Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

Cầu nguyện là ở với Chúa Giêsu, là yêu mến Chúa Giêsu



Cha Slavko Barbaric (1946-2000), dòng Phan Sinh, linh hướng Mễ Du và tông đồ truyền bá sứ điệp Mễ Du gần 20 năm cho Nữ Vương Hoà Bình, đã viết nhiều sách thiêng liêng có giá trị. Sau đây xin trích vài đoạn nói về cầu nguyện:

“Lời cầu nguyện của chúng ta có thể thật sự là vô thần, nghĩa là cầu nguyện mà không có Thiên Chúa. Vô thần khi chúng ta cầu nguyện chỉ nhắm đến việc tìm kiếm những gì ta cần, thay vì phải tìm kiếm Thiên Chúa và ý muốn của Người. Nếu cầu nguyện chỉ là cầu xin, chỉ nhắm đến những nhu cầu, thì lối cầu nguyện này là vô thần, vì nó không tìm kiếm Thiên Chúa mà chỉ để cầu xin những ơn của Ngài mà thôi!”.



• Từ cách nhìn sâu xa về cầu nguyện đích thật, cha Slavko nói về Kinh Mân Côi như sau: “Cầu nguyện Kinh Mân Côi (đọc 4 chuỗi 50) không có nghĩa là chỉ cầu nguyện 200 Kinh Kính Mừng mà thôi, nhưng cầu nguyện Kinh Mân Côi nghĩa là, trong mỗi sự mầu nhiệm, ta tìm cho chính mình một sự thôi thúc cụ thể bên trong để sống sự mầu nhiệm ấy. Ví dụ khi tôi chiêm ngắm mầu nhiệm Loan báo Thiên Chúa Nhập Thể, tôi cần phải nắm lấy ngay cơ hội này và chiêm ngắm, để tìm kiếm Ý Chúa muốn cho tôi lúc này là gì. Nếu không cầu nguyện theo cách đó, có nguy cơ là sự cầu nguyện của chúng ta chỉ là lời kinh ngoài môi miệng mà thôi!” (Tông thư về Kinh Mân Côi của ÐTC GP II cũng nói như vậy).

• Thánh Lễ và Tôn thờ (chầu, viếng) Thánh Thể là hai trục chính khác nữa trong đời sống thiêng liêng của cha Slavko. Cha mời gọi chúng ta hãy thường năng sống hai cơ hội này, và đem lòng yêu thương say mến mà sống đối với Bí Tích Thánh Thể. Ðặc biệt đối với Bí Tích Thánh Thể, ngài nói: “Giờ chầu Thánh Thể là khoảnh khắc hết sức đặc biệt. Lúc này người ta dâng hiến thời giờ cho Chúa Giêsu bằng việc tôn thờ Ngài đang ngự trong Bí tích Thánh Thể; chính Ngài là Ðấng tôi đang tìm kiếm trong khi tôi đang ở trước mặt Ngài đây, trong Bí tích này. Nếu tôi thờ lạy Ngài thì việc này nói lên rằng chính Ngài là Ðấng tôi tìm kiếm trước tiên.
Tôn thờ Thánh Thể có nghĩa là ở với Chúa Giêsu, bởi vì chính Ngài đã quyết định ở với chúng ta”.

• Tóm lại, cha Slavko khuyên chúng ta, muốn càng ngày càng đi sâu hơn vào đường lối cầu nguyện đích thực, chúng ta cần có cái chìa khoá. Chìa khoá đó là tình yêu. Tình yêu này thúc giục chúng ta ở lại với Chúa Giêsu và Mẹ Maria để Hai Ngài nuôi dưỡng chúng ta ngõ hầu chúng ta có thể mang bình an hoà bình của Thiên Chúa đi khắp mọi nơi. Cha Slavko đã loan báo sự bình an này trong cả cuộc đời của ngài. (Trích dịch từ Écho de Medj. No 172)

Simon Maria Trần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét