Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo (Mt 6,6)
Lời này của Đức Giêsu lấy từ bài giảng trên núi, phần nói về làm phúc, cầu nguyện và ăn chay. Bắt đầu từ những tập tục này, đã luôn luôn chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống đạo của Dân Chúa, Đức Giêsu giải thích thái độ nên có nơi một môn đệ đích thực của Người khi làm những việc lành này.
Như thường lệ, ngôn ngữ Đức Giêsu sử dụng rất cụ thể, bắt đầu từ đời sống hàng ngày. Bàn về cầu nguyện, mọi người đều biết quá rõ về hành vi của những người thích “đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy”. Đức Giêsu nói rằng các môn đệ của Người phải làm ngược lại, hãy vào phòng, chỗ khuất nhất trong nhà, nơi chẳng có ai trông thấy và nghe thấy mình, ngoại trừ Cha.
Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.
Ngữ cảnh cho thấy không nên hiểu lời của Đức Giêsu theo nghĩa đen. Đức Giêsu không nêu ra một sự tương phản giữa cầu nguyện tư và cầu nguyện công, giữa cầu nguyện cá nhân và cầu nguyện cộng đoàn, hoặc giữa một lời cầu nguyện tự phát từ trái tim và lời cầu nguyện thành tiếng theo những công thức nhất định đã soạn sẵn. Đức Giêsu không có ý nói Thiên Chúa gần ta hơn ở chốn riêng tư nhất và yên tĩnh trong phòng của ta so với bất kỳ nơi nào khác. Người chỉ muốn ta hiểu rằng lời cầu nguyện của ta tuyệt nhiên không được có dấu vết gì của sự vênh vang và tham vọng. Khi cầu nguyện, ta không được tìm kiếm bản thân, mà tìm kiếm một mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa.
Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.
Vậy, cầu nguyện là gì? Cầu nguyện là thưa chuyện với Cha. Ngay cả trong những quan hệ con người, nói chuyện với ai là đòi hỏi ta phải xem người đó là đối tượng của sự chú ý và kính trọng của ta, huống hố là mối quan hệ của ta với Thiên Chúa. Khi cầu nguyện, ta phải ban tặng Thiên Chúa tất cả tình yêu của ta. Ta phải bày tỏ tâm tư và tình cảm của ta cho Người. Ta phải thổ lộ những niềm đau của ta cho Người. Ta phải xin Người tha thứ và ban tất cả các ơn ta cần.
Khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo.
Làm thế nào ta có thể sống Lời Sống này?
Ta hãy hy vọng rằng lời cầu nguyện của ta không bị hư bởi thói khoe khoang và phù phiếm tâm linh mà Đức Giêsu tố cáo ở đây. Ta phải cầu nguyện cho phải đạo. Ta phải cầu nguyện theo cách thức Đức Giêsu muốn ta cầu nguyện. Đôi khi, ta không còn cảm thấy buồn cầu nguyện, hoặc lời cầu nguyện của ta trống rỗng và nghèo nàn bởi vì tình yêu Thiên Chúa của ta quá yếu. Thay vào đó, Đức Giêsu muốn một lời cầu nguyện chân thành và sống động như một cuộc nói chuyện cá nhân thân tình với Cha.
Một cách tốt để hoàn thành điều này là hãy yêu người gần bên, thấy Đức Giêsu ở trong họ. Thật vậy, tình mến Chúa và yêu người nối kết với nhau: càng mến Chúa thì càng yêu người, càng yêu người thì càng mến Chúa. Ta càng yêu tha nhân thì tình yêu của Chúa càng thấm sâu trong ta. Đây là một kinh nghiệm mà tất cả chúng ta đều có thể có. Khi ta lớn mạnh trong tình yêu Chúa, ta còn có thể truyện trò với Người một cách tự phát và lời cầu nguyện của ta trở nên chân thực. Lẽ tự nhiên, luôn luôn có một điều gì đó có thể quấy rối ta khi ta cầu nguyện, ta cần nhớ lại điều đó khi ta cầu nguyện và phải chiến đấu chống lại sự chia trí.
Qua những cách này, cầu nguyện sẽ tìm thấy đúng chỗ của mình: cầu nguyện sẽ trở nên như bầu không khí cho tâm hồn ta được thở. Cầu nguyện sẽ trở thành nền tảng cho cả cuộc đời của ta và cuộc sống thường ngày của ta. Trên cơ sở này ta sẽ có thể xây dựng được một điều gì đó thực sự có giá trị.
Chiara Lubich
Đan Quang Tâm dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét