Bạn thân mến,
Có bao giờ bạn chúc lành cho ai chưa? Chắc chắn là có, phải không? Cho những đôi tân hôn, bạn chúc họ được trăm năm hạnh phúc. Cho người ốm đau bệnh hoạn, bạn chúc họ được chóng bình phục. Cho những ai mới bước vào thương trường, bạn chúc họ làm ăn phát đạt. Cho những bà mẹ sắp sanh con, bạn chúc họ được mẹ tròn con vuông, và còn nhiều nữa. Tất cả những lời chúc lành của bạn, lời chúc nào cũng rất tốt đẹp, mang đầy thiện ý.
Nhưng có bao giờ bạn chúc ai điều gì mà rồi mọi chuyện xảy ra đúng như lời bạn chúc và vì lời bạn chúc chưa? Tôi nghĩ là chưa bao giờ, bạn đồng ý chứ? Nếu như bạn chúc một người nào đó được giàu sang phú quý; hai mươi năm sau người ấy trở nên giàu sang đúng như lời bạn chúc; bạn có nghĩ là người ấy được như vậy là vì, hay nhờ ở lời chúc của bạn không? Nhất định là không! Người này được trở nên giàu sang đúng như lời bạn chúc, nhưng không phải là vì, cũng không nhờ ở, mà cũng chẳng phải là do lời chúc của bạn. Nói trắng ra, lời chúc của bạn không có liên quan gì đến chuyện được sang giàu của người này mà chỉ là một sự trùng hợp. Thành ra, giá trị lời chúc của tôi và của bạn, có chăng, chỉ là những lời văn hoa bóng bảy mà chúng ta dùng để làm hài lòng nhau; để tỏ ra chúng ta là người biết điều, biết dùng lời lẽ cho thích hợp với hoàn cảnh; chứ cái chuyện chúng ta ‘chúc gì nên nấy’ thì không có đâu bạn ạ. Từ sự thật không thể phủ nhận được này, chắc bạn đồng ý với tôi là giá trị lời chúc, lời nói của tôi, của bạn, của bất cứ ai chính là sự thành hay không thành của những gì thốt ra từ miệng người ấy. Vì vậy, giá trị lời chúc của chúng ta chỉ là ‘lời chúc’.
Nhưng giá trị lời chúc của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác. Vì Thiên Chúa là Ngôi Lời nên mọi lời từ miệng Người phán ra đều trở nên như Người phán. Cho nên khi Thiên Chúa chúc lành cho cỏ cây, chim trời cá nước và các sinh vật khác, Sáng Thế Ký chương 1 câu 22: “Hãy sinh sôi nảy nở, hãy trở nên đông đúc dẫy đầy, và hãy tràn ngập biển cả; hỡi chim trời hãy tràn lan khắp cùng bờ cõi trái đất.” thì tất cả đều xảy ra đúng như vậy. Ôi, lạ lùng biết là dường nào! Có chúa nào khác, có thần thánh nào khác làm được những điều lạ lùng như Thiên Chúa chúng ta làm không? Lạ lùng hơn nữa là sau khi tạo dựng chúng ta, bằng lời từ miệng Người, Thiên Chúa lại ban cho chúng ta quyền hành trên tất cả các sinh vật này, Sáng Thế Ký chương 1 câu 26: “...để cho chúng có quyền hành trên mọi ngư sinh trong lòng biển, trên chim trời của không gian; trên mọi súc vật, trên toàn cõi trái đất, và trên các sinh vật bò được trên trái đất.” Và mọi chuyện cũng xảy ra đúng như vậy!
Chúng ta là sinh vật duy nhất có thể xử dụng, huấn luyện, sai khiến, và được có mọi quyền hành trên các sinh vật khác. Chưa hết đâu bạn ạ! Sau khi tạo dựng và ban cho chúng ta quyền hành trên các sinh vật khác, Thiên Chúa còn chúc lành cho chúng ta nữa, Sáng Thế Ký chương 1 câu 28: “Hãy sinh sôi nảy nở và hãy trở nên đông đúc dẫy đầy; hãy lan tràn khắp cùng bờ cõi trái đất và hãy chinh phục địa cầu.” Và rồi, bạn có biết không, mọi chuyện cũng xảy ra đúng y như vậy! Bạn thấy chưa, Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết là dường nào! Trước khi tạo dựng chúng ta, Người đã tạo dựng các sinh vật khác cho chúng ta, để chúng ta được có quyền hành trên chúng, đặt chúng ta vào địa vị được cai quản chúng và địa cầu của Người. Chẳng những thế, Người còn nuôi dưỡng chúng ta nữa, Sáng Thế Ký chương 1 câu 29: “Hãy nhìn mà xem, mọi cỏ cây hoa trái trên khắp hoàn cầu cùng với mầm hạt của chúng, Ta ban hết cho ngươi để ngươi làm của ăn;” (“See, I give you every seed-bearing plant all over the earth and every tree that has seed-bearing fruit on it to be your food;”) Ôi! Có cha mẹ nào yêu thương con cái mình cho bằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta không? Có cha mẹ nào làm được cho con cái mình những điều mà Thiên Chúa làm cho chúng ta không? Bạn đọc Kinh Thánh đi, bạn sẽ nhận ra được tình yêu vô tận mà Thiên Chúa dành cho bạn qua mọi việc Người làm.
Bạn thân mến, đến đây, kể cả những gì tôi đã chia xẻ với bạn, tôi chắc chắn bạn đã nhận ra là tất cả những gì Thiên Chúa làm cho chúng ta, qua công trình tác tạo của Người, Người đều làm chỉ vì Yêu.
Vì yêu mà Thiên Chúa tạo dựng chúng ta. Vì yêu mà Thiên Chúa tạo dựng chúng ta nên như hình ảnh Người. Vì yêu nên Thiên Chúa tạo dựng cỏ cây, chim muông cầm thú, và các sinh vật khác cho chúng ta. Vì yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta được mọi quyền hành trên các sinh vật khác. Vì yêu nên Thiên Chúa chúc phúc cho chúng ta và đặt chúng ta vào địa vị được làm chủ; được chinh phục mọi sinh vật khác và địa cầu của Người. Và cũng chỉ vì yêu mà Thiên Chúa dưỡng nuôi chúng ta. Tại sao Thiên Chúa lại làm tất cả chỉ vì yêu? Thưa tại vì Thiên Chúa là Tình Yêu, và vì là Tình Yêu nên mọi việc Người làm, Người đều làm vì yêu.
Thánh Phao Lô cảm nhận được điều này cách sâu xa; ngài đã phải bàng hoàng khi ánh sáng tình yêu Thiên Chúa bừng cháy trong tâm trí ngài; đã phải ngây ngất khi cảm nhận được sự êm ái ngọt ngào khôn tả của tình yêu Thiên Chúa. Ngài hiểu được cách rõ ràng là không có gì cao quý hơn tình yêu đến độ ngài đã phải thốt lên: (1) Nếu tôi nói được mọi ngôn ngữ của cả nhân loại và của cả các thiên thần, nhưng thiếu đức ái, thì tôi chỉ là tiếng phèng la ồn ào hay tiếng gòòng inh ỏi. (2) Và nếu tôi được ơn nói tiên tri, hiểu được mọi mầu nhiệm, có được mọi hiểu biết, và nếu tôi có đức tin đủ để chuyển dời núi non, nhưng không có đức ái, thì tôi chẳng là gì cả. (3) Nếu tôi cho đi tất cả những gì tôi có, hiến dâng thân mình cho lửa thiêu đốt, nhưng không có đức ái, thì tôi cũng chẳng được gì. Trích thư thứ nhất của Thánh Phao Lô gởi tín hữu Cô Rinh Tô chương 13:1-3. Bạn thấy chưa, yêu là một thuộc tính (attribute) cao trọng nhất của Thiên Chúa. Nhưng yêu thì phải có đối tượng, đúng không bạn? Chính vì yêu thì phải có đối tượng nên Thiên Chúa mới tạo dựng Bà Evà; Người biết ông Adong ở môt mình không tốt. Sáng Thế Ký chương 2 câu 18 Thiên Chúa nói: “Người đàn ông ở một mình không tốt. Ta sẽ tạo cho nó một cộng sự viên xứng hợp.” (“It’s not good for the man to be alone. I will make a suitable partner for him.”)
Nhưng trước khi tạo dựng Bà Evà, tạo dựng một cộng sự viên xứng hợp, một đối tượng tình yêu cho Ông Adong, Thiên Chúa còn làm một việc rất quan trọng nữa mà chúng ta ít người để ý, đó là Người làm cho Ông Adong nhận ra là ông còn thiếu, chưa có đối tượng tình yêu, và Người khởi động khả năng yêu thương của ông. Thiên Chúa làm gì? Thiên Chúa cho ông được đặt tên tất cả các con vật mà Người đã tạo dựng. Ðặt tên nghĩa là gì? Chuyện đặt tên các sinh vật khác khởi động khả năng yêu thương của Ông Adong như thế nào?
Nếu bạn mở một công ty thương mãi thì, tất nhiên, bạn là người hoàn toàn có quyền đặt tên cho công ty của mình. Ðặt tên ở đây nói lên quyền sở hữu và mọi quyền hành liên quan khác. Nếu bạn chế tạo được một sản phẩm hay phát minh ra một sáng chế nào; bạn cũng là người có quyền đặt tên cho sản phẩm hay phát minh của bạn. Ðặt tên ở đây nói lên danh dự, tài năng, tên tuổi. Nếu bạn nuôi một con vật, bạn cũng là người có quyền đặt tên cho con vật đó; đặt tên để bạn có thể kêu gọi, sai khiến. Ðặt tên, trong trường hợp này, nói lên quyền uy tối thượng mà bạn có thể có được trên một sinh vật khác. Ðặc biệt nhất là khi bạn đặt tên cho con của bạn. Ý nghĩa của sự đặt tên trong trường hợp này chẳng những gần như bao gồm tất cả những ý nghĩa mà tôi vừa nêu ra, mà còn gồm cả trách nhiệm, nhất là tình yêu giữa cha mẹ với con cái. Tóm lại, đặt tên là hành động hàm chứa mọi quyền hành, tâm tình, liên hệ mà chúng ta có thể có được trong sự tương quan giữa chúng ta với vật hay người mà chúng ta đặt tên.
Có thể nói khi đặt tên là lúc chúng ta tuyên bố vật này hay người này là của tôi, thuộc về tôi, liên quan với tôi, hay nằm trong quyền hạn của tôi. Ý nghĩa của hành động đặt tên là như vậy. Rất quan trọng! Chính vì hành động đặt tên mang những ý nghĩa quan trọng như vậy, khi Chúa chọn ai cho một sứ vụ đặc biệt nào thì Người đặt cho người đó một cái tên mới. Khi Chúa chọn Abram làm tổ phụ mọi dân tộc của Chúa, Người đặt tên cho ông là Abraham. Khi Chúa chọn Ông Simon làm đầu Hội Thánh, Người đặt tên ông là Peter, v.v. Bạn thấy đặt tên là hành động mang ý nghĩa quan trọng đến như thế nào chưa? Quan trọng đến độ khi ban con một của mình xuống thế làm người để cứu chuộc chúng ta thì chính Thiên Chúa Cha đã đặt tên cho Chúa Giêsu. Luca chương 1 câu 31: Gabriel chuyển lời của Chúa Cha đến với Trinh Nữ Maria như sau: “Và này, Bà sẽ mang thai và sẽ sanh con trai; Bà sẽ đặt tên Người là Giêsu.” Chúa Cha giữ quyền đặt tên này cho chính Người vì không một một đấng thánh nào khác, chứ đừng nói tới người thế gian, có được bất cứ một quyền hành đương nhiên nào trên Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta, các vĩ nhân, các hiền triết, ai ai cũng có người đặt cho mình một cái tên.
Còn nữa! Bạn có nhớ Chúa Giêsu nói gì về Thánh Gioan Tẩy Giả không? Luca chương 7 câu 28: “Ta nói cho các ngươi biết, trong số những người được sinh ra bởi người nữ, không có ai cao trọng hơn Gioan;...” Tại sao vậy? Thưa vì Thánh Gioan Tẩy Giả là người được chính Thiên Chúa đặt tên. Luca chương 1 câu 13 thiên thần Chúa nói với Zechariah: “Ðừng sợ, hỡi Zechariah, vì lời cầu xin của ông đã được Thiên Chúa nhận lời. Vợ của ông là Elizabeth sẽ sanh một con trai và ông sẽ đặt tên cho con trẻ là Gioan.” Có vậy thôi đó bạn ạ! Nhưng xin bạn đừng quên là khi đặt tên cho Thánh Gioan thì Thiên Chúa đã chọn ngài cho một sứ vụ đặc biệt; sứ vụ đó là đi trước Chúa Giêsu. Ði trước Chúa Giêsu nghĩa là gì? Nghĩa là “Tiền Hô” đó! Nhưng giải thích như thế này thì thật không có diễn tả được một chút nào tầm mức quan trọng vai trò của Thánh Gioan hết. Bạn có thấy một tổng thống, một nguyên thủ quốc gia, hay một vị vua đi duyệt đoàn quân danh dự chưa? Ai là người đi trước vị tổng thống, vị nguyên thủ, hay vị vua này vậy? Tùy theo thể chế, nhưng người này phải là quan nhất phẩm triều đình, phải là một tướng lãnh quyền uy danh tiếng trong nước, hay phải là cận thần đáng tin tưởng nhất với vị tổng thống, vị nguyên thủ, hay vị vua đó. Chúa Giêsu là Vua! Thánh Gioan Tẩy Giả chính là vị quan thân cận nhất được chọn để đi trước Chúa Giêsu. Bây giờ thì bạn thấy tại sao tất cả những ai được sinh ra bởi người nữ, không ai cao trọng hơn Thánh Gioan rồi phải không? Nếu bạn muốn rao giảng Lời Chúa, bạn nên cầu xin Thánh Gioan Tẩy Giả cầu bầu, đi trước dẫn đường cho bạn.
Ðó là những ý nghĩa được gói ghém trong hành động đặt tên. Hành động đặt tên khởi động khả năng yêu thương của Ông Adong là như thế này. Thiên Chúa đem tất cả các con vật, từng con một, đến cho Ông Adong đặt tên. Người làm như vậy là, như vừa nói ở trên, để cho Ông Adong biết là ông được có mọi quyền hành trên chúng. Quan trọng hơn nữa là để ông tìm lấy một cộng sự viên xứng hợp. Rất tiếc ông đã không tìm được! Kinh Thánh nói rất rõ về điểm này, Sáng Thế Ký chương 2 câu 20: “Ông đặt tên cho mọi súc vật, tất cả chim trời, và hết mọi dã thú; nhưng không con nào chứng tỏ nó có thể là cộng sự viên xứng hợp với ông được.” (“The man gave names to all the cattle, all the birds of the air, and all the wild animals; but NONE PROVED TO BE the suitable partner for the man.”) Thành ra khi ông đặt tên cho con vật sau cùng thì cũng là lúc ông thấy mình lẻ loi. Khi con vật sau cùng nhân tên của nó thì ông nhận ra là ông ‘không giống ai hết’. Ông cũng thấy rõ là tất cả các giống vật khác, con nào cũng có đôi, có bạn đồng giống, chỉ riêng ông là có một mình vì không con nào chứng tỏ nó có thể là cộng sự viên xứng hợp với ông được. Thế là khả năng yêu thương mà Thiên Chúa thổi vào ông tự nhiên trở nên sống động. Ông ước ao được có bạn, được có đối tượng tình yêu. Thiên Chúa biết rõ như vậy. Người đợi cho lòng ao ước có được đối tượng tình yêu của ông lên đến điểm cao tột cùng; lúc ấy Người mới tác tạo bà Evà. Tạ ơn Chúa!
Thiên Chúa tác tạo Bà Evà như thế nào? Thiên Chúa lấy một cái xương sườn của ông Adong mà tạo nên Bà Evà. Sáng Thế Ký chương 2, câu 22: “Rồi thì Thiên Chúa lấy cái xương sườn Người đã lấy từ người nam mà dựng nên một người nữ.” (The Lord God then built up into a woman the rib that he had taken from the man...”) Nhưng tại sao Thiên Chúa không tác tạo Bà Evà từ một cục đất sét như Người đã tác tạo Ông Adong? Thưa là bởi vì, thứ nhất, nếu Thiên Chúa đã tác tạo Bà Evà từ một cục đất sét khác thì Bà Evà đã là một thụ tạo mới, một thụ tạo khác, hoàn toàn độc lập, không có dính dáng gì tới Ông Adong, giống như trâu với bò là hai thụ tạo khác nhau vậy, và như thế thì Bà Evà không thể là cộng sự viên xứng hợp với Ông Adong được. Thứ hai, nếu Thiên Chúa đã tác tạo Bà Evà từ một cục đất sét khác, thì Thiên Chúa lại phải thổi hơi của Người vào bà để bà có sự sống; tức là Thiên Chúa tạo dựng con người từng người một. Và nếu Thiên Chúa tạo dựng con người từng người một thì không có chúng ta vì sau khi tạo dựng Ông Adong và Bà Evà thì Người đã nghỉ mất rồi. Nhưng Thiên Chúa đã không làm như vậy. Người tạo dựng Bà Evà từ Ông Adong để cho hai ông bà, tuy là hai người nhưng vẫn chỉ là một thụ tạo, có cùng một chất thể, một sự sống. Nhờ thế Bà Evà mới là cộng sự viên xứng hợp với Ông Adong được.
Nhưng tại sao việc Bà Evà là cộng sự viên xứng hợp với Ông Adong lại quan trọng như vậy? Thưa vì Bà Evà có là cộng sự viên xứng hợp với Ông Adong thì Thiên Chúa mới phối hợp hai người nên một, nên vợ chồng được. Tương tự như khi muốn thay thế tim, gan, thận hay một bộ phận nào khác thì bác sĩ phải có bộ phận để thay thế xứng hợp với bộ phân được thay thế vậy. Thành ra khi tác tạo Bà Evà rồi đem bà đến cho Ông Adong thì cũng là lúc Thiên Chúa thiết lập hôn nhân, kết hợp vợ chồng. Việc làm này là của Thiên Chúa nên con người không được phân ly. Người thiết lập hôn nhân, kết hợp vợ chồng để làm gì? Ðể ban cho chúng ta một hồng ân nữa-hồng ân được trao ban sự sống. Nhờ đó, chúng ta có thể thực thi ý Chúa mà làm cho lời chúc lành “Hãy sinh sôi nảy nở...” của Người nên trọn.
Bạn thân mến, trong những lá thư trước, tôi đã chia xẻ với bạn nhiều việc lạ lùng mà Thiên Chúa làm cho chúng ta. Trong lá thư này, tôi vừa chia xẻ với bạn một việc lạ lùng nữa của Thiên Chúa; đó là sự kết hợp hai người, một nam một nữ, cho nên một, nên vợ chồng. Tôi cũng đã nói đến một hồng ân rất cao cả mà Thiên Chúa ban cho chúng ta - hồng ân được tạo dựng nên như hình ảnh Thiên Chúa. Tôi nhắc lại hồng ân này ở đây vì cùng với hồng ân được trao ban sự sống mà tôi vừa nói đến ở trên; hai hồng ân này bổ túc cho nhau, kết hợp với nhau, làm cho nhau nên trọn. Vì thế, khi được tạo dựng nên như hình ảnh Thiên Chúa, là lúc chúng ta được trở nên như con cái Thiên Chúa. Khi chọn đời sống hôn nhân, là lúc chúng ta chọn được thông phần vào chương trình tạo dựng và trao ban sự sống; tức là chúng ta chọn làm vai trò của con cái trong nhiệm vụ nối dõi tông đường. Chúng ta chỉ cần nhìn vào gia đình của chính chúng ta hay một gia đình nào khác là chúng ta sẽ thấy ngay được cách rất rõ rệt hai hồng ân này. Bạn có nhìn thấy không? Chỉ có con cái mới mang hình ảnh của bố mẹ. Chỉ có con cái mới là những người được và có thể tiếp tục trao ban sự sống từ cha mẹ mình. Ðây là một sự an bài tuyệt vời trong yêu thương của Thiên Chúa vì chúng ta ai cũng biết là cha mẹ thì yêu thương con cái mình. Từ đó, chúng ta mới có thể nhìn ra, và cảm nhận được tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Bạn thân mến, đến đây thì Thiên Chúa đã đem Bà Evà đến cho Ông Adong, và công cuộc tạo dựng của Người đã hoàn tất. Người nghỉ ngơi và đó là ngày thứ bảy. Thế còn Ông Adong và Bà Evà thì sao? Khi thấy Bà Evà thì ông Adong mừng rỡ reo lên, Sáng Thế Ký chương 2 câu 23: “Ðây rồi! Người này là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi;...” Không một con vật nào khác là xương bởi xương, thịt bởi thịt Ông Adong hết, nên không con nào chứng tỏ nó có thể là cộng sự viên xứng hợp với ông được. Như vậy xương bởi xương, thịt bởi thịt cũng có nghĩa là xứng hợp với nhau. Nên nhớ là hai ông bà xứng hợp với nhau, chứ không giống nhau. Nhờ xứng hợp với nhau mà hai ông bà sống hạnh phúc bên nhau trong ơn nghĩa Chúa. Sự hạnh phúc, đời sống an bình của hai ông bà được diễn tả theo Sáng Thế Ký chương 2 trong chỉ có một câu 25: “Người đàn ông và vợ mình đều trần truồng, nhưng họ không cảm thấy xấu hổ.” Họ trần truồng vì cả hai đều còn vô tội nên họ không có gì phải che dấu. Vì vô tội nên không có hậu quả của tội lỗi, tức không có đau khổ. Họ không xấu hổ vì vẻ đẹp hình ảnh Thiên Chúa trong họ chưa bị tội lỗi làm cho lu mờ. Và vì đẹp đẽ như hình ảnh Thiên Chúa nên họ hoan hỉ phô bày vẻ đẹp của mình. Hai ông bà sống hạnh phúc bên nhau trong ơn nghĩa Chúa là như vậy. Rất tiếc tình trạng vô tội của hai ông bà chỉ tồn tại đến lúc họ phạm tôi bất tuân. Từ đó con người bắt đầu cuộc hành trình trong tội lỗi.
Tại sao hai ông bà phạm tội? Hậu quả của tội lỗi trầm trọng đến như thế nào? Ðây là những điều mà tôi sẽ chia xẻ với bạn trong lá thư tới. Bây giờ tôi xin tạm ngưng, nhưng xin bạn tiếp tục cầu nguyện, nhất là tiếp tục học hỏi Lời Chúa. Hãy bớt đi chút ít những lo lắng của cuộc đời vì chúng ta còn sống bằng lời từ miệng Thiên Chúa phán ra.
Viết xong tại Charlotte, NC ngày 28 tháng 6, năm 2012
Ðể thân tặng các song nguyền (anh chị) trong
Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Ðình
Giuse Phạm Văn Tuyến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét