Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Định nghĩa tình yêu



Trong triết học, văn học, thi ca , âm nhạc…. đã có quá nhiều định nghĩa về tình yêu. Xin đơn cử trong lãnh vực âm nhạc, một vài bài tình ca thường nghe:.

“Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa” (Trịnh Công Sơn)

“Yêu người như lá đổ chiều đông như mây hồng chưa tím, như con giun ngước lên trời…” (Phạm Duy)

“Tình yêu như nắng, nắng đưa em về bên dòng suối mơ” (Ngô Thụy Miên)

Tục ngữ Việt Nam thì có câu: “Thương người như thể thương thân” mà mới đây, có người tinh nghịch thêm vào: “Thấy ai giàu có, có phần thương hơn”, hoặc “Thấy ai nghèo khó có phần thương hơn” và cả hằng loạt những từ thay thế như “xinh đẹp”, “khóc lóc”, “quyền thế”, “đói khổ”….

Định nghĩa nào cũng chưa hoàn hảo, nếu không nói là cũng có những định nghĩa sai lệch, hoặc những quan niệm không đúng đắn về tình yêu. Đáng sợ nhất trong tư duy duy vật, tình yêu bị đồng hóa với những lạc thú đến mức có những bạn trẻ lầm lẫn rằng không chiếm đoạt được không lạc thú được thì chưa phải là yêu.



Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu : ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16).

Chúa Giêsu mạc khải cho biết về tình yêu của Thiên Chúa: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Con Một của Thiên Chúa là chính Chúa Giêsu đã đến để thi thố tình thương của Thiên Chúa. Ngài đã định nghĩa tình yêu Thiên Chúa bằng chính cuộc sống loan Tin Mừng, bằng cái chết và sự sống lại.

“Không có tình yêu nào quý hơn tình yêu của người hiến mạng vì người mình yêu” (Ga 15,13)
Tin Mừng hôm nay, có thể nói, Chúa Giêsu đưa ra một bài toát yếu về Đạo Công Giáo. Có thể tóm gọn trong một câu: Đạo Công Giáo là đạo “Kính mến Chúa và yêu thương tha nhân” và có thể gọn hơn nữa trong một từ: Đạo Công Giáo là đạo “Yêu”. Chúa Giêsu đã định nghĩa tình yêu ấy. Chính Chúa Giêsu là định nghĩa tình yêu ấy. Lời Chúa hôm nay, không còn là Lời nói, là âm vọng, nhưng Lời đã hóa thành nhục thể sống giữa chúng ta để minh chứng điều đã nói là điều đã thực hiện:

“Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn thứ nhất và trọng nhất” (Mt 22, 37-38).

Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi. “Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó″. (Mt 22, 39-40)

+ Chúa Giêsu đã yêu mến Thiên Chúa Cha hết lòng, hết sức, hết linh hồn hết trí khôn bằng sự vâng phục Cha tuyệt đối, hoàn toàn sống và làm theo ý của Cha, làm cho mọi người nhận biết lòng thương xót của Cha, ngợi khen Cha, tạ ơn Cha, và tôn thờ Cha là Thiên Chúa duy nhất.

Tình yêu của Chúa Giêsu đối với Cha là mẫu gương sống động nhất cho mỗi người có đạo chúng ta để chỉ biết tôn thờ một mình Thiên Chúa, không có Chúa nào khác, để phụng sự một Thiên Chúa, không phụng sự Chúa nào khác. Tôn thờ, phụng sự Chúa là yêu mến trọn vẹn, tin tưởng tuyệt đối và ký thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa.

Thật đáng tiếc, khi nhìn lại đời sống, có thể thấy chúng ta chưa yêu Thiên Chúa tha thiết bằng chúng ta đã yêu những thực tại trần gian: của cải, danh vọng, sắc dục… Chúng ta chưa tôn thờ Thiên Chúa, chưa ca tụng Thiên Chúa hết lòng, mà ngược lại, ca tụng, tôn thờ cái tôi của mình đến mức quá sức. Thực sự chúng ta đã có lỗi nặng, khi gạt Thiên Chúa ra khỏi những dự tính, những nỗ lực, những thành công của mỗi người. Và càng có lỗi nặng khi kêu ca trách móc Chúa khi gặp những thất bại.

Hãy hỏi lại lòng mình, đã yêu mến, tin tưởng và trông cậy Chúa được bao nhiêu hay còn gửi lòng yêu mến, tin tưởng cậy trông nơi các tà thần núp bóng dưới những danh nghĩa nghe thật hay thật tốt của những kẻ kiêu ngạo lộng ngôn. Thánh Phaolô đang nhắc nhở chúng ta: “Anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa để phụng sự Người và để trông đợi Con của Người”. (1 Tx 1, 9-10)

+ Chúa Giêsu đã trở nên mẫu gương tình yêu đối với tha nhân, với người thân cận, với cả kẻ thù, cả người làm ơn, cả người sát hại… Tình yêu Ngài luôn là một tình yêu cho đi, và cho đi cho đến giọt máu cuối cùng.

- Ngài cho chúng ta một con người mới, con người của ân sủng thay cho con người cũ đầy tội lỗi.

- Ngài cho chúng ta một niềm hy vọng vững chắc về sự phục sinh và một đời sống mới trong Thiên Chúa

-Ngài hoàn lại cho chúng ta ơn làm nghĩa tử cao quý được thông phần vào vinh quang trong Nước Thiên Chúa

- Ngài cho chúng ta một trái tim biết chạnh lòng thương, và quảng đại dâng hiến thay cho trái tim vô cảm hóa thạch hẹp hòi ích kỷ bất nhân.

Bởi thế, khi Ngài dạy chúng ta yêu tha nhân, đồng nghĩa với việc hãy bắt chước cách yêu của Ngài, để người thân cận của chúng ta được đổi mới nhờ ân sủng, được hy vọng phục sinh, được ơn phục hồi quyền làm nghĩa tử, và nhất là, được mặc lấy trái tim của Thiên Chúa sống trong họ giữa dòng đời.

Thiết tưởng, việc bác ái yêu người sẽ chưa thực sự có giá trị nếu không dẫn người mình yêu đến Thiên Chúa, không dẫn đưa người thân cận đến gặp gỡ và yêu mến Thiên Chúa.

Chúng ta đang thực sự làm một định nghĩa tình yêu trong đời mình bằng chính cuộc sống kết hiệp với Chúa Giêsu, nguồn mạch sự kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con thực hành Lời Chúa dạy, thờ phượng Chúa trên hết mọi sự và yêu anh em như chính mình và như Chúa đã yêu. Amen.

(PM. Cao Huy Hoàng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét