Xin mọi người đọc bài viết này của tác giả Trần Hương Giang để cùng suy gẫm về một điều: Thế giới này sẽ đi về đâu? Loài người sẽ đi đến đâu nếu không phải là đến chỗ tự diệt vong nếu loài người loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống mình!
1. Chữ viết
Khi cầm bút nguệch ngoạc mấy dòng, thấy tay mình cứng ngắc. Triệu chứng của cái thời đại công nghệ thì phải? Giờ chỉ quen gõ phím. Chữ viết không còn là hứng thú của con bé thích luyện chữ đẹp nữa. Ngày xưa ngang – dọc, thằng hàng ngay lối, uốn lượn đủ kiểu ra sao thì bây giờ thả cửa ngoáy tít lò xo, ngoằn nghèo như giun bò. Lại thêm cái kiểu chây lười ỷ lại vào máy móc, tạo thành một thói quen, một sức ỳ lúc nào không biết.
Câu “Nét chữ nết người” có khi phải xem lại. Không dám, không thể khẳng định rằng thì là mà: Vì chữ anh đẹp, hay chữ anh chưa đẹp, chữ anh thế này, chữ anh thế kia nên con người anh cũng thế nọ thế khác? Giờ chẳng có một ranh giới nào cụ thể để người ta phân biệt chuẩn và chỉnh, đúng và sai. Lí lẽ cũng trở thành vô nghĩa, đông cứng. Niềm tin trở thành một thứ “hàng hóa xa xỉ” hiếm hoi của đời sống tinh thần. Đấy, thời hiện đại đấy. Càng khoa học bao nhiêu, càng khám phá nhiều bao nhiêu lại càng rơi vào trạng thái mơ hồ bấy nhiêu.
Nhìn cuốn sổ mình vừa quất một đoạn bằng bút bi, chẳng dám tin đó là chữ của mình. Mắt mờ, mắt loạn hay cận? Dòm vào cứ thấy thực thực – ảo ảo lẫn lộn. Dòm xa hơn nữa, không thấy chữ, chỉ nhác nhác một cái bóng của đời sống mà ở nơi đó: Thực – ảo là góc nhìn rộng hơn, biến thành những đối lập giữa sáng – tối, thiện – ác. Phân biệt còn không nổi, sao biết được đâu là chân lí, đâu là ảo vọng; đâu là phần Con và đâu là phần Người?
Thử mần cú mò kim đáy bể, đi ngược đầu xuống đất mà dòm lên trời thì thấy cái gì? Thấy mỗi cái khu của chính mình. Đau lòng không tả nổi. Ảo tưởng là đây chứ còn đâu?
2. Thời đại công nghệ
- Quái, sao tao cứ thấy đứa nào cũng dán mắt vào cái máy chi chi, ngồi miết miết rứa hè, không mỏi đít hử?
Bà nội chín mấy tuổi của mình giờ vẫn còn minh mẫn lắm, đọc báo vẫn được, nói khịa, nói đểu, chém gió vẫn vô tư con cà cuống. Mấy bận thấy thằng cháu rể, thằng cháu nội, thằng con trai… túm đầu chúi mắt, chúi mũi, không một lời nói như “cái bóng thầm lặng” bên bàn máy vi tính, cụ cứ thắc mắc mãi. Có khi rảnh, phải giải thích cho cụ hiểu: “Tụi con dùng nó để mần việc, mần ăn. Công cụ để kiếm tiền đó mệ…”.
Quả thật là như thế, thời đại công nghệ, cái gì cũng phải có “công nghệ”, phải có máy móc mới xong. Tất cả đều phải dựa trên những kĩ thuật, kĩ xảo này nọ mới ô kê con gà đen được. Não người quá tải, đành chuyển giao sang cho mấy cục rôbốt đấy. Sức người có hạn đành mượn mấy thằng rô bốt đầy làm thay. Công nhận con người cũng tài, cũng giỏi, cũng xuất sắc lắm. Nhưng càng thông minh bao nhiêu, con người càng nhanh chết bấy nhiêu.
Rồi kéo theo những hệ quả của thời đại đó là cái guồng quay của cuộc sống: cơm, áo, gạo, tiền, nhà lầu, xe hơi, danh vọng sáng ngời đều được khuôn vào một lập trình, cứ thế mà chạy. Vắt chân vắt cẳng lên cổ mà chạy. Tối mắt tối mũi mà chạy. Chạy đến khi nào kiệt sức thì nằm bẹp xuống chết ngắc. 6 tấm ván ghép lại đang chờ đợi sẵn, thế là hết kiếp người.
3. Cảm xúc
Những khuôn mặt đăm chiêu, chăm chú. Những khuôn mặt không có một sự biến đổi nào. Những khuôn mặt không rời khỏi màn hình vi tính. Những khuôn mặt phóng ào ào trên đường phố nọ. Những khuôn mặt hầm hè, gầm gừ với đồng loại mỗi lần xảy ra sự cố nào đó. Những khuôn mặt lặng im như tượng, như vẽ. Cảm xúc chết dần, chết nhiệt liệt. Máy móc bao vây: nào xách tay lớn, xách tay nhỏ, nào điện thoại đủ loại nhiều kiểu nằm la liệt xung quanh. Chưa kịp nghe bên này, đã thấy chiếc khác reo réo điếc tai điếc óc. Sống nhanh như chạy. Gấp gáp như bị rượt đuổi sát đít. Cảm xúc lấy đâu ra thời gian để thể hiện. Ảo tưởng. Ai rảnh mà khóc với cười, ai rảnh mà mơ mộng ngắm mây trời chim chóc, ai rảnh mà ca hát với nhảy múa. (Trừ dân chuyên làm nghề này). Có kẻ đòi hỏi một tí xíu cảm xúc, sẽ bị quắc mắt, liếc mắt phán liền một phát: Điên.
Đúng. Càng ngẫm, càng thấy thế giới này nó điên mẹ mất rồi. Giỏi quá cũng hóa điên. Cảm xúc là thứ trạng thái mà nói theo cái kiểu ngôn tặc là: “hỉ – nộ – ái – ố” đó có tác dụng làm mềm lí trí, làm trái tim con người có giá trị hơn trong đời sống tinh thần. Nhưng, giờ thì cũng cần phải xem lại định nghĩa, khái niệm của hai từ này và sự thể hiện của nó ra sao?…
Có câu chuyện vui ở làng quê, nghe mà há hốc cả mồm. Thằng em rể đi đến một đám tang, trong lúc ngồi kháo chuyện với mấy tay kèn trống, mới được chứng kiến một kiểu dịch vụ rất mới: Khóc thuê. Anh chàng nọ được thuê đóng vai người thân trong tang gia, cứ đến giờ là gào khóc thật thảm thiết. Thiên hạ cứ nhìn vào đó mà biết cái “hiếu, thảo” của gia chủ thế nào. Nhưng bất ngờ tiếng chuông điện thoại trong túi quần reo, anh chàng đó đang khóc ngon lành, bỗng dưng ngoắc mặt ra đằng sau: “Alo, đang bận, có gì nói sau…” hơ, hơ, và trơ trơ luôn. Khó tin đến cũng phải tin. Nghe xong thấy buồn. Lặng im. Biết nói gì, nghĩ gì về cái thế giới “ngộ nghĩnh” trong thời hiện đại này? Đó cũng là “cảm xúc” cấm thế đếch nào được. Giá trị thật. Mơ hồ.
4. Tình yêu
Định nghĩa nhiều, nhưng bây giờ nó cũ rích, cũ mèm, nát bét. Ngày xưa, thiêng liêng, huyền bí bao nhiêu, thì ngày nay hay bị rơi vào những ý nghĩ “nhảm nhí” bấy nhiêu.
Đơn cử, cái chuyện tình yêu thời bím tóc, thời sinh viên đẹp như thiên nhiên. Ấy thế mà, con bé cháu lúc chiều qua rúc rích kể hai “hoàn cảnh” đáng tội của mấy đứa con gái đang cặp sách đến giảng đường. Yêu, ở chung như vợ chồng, có bầu, lẳng nhẳng theo đít mấy thằng thuộc loại họ “Sở” tên “Khanh”. Chúng chẳng cưới, xua đuổi, đánh đập cho mặt mày bầm tím bét nhè ra, vẫn cứ yêu, vẫn cứ theo, vẫn cứ khoe đầy tự hào: “Chồng tao đấy, chồng tao học bác sĩ đấy”…
Mà, thật ra bây giờ chuyện “sống thử” nhiều, đem ra bàn tán nhiều, thực hành nhiều, kết cục cũng đếch ra làm sao cả. Hai chữ “Tình yêu” thiêng liêng thế, bí ẩn thế cũng thành cái thứ “đã biết rồi” cần gì biết thêm. Thế nên, các cặp đôi sống thử đều phải trả giá cho cách suy nghĩ “thoáng”, “rộng”, “hợp thời” này.
Con bạn làm bên tòa soạn báo ú òa điện thoại bảo: “Mày viết cho tao một câu chuyện tình lãng mạn, đẹp như trăng rằm ở Huế nhá”. Mình bật cười ha hả: “Mẹ, mày có phone nhầm không đấy, cho tao viết về du lịch, cà phê, ăn uống thì ô kê, chớ còn chủ đề này tao kiếu. Viết được, nhưng đếch có hứng thú…”. Hóa ra cũng chỉ tại mình bị rơi vào trạng thái chung của thời đại này: Cảm xúc bị bão hòa. Chém thế nào được với cái thứ nhăng nhít đấy nữa.
Đắng cay thật. Đến cả bản thân mình cũng chẳng thể nhận diện được ranh giới của mọi thứ lám sao đủ can đảm và bút lực để viết. Thôi, tình yêu ơi em vẫn kết cái câu của thằng nhóc nọ, post lại phát chơi: “Đôi khi muốn đi theo tiếng gọi của con tim, nhưng con tim nó ngu quá…”
Trần Hương Giang
(Chiptran blog)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét