Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Tông đồ liên gia



Cách đây 20 năm, cha được gia đình Câu–Ly ở Chicago (Hoa Kỳ) mời dùng cơm tối. Suốt buổi chiều hôm ấy, cha nghe hai vợ chồng họ nói say sưa về “Phong trào gia đình công giáo” (Christian Families Novement, viết tắt là CFM) mà họ đang là hội viên hoạt động. Họ bảo:

“Các hội mẹ gia đình không mang lại kết quả, vì gia đình muốn làm gì, cả vợ cả chồng phải cùng nhau nhất trí. Nếu một mình vợ giáo dục con cái, chồng lè phè làm gương xấu thì uổng công. Do đó, chúng tôi phải thành lập   “Phong trào gia đình công giáo” có cả hai vợ chồng cùng tham gia. Cứ 7,8 gia đình trong cùng khu phố làm thành một nhóm, hằng tuần luân phiên nhau gặp mặt nhau ở một gia đình. Trước hết, chúng tôi suy niệm Tin Mừng, rút kinh nghiệm sống trong tuần qua của từng gia đình, từng khu phố. Vấn đề ảnh hưởng trong khu phố rất quan trọng: một cháu hư hỏng có thể kéo lôi các cháu khác. Sách báo các cháu đọc, phim ảnh các cháu xem, chúng tôi đều quan tâm kiểm điểm. Thỉnh thoảng có cha xứ đến gặp mặt chia sẻ với nhóm này hay nhóm khác. Chúng tôi đồng ý với nhau: lúc họp mặt tất cả mọi người điều phải hiện diện đừng thiếu một ai, và chỉ sau khi gặp mặt xong mới uống nước trà và ăn bánh bích qui, để không phân biệt gia đình giàu với gia đình nghèo, và để nhà nào đón tiếp khỏi bận rộn đi xuống bếp lúc gặp mặt. Vợ chồng chúng tôi vừa đi vòng quanh thế giới, thăm các nước có phong trào này. Nhờ ơn Chúa, chúng tôi thấy bầu khí của các gia đình đầy tình yêu Chúa, biết giúp nhau biến đổi, biết chấp nhận nhau hơn, sống quảng đại hơn, can đảm hơn, biết nhìn thấy đời sống gia đình là một sứ mạng, một ơn gọi: vợ chồng giúp nhau, cha mẹ giúp các con, các gia đình cùng khu phố giúp nhau nên thánh".



“Ngoài những buổi họp hàng tuần, mỗi tối, sau lúc cầu nguyện và cho các cháu đi ngủ, chúng tôi có “giờ ngồi bên nhau”, vợ chồng cùng chung một lo âu, một niềm vui, một mối hy vọng, một tình yêu bên Chúa".

“Chúng tôi còn mở rộng nhà đón tiếp không những họ hàng bạn hữu, mà tất cả mọi người, nhất là các người ngoại quốc, các du học sinh. Chúng tôi kiếm những gia đình có khả năng tình nguyện tiếp đón một cô hoặc một cậu du học sinh ở đại học này hay đại học khác, để cho sinh sống trong gia đình như một người con, hay đón về hưởng bầu khí ấm cúng trong các dịp lễ, ngày nghỉ. Càng ngày chúng tôi tiếp đón được càng đông và càng có ảnh hưởng tốt, không những với cá nhân họ, bạn bè họ, mà cả gia đình ở châu Á, châu Phi nữa: Lúc họ rời nước chúng tôi, chúng tôi vẫn còn liên lạc mật thiết như người con trong gia đình, và chúng tôi lại đón tiếp một du học sinh khác, lắm lúc là do anh chị bạn trước giới thiệu đến với chúng tôi. Mấy chục năm nay, chúng tôi say mê công việc tông đồ này”.

(Góp nhặt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét