Tháng 10 năm 1135, vua nước Pháp, Louis VI-le-Gros, bất ngờ lâm trọng bệnh. Vốn sẵn có lòng đạo đức sâu xa, nhà vua can đảm chịu bệnh cách anh hùng. Nhà vua bày tỏ ước muốn về Đan Viện Biển Đức Saint-Denis – nằm sát vòng đai thủ đô Paris – để lột bỏ vương-miện và khoác tu phục Biển-Đức. Nhưng cơn bệnh lúc đầu tưởng thoát khỏi nào ngờ trở thành hiểm nghèo. Và dĩ nhiên nhà vua không thể thực hiện ước nguyện. Ít lâu sau, các bác sĩ hoàng gia đồng thanh tuyên bố bệnh tình nhà vua tới hồi nguy kịch, vô phương chữa trị.
Khi nghe các bác sĩ tuyên án tử, vua Louis-le-Gros liền qui tụ một số rất đông các Giám Mục, Tu Viện Trưởng và Linh Mục. Rồi trước sự hiện diện của Các Vị nhà vua công khai xưng thú mọi lỗi lầm. Sau đó nhà vua xin rước Mình và Máu Thánh Đức Chúa Giêsu Kitô. Trong lúc chờ đợi Mình Thánh Chúa mang đến như Của-Ăn-Đàng, vua Louis-le-Gros bỗng đột nhiên đứng lên tự vận y phục. Nhưng vì còn quá yếu nên nhà vua bảo hai người hầu đi đỡ hai bên. Khi vị Linh Mục mang Mình Thánh Chúa đến, nhà vua tiến ra tiếp đón.
Trước Mình Máu Thánh Chúa, nhà vua cung kính quì gối sấp mình thờ lạy. Xong, trước sự hiện diện của hàng giáo sĩ và các quan đại thần, nhà vua chính thức từ chức, nhường ngôi cho thái tử. Nhà vua rút nhẫn đeo vào tay thái tử là Louis VII-le-Jeune (1120/1137-1180). Nhà vua tuyên bố phân phát cho người nghèo trọn của cải cùng mọi vật dụng châu báu bằng vàng bằng bạc. Riêng những gì quí giá trang hoàng nguyện đường hoàng cung, nhà vua quyết định dâng cúng cho Đan viện Biển Đức Saint-Denis. Sau khi từ bỏ chức tước cao trọng cùng mọi của cải sang giàu trên trần gian vua Louis-le-Gros long trọng tuyên xưng Đức Tin Công Giáo vào Đức Chúa Giêsu Thánh Thể:
Con, Louis kẻ tội lỗi, xin tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất, chân thật là Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Con tin rằng một trong Ba Ngôi là Thiên Chúa Con, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời và đồng bản tính với Đức Chúa Cha, Người đã nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, đã chịu khổ hình, chịu chết và sống lại .. Trong Thánh Thể đây có thân xác đích thật của Đức Chúa Giêsu Kitô, thân xác sinh ra từ Đức Nữ Trinh Rất Thánh Maria. Bửu Huyết Chúa đây, con tin vững vàng rằng Bửu Huyết này cũng cùng Máu Thánh chảy ra từ cạnh sườn Chúa, khi Chúa bị treo trên Thánh Giá. Con xin tuyên xưng điều này từ chính miệng và trái tim con. Con nồng nhiệt ao ước Mình Máu Thánh Chúa con sắp được hồng phúc rước lấy sẽ ban sức mạnh cho con tiến qua bên kia thế giới, thoát hẳn mọi quyền lực đen tối âm phủ ..
Mọi người có mặt đều cảm động trước thái độ cung kính cùng lời tuyên xưng Đức Tin của vua Louis-le-Gros đối với sự hiện diện đích thật của Đức Chúa Giêsu Kitô trong Bí Tích Thánh Thể. Chưa bao giờ hình ảnh nhà vua lại cao cả lớn lao như chính lúc nhà vua khiêm tốn sấp mình thờ lạy Mình Máu Thánh Đức Chúa Giêsu Kitô.
Sau khi công khai xưng thú tội lỗi một lần nữa, vua Louis-le-Gros sốt sắng lãnh Mình Máu Thánh Chúa. Lạ lùng thay, vừa khi Mình Thánh Chúa vừa chạm vào môi, nhà vua tức khắc cảm thấy khoẻ hẳn. Nhà vua tự bước trở về phòng mà không cần 2 người hầu đi đỡ hai bên. Nhà vua cởi bỏ mọi tiện nghi cùng những trang hoàng lộng lẫy, rồi nằm nghỉ trên một tấm chăn trắng thường, rất đơn sơ.
Vừa lúc bình phục, nhà vua tức khắc đi Paris. Trên đường, dân chúng đứng chờ hai bên và đón tiếp nhà vua thật nồng hậu. Nhà vua đi thẳng đến Đan Viện Biển Đức Saint-Denis. Nơi đây, nhà vua dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho mình không biết bao nhiêu ơn lành trọng đại.
Vua Louis-le-Gros sống tốt lành thánh thiện cho đến lúc Chúa gọi về với Ngài ngày 1-8-1137, sau 57 tuổi thọ.
… “Con ơi, đã trót phạm tội thì đừng phạm nữa! Hãy xin ơn tha thứ những tội con đã phạm. Con hãy tránh tội như tránh rắn, vì nếu con tới gần, nó sẽ cắn con. Răng nó khác nào răng sư tử, cướp mạng sống con người. Vi phạm Lề Luật bao giờ cũng là gươm hai lưỡi, gây ra vết thương không tài nào chữa trị .. Ai tuân giữ Lề Luật sẽ điều khiển được tâm tư. Khôn ngoan là hết lòng kính sợ Thiên Chúa” (Sách Huấn Ca 21,1-3+11).
(P. Eugène Couet, “Les Miracles Historiques du Saint Sacrement, Éditions D.F.T, Réédition)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét