi quả quyết lời hứa của Chúa và tôi sẽ tiến lên cho dù tôi không thể nhìn thấy con đường phía trước!” Đó chính là kiểu lòng tin làm vui lòng Chúa và đón nhận được kết quả.
Có lẽ Chúa đang dạy tôi biết kiên nhẫn hoặc bài học nào đó khác chăng?
Chúa thường dùng cách này khi Ngài muốn chúng ta chú ý, để dạy chúng ta những bài học giúp chúng ta đến gần Ngài hơn và làm cho chúng ta trở thành những con người tốt hơn. Kiên nhẫn dường như là một trong những bài học thường xuyên nhất của Ngài, nhưng cũng có thể Ngài đang cố dạy bạn biết yêu thương hơn, khiêm tốn hơn, sốt sắng hơn, hoặc bất cứ bài học quan trọng nào về cuộc sống. Nếu là như thế, nếu bạn học bất cứ điều gì Ngài đang cố dạy cho bạn, Ngài sẽ trả lời.
Lời đáp trả của Ngài có bị ảnh hưởng bởi những quyết định hoặc hành động của người khác không?
Kết quả của lời cầu nguyện tuỳ thuộc vào 3 yếu tố: ý định của Chúa (những gì Ngài muốn), ý định của bạn (những gì bạn muốn) và những quyết định và hành động của những người có liên quan. Ngay cả khi ý định của bạn và ý định của Chúa là trùng hợp, mọi việc có thể sẽ không diễn ra đúng như bạn hy vọng bởi vì Ngài đã ban cho mọi người quyền lựa chọn.
Có phải là thời gian của Chúa không?
“Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời” (Gv 3,1). Bạn không thể hối thúc Chúa. Đôi khi, cầu nguyện giống như gieo một hạt giống: cần thời gian để hạt giống nảy mầm, lớn lên và đơm hoa kết quả. Một số loại hạt giống cần thời gian dài hơn; một số bông hoa chỉ nở qua một đêm, nhưng cây thì cần nhiều năm để cho trái.
Trên đôi cánh của lời cầu nguyện
Trên đôi cánh của lời cầu nguyện, những gánh nặng của tôi bay đi
Và nỗi lo lắng muộn phiền trở nên nhẹ nhàng hơn
Và tâm hồn nặng trĩu của chúng ta được nâng cao lên
Được chữa lành bởi tình yêu tuyệt vời của Chúa!
Và những giọt nước mắt nơi khoé mắt của chúng ta được lau khô
Bởi đôi tay của Người Cha yêu thương
Đấng thấu hiểu mọi khó khăn, mọi sợ hãi và thất vọng của chúng ta
Khi chúng ta dâng tất cả cho Ngài trên đôi cánh của lời cầu nguyện. (Helen Steiner Rice)
Thiên Ân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét