Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Chúa Thánh Thần, ngôi vị sống động

Fr Fiorello Mascarenhas, SJ., là một linh mục đầy sức lôi cuốn do tài nói chuyện của ngài. Sống tại Bombay, Ấn Độ. Ngài là giám đốc thường trực của ICCRS (International Catholic Charismatic Renewal Services) tại Rôma từ 1981-1984. Như vậy, ngài có nhiều dịp tiếp kiến cá nhân và đối thoại với đức Gioan Phaolô II và các viên chức Vatican. Ngài từng thăm viếng trên 80 nước và giảng tĩnh tâm cho các Giáo sĩ, thuyết trình tại Leaders Seminars ...



Lâu lắm rồi, Chúa Thánh Thần trở thành một điều khoản trong Kinh Tin Kính, Người là một thực tại sống động trong kinh nghiệm của Giáo hội hoàn cầu. Sách Công Vụ các Tông đồ có thể mang nhan đề khác là 'Các hoạt động của Chúa Thánh Thần', vì trên mỗi trang sách người ta cảm nhận được sự hiện diện của Thánh Thần, chân thực hơn và năng động hơn cả tên tuổi của những người nam và nư được ghi nhận trong đó. Người được nói đến như là một sự hiện diện vừa đáng yêu và bảo đảm : Thánh Thần khơi gợi lòng dũng cảm trong các Tông đồ (Cv 8,29-39); Người ban sức mạnh cho các vị tử đạo (7,55); Người đem Phêrô, một người Do-thái đến nhà ông Cornelius, một người ngoại (10,19 t); Người tuyển chọn những con người để sai họ đi thi hành sứ vụ (13,2) ; Người là niềm vui và là sự bảo đảm cho những ai bị bắt bớ (13,50 tt); Người điều khiển các phán quyết được thực hiện trong Giáo hội mới khai sinh (15,28) ; Người hướng dẫn các chuyến đi của các Tông đồ (16,6 t); nhất là Người chỉ đạo cuộc đời nhà truyền giáo Phaolô (20,22-24)...

Cũng trên 20 thế kỷ qua, Chúa Thánh Thần đã tác động trên những quyết định quan trọng mà các quyết định ấy định rõ các diễn biến trong sứ vụ của Giáo hội. Đích xác đặc biệt là Công đồng Vaticanô II được tổ chức cách đây 40 năm. Vì thế, đức Gioan Phaolô II đã yêu cầu toàn thể Giáo hội phải có một sự nhận thức rõ rệt hơn về Chúa Thánh Thần; một "sự tái lượng giá" về sự hiện diện và tác động của Thánh Thần" trong toàn thể thế giới và nhất là nơi Thân Mình Đức Kitô; và một lòng sùng kính sống động hơn đối với Chúa Thánh Thần trong đời sống mỗi người chúng ta.

Chúa Thánh Thần là Đấng nào?

Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con, và ước muốn của Người là tôn vinh cả hai; Người không bao giờ tìm cách kêu gọi tập trung vào bản thân Người. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được xác định rõ là những Ngôi vị, mỗi ngôi vị phân biệt với ngôi vị kia. Đức Giêsu khi nói về Chúa Thánh Thần, Người sử dụng nhiều lần đại từ nhân xưng "Người" và đồng thời, qua diễn từ cáo biệt, Người mạc khải mối dây hiệp nhất giữa Cha, Con và Thánh Thần với nhau : "Thần sự thật ... phát xuất từ Chúa Cha" (Ga15,26), Chúa Cha "trao ban" Thần Khí (14,16) ; Chúa Cha "sai" Thần Khí nhân danh Chúa Con (14,26), và Thần Khí "làm chứng" cho Chúa Con (15,26). Chúa Con xin Chúa Cha sai Thánh Thần-Trạng Sư (14,16), nhưng Người còn khẳng định và hứa, "Nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Người đến với anh em" (16,7).

Ân ban-chính-mình của Thiên Chúa cho chúng ta

Thánh Thần có thể được gọi là, "ân ban-chính-mình của Thiên Chúa" cho chúng ta. Đức Gioan Phaolô II đã dạy rằng từ ngày Lễ Ngũ Tuần trở đi, bắt đầu "Một cuộc hiến thân cứu độ mới của Thiên Chúa, trong Chúa Thánh Thần ...Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Cha, như những lời trong diễn từ cáo biệt tại Căn phòng Lầu trên cho thấy. Đồng thời Người là Thần Khí của Đức Giêsu Kitô, như các Tông đồ và đặc biệt là Phaolô thành Tác-xô sẽ chứng thực...Bằng cách này rõ ràng là tại nơi đây đem đến một khởi đầu mới về sự thông tri của Thiên Chúa Ba Ngôi, trong Chúa Thánh Thần, nhờ công trình của Đức Giêsu Kitô" (Thông điệp Chúa Thánh Thần, số 14).

Hành vi "xả-thân" đầu tiên của Thiên Chúa là khi Chúa Cha tạo dựng con người "theo hình ảnh và giống Người." Hành vi "xả-thân" thứ hai của Thiên Chúa là sai phái Đức Giêsu đi vào thế giới của chúng ta và trở nên một con người trọn vẹn và là Đấng Cứu Độ con người. Và kể từ Lễ Ngũ Tuần cho tới thời kết thúc, hành vi "xả-thân" thứ ba của Thiên Chúa là khi Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào lòng và đời sống của chúng ta, để canh tân bộ mặt Giáo hội và trái đất!

Vì thế, Chúa Thánh Thần có thể được hoạ lại trong tâm trí chúng ta là vị Thiên Chúa đang chiếu sáng chúng ta và thúc đẩy hầu đưa tất cả chúng ta vào trong tình yêu vững bền! Tất cả các biểu tượng về Chúa Thánh Thần, và các hạn từ như "sự dạt dào" Thần Khí, xác định hình ảnh cảm kích xúc động này, hình ảnh của vị Thiên Chúa đang hướng đến chúng ta trong tình yêu và quyền năng để ở lại với chúng ta và chúc lành cho chúng ta: thánh hoá, chữa lành và thanh tẩy, để củng cố và an ủi....

Danh xưng thích hợp của Chúa Thánh Thần

"Chúa Thánh Thần" là danh xưng thích đáng của Đấng mà chúng ta tôn thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Giáo hội đón nhận danh xưng này từ Chúa Giêsu và tuyên xưng trong bí tích Rửa tội (Mt 28,19). Dụng từ "Thần Khí" dịch từ tiếng Hip-ri ruah, theo nghĩa ban đầu là hơi thở, không khí, gió. Đức Giêsu dùng các hình ảnh cảm giác của làn gió để đề nghị ông Nicôđêmô tính mới mẻ siêu việt của Chúa Thánh Thần (Ga 3,5 tt). Mặt kbác, "thần khí" và "thánh" là những thuộc tính thần linh thông thường chỉ ba ngôi vị thần linh ; bằng việc liên kết hai hạn từ này, Kinh Thánh cho thấy ngôi vị Thánh Thần là ngôi vị không thể diễn tả hết ra được bằng lời.

Các tước hiệu của Chúa Thánh Thần

Đức Giêsu gọi Người là "Đấng Bảo Trợ - Paraclete" (Ga14,16.26 ; 15,26; 16,7), một từ Hy-lạp, nghĩa là, "Đấng đứng về phía," Cố vấn, Trạng sư, Khích lệ. Đức Giêsu cũng gọi Người là "Thần Khí sự thật " (Ga16,13). Thánh Phaolô gọi Người là Thần Khí "Thần Khí nghĩa tử  " (Rm 8,15), "Thần Khí của Đức Kitô " (Rm 8,9), "Thần Khí Chúa" (2 Cr 3,17), hay "Thần Khí của Thiên Chúa " (Rm 8,14). Thánh Phêrô ám chỉ Người là "Thần Khí vinh hiển" (1 Pr 4,14).

Các biểu tượng về Chúa Thánh Thần

- Nước: Thánh Thần là nguồn nước hằng sống khơi nguồn từ Đức Giêsu chịu đóng đinh (Ga 19,34), như lời hứa của Đức Giêsu khi Người tuyên bố, " Ai khát, hãy đến với tôi mà uống ! Như Kinh Thánh đã nói : Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống." Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận" (Ga 7,37-39). Thánh Phaolô cũng dạy rằng chúng ta "được đầy tràn một Thần Khí duy nhất" (1 Cr 12,13). Do đó, biểu tượng nước tuôn chảy mang ý nghĩa là tác động của Chúa Thánh Thần trong bí tích Rửa tội.

- Lửa: trong khi nước ám chỉ cuộc sinh hạ và hoa trái của đời sống được trao ban trong Thánh Thần, thì lửa thay cho sinh lữ biến đổi của các tác động của Thánh Thần. Đức Giêsu đã nói về Thần Khí, " "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên !!" (Lc 12,49). Cũng thế, dạng "các lưới như lưỡi lửa" Chúa Thánh Thần đậu trên các môn đệ và tuôn đổ trên các ông chính Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ Tuần (Cv 2,3). Thánh Phaolô tiếp tục dùng biểu tượng này khi ngài viết, "Đừng có dập tắt Thần Khí" (1 Tx 5,19).

- Dầu xức: Đức Giêsu là Đấng Kitô (Hy-lạp) hay Mêsia (Hip-ri) nghĩa là "Đấng được xức dầu" bởi Thánh Thần của Thiên Chúa (x. Lc 4,18 ; Cv 10,38 ; ...), vì thế, biểu tượng dầu xức ám chỉ tới Thánh Thần. Xức dầu là dấu chỉ của bí tích Thêm Sức hay việc "xức dầu thánh", được chứng thực chẳng hạn bởi 1 Ga 2 : "Anh em đã được xức dầu bởi Đấng Thánh" (c.20), và "dầu mà anh em đã lãnh nhận từ Đức Ki-tô ở lại trong anh em, và anh em chẳng cần ai dạy dỗ nữa ; mà dầu của Người dạy anh em về mọi sự, và là sự thật" (c.27).

- Ngón tay. Chính nhờ "ngón tay Thiên Chúa " mà Đức Giêsu xua trừ ma quỷ (Lc 11,20). Luật của Thiên Chúa djj viết trên bia đá bởi "ngón tay Thiên Chúa" (Xh 31,18), và "lá thư từ Đức Kitô" được viết "bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải ghi trên những tấm bia bằng đá, nhưng trên những tấm bia lòng con người" (2 Cr 3,3).

- Chim bồ câu: Nghệ thuật Kitô giáo dùng hình ảnh chim bồ câu để minh hoạ Chúa Thánh Thần, vì các Tin Mừng ghi nhận rằng khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, "thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người." (Mt.3:16).

Tất cả những biểu tượng này cho thấy tác động của Thần Khí và cũng không nên lầm lẫn về Ngôi vị của Chúa Thánh Thần (chẳng hạn, chim bồ câu là biểu tượng, chứ không phải là hình ảnh, của Thần Khí). Chúng biểu thị cho sự vận hành, tính năng động, quyền năng của Thiên Chúa, và muốn nói với chúng ta rằng Chúa Thánh Thần là Vị Thiên-Chúa-đang-hoạt-động, đang thánh hoá chúng ta và đưa chúng ta đi vào đời sống mới.

Tôn thờ Chúa Thánh Thần

Như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính Nixê, từng Ngôi trong Ba Ngôi tách biệt nhau, và cả Ba Ngôi cùng đáng ca ngợi, tôn thờ và tôn vinh. Ba Ngôi thánh thiện, cao trọng và quyền năng như nhau, tuy nhiên Chúa Cha ở vị trí trước Chúa Con và Thánh Thần, Người ở vị trí đầu trong Ba Ngôi bằng nhau. Chúa Con và Chúa Thánh Thần tuân theo ý Chúa Cha và làm mọi sự để tôn vinh Cha mà không mất đi sự cao trọng, và quyền năng - đó là mầu nhiệm thẳm sâu của Ba Ngôi. Trong thực tế, tôn thờ Thánh Thần nghĩa là trở nên ngoan nguỳ và mở ra cho tác động của Người, mềm mại cho những thúc đẩy yêu thương của Người, như Đức Trinh nữ Maria và các thánh đã thực thi. Điều ấy cũng có nghĩa là chúng ta sẽ bày tỏ tình yêu của chúng ta đối với Người bằng lời cầu nguyện, bằng việc ca hát ngợi nghe Người và mời Người đi vào cuộc đời chúng ta.

Tội chống lại Chúa Thánh Thần

"Vì thế, tôi nói cho các ông hay : mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha cho loài người, chứ tội nói phạm đến Thần Khí sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau." (Mt 12,31tt). Tại sao nói "phạm" đến Chúa Thánh Thần (Lc 12,10) thì không thể được tha ? ĐGH Gioan Phaolô giải thích : "Nếu Đức Giêsu nói rằng xúc phạm đến Chúa Thánh Thần không thể được tha cả đời này lẫn đời sau, bởi vì 'sự không tha thứ này' được liên kết, có nguyên nhân của nó, là sự 'không hoán cải', nói cách khác là từ khước triệt để hoán cải... 'sự xúc phạm' này không bao gồm việc xúc phạm đến Chúa Thánh Thần bằng lời ; đúng hơn là nó bao hàm việc từ khước chấp nhận ơn cứu độ mà Thiên Chúa trao tặng cho con người nhờ Thánh Thần, Đấng đang hoạt động nhờ quyền năng Thập Giá (Thông điệp về Chúa Thánh Thần số 46). Như vậy sự xúc phạm đến Chúa Thánh Thần là tội do con người cứ dấn vào khăng khăng cho là mình có 'quyền' để cố chấp trong tội lỗi - trong bất cứ tội nào - và như vậy người ấy phủ nhận ơn Cứu Độ. Đây là tình trạng phá huỷ Thánh Thần, bởi vì tội chống lại Thánh Thần không để cho kẻ ấy khai mở bản thân mình cho Thiên Chúa là Nguồn Cội của sự thanh tẩy và tha tội. Thánh Phaolô thúc giục mọi người, "Đừng dập tắt Thần Khí"; "Đừng làm phiền lòng Thánh Thần" (1 Tx 5,19 ; Ep 4,30).

Liên kết sứ vụ của Đức Giêsu và Chúa Thánh Thần

Thánh Thần của Chúa Con, Đấng mà Chúa Cha đã gởi vào lòng chúng ta, là Thiên Chúa chân thật (1 Cr 2,11). Người không tách biệt Chúa Cha và Chúa Con. Nhưng khi Chúa Cha sai Lời của Người đến, Người luôn gởi Hơi Thở của Người (là Thánh Thần). Vì thế, sứ vụ của các Ngài là sứ vụ phổ quát, trong đó Con và Thánh Thần khác biệt nhưng không thể tách biệt. Đức Kitô được xem là, "hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình" (Cl 1,15), nhưng lại chính là Thánh Thần, Đấng mạc khải Người (1 Cr 12,3b). Bất cứ khi nào Thiên Chúa sai Con của Người, Người luôn gởi Thần Khí của Người : sứ vụ của các Ngài được liên kết và không thể tách rời. Thần Khí Thiên Chúa chuẩn bị thời điểm của Đấng Mêsia : không phải Ngôi Lời cũng không phải Thần Khí được mạc khải trọn vẹn nhưng cả hai đã được hứa ban. Vì thế, khi Giáo hội đọc Cựu Ước thì Giáo hội tìm thấy tại đó những gì mà Thánh Thần, "nói qua các ngôn sứ", Đấng muốn nói với chúng ta về Đức Kitô (x. 2 Cr 3,14 ; Ga 5,39.46).

Mục đích chính yếu của việc Thánh Thần ngự đến

"Vì Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta sống thánh thiện. Vậy ai khinh thường điều này, thì không phải khinh thường một người phàm, nhưng khinh thường Thiên Chúa ; Đấng hằng ban Thánh Thần của Người cho anh em" (1 Tx 4,7-8). Chính danh xưng, Thánh thần, cho thấy Người là Thần Khí của sự Thánh Thiện, Đấng làm nên tính thánh thiện cho tất cả những ai mở ra cho tác động thánh của Người. Thần Khí hoạt động giữa tất cả con cái Thiên Chúa, giữa các môn đệ của Đức Giêsu theo một cung cách đặc biệt (nhờ các bí tích, lời Chúa, và nhờ tình bằng hữu của kitô hữu), nhưng cũng giữa những ai chân thành tìm kiếm Thiên Chúa : "Thần Khí muốn thổi nơi đâu thì thổi" (Ga 3,8). Để tôn vinh Đức Giêsu, Thần Khí Thiên Chúa thực hiện điều gì là tốt nhất để tác động trên tất cả những ai đón nhận ân ban của đời sống vĩnh cửu : "Hãy bước đi trong Thần Khí, và đừng chiều theo những ước muốn của xác thịt" (Gl 5,17 ; x. 5,22).

Antôn Vũ Hữu Lệ (dịch)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét