Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Rước Lễ trên lưỡi hay trên tay?


Lời ngỏ: Đề tài này đã được bàn thảo rất nhiều rồi nhưng cho đến nay vẫn không có lời giải đáp. Nhưng nay là thời điểm thuận tiện, vì có sự lên tiếng của ĐTGM Albert Malcolm Ranjith, Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự về sự việc này. Để kỷ niệm 5 năm ngày ban hành Thông điệp Ecclesia De Eucharistia vào Thứ Năm Tuần Thánh 2003-2008, tôi xin gởi đến quý vị bài viết này trong tư cách là một người tín hữu sống và xác tín niềm tin yêu của mình. Tôi chỉ mong ước rung lên tiếng chuông thật mạnh và dõng dạc của một chú giúp lễ để giúp mọi người có thể chú ý hơn trong lúc cầu nguyện và sống bằng con tim những mầu nhiệm cao cả và thánh thiêng nhất là Bí tích Thánh Thể. Chúng ta luôn tuân phục Hội Thánh và hằng cầu xin Chúa Thánh Thần luôn ở với Giáo Hội để Ngài canh tân bộ mặt trái đất, qua sự cầu bầu mạnh thế của Mẹ Maria đầy tràn Thánh Thần, Hiền Thê rất tinh tuyền và rất yêu dấu của Người, đang hiển hiện hàng ngày tại linh địa Medjugorje.



1. Dưới triều ĐTCha Bênêdictô XVI [1], Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự: “Phải xét lại việc trao Mình Thánh Chúa vào lòng bàn tay”.

ROME, 1/2/2008 - Đức TGM Albert Malcolm Ranjith, Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự Thánh và Kỷ Luật Bí Tích tuyên bố rằng nên xem xét lại việc trao Mình Thánh Chúa vào lòng bàn tay. Khi đề tựa cho quyển sách của vị Giám Mục Athanasius Schneider, người Kazakhstan, Đức Tổng Giám Mục Ranjith viết rằng việc nhận Mình Thánh Chúa bằng lòng bàn tay “làm người ta ngày càng suy giảm thái độ tôn kính đối với Bí Tích Thánh Thiêng Nhất”.

Cuốn sách của vị Giám Mục người Kazakhstanđược nhà xuất bản của Tòa Thánh ấn hành và có tựa đề “Dominus Est: Meditations of a Bishop from Central Asia on the Sacred Eucharist". Đức TGM Ranjith viết trong lời tựa rằng Mình Thánh Chúa phải được đón nhận bằng một thái độ hết sức cung kính và thờ lậy. Ngài cũng nói việc thực hành nhận Mình Thánh Chúa bằng lòng bàn tay đã được “áp dụng tại một số nơi với kiểu cách lạm dụng và vội vã”.

Đức TGM cũng nhấn mạnh rằng Công Đồng Vatican II chưa bao giờ khuyến khích hay hợp thức hóa việc trao Mình Thánh Chúa vào lòng bàn tay.

Và Ngài kết luận “Tôi tin rằng đã đến lúc phải xét lại và nếu cần phải hủy bỏ hoàn toàn tập tục này đi”. (Nguyễn Long Thao, VietCatholic News 3/2/2008)

2. ĐTCha Gioan Phaolô II: “Chỉ có việc quỳ gối và rước Lễ trên lưỡi là được phép”.

Trích bài giảng của ĐTC GP II trong Nhà thờ Đức Bà Cả tại Rôma ngày 1/3/1989, đoạn về rước Lễ: “Điều nặng nề là những phạm thượng chống lại Lời tình thương của Thiên Chúa mà Ngài tiếp tục gởi cho chúng ta trên trái đất đáng thương này, qua Mẹ Ngài và Con của Ngài. Để được như thế, nhiều hình thức khác của lòng tôn kính là rất cần thiết, bởi vì ta không được quên mình là ai, đang ở trước Đấng nào. Cả trong tình huống con người với nhau mà chúng ta còn biết một số phép lịch sự, song đối với Thiên Chúa mà ta lại muốn bãi bỏ các hình thức ấy sao? Để được như thế, một lần nữa tôi báo cho anh chị em nào chống lại mọi hình thức thờ phượng Thiên Chúa nhằm chống lại Thiên Chúa…, chẳng hạn như việc rước Lễ bằng tay ở đây, trong Giáo phận của tôi đã bị cấm, cũng như việc cứ đứng trong nhiều “hành-vi-thánh”, bởi vì không còn ai biết các bạn đang cử hành điều gì với nhau ở đây tại chỗ này! Đây không phải là điều gì khác cái chết của Chúa Cứu Chuộc chúng ta, Đấng mà chúng ta phải biết ơn về mọi sự. Ta lo ngại dư luận người đời, sợ ai đó cười chê chúng ta, và e ngại có nhiều điều bất tiện có thể có từ nơi người khác (sợ bị quê, hổ ngươi, sợ tay miệng người khác dơ, sợ lây nhiễm v.v…CT), nhưng ta không kính sợ Thiên Chúa sao?

Tôi không trừ bớt điều mà các Vị Tiền Nhiệm của tôi đã nói liên quan đến việc rước Lễ; điều ấy chuyển qua trách nhiệm của Chư Huynh, các Giám Mục thân mến ở ngoài Giáo phận Rôma, và tôi cầu nguyện cho Chư Huynh vào đúng thời điểm biết mình đang đi lạc đường[2].

[caption id="attachment_4157" align="aligncenter" width="540"] “Chỉ có việc quỳ gối và rước Lễ trên lưỡi là được phép” (ĐTC Gioan Phaolô II)[/caption]

Nhưng ở đây, hỡi anh em Linh Mục, các tu sĩ nam nữ, chỉ có việc quỳ gối và rước Lễ trên lưỡi là được phép (seulement, la Communion sur la langue et à genoux est permise); tất cả những gì du nhập và truyền bá bởi người ngoài đều bị cấm. Tôi nói điều này cho anh chị em trong tư cách là Giám Mục của anh chị em”.


3. ĐTCha Phaolô VI: *Tông huấn ‘Memoriale Domini” ban hành ngày 29/5/1969 có nói: “Không có lý do gì để thay đổi cách rước Lễ!”

Nguyên văn: “Le Souverain Pontife n’a pas pensé devoir changer la facon traditionelle de distribuer la Sainte Communion aux fidèles” et que “La Sainte Siège” exhorte vivement les Evêques, les Prêtres et les fidèles à respecter attentivement la loi toujours en vigueur et qui se trouve confirmer de nouveau…” (ĐTC không nghĩ đến việc thay đổi cách cho giáo dân rước Lễ như truyền thống từ trước đến nay và Tòa Thánh mạnh mẽ khuyến khích các Giám Mục, Linh Mục và giáo dân phải tôn trọng quy luật cho đến nay vẫn luôn được tuân giữ và được tái khẳng định) * Trong Huấn Thị “Inestabile Donum” Hồng Ân Vô Giá, ĐTC Phaolô VI cấm giáo dân cầm Mình Thánh Chúa trong tay!

4. ĐTCha Gioan 23: “Con không thể dùng tay đón lấy Chúa Giêsu Thánh Thể”.

 “Hỡi con, khi Thầy cả trân trọng đặt Mình Thánh Chúa vào lưỡi con và công bố: “Mình Thánh Chúa Kitô” và con thưa “Amen”. Có gì lạ không con? - Có, thật quan trọng, hỡi con! Khi công bố LỜI đó Thầy cả đã trao cho con: Lời Hóa Thành Nhục Thể và là Chất Con Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc nhân loại. Đồng thời trao con một sứ mệnh rao truyền Tin Mừng ấy bằng đời sống con và NÓI cho mọi người biết: Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa Làm Người, đã chết và phục sinh để cứu chuộc loài người và ban chính Mình Người làm lương thực để ăn và tin vào Người thì được cứu và trở nên con Thiên Chúa. Con nên nhớ: Thầy cả đặt Mình Thánh vào lưỡi con và bảo con rao truyền chân lý cứu độ ấy, chứ không bảo con làm ra Thánh Thể như các Ngài. Vì thế, con không thể dùng tay đón lấy Chúa Thánh Thể vì con không là Linh Mục để cử hành Thánh Lễ, làm ra Thánh Thể từ tấm bánh nhỏ nhoi vô vị kia!”. (Một dụng cụ thuộc Đạo Binh Hồn Nhỏ Việt Nam nghe được tiếng nói của ĐTC bằng trí năng, ngày 28/3/1996)

Vậy, do đâu có việc cho phép rước Lễ hai cách: hoặc trên lưỡi hoặc trên tay ?

1. Đọc qua 4 lý chứng trên đây, cả 4 Vị Giáo Hoàng hoặc trực tiếp khai mạc, điều hành, hoặc bế mạc và thi hành những giáo huấn của Thánh Công Đồng Vatican II, không có Vị nào cho phép thay đổi cách rước Lễ! Trong bài giảng tại Nhà thờ Đức Bà Cả nêu trên, ĐTCha GP II nói: “…tất cả những gì du nhập và truyền bá bởi người ngoài đều bị cấm…”. Vậy, người ngoài là ai?

Người Tin lành và các giáo phái Kitô khác đều lấy tay cầm bánh mì mà ăn vì lễ bẻ bánh của họ không như Thánh Lễ Cực Linh của người Công Giáo. Do đó, để đả phá Thánh Lễ của Đạo Công giáo, Hội kín Tam Điểm là một hội phản nghịch Đạo Thánh Chúa Giêsu thiết lập, trong “Kế đồ 33 điểm [3] nhằm triệt phá Thánh Lễ gởi các thành viên Tam Điểm”, đã ra lệnh cho họ (tức là những giáo sĩ cao cấp Công Giáo đã bí mật theo Tam Điểm và đang giữ chức cao trong GH Công Giáo [4]) là hãy bắt chước anh em Tin lành. Xin nêu lên một vài điểm trong 33 điểm ấy:

Điểm 6. Các bạn hãy khuyến khích giáo dân đừng quỳ gối khi rước Lễ. Hãy dạy các nữ tu đừng cho trẻ em chắp tay trước và sau khi rước Lễ... Trong nhà thờ, hãy dạy họ bỏ thói quen quỳ gối và bái gối. Hãy dẹp bỏ các bàn quỳ và ghế quỳ. Hãy giải thích cho họ hiểu rằng suốt Thánh Lễ phải đứng mà tuyên xưng đức tin [5].

Điểm 29. Hãy giao cho phụ nữ và các giáo dân tầm thường nhiệm vụ cho rước Lễ. Hãy cho rước Lễ trên tay như người Tin Lành, thay vì trên lưỡi. Hãy giải thích rằng Đức Kitô cũng đã làm như vậy [6] . Các bạn hãy lấy một vài Bánh Thánh để chúng ta dâng lễ đen ( la messe noire) trong các đền thờ của chúng ta [7].

2. Các ĐTCha không cho phép rước Lễ trên tay, vậy ai cho phép? 

[caption id="attachment_4292" align="aligncenter" width="315"] Đức Cha A. Bugnini[/caption]

a- Quả thật có một số Hội Đồng Giám Mục [8] địa phương, như Hà Lan, Pháp, Canađa…, xin Tòa Thánh được rước Lễ 2 cách, hoặc trên lưỡi hoặc trên tay, được nhượng bộ và được cho phép bởi Đức Cha A. Bugnini, Bộ Phụng Tự, chịu trách nhiệm về cải cách phụng vụ sau Công Đồng. Đức Cha Bugnini sau đó bị bắt quả tang, năm 1979, là hội viên Tam điểm, thành viên lô “Grand Orient” (Đại Đông phương), bị cách chức và đổi sang Iran. Từ đó rước Lễ trên tay tràn lan cho đến ngày nay mà cứ ngỡ là do cải cách Phụng vụ sau Công đồng, và cũng từ đó nảy sinh những đổi mới khác không được phép trong Phụng vụ.

b- Một phát minh của Hỏa Ngục:

* Quỷ Akabor là thiên thần bị truất khỏi ngai, ngày 14/8/1975, nói qua trung gian một người bị nó ám: “Tụi tao suy đi tính lại bể đầu nát óc là làm sao cho người ta rước Lễ trên tay nhỉ? Giờ đây tụi tao thành công rồi! Đúng ra mọi giáo dân phải rước Lễ trên lưỡi và tao phải nói rằng sẽ chẳng bao giờ có chuyện rước Lễ trên tay! Thế mà…-ĐTCha cho phép rước Lễ trên tay ư? –Không đâu! do chính các Hồng Y của Ngài!”.

* Quỷ Plutô, chúa tể vực thẳm bóng tối bị buộc nói rằng: “Chính Người Đàn Bà đầy quyền năng (Đức Maria) đã bắt buộc tao phải tiết lộ tất cả… Đứng và rước Lễ trên tay trong các nhà thờ (quỷ cười ranh mãnh) làm đẹp lòng tụi tao lắm, bởi vì đó là công việc của tụi tao mà! Đối với tụi tao, nhận biết điều đó quả là xấu hổ, việc đứng rước Lễ cũng trầm trọng gần như vậy. Trong khi những người không phải là Linh Mục mà cho rước Lễ, tụi tao đứng bên cạnh họ tụi tao thích thú lắm (tiếng kêu the thé)”.

c- Theo lệnh điều tra của ĐHY Carberry ở Saint-Louis (Mỹ) thì những người cổ vũ việc cho phép rước Lễ trên tay chính là các nữ tu, sư huynh, chủng sinh, Linh Mục, chứ không phải là giáo dân, trong khi HĐGM Hoa kỳ không cho phép rước Lễ trên tay!

d- Giáo dân mất đức tin, đưa tay cầm và ăn Mình Thánh Chúa (MTC) mà không suy nghĩ gì, không biết phân biệt đó là Thân Thể Chúa (1Cr 11:29), do 3 nguyên nhân:

1) sự sai lầm được truyền bá khắp nơi, trên tòa giảng và trong các chủng viện;


2) không tuân phục Huấn quyền của Giáo hội, cụ thể là ĐTCha;


3) gương mù gương xấu của một số chủ chăn.




3. Người tín hữu có đức tin thật và lòng yêu mến thật hãy quỳ và rước Lễ trên lưỡi, vì đó là chuẩn mực và là truyền thống thờ phượng Thiên Chúa cao trọng nhất của Hội Thánh. ĐTCha Bênêdictô XVI cho phép cử hành rộng rãi Thánh Lễ latinh với mục đích duy trì tính chuẩn mực của Phụng tự và kỷ luật Bí Tích. Nếu bạn rước Lễ trên tay, bàn tay bạn đã dính chạm đến Mình Thánh Chúa, một số vụn Bánh Thánh rơi xuống đất, sau đó tay bạn cầm các vật khác khi vào nhà vệ sinh chẳng hạn, và rửa tay trong bồn nước chảy xuống cống rãnh. Như vậy, bạn có cảm thấy Mình Thánh Chúa đi từ bàn tay bạn đến cống rãnh không? Chưa nói đến những sự phạm thánh nghiêm trọng khác. Tại sao và để làm gì mà Chúa bảo 12 Tông đồ thu lượm được 12 giỏ bánh vụn sau phép lạ hoá bánh ra nhiều? (Lc 9:17). Tại sao theo truyền thống, chú giúp lễ hứng Bánh thánh vụn và Vị Chủ tế phải tráng chén cẩn thận làm chi vậy? Nếu rước Lễ trên tay, đức tin và lòng mến của bạn đối với Chúa Giêsu Vua Tình Yêu có gia tăng hay sa sút? Hãy chọn sự thánh thiện vì Thiên Chúa là Đấng Chí Thiện, ngàn trùng Chí Thánh, cả Triều Thần Thánh đều phải kính sợ!

Như 5 cô khôn ngoan, ước gì các con chiên bé nhỏ tận hiến cho Mẹ Maria Vô Nhiễm, vẫn còn giữ vững đức tin và lòng mến trong ngày đón Chúa Giêsu quang lâm giữa dòng thời gian. Chúng ta hãy yêu thương, không xét đoán, cầu nguyện và hy sinh nhiều cho các Linh Mục, vì chính các ngài là những người con ưu tuyển của Đức Mẹ dẫn đoàn chiên bé nhỏ vào dự Tiệc Nước Trời.

 

 Tham khảo:

1. Tóm tắt tài liệu do Phong Trào Maria: -Rước Lễ trên tay là bất phục tùng ĐTCha. -Tờ trình đề ngày 22/10/2000 của Lm Bernard Ng-v-Đệ, Gp MỹTho, gởi ĐHY P. Phạm Đình Tụng về việc cúi mình hoặc bái gối trước Thánh Thể và xin chấm dứt việc thử nghiệm cho rước Lễ trên tay.

2. Thông Điệp Ecclesia De Eucharistia: “Đừng tầm thường hóa sự “thân tình” trong khi dự bữa tiệc Thánh Thể (điều 48). “Mầu nhiệm Thánh Thể quá cao trọng đến nỗi không ai được cảm thấy tự do hành động cách tùy tiện và xem nhẹ tính thánh thiêng và chiều kích phổ quát của nó” (điều 52)

3. Thông điệp La Salette: “Tội lỗi của những người tận hiến cho Chúa vọng đến tận trời cao và đòi báo oán” (lời tiên báo số 2) và các số 8,13,14.

4. Chúa nói: “Đàn bà không được lên bàn thánh vì họ có kinh nguyệt!”. Xem “Giấc mơ lạ thường” tại www.memaria.org, mục Cảm Nghiệm Vinh Danh Chúa số 1728 CN 178 tháng 8/2006.

5. Bất cứ người Công Giáo nào, dù là Linh Mục hay Phó tế hoặc giáo dân thuộc thành phần tín hữu của Chúa Kitô, đều có quyền trình báo nhận định của mình về việc lạm dụng phụng vụ cho vị Giám Mục giáo phận hay cho Vị Bản Quyền xứng hợp tương đương với ngài theo luật, hoặc cho Tòa Thánh thi hành quyền hạn của Đức Giáo Hoàng Rôma (290) (Điều 184) (Trích Bản Hướng Dẫn Thi Hành Phụng vụ Redemptionis Sacramentum, chương VIII, do cựu Tổng Trưởng Bộ Phụng Tự là ĐHY F. Arinzé ban hành ngày 23/4/2004, trong đó vẫn còn nhượng bộ cho các Giám Mục có quyền cho rước Lễ 2 cách tại điểm 92 của Bản Hướng Dẫn. Điểm 92 này ngẩu nhiên trùng hợp với điểm 29 của Tam Điểm nêu trên!). Nhưng hiện nay, tân Tổng Trưởng là ĐTGM Albert Malcolm Ranjith lại tuyên bố cần phải xét lại và hủy bỏ hẳn tập tục này đi, như ở trên.

Kỷ niệm 5 năm Thông Điệp Ecclesia De Eucharistia ĐTC GP II ban hành ngày Thứ Năm Tuần Thánh 17/4/2003-2008

---

[1] Nếu để ý quan sát ai cũng nhận thấy trong các Thánh Lễ trực tiếp truyền hình do ĐTCha Bênêđictô XVI chủ tế, mọi người lên rước Lễ do chính ĐTC trao đều rước Lễ trên lưỡi, trong khi đó Linh Mục trao thì có số ít giáo dân rước Lễ trên tay. Trước cửa Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma có gắn bảng cấm rước Lễ trên tay.

[2] Phải chăng lời tuyên bố nêu trên của ĐTGM Bộ Trưởng Bộ Phụng Tự Ranjith là tiếng chuông cảnh báo đúng thời điểm lúc này?

[3] Huấn thị 33 điểm của Tổng Thủ Lãnh Tam Điểm gởi các Giám mục Công Giáo là thành viên của Tam Điểm, (được Công Đồng Vatican II đưa ra ánh sáng). * Ấn bản của De La Croix B.P. 18, 35430, Chateauneuf (Pháp)* Một đề mục của Tập san “TÉOLOGIA” bằng tiếng Ý được đăng lại trong tập san Tân Phúc Âm hóa, số 14, tháng 3&4/1998.

[4] Ông M. BAROIN, Tổng Thủ lãnh Tam Điểm có tuyên bố vào thời điểm năm 1978: “Giữa chúng ta ở Đại Đông phương có 64 vị Giám Mục người Pháp là Tam Điểm”. Còn bây giờ, có bao nhiêu GM trên toàn thế giới đã là thành viên kín của Tam Điểm, hoặc nhiễm tinh thần Tam Điểm?

[5] “Ta lấy chính Danh Ta mà thề, tự miệng Ta xuất ra lời chân thật này là: Trước mặt Ta mọi gối phải quỳ lạy, mọi miệng lưỡi sẽ tuyên thệ…” (Is 45:23)

 “Khi vừa nghe Danh Thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải quỳ xuống bái lạy!” (Philiphê 2:10). Chỉ nghe Danh Chúa Giêsu thôi, chưa nói đến Mình Thánh Chúa! Có những nhà thờ, chẳng hạn nhà thờ Chính toà Đức Bà Sàigòn, nhà thờ Vườn Soài, Nt Lái thiêu… bỏ tất cả các ghế quỳ. Ai không quỳ gối nghe đọc thánh-chỉ của vua là phạm tội phản nghịch khi quân. Không quỳ gối thờ lạy Thánh Thể có mắc tội phản nghịch chối đạo không? (xem thư thứ 2 Thêxalonica 2:3-4 nói về những gì xảy ra trước ngày Chúa quang lâm)

[6] Các Môn đệ nhận lấy Bánh từ tay Chúa Giêsu trao cho. Vị Chủ tế Thánh Lễ, dù là Giáo Hoàng, cũng phải hiểu là mình đón nhận Bánh Thánh từ Chúa trao ban. Chính Chúa Giêsu mới là Chủ Tế đích thật.

[7] Giao cho phụ nữ và giáo dân tầm thường nhiệm vụ cho rước Lễ với mục đích tầm thường hóa Thánh Thể, cho nên đa số giáo dân nam thường có tâm lý ngại ngùng khi rước Lễ trên lưỡi từ tay người nữ giáo dân và ngược lại. Chính bản thân các thừa tác viên Thánh Thể ngoại lệ cho rước Lễ lại ăn mặc thường phục (bộ complet cà vạt cũng là áo thường dân chứ chưa phải là lễ phục phục vụ bàn thánh như các chú giúp lễ), từ hàng ghế giáo dân tiến lên cung thánh mở cửa Nhà Tạm, kiệu Thánh Thể từ Nhà Tạm đến bàn thờ, và chính họ rước Lễ đứng và trên tay, ngay trên cung thánh, nêu gương trước mặt cộng đoàn, một cách nào đó đã vô tình đi đúng kế đồ của Tam Điểm! Họ không rửa tay và lau bằng khăn thánh trước khi rời khỏi cung thánh.

Bàn thờ của Tam Điểm là một cô gái lõa thể.

* Đức Cha Gianfranco Girotti, Đại diện Tòa Ân Giải Tối Cao, trình bày quan điểm của Giáo Hội về Tam Điểm: “Tín hữu nào gia nhập các hội kín Tam Điểm thì rơi vào trong tình trạng mắc lỗi nghiêm trọng và không thể lãnh nhận Mình Thánh Chúa….”. (VietcatholicNews 04/3/2007)

* ĐTC Benedictô XVI báo động về hậu quả tai hại của trào lưu tục hóa. (VietCatholic News 8/3/2008)

[8] “HĐGM sẽ không bao giờ tồn tại nếu không hợp nhất với Giáo Hoàng là Đầu. Cũng không thể thực hiện điều gì mà không có ý kiến thuận của ĐTCha” (Lumen Gentium).

-Phong Trần-


1 nhận xét:

  1. Tôi là một độc giả của trang này và tôi rất hoan nghênh sự dũng cảm của tác giả bài viết nên rước lễ trên lưỡi này. Quả thật, ở đây không bàn đến chuyện rước lễ bằng tay (RLBT) sai phạm từ đâu và khi nào nhưng với việc RLBT này tự bản thân người rước lễ đã đánh mất đi sự tôn trọng Thánh Thể ở chỗ nghi ngờ việc rước lễ trên lưỡi có thể truyền bệnh, tại sao chúng ta không tin vào phép lạ của Bí Tích huyền nhiệm này có thể giúp chúng ta tránh bệnh tật. Một điều chúng ta nên biết rằng trong 33 điều mà Tam Điểm đặt ra để phá hoại việc thờ phượng Chúa chúng ta thì có một điều là chúng xúi giục chúng ta xúc phạm Thánh Thể bằng việc rước lễ bằng tay này. Không cần phân tích nhiều chỉ lấy một ví dụ cụ thể, một người đàn ông trong khi đi bộ đến nhà thờ dự lễ anh ta mắc tiểu dọc đường, sau khi tiểu xong mà không có chỗ để rửa tay rồi sau đó anh ta vẫn vô tình rước lễ bằng tay, như vậy không xúc phạm là gì? Một điều mọi người cần biết nữa là việc RLBT dễ dàng tạo điều kiện cho người lợi dụng lấy Thánh Thể mang ra ngoài phục vụ cho mục đích bất chính. Chúng ta phải hiểu một số giáo phái ma quỷ hay các thầy bùa, phù thủy thường dùng Thánh Thể để luyện bùa, để xúc phạm.

    Trả lờiXóa