[caption id="attachment_3287" align="aligncenter" width="479" caption="“Tôi là Ánh Sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12)"]
[/caption]
Là người tín hữu, chúng ta có nhiệm vụ mang Tin Mừng, thông điệp tình yêu và ơn cứu độ của Chúa, đến với thế giới. Để có thể thực hiện nhiệm vụ ấy một cách thích hợp, cần hiểu rõ những thay đổi căn bản nảy sinh trong xã hội làm ảnh hưởng đến những giá trị, quan điểm và nhận thức về Kitô giáo của rất nhiều người. Việc nhận ra rằng những thay đổi trên đã ảnh hưởng sâu sắc và làm cho mọi người sợ hãi, bất an và cũng như hoài nghi có thể giúp chúng ta truyền đạt thông điệp theo cách thích hợp hơn cho những người chúng ta tiếp xúc.
Chúng ta biết Tin Mừng chính là thông điệp dành cho thế giới hôm nay, nhưng tìm ra cách thức để mang Tin Mừng đến với những người vẫn chưa tìm thấy điều hấp dẫn nơi thông đẹp, hoặc với những ai đã từ chối thông điệp vì lý do nào đó, luôn là một thách thức. Thế giới hiện đại thay đổi nhanh đến chóng mặt trong vòng 30 năm qua và nó tiếp tục thay đổi từng ngày. Chủ nghĩa thế tục đã ảnh hưởng và ăn sâu vào suy nghĩ với những giá trị khuyến khích tính tư lợi và chủ nghĩa vật chất, cũng như những giá trị không phù hợp và huỷ hoại những giá trị truyền thống và những giá trị của Kitô giáo.
Những nguyên tắc hoặc những khái niệm vốn được xem là nền tảng trong xã hội phương Tây trong một thời gian dài giờ đã không còn được xem trọng nữa. Những nguyên tắc như: “Nếu bạn học giỏi và làm việc chăm chỉ, bạn sẽ có được vị trí hàng đầu” không còn đúng như trong quá khứ. Rất nhiều người cảm thấy bất an về tương lai. Họ giảm lòng tin nơi chính quyền, tôn giáo và những tổ chức giáo dục, hoặc nghi ngờ tính trung thực của những gì họ đọc và nghe từ báo chí và phương tiện truyền thông. Ngay cả việc gửi tiền tiết kiệm cũng nguy hiểm khi rất nhiều tổ chức tài chính phá sản, thậm chí nhiều quốc gia đứng trên bờ vực sụp đổ kinh tế.
Môi trường xã hội, tri thức, đạo đức, văn hoá… ngày nay nóng lên với vô số những nghi ngờ, hoài nghi, chối bỏ những gì được xem là chuẩn mực và giá trị trong suốt nhiều năm, đã dẫn đến sự thay đổi nơi những giá trị, những chuẩn mực đạo đức, quan điểm, mối quan hệ với quyền lực của rất nhiều người cũng như tương quan của họ với những người khác. Đối với rất nhiều người, họ cảm thấy rất khó khăn để biết đâu là điều họ có thể đặt tin tưởng. Trong khi đối với số khác, điều kiện thế giới và xã hội mang họ đến gần với thông điệp của Tin Mừng; và với số khác, môi trường thế giới hiện ngay khiến họ khó khăn để thích ứng cũng như tin tưởng và chấp nhận.
Thực tại này đưa ra cho chúng ta, những người dấn thân loan báo Tin Mừng, vô vàn những thử thách, vì chúng ta được mời gọi mang thông điệp về một người đã sống, đã chết và đã sống lại cách đây hơn 2.000 năm - với xác tín rằng đây chính là thông điệp quan trọng nhất mà mọi người từng nghe. Vì thế, việc tìm ra cách thức mới và sáng tạo để thể hiện và truyền đạt thông điệp muôn thuở về tình yêu Thiên Chúa theo cách phù hợp với xu hướng của thế giới hiện đại là vô cùng quan trọng. Chắc chắn những Kitô hữu trong quá khứ cũng gặp những thách thức trong thời đại của họ, và chúng ta có những thách thức trong thế giới ngày hôm nay.
Chúng ta đang đối mặt với thách thức là làm thế nào để giới thiệu Chúa Giêsu theo cách thức có thể tạo ra tiếng vang đối với những người chúng ta tiếp xúc, đặc biệt là rất nhiều người xem những giá trị Kitô giáo không còn phù hợp với cuộc sống và quan điểm của họ. Trong một số khu vực trên thế giới, nơi Kitô giáo đang phát triển, việc loan báo Tin Mừng có thể được thực hiện dễ dàng vì mọi người quan tâm đến những vấn đề tâm linh, đặc biệt là ở những quốc gia coi trọng sức mạnh tinh thần. Ở rất nhiều quốc gia, đôi khi rất khó để nói những chủ đề về Chúa, bởi vì sự lan rộng của chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa duy vật và thuyết duy lý đã thay thế niềm tin vào Chúa và làm cho Ngài không còn phù hợp với hệ thống niềm tin của họ. Lẽ dĩ nhiên, những Kitô hữu đang sinh sống tại những quốc gia không có nền văn hoá hoặc di sản Kitô giáo, như những quốc gia phương Đông hoặc Trung Đông chẳng hạn, phải đối mặt với những thách thức khác trong việc loan báo Tin Mừng.
Mỗi một cá nhân nơi mỗi quốc gia hoặc mỗi nền văn hoá đều xứng đáng và cần nghe Tin Mừng. Là những tín hữu, chúng ta có nhiệm vụ mang Tin Mừng và sống Tin Mừng nơi quốc gia, nền văn hoá và cộng đồng mà chúng ta đang sinh sống, theo những cách thức tạo ra tiếng vang đối với họ. Thông điệp cần được giải thích theo cách thức để người nghe dễ hiểu và dễ chấp nhận nhất. Điều này có nghĩa là việc truyền đạt thông điệp, phong thái, những khía cạnh nào nên được trình bày, trình bày thế nào, và tốc độ truyền đạt sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào quốc gia, nền văn hoà mà bạn đang sinh sống, và lẽ dĩ nhiên là tuỳ thuộc vào cá nhân mà bạn tiếp xúc.
Thông điệp căn bản của Tin Mừng là một, và không nên nói sai, nhưng cách thức truyền đạt thông điệp ấy - cách thức kể lại câu chuyện về cuộc đời Chúa Giêsu, những khía cạnh nổi bật trong thông điệp, hoặc những chi tiết nhỏ - theo cách dễ hiểu và phù hợp là hết sức quan trọng. Một phần trong thách thức chính là tìm ra cách thức rao giảng Tin Mừng phù hợp với những người bạn làm chứng. Và bởi vì tính khác nhau ở những quốc gia khác nhau, hoặc giữa những cộng đồng khác nhau nếu quốc gia bạn đang sinh sống bao gồm những nhóm văn hoá khác nhau, những cách thức truyền đạt thông điệp cần phải thay đổi cho phù hợp với từng đối tượng.
Lẽ dĩ nhiên, những cách thức nên được những chứng nhân Kitô hữu sử dụng chính là: sống yêu thương, khoan dung, nhẫn nại và biết lắng nghe. Những điều có liên quan đến một khía cạnh quan trọng nhất trong việc loan báo Mừng chính là yếu tố “
chính bản thân bạn”. Bạn chính là người truyền đạt thông điệp. Bạn gửi gắm thông điệp và xác minh tính chân thật của nó. Bạn hứa rằng thông điệp ấy có tác dụng.
Rất nhiều người ngày nay thận trọng với những thông điệp họ nghe, và tại sao họ lại làm thế? Mỗi ngày, trên Internet, TV, tin tức và quảng cáo…, họ bị tấn công dồn dập bởi những thông điệp rằng họ cần thứ này, điều kia, rằng đây là cách suy nghĩ đúng, vị trí đúng. Đối với họ, thông điệp của Tin Mừng cũng giống như một lời quảng cáo khác nói cho họ biết họ cần điều gì, họ phải sống thế nào, điều gì sẽ làm họ hạnh phúc. Mỗi người thường không tin tưởng vào những thông điệp thế này, bởi vì kinh nghiệm cho họ thấy rất nhiều thông điệp chẳng có nội dung gì hoặc không có cơ sở. Rất nhiều người đang tìm kiếm câu trả lời, nhưng rất nhiều người cẩn trọng trong việc tạo niềm tin tưởng nơi họ.
Đó là lý do tại sao yếu tố “
chính bản thân bạn” là rất quan trọng. Bạn chính là tiêu biểu cho thông điệp. Chúa Thánh Thần, Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí của Chúa Giêsu, đang ngự trong bạn. Bạn là ai, bạn sống thế nào, tình yêu mà bạn thể hiện, sự tử tế, sự cảm thông và quan tâm, tất cả phản ánh Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng sống trong bạn. Thánh Thần sẽ tác động đến tâm hồn của cá nhân ấy, nhưng sự tác động ấy thường được đến từ tấm gương của bạn. Họ sẽ quan tâm đến thông điệp bởi vì họ nhìn thấy ánh sáng và cảm nhận được sự ấm áp; điều ấy mang đến lòng khao khát được nghe những gì bạn nói, đón nhận những gì cần đón nhận và tin vào những gì bạn nói với họ.
Một trong những thách thức của chúng ta với tư cách là Kitô hữu trong thời đại ngày nay chính là để cho Thần Khí phản chiếu thông qua cuộc sống chúng ta, nhờ đó, mọi người được thu hút và tò mò bởi ánh sáng mà họ nhìn thấy nơi chúng ta. Và rồi, từ việc tiến gần hơn đến sự ấm áp của ánh sáng, họ sẽ nối kết với Đấng chính là Ánh Sáng cho trần gian và Đấng sẽ ban cho họ Ánh Sáng Sự Sống vì Chúa Giêsu đã nói: “
Tôi là Ánh Sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Chúng ta phản chiếu ánh sáng ấy khi chúng ta yêu Chúa và thực sự sống những nguyên tắc được Chúa Giêsu dạy trong Tin Mừng.
Lẽ dĩ nhiên, những gì sẽ thu hút mọi người ở những nơi nào đó có thể bị khước từ ở những nơi hoặc tình huống khác. Đây chính là lúc áp dụng nguyên tắc
trở nên một, nguyên tắc mà Tông Đồ Phaolô đã nói đến trong Thư Côrintô: “
Với người Do Thái, tôi đã trở nên người Do Thái, để chinh phục người Do Thái. Với những ai sống theo Lề Luật, tôi đã trở nên người sống theo Lề Luật, dù không còn phải sống theo Lề Luật nữa, để chinh phục những người sống theo Lề Luật. Đối với những kẻ sống ngoài Lề Luật, tôi đã trở nên người sống ngoài Lề Luật, dù tôi không sống ngoài Lề Luật Thiên Chúa, nhưng sống trong Luật Đức Kitô để chinh phục những người sống ngoài Lề Luật” (1 Cr 9,20-22).
Đây chính là một nguyên tắc quan trọng áp dụng cho mọi nền văn hoá cũng như mọi cá nhân. Tông Đồ Phaolô nói rằng cần trở nên thích hợp, cần hiểu rằng con người cũng như văn hoá là khác nhau, và để chinh phục họ, cần phải hoà nhập, phải nhận ra những gì thích hợp với họ, điều gì quan trọng đối với họ và tiếp xúc với họ theo văn hoá và điều quan trọng đối với họ.
Trước khi họ thể hiện sự quan tâm đối với điều làm bạn trở nên khác biệt, họ cần nhận ra những điều bạn giống với họ, rằng bạn chia sẻ cùng một số những giá trị với họ, rằng bạn thông hiểu, và không phải ai đó vượt trội hoặc ai đó không hề liên quan gì đến những vấn đề họ quan tâm.
Để việc loan báo Tin Mừng cho mọi người trở nên hiệu quả, cần phải thích ứng với họ. Để đến được với mọi người trong thành phố hoặc trong quốc gia của bạn, hoặc với những đồng nghiệp, hoặc những người láng giềng, những người thân quen, bạn cần phải hiểu họ, hiểu văn hoá của họ, hiểu những gì họ coi trọng. Việc hoà nhập vào văn hoá là rất quan trọng, nhờ đó, họ có thể tin tưởng bạn, và từ việc tin tưởng bạn, họ sẽ cảm thấy đủ an toàn để chấp nhận những gì bạn nói với họ về Thiên Chúa, về tình yêu của Ngài và về Con của Ngài.
Bạn không thể nói cho mọi người biết rõ rằng bạn yêu họ nếu bạn chưa cố gắng học ngôn ngữ, tập quán, văn hoá, lịch sử, tôn giáo, đặc điểm, những nét tiêu biểu của quốc gia họ… vốn dĩ là một phần của họ. Chúng ta không thể hy vọng hiểu rõ được họ hoặc đến với họ một cách hiệu quả nếu không thể hiện sự quan tâm yêu thương đích thực đến những điều góp phần làm nên chính con người họ và những gì họ thật sự yêu thích.
Thế giới đã thay đổi, đang thay đổi và sẽ tiếp tục thay đổi. Để thật sự đạt được hiệu quả trong việc rao giảng Tin Mừng, chúng ta cần phải thích ứng với những thay đổi ấy, những những ngôn ngữ mà mọi người đang sử dụng và truyền đạt thông điệp bằng chính ngôn ngữ của họ.
Chúng ta cần tìm hiểu: Đâu là ngôn ngữ mà những người mà bạn đang sống cùng sử dụng? Những mối quan tâm, lo lắng và say mê của họ? Điều gì thúc đẩy họ? Đâu là những nguyên tắc của họ? Những hệ thống giá trị của họ là gì? Thế giới riêng tư của họ như thế nào?
Chúng ta cần phải tìm hiểu tất cả những gì chúng ta có thể tìm hiểu về một người, cũng như trở nên một giống như họ - sự thật là, để trở nên một giống như họ, chúng ta phải thật sự giao tiếp với họ bằng ngôn ngữ mà họ hiểu, để nhờ đó, họ hiểu rõ được thông điệp chúng ta truyền đạt.
Hãy tìm kiếm Thiên Chúa để Ngài chỉ cho bạn biết làm thế nào để thể hiện và kể về câu chuyện tình yêu của Ngài với những người xung quanh theo cách họ dễ hiểu nhất. Hãy cầu nguyện xem liệu cách thức bạn đang sử dụng để truyền đạt thông điệp có thích hợp và hiệu quả không. Hãy xin Ngài chỉ cho bạn biết những hành động, biểu tượng, lời nói bạn có thể dùng để mọi người có thể hiểu được tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ.
Hãy xin Ngài giúp bạn thông hiểu và trở nên giống họ để bạn có thể chinh phục được họ. Tương tự như Tông Đồ Phaolô, một trong những chứng nhân Kitô hữu vĩ đại nhất hãy nói: “Tôi trở nên giống như những người nơi tôi đang sống, để chinh phục họ. Tôi học cách hiểu họ, cảm thông với họ, sống như họ để tôi có thể nói tôi là một trong số họ, nhờ đó, tôi có thể chinh phục được họ. Tôi trở nên một với những người ở công sở, nơi trường học, trong khu phố… để họ có thể biết tôi; và qua việc biết tôi và cảm nhận được Thánh Thần ngự trong tôi, họ có thể biết Chúa, Đấng hy sinh mạng sống của Ngài, để nhờ đó họ có được sự sống đời đời.
Hãy làm những gì bạn có thể, khi bạn có thể, hãy để ánh sáng của Thiên Chúa chiếu qua bạn, nhờ đó, bạn có thể dẫn những người khác đến với Ngài.
An Nhiên dịch