Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012
Chúa ơi, con lo sợ cho loài người
Một lần nữa, lạy Chúa, mở máy phát thanh, con được biết loài người lần đầu tiên thực hiện được một trong những kỳ công mà mới hôm qua, đã chẳng ai có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó họ sẽ thực hiện nổi. Và lạy Chúa, con không còn biết là mình phải thán phục quyền năng của loài người, hay phải run sợ trước họ, thậm chí phải lên án đôi khi.
Vì loài người đã khám phá và làm chủ năng lượng kỳ diệu ẩn tàng trong vật chất. Họ phóng vào không gian hàng trăm vệ tinh, thám hiểm các hành tinh, chuẩn bị tới đó cư ngụ. Họ phát minh và chế tạo nhiều dụng cụ tính toán, và nay làm được trong vài phút cái mà hàng ngàn bộ óc con người đã không thể làm trong cả ngàn giờ.
Họ ghép được nhiều chi thể mới lên nhiều thân xác suy kiệt. Họ làm cho em bé sinh ra dưới đáy một ống nghiệm, và rồi đây sẽ có thể nắn khuôn mặt em theo ý mình. Họ để dành sự sống, và sẽ làm cho nó nở ra, khi họ quyết định và như họ ưng muốn. Họ làm... họ còn làm... và sẽ làm nhiều nữa...
Và chúng ta kinh ngạc khám phá ra rằng con người đạt tới chỗ làm được điều mà chúng ta đã tưởng chỉ mình Thiên Chúa mới làm nổi, điều mà mới hôm qua chúng ta còn cầu xin Người bằng nhiều lời nguyện vô ích.
Phải chăng con người quá lớn, lạy Chúa, và quyền lực của họ quá mạnh đến nỗi từ đây họ chiếm chỗ của Chúa, đẩy Chúa về lại trời... một bầu trời mỗi ngày lùi xa hơn nữa? Phải chăng con người là một vị thần, mà cho tới lúc đó vẫn không hề biết thế, nhưng nhờ lớn lên, họ rốt cục khám phá ra căn tính đích thực của họ?
Có một số nghĩ thế, nói thế và con không thể tin như vậy. Nhưng con sợ cho loài người, vì họ lớn quá nhanh! Tuy nhiên con tin rằng...
Con tin rằng không một nhà bác học nào trên trần gian, dẫu có các máy móc, các tính toán tinh xảo đến đâu chăng nữa, có lúc sẽ khám phá được chiếc xe lửa cuộc đời từ đâu đến, đi về đâu, ai là những hành khách lên xe và chiếc xe sẽ làm cuộc du hành mầu nhiệm nào.
Con cũng tin rằng như tất cả chúng con, những nhà bác học lỗi lạc nhất, lạy Chúa, vẫn đang tìm kiếm một ai thương yêu mình và mình có thể yêu thương lại. Vì dù không bánh, không nước, một ngày kia họ cũng có thể làm chúng con sống được, sống tốt hơn và thọ hơn nhiều. Nhưng họ sẽ chẳng bao giờ đủ khả năng làm cho một con người có thể triển nở chẳng cần tình yêu... cũng như chẳng bao giờ họ có thể chế tạo được tình yêu.
Sau hết, con tin rằng như tất cả chúng con, những nhà bác học lỗi lạc nhất vẫn khóc khi con mình chết, cho dẫu cái chết này đã từ lâu bị họ đẩy lùi. Và con tin rằng họ cũng đang đi tìm trong đêm tối, xem có cái gì đó của đứa bé, phần nào đó vẫn còn sống chăng... Nhưng sẽ chẳng bao giờ có đồng nghiệp nào của họ nói với họ điều ấy cả, vì không biết, và khoa học của họ cũng sẽ chẳng bao giờ dạy họ như vậy.
Ôi lạy Chúa, chúng con sẽ làm gì ngày mai, nếu vì kiêu căng, loài người xa lìa Chúa và... quên lãng Chúa? Nếu một số người ngày càng đông rốt cuộc tin rằng Chúa là vô ích... cuối cùng, một số khác tin rằng Chúa không hiện hữu? Lúc đó ai sẽ dạy chúng con biết Sự Thật về chúng con, nếu chẳng phải là Chúa, Đấng đã phán: “Ta là Sự thật... Ta là Ánh Sáng thế gian... Ai theo Ta, sẽ không phải đi trong bóng tối” (Gioan 8, 12).
Ai sẽ có thể tiếp nhận Sự Thật ấy, bởi vì Chúa còn nói với chúng con: đó sẽ chẳng bao giờ là thành quả chinh phục của khoa học và các khoa học gia, nhưng chỉ là ơn ban cho những kẻ có tâm hồn nghèo khó (x. Mattheu 2, 25).
Làm sao con người, trở thành lớn lao như thế, bấy giờ lại có thể chấp nhận quỳ gối, để lãnh nhận Sự Thật ấy trong đêm tối của đức tin?
Vâng, lạy Chúa, con sợ cho loài người, vì họ lớn quá nhanh!
Con thân yêu, Chúa nói, khoa học không phải một điều dữ. Các con chớ sợ tìm kiếm và khám phá các bí nhiệm của vật chất và của sự sống. Vinh quang của Chúa Cha là thấy các con lớn lên. Bổn phận người của các con là phải làm tất cả, để nâng tất cả các con dậy. Nhưng các con chớ bao giờ quên rằng trí óc các con, dù phát triển kỳ diệu tới đâu, vẫn luôn bị hạn chế.
Chỉ trái tim các con mới có thể mở ra vô biên khi tiếp nhận sự sống của Ta. Và chỉ có sự sống của Ta mới có thể cho phép các con trở nên, không phải như những thần linh (Sáng thế 3, 3 - 5), nhưng như những người con đích thực của Thiên Chúa.
Chớ sợ quyền năng của con người phát triển cách kỳ diệu. Cha Trên Trời không ghen tương trước sự cao cả của con cái Người, bởi lẽ khi tạo dựng những con người sáng tạo, là Người đã muốn san sẻ Quyền Lực của mình với họ từ muôn thuở.
Con thấy đấy, cái con phải sợ không phải là quyền năng của họ, nhưng là những gì họ đang làm và sẽ làm với quyền năng lớn dần của họ. Vì nếu trí óc họ càng phong phú kiến thức, mà trái tim họ chẳng phong phú Tình Yêu của Ta hơn, thì khi ấy họ sẽ lại xây những Tháp Ba- Ben, để lên thấu trời (St 2, 4 - 8). Chúng sẽ sụp đổ, và họ sẽ giết nhau.
Con yêu quý, con sợ mình và anh em phải chịu đau khổ, hậu quả sự kiêu căng của loài người? Ta hiểu con lắm, chính Ta đây đã từng là nạn nhân như vậy. Nhưng nỗi đau khổ đó, Ta đã vác rồi.
Chớ hoài nghi chiến thắng cuối cùng, vì Ta đã thắng thế gian.
(Michel Quoist)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét